Bản tin thời sự sáng 8/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là mưa lớn gây chết người, gián đoạn đường sắt, phá hủy nhiều tài sản tại Yên Bái; thêm phương án địa điểm xây dựng sân bay thứ hai ở Thủ đô; Khánh Hòa thu hút hơn 2,6 tỷ USD vốn đầu tư từ Nhật Bản; nghiên cứu cấm xe máy qua cầu vượt ở cửa ngõ Tân Sơn Nhất…

Mưa lớn gây chết người, gián đoạn đường sắt, phá hủy nhiều tài sản tại Yên Bái

Mưa lớn diện rộng từ ngày 6 - 7/10 đã gây ngập lụt nhiều tuyến đường, hàng chục ngôi nhà cùng diện tích lớn lúa, hoa màu và vật nuôi của người dân bị ảnh hưởng. Đặc biệt, tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai cũng phải tạm dừng hoạt động.

Tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai bị sạt lở, phải tạm dừng hoạt động

Tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai bị sạt lở, phải tạm dừng hoạt động

Theo thông tin cập nhật đến 17h ngày 7/10, mưa lớn diện rộng khiến đất đá sạt lở làm 2 vợ chồng cùng trú thôn Gốc Nhội, xã Yên Thái, huyện Văn Yên bị vùi lấp tử vong.

Khoảng 379 ngôi nhà trên địa bàn Tỉnh bị thiệt hại, trong đó có 1 nhà bị cuốn trôi hoàn toàn, 5 nhà phải di dời khỏi khu vực nguy hiểm, hơn 300 nhà khác bị ngập và cuốn trôi gây hư hỏng nhiều đồ đạc.

Theo ước tính, tỉnh Yên Bái có hơn 90 ha diện tích nông nghiệp bị thiệt hại, ảnh hưởng, nhiều ha cây trồng, hoa màu bị ngập trong nước, tập trung chủ yếu tại các huyện Văn Yên, Trấn Yên. Ngoài ra, có khoảng 41,4 ha diện tích các ao nuôi trồng thủy sản bị tràn, vỡ bờ cùng hàng chục con gia súc, gia cầm bị chết.

Tại huyện Văn Yên, tuyến Tỉnh lộ 163 bị sạt lở 2.100 m3 đất đá, tuyến đường Yên Thái - Ngòi A - Quang Minh - An Bình có hơn 20 điểm sạt lở ta luy dương và cây đổ, ước tổng khối lượng sạt lở 9.000 m3. Mưa lũ cũng cuốn trôi 2 cây cầu tại xã Yên Thái…

Mưa lớn cũng làm sạt lở taluy âm hệ thống đường sắt, có đoạn bị sạt lở dài khoảng 30 m, dưới nền đường sắt khiến tàu chạy tuyến Hà Nội - Lào Cai phải tạm dừng. Hiện lực lượng chức năng đang huy động nhân lực tiến hành khắc phục trong thời gian sớm nhất để tuyến đường sắt lưu thông trở lại.

Bên cạnh đó, đường dây trung áp bị nghiêng, nguy cơ sạt lở 2 cột tại xã Yên Thái, huyện Văn Yên. Hư hỏng hoàn toàn dây dẫn cáp CXV-Cu/XLPE/PVC 1x50 từ khoảng cột 36-7 đến 36-10 sau DCL 378-7/36-1 Đô thị YB2. Ước tính thiệt hại ban đầu khoảng 5,4 tỷ đồng.

Thêm phương án địa điểm xây dựng sân bay thứ hai ở Thủ đô

Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội bổ sung phương án sân bay thứ hai của Thủ đô ở phía Bắc trục cao tốc Tây Bắc - Quốc lộ 5, thuộc 5 xã của hai huyện Phú Xuyên và Ứng Hòa.

Hai phương án xây dựng sân bay thứ hai ở phía Nam Thủ đô (phương án 2A và 2B)

Hai phương án xây dựng sân bay thứ hai ở phía Nam Thủ đô (phương án 2A và 2B)

Thông tin trên được nêu tại Hội nghị tham vấn định hướng Đồ án Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Theo đó, ngoài phương án địa điểm sân bay đã được HĐND Thành phố thông qua chủ trương vào tháng 7, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội (đơn vị chủ trì điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô) đưa ra thêm phương án sân bay thứ hai ở phía Nam.

Cụ thể, vị trí đề xuất xây sân bay thứ hai nằm ở phía Bắc của trục cao tốc Tây Bắc - Quốc lộ 5, thuộc các xã Tân Dân, Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên) và Đồng Tân, Minh Đức, Trung Tú, huyện Ứng Hòa (phương án 2A). Khu vực dự kiến xây dựng sân bay thứ hai có diện tích chiếm đất khoảng 1.700 ha.

Phương án 2A có vị trí gần trùng với phương án 2B (địa điểm tại xã Đồng Tân, Minh Đức, Trầm Lộng, Kim Đường, Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa) đã được trình HĐND Thành phố trước đó. Do vậy, cả hai phương án đều có ưu, nhược điểm. Vị trí theo phương án 2A hoặc 2B đều nằm trên trục không gian phía Nam, giúp kết nối đô thị trung tâm; liên kết đô thị vệ tinh Phú Xuyên là đô thị công nghiệp, đầu mối giao thông và trung chuyển hàng hóa, tạo động lực phát triển khu vực phía Nam.

Tuy nhiên, nếu xây ở địa điểm trên cần nâng đường trục kinh tế phía Nam lên đường cao tốc để phục vụ kết nối sân bay thứ hai và bổ sung thêm tuyến đường sắt đô thị kết nối từ ga Hà Đông đến sân bay (khoảng 32 km). Bên cạnh đó, việc làm sân bay có thể gây ảnh hưởng tiếng ồn đến quần thể Khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Hương Sơn (chùa Hương).

Khánh Hòa thu hút hơn 2,6 tỷ USD vốn đầu tư từ Nhật Bản

Khánh Hòa đã thu hút được 6 dự án đầu tư từ Nhật Bản với tổng vốn đăng ký hơn 2,6 tỷ USD, chiếm gần 70% tổng vốn ngoại đầu tư vào địa phương này.

Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 do Tập đoàn Sumitomo Corporation (Nhật Bản) làm Chủ đầu tư

Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 do Tập đoàn Sumitomo Corporation (Nhật Bản) làm Chủ đầu tư

Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Khánh Hòa - Nhật Bản, ngày 7/10, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân cho biết, đối với dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Khánh Hòa đã thu hút được 111 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 3,8 tỷ USD. Trong đó có 6 dự án từ Nhật Bản với tổng vốn đăng ký khoảng 2,6 tỷ USD, chiếm gần 70% tổng vốn FDI. Hiện Nhật Bản là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Khánh Hòa.

Người đứng đầu Tỉnh cho biết, Khánh Hòa cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư thực hiện thành công dự án và đảm bảo phát triển bền vững trong tương lai.

Tỉnh Khánh Hòa đang triển khai trang bị hạ tầng cho Khu kinh tế Vân Phong và các dự án cao tốc. Trên địa bàn Tỉnh có tuyến Quốc lộ 1A chạy qua, cảng quốc tế Cam Ranh với công suất vận chuyển hành khách đứng thứ 4 tại Việt Nam và các cảng nước sâu.

Petrovietnam thu 2,9 tỷ USD từ các dự án đầu tư ra nước ngoài

Số tiền thu hồi từ các dự án đầu tư ra nước ngoài của Petrovietnam chiếm 71,09% tổng số tiền đã thu hồi của khối doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Dự án dầu khí của Petrovietnam tại mỏ Bir Seba - biểu tượng hợp tác Việt Nam - Algeria

Dự án dầu khí của Petrovietnam tại mỏ Bir Seba - biểu tượng hợp tác Việt Nam - Algeria

Báo cáo Chính phủ gửi Quốc hội cho biết, đến cuối năm 2022, có 30 doanh nghiệp nhà nước đầu tư ra nước ngoài trực tiếp hoặc gián tiếp qua các công ty con cấp 1 và 2. Tổng vốn các đơn vị này đã rót ra nước ngoài khoảng 6,62 tỷ USD.

Về tình hình thu hồi vốn đầu tư ra nước ngoài, báo cáo cho biết, lũy kế đến ngày 31/12, có 72 dự án đầu tư ra nước ngoài của 16 doanh nghiệp đã phát sinh các khoản thu hồi với tổng số tiền lũy kế hơn 4 tỷ USD. Trong đó, 1,9 tỷ USD lợi nhuận được chuyển về nước.

Đáng chú ý, Petrovietnam là doanh nghiệp có số tiền thu hồi lớn nhất với 2,9 tỷ USD, chiếm 71,09% tổng số tiền đã thu hồi của khối doanh nghiệp có vốn nhà nước. Số tiền này đã bao gồm lợi nhuận chuyển về nước là hơn 1,1 tỷ USD, thu gốc và lãi vay từ cho vay cổ đông là 549,12 triệu USD, thu hồi khác là 1.171,63 triệu USD.

Năm 2022, Việt Nam thu về 1,9 tỷ USD lợi nhuận từ các dự án đầu tư nước ngoài. Trong đó, Petrovietnam tiếp tục dẫn đầu với số lợi nhuận chuyển về nước đạt hơn 1,1 tỷ USD.

Đánh giá về kết quả sản xuất kinh doanh của các dự án đầu tư ra nước ngoài, báo cáo của Chính phủ nhận định, nhiều dự án có chuyển biến tích cực về doanh thu, tuy nhiên lợi nhuận vẫn giảm do chưa sử dụng chi phí hiệu quả. Dự án Thăm dò khai thác dầu khí 4 lô tại Nhenhexky (Nga) của Petrovietnam là một trong số ít dự án ghi nhận hiệu quả, doanh thu tốt, vốn thu hồi lớn hơn số tiền đầu tư.

Liên doanh Rusvietpetro giữa Petrovietnam và Zarubezhneft đang thực hiện các hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển khai thác tại 13 mỏ dầu thuộc 4 lô ở khu tự trị Nhenhexky, có trữ lượng địa chất và trữ lượng thu hồi dầu lần lượt khoảng 244 triệu tấn và 96 triệu tấn. Kể từ khi thành lập vào năm 2008, hoạt động của Rusvietpetro có nhiều kết quả tích cực, được đánh giá là một trong những liên doanh có hiệu quả nhất của Petrovietnam ở nước ngoài hiện nay.

Nghiên cứu cấm xe máy qua cầu vượt ở cửa ngõ Tân Sơn Nhất

Sở Giao thông vận tải TP.HCM nghiên cứu cấm xe 2 bánh đi lên cầu vượt thép nút giao Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình) để giảm ùn tắc cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất các tháng cuối năm.

Cầu vượt Hoàng Hoa Thám - Cộng Hòa (quận Tân Bình), gần sân bay Tân Sơn Nhất

Cầu vượt Hoàng Hoa Thám - Cộng Hòa (quận Tân Bình), gần sân bay Tân Sơn Nhất

Dự báo trong thời gian tới, sân bay Tân Sơn Nhất có lượng hành khách tăng cao (có thể vượt mức kỷ lục 41,2 triệu lượt hành khách vào năm 2019).

Trong khi đó, các dự án giao thông trọng điểm quanh cửa ngõ Tân Sơn Nhất tiếp tục được thi công. Tình hình thời tiết mưa nhiều, lượng xe lưu thông quá cảnh vào sân bay tăng cao... sẽ gây áp lực cho các tuyến đường khu vực.

Cầu vượt thép Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình) nằm trên đường Cộng Hòa, khai thác 10 năm nay với chiều dài 268 m, rộng 9,5 m, hai làn xe, hiện cho cả ô tô và xe máy chạy. Cầu nằm ở nút giao trọng điểm cửa ngõ Tân Sơn Nhất, thường xuyên ùn tắc, trước đó đã được lắp dải phân cách di động để điều tiết xe giờ cao điểm.

Việc cấm xe máy qua cầu sẽ tiến hành song song phương án điều tiết giao thông tổng thể ở khu vực sân bay, nhằm cảnh báo từ xa, hạn chế xe dồn đến nơi này. Sở Giao thông vận tải sẽ phối hợp với cảnh sát giao thông lắp thêm camera giám sát tại khu vực trên nhằm phạt nguội các xe vi phạm.

Ngoài ra, để kéo giảm ùn tắc ở cửa ngõ này, ngành giao thông TP.HCM đề nghị Cảng hàng không Tân Sơn Nhất sớm triển khai thu phí không dừng đối với ô tô ra vào sân bay, đồng thời bố trí các điểm dừng đón, trả khách cho xe buýt để hành khách thuận tiện đi lại.

Trước đó, Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ đề xuất nghiên cứu lắp đặt các biển báo giao thông có thông tin thay đổi (VMS) nhằm phân luồng linh hoạt, hạn chế xe "quá cảnh" qua khu vực sân bay. Trong đó, một số loại xe không vào sân bay sẽ được phân luồng, hạn chế qua đường Trường Sơn giờ cao điểm để tránh ùn tắc.

Facebook, Tiktok, Google gỡ hàng chục nghìn quảng cáo sai, tin giả

Facebook, Google, Tiktok, Netflix đã gỡ hàng chục nghìn nội dung xấu, tin sai sự thật, quảng cáo phản cảm theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Facebook, Google, Tiktok, Netflix đã gỡ hàng chục nghìn nội dung xấu, tin sai sự thật

Facebook, Google, Tiktok, Netflix đã gỡ hàng chục nghìn nội dung xấu, tin sai sự thật

Báo cáo việc quản lý các nền tảng xuyên biên giới, nhất là mạng xã hội, thay mặt Chính phủ gửi Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, cơ quan này thường xuyên rà quét, phát hiện và ngăn chặn, gỡ bỏ hàng chục nghìn thông tin vi phạm. Các thông tin này chủ yếu là tin giả, nói xấu, bôi nhọ uy tín, danh dự, nhân phẩm các tổ chức, cá nhân, quảng cáo sai.

Theo quy định, các tài khoản đã được xác thực (tên thật, số điện thoại) mới được đăng bài, bình luận, livestream. Chủ mạng xã hội chịu trách nhiệm về xác thực người dùng, quản lý nội dung livestream và có trách nhiệm gỡ bỏ nội dung vi phạm trong 24 giờ khi có yêu cầu của cơ quan chức năng.

Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đấu tranh, yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google, Tiktok, Apple, Netflix ngăn chặn, gỡ bỏ những nội dung xấu, tin sai sự thật, quảng cáo sai, phản cảm.

Kết quả, các nền tảng này đã phải gỡ bỏ, ngăn chặn hàng chục nghìn nội dung vi phạm, gỡ các hội, nhóm (group) có nội dung không lành mạnh, độc hại với trẻ em.

Nửa đầu năm nay, Facebook chặn, gỡ bỏ hơn 2.265 bài viết đăng thông tin sai sự thật, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, các thương hiệu, cá nhân, tổ chức. Nền tảng này cũng gỡ bỏ 3 tài khoản mạo danh, khóa 8 tài khoản thường xuyên đăng tải tin giả và gỡ 30 trang quảng cáo, mua bán hóa đơn.

Google gỡ 4.910 video vi phạm trên Youtube, chặn 2 kênh YouTube phản động, không được truy cập từ Việt Nam là Kênh nóng TV và Chính sự TV.

TikTok cũng gỡ 397 link vi phạm, đăng tải thông tin sai sự thật, trong đó có 139 tài khoản thường xuyên đăng tải nội dung chống phá.

Đề xuất chi hơn 350 tỷ đồng thuê hệ thống thu vé tự động xe buýt TP.HCM

TP.HCM đã triển khai lắp đặt hệ thống thu vé tự động cho 23/91 tuyến xe buýt có trợ giá, với số lượng hơn 500 xe. Tuy nhiên, việc mở rộng sử dụng vé thông minh cho toàn hệ thống chưa được triển khai.

Xe buýt điện tại TP.HCM

Xe buýt điện tại TP.HCM

Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (Sở Giao thông vận tải TP.HCM) đang đề xuất chi khoảng 358 tỷ đồng từ kinh phí chi thường xuyên vốn ngân sách nhà nước để thuê dịch vụ cung cấp hệ thống thu soát vé tự động trên xe buýt trong thời gian từ năm 2024 - 2029.

Hệ thống này có khả năng đáp ứng kết nối, điều hành 5.000 phương tiện tại cùng một thời điểm.

Theo phương án Trung tâm Quản lý giao thông công cộng đề xuất, Nhà nước sẽ thuê toàn bộ hệ thống thu vé tự động bao gồm thiết bị bán vé trên xe, thiết bị soát, bán vé cầm tay, hệ thống máy tính chủ trung tâm, hệ thống phần mềm quản lý. Đơn vị cung cấp dịch vụ đảm nhận toàn bộ công tác quản lý, bảo trì, sửa chữa hệ thống thiết bị và phần mềm.

Ưu điểm của phương án là kinh phí bố trí thực hiện ban đầu thấp so với đầu tư dự án; cập nhật công nghệ do đơn vị vận hành chủ động; việc triển khai nhanh hơn so với việc thực hiện dự án đầu tư công. Đặc biệt, phương án thuê sẽ tiết kiệm chi phí tiếp viên phục vụ trên xe buýt, ước khoảng 300 tỷ đồng/năm.

Tuy nhiên, phương án này cũng có nhược điểm là hệ thống vận hành phụ thuộc vào nhà thầu cung cấp dịch vụ nên đòi hỏi công tác lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ phải kỹ lưỡng nhằm đáp ứng đúng yêu cầu, giảm thiểu khả năng ngưng thực hiện giữa chừng gây xáo trộn hệ thống xe buýt.

Hiện nay, TP.HCM có 129 tuyến xe buýt hoạt động với 2.019 xe, thực hiện khoảng 13.000 chuyến xe mỗi ngày. Trong số đó, 91 tuyến xe buýt có trợ giá và 38 tuyến không trợ giá (gồm 100 tuyến nội tỉnh và 29 tuyến liên tỉnh liền kề).