Bản tin thời sự sáng 8/10

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là cầu Móng Sến ở Sa Pa tê liệt vì sạt lở; giá USD ngân hàng tăng mạnh, vượt 25.000 đồng/USD; Phú Yên xem xét thi hành kỷ luật Đảng cán bộ lãnh đạo, quản lý có vi phạm; Hà Nội được vinh danh là thành phố ẩm thực hàng đầu châu Á; 9 tháng năm 2024, Khánh Hòa mới giải ngân đầu tư công đạt hơn 44%...

Cầu Móng Sến ở Sa Pa tê liệt vì sạt lở

Điểm sạt lở dài 60 m trước cầu cạn Móng Sến ở Sa Pa (Lào Cai) khiến phương tiện không thể lưu thông, phải đi theo Quốc lộ 4D.

Điểm sạt lở cầu Móng Sến ở Lào Cai

Điểm sạt lở cầu Móng Sến ở Lào Cai

Sáng 7/10, khoảng 20.000 m3 đất đá ở taluy dương sạt xuống Km12+600, Tỉnh lộ 155, đoạn qua địa phận xã Trung Chải, thị xã Sa Pa. Vị trí sạt lở nằm trước trạm thu phí cầu Móng Sến, khiến cầu bị tê liệt. Các phương tiện phải đi theo Quốc lộ 4D qua dốc ba tầng để lưu thông từ TP. Lào Cai đi thị xã Sa Pa và ngược lại.

Đơn vị bảo trì tuyến đường cho biết đã phát hiện dấu hiệu sạt lở từ ngày 4/10 và phối hợp với ngành giao thông để cắm biển, căng dây cảnh báo và hướng dẫn người dân không đi sát vào chân taluy dương để đảm bảo an toàn.

Hiện lực lượng chức năng và các đơn vị liên quan đã huy động máy móc, nhân lực để khắc phục, đảm bảo thông tuyến trong thời gian sớm nhất.

Khánh thành vào ngày 29/9/2021, cầu Móng Sến là một công trình trọng điểm trong Dự án xây dựng tuyến đường mới kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, thay thế Quốc lộ 4D hiện hữu. Với tổng vốn đầu tư 450 tỷ đồng, cầu bắc qua hai ngọn đồi, sở hữu trụ đầu cầu cao 83 m - là trụ cầu cạn cao nhất Việt Nam. Cầu có bề mặt rộng 14 m với 4 làn xe, chiều dài 612 m, gồm 5 nhịp liên tục, trong đó nhịp dài nhất đạt 132 m.

Từ TP. Lào Cai lên thị xã Sa Pa khoảng 30 km, đi theo đường 4D cũ sẽ phải qua dốc ba tầng thường xuyên sạt lở. Cầu Móng Sến giúp rút ngắn khoảng 2,5 km so với đường cũ và không phải đi qua dốc ba tầng.

Giá USD ngân hàng tăng mạnh, vượt 25.000 đồng/USD

Giá USD ngân hàng tăng nhanh, nhiều ngân hàng đắt thêm hơn 100 đồng, kéo giá bán vượt mức 25.000 đồng/USD.

Giá USD ngân hàng tăng mạnh

Giá USD ngân hàng tăng mạnh

Tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam với đồng USD được Ngân hàng Nhà nước công bố ngày 7/10 ở mức 24.153 đồng một USD, tăng 20 đồng so với phiên trước.

Với biên độ 5%, các ngân hàng thương mại được phép giao dịch USD trong ngày 7/10 với tỷ giá trần là 25.361 đồng/USD và tỷ giá sàn là 22.945 đồng/USD.

Tỷ giá bán USD tham khảo được Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước tăng 21 đồng, đưa phạm vi mua - bán USD tham khảo lên mức 23.400 - 25.310 đồng/USD.

Cùng xu hướng, các ngân hàng thương mại cũng tăng mạnh giá USD. Nhiều ngân hàng tăng hơn 100 đồng, kéo giá bán vượt mức 25.000 đồng/USD.

Chiều 7/10, Vietcombank niêm yết giá USD mua vào tiền mặt ở mức 24.640 đồng/USD, bán ra ở mức 25.030 đồng/USD, tăng 80 đồng ở chiều mua vào và đắt thêm 100 đồng ở chiều bán ra so với phiên giao dịch cuối tuần qua (4/10).

Tương tự, BIDV cũng nâng giá mua - bán USD lên mức 24.670 - 25.030 đồng/USD, tăng 75 đồng ở chiều mua và cao hơn 95 đồng ở chiều bán; VietinBank đưa giá USD lên mức 24.663 - 25.023 đồng/USD (mua - bán), tăng 90 đồng ở chiều mua và đắt hơn 110 đồng ở chiều bán so với sáng 4/10.

Giá USD ở khối ngân hàng tư nhân cũng được điều chỉnh tăng mạnh. So với sáng 4/10, Techcombank nâng giá đồng bạc xanh đắt thêm 93 đồng ở chiều mua và cao hơn 92 đồng ở chiều bán, niêm yết giá USD mua vào tiền mặt lên mức 24.648 đồng/USD, bán ra ở mức 25.039 đồng/USD.

Sacombank cũng đưa giá USD lên mức 24.670 - 25.030 đồng/USD (mua - bán), tăng 110 đồng ở chiều mua và đắt hơn 130 đồng ở chiều bán.

Còn Eximbank tăng giá mua - bán USD tiền mặt lên mức 24.640 - 25.050 đồng/USD, đắt hơn 60 đồng ở cả chiều mua và bán.

Phú Yên xem xét thi hành kỷ luật Đảng cán bộ lãnh đạo, quản lý có vi phạm

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Phú Yên đề nghị kỷ luật ông Võ Đình Tiến vì để xảy ra sai sót trong thời gian giữ chức Phó Chủ tịch, Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Đông Hòa.

Ông Võ Đình Tiến vì để xảy ra sai sót trong thời gian giữ chức Phó Chủ tịch, Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Đông Hòa

Ông Võ Đình Tiến vì để xảy ra sai sót trong thời gian giữ chức Phó Chủ tịch, Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Đông Hòa

Ngày 7/10, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Phú Yên cho biết, Kỳ họp lần thứ 25 của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy (khóa XVII) đã xem xét thi hành kỷ luật và đề nghị cấp có thẩm quyền thi hành kỷ luật đối với một số đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Phú Yên đã xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với ông Võ Đình Tiến, Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; nguyên Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa (nay là thị xã Đông Hòa).

Kết quả kiểm tra cho thấy, ông Võ Đình Tiến trong thời gian giữ chức vụ Ủy viên Ban Thường vụ Thị ủy, Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Đông Hòa, đã thiếu trách nhiệm trong thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, chịu trách nhiệm trực tiếp ký một số quyết định cho phép hộ gia đình, cá nhân chuyển mục đích sử dụng đất không đúng quy định pháp luật.

Căn cứ quy định của Đảng, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Phú Yên đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Võ Đình Tiến.

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Phú Yên xem xét, thi hành kỷ luật bằng hình thức Khiển trách đối với ông Nguyễn Chí Hiền, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân huyện Sông Hinh và ông Trần Thế Anh, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Sông Hinh; nguyên Huyện ủy viên, Chánh Văn phòng Huyện ủy Sông Hinh.

Ông Nguyễn Chí Hiền và ông Trần Thế Anh đã có những khuyết điểm, vi phạm trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý tài chính, tài sản của Đảng; vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm, trách nhiệm nêu gương và chức trách nhiệm vụ được giao; thiếu kiểm tra, giám sát để lãnh đạo, cán bộ, công chức cơ quan Văn phòng Huyện ủy Sông Hinh vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài chính, tài sản của Đảng phải thu hồi tiền nộp khắc phục vào ngân sách nhà nước.

Hà Nội được vinh danh là thành phố ẩm thực hàng đầu châu Á

Tổ chức World Culinary Awards vừa trao cho Hà Nội giải thưởng "Điểm đến thành phố ẩm thực tốt nhất châu Á năm 2024", tại lễ trao giải lần thứ 5 vừa diễn ra tại Dubai, UAE. Năm ngoái, thành phố Hà Nội được tổ chức này vinh danh là "Điểm đến thành phố ẩm thực nổi bật nhất châu Á 2023".

Phở Hà Nội là món ăn nổi tiếng khắp thế giới.

Phở Hà Nội là món ăn nổi tiếng khắp thế giới.

Giải thưởng World Culinary Awards là một sáng kiến toàn cầu nhằm ghi nhận và khen thưởng sự xuất sắc trong ngành ẩm thực thế giới. Theo Ban tổ chức, kết quả được công bố sau một năm tìm kiếm các thương hiệu ẩm thực hàng đầu thế giới, qua sự bầu chọn của các chuyên gia trong ngành và công chúng.

Tại hạng mục giải thưởng "Điểm đến thành phố ẩm thực tốt nhất châu Á năm 2024" (Asia's Best Culinary City Destination 2024), Hà Nội đã vượt qua các đề cử khác như Bangkok, Seoul, Tokyo... để được vinh danh. Ngoài ra một số nhà hàng, khách sạn tại Hà Nội cũng nhận giải về dịch vụ ẩm thực như nhà hàng Hibana by Koki, khách sạn Capella Hanoi...

Thái Lan đã được vinh danh là "Điểm đến ẩm thực tuyệt vời nhất châu Á" trong 2 năm liên tiếp là 2023 và 2024. Giải thưởng "Nhà hàng tốt nhất thế giới năm 2024" đã trao cho MezzaLuna - nhà hàng tại lebua State Tower (Bangkok, Thái Lan) nhờ trải nghiệm ẩm thực độc đáo, trong đó có sự kết hợp giữa nguyên liệu Nhật Bản hảo hạng với kỹ thuật nấu ăn cổ điển của Pháp.

Năm nay, Dubai được vinh danh là "Điểm đến ẩm thực tuyệt vời nhất thế giới"; Italy giành giải "Điểm đến ẩm thực tuyệt vời nhất châu Âu"; Peru được bình chọn là "Điểm đến ẩm thực tuyệt vời nhất châu Mỹ Latinh" và Nam Phi giành giải "Điểm đến ẩm thực tuyệt vời nhất châu Phi".

9 tháng năm 2024, Khánh Hòa mới giải ngân đầu tư công đạt hơn 44%

9 tháng năm 2024, tỉnh Khánh Hòa mới giải ngân đầu tư công hơn 44% so với kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.

Thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa đang triển khai nhiều dự án trọng điểm

Thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa đang triển khai nhiều dự án trọng điểm

Năm 2024, tỉnh Khánh Hòa được Thủ tướng Chính phủ giao hơn 8.260 tỷ đồng đầu tư công, cao hơn năm trước 2.000 tỷ đồng. Với nguồn kinh phí lớn như vậy, ngay từ đầu năm, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo quyết tâm trong năm 2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt từ 95% trở lên. Tuy vậy, 9 tháng năm nay, tỉnh Khánh Hòa mới giải ngân hơn 44% so với kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao năm 2024.

Nguyên nhân của tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm do công tác đền bù, giải phóng mặt bằng kéo dài. Nguồn nhân lực bố trí thực hiện công tác bồi thường tại các địa phương còn ít, trong khi đó nhu cầu giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án ngày càng tăng. Các địa phương còn lúng túng khi áp dụng Luật Đất đai năm 2024. Cụ thể, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa đang triển khai nhiều dự án trọng điểm như: Dự án Đường bộ cao tốc đoạn Vân Phong - Nha Trang, Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Dự án Hồ Chà Rang... còn nhiều trường hợp chưa được phê duyệt phương án bồi thường.

UBND tỉnh Khánh Hòa xác định, giải phóng mặt bằng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp. Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn. Các chủ đầu tư dự án có trách nhiệm phân công nhân lực phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị ở các huyện, thị xã, thành phố để đẩy nhanh tiến độ thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Ông Trần Hòa Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, các chủ đầu tư giải ngân vốn năm 2024 không đạt từ 95% trở lên phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND Tỉnh về việc không hoàn thành công tác giải ngân.

Giá thép xây dựng tăng liên tiếp

Từ giữa tháng 9 tới nay, các thương hiệu nhiều lần điều chỉnh giá thép, trong đó thép thanh vằn Hòa Phát tăng đến 460.000 đồng một tấn.

Giá thép xây dựng tăng liên tiếp

Giá thép xây dựng tăng liên tiếp

Cuối tuần trước, Hòa Phát (HPG) điều chỉnh giá bán thép xây dựng, lần thứ hai trong tháng 10. Cụ thể, thép cuộn CB240 và thép thanh văn D10 CB300 cùng nhích thêm 100.000 đồng lên lần lượt 13,58 và 13,79 triệu đồng một tấn. Riêng thép thanh vằn đã có lần thứ ba tăng giá liên tiếp từ giữa tháng 9 tới nay với biên độ 460.000 đồng một tấn.

Các thương hiệu khác như Việt Ý, Việt Đức, Việt Sing, Kyoei Việt Nam, VJS... cũng thay đổi giá từ đầu tháng. Tùy loại sẽ tăng thêm 100.000- 1 70.000 đồng sau mỗi lần điều chỉnh, có loại tăng liên tục hai lần chỉ trong tuần trước.

Như vậy, sau các đợt tăng giá gần đây, thép xây dựng đang được bán quanh 13,5 - 14 triệu đồng một tấn. Mặt bằng giá này đang trở lại ngang với cuối tháng 7, đầu tháng 8, trước khi diễn ra đợt giảm khá mạnh xuyên suốt sau đó.

Dữ liệu từ nền tảng cung cấp giải pháp tài chính FinSuccess cho thấy, các thương hiệu chiếm thị phần lớn trong ngành đều ghi nhận sự phục hồi về tiêu thụ. Sản lượng thép bán ra trong 8 tháng của Hòa Phát đạt hơn 1,05 triệu tấn, tăng trên 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, kênh nội địa tăng gần 22,5% và xuất khẩu tăng gần 54%.

Thép Nam Kim (NKG) có lượng tiêu thụ hơn 621.400 tấn, tăng hơn 26%. Còn Tôn Đông Á (GDA) đạt hơn 588.300 tấn, tăng hơn 16%.

Ở mặt bằng chung, theo số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản xuất thép xây dựng trong 8 tháng năm nay đạt 7,8 triệu tấn, tăng 14% so với mức cùng kỳ. Bán hàng đạt 7,77 triệu tấn, tăng 15%. Trong đó, xuất khẩu ghi nhận mức 20,5% so với cùng kỳ, đạt hơn 1,1 triệu tấn.

PNJ bị xử phạt 1,34 tỷ đồng do vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng

PNJ vừa bị phạt 1,34 tỷ đồng do vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Sau đợt thanh tra, PNJ cho biết đã chủ động khắc phục các thiếu sót và hậu quả.

PNJ bị xử phạt 1,34 tỷ đồng sau đợt thanh tra các doanh nghiệp kinh doanh vàng.

PNJ bị xử phạt 1,34 tỷ đồng sau đợt thanh tra các doanh nghiệp kinh doanh vàng.

Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (HoSE: PNJ) cho biết đã nhận được quyết định của Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng về việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng với số tiền 1,34 tỷ đồng.

Quyết định xử phạt này liên quan đến đợt thanh tra liên ngành của Chính phủ đối với các doanh nghiệp kinh doanh vàng trên toàn quốc từ ngày 23/5 - 10/9.

Lý do PNJ bị xử phạt là do các quy định nội bộ, phân loại rủi ro khách hàng, báo cáo giao dịch giá trị lớn và kiểm toán nội bộ chưa đáp ứng đầy đủ các quy định pháp luật về phòng chống rửa tiền.

Đồng thời, PNJ còn một số sai sót, chưa đầy đủ dữ liệu trong quá trình báo cáo và cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý.

Đại diện PNJ cho biết sẽ chấp hành nghiêm chỉnh các quyết định của cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng và đã khắc phục các thiếu sót, hậu quả.

Về tình hình kinh doanh, 8 tháng đầu năm nay, doanh nghiệp bán lẻ trang sức lớn nhất TP.HCM này đã ghi nhận 26.866 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng hơn 27% với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế theo đó đạt 1.281 tỷ đồng, tăng gần 3%.

Với mục tiêu doanh thu thuần cả năm đưa ra vào khoảng 37.147 tỷ đồng và lãi sau thuế khoảng 2.089 tỷ đồng, PNJ đã thực hiện được gần 72% chỉ tiêu doanh thu và hơn 61% kế hoạch lợi nhuận sau 8 tháng.

Trong cơ cấu doanh thu 8 tháng đầu năm, chiếm tỷ trọng lớn nhất vẫn là mảng bán lẻ trang sức với 53% doanh thu, tương đương trên 14.200 tỷ đồng. Xếp thứ 2 về mức đóng góp doanh thu từ đầu năm cho PNJ là các sản phẩm vàng 24K với trên 9.900 tỷ đồng.

Rút ngắn thời gian cấp phiếu lý lịch tư pháp từ 10 ngày xuống còn 3 ngày

Thông tin này được Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Đỗ Xuân Quý cung cấp tại cuộc họp báo thường kỳ về công tác tư pháp quý III/2024.

Rút ngắn thời gian cấp Phiếu lý lịch tư pháp từ 10 ngày xuống còn 3 ngày trong trường hợp thông thường

Rút ngắn thời gian cấp Phiếu lý lịch tư pháp từ 10 ngày xuống còn 3 ngày trong trường hợp thông thường

Ngày 7/10, Bộ Tư pháp tổ chức Họp báo thông tin về một số kết quả công tác tư pháp quý III và nhiệm vụ trọng tâm công tác quý IV/2024.

Thông tin tại cuộc họp, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Đỗ Xuân Quý cho biết, về hoạt động cấp Phiếu lý lịch tư pháp, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Công an ban hành quy trình thực hiện thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh quốc gia (VNeID) để triển khai thực hiện thí điểm trên toàn quốc từ ngày 1/10/2024 tới ngày 30/6/2025.

Trong đó, rút ngắn thời gian cấp Phiếu lý lịch tư pháp từ 10 ngày xuống còn 3 ngày trong trường hợp thông thường, từ 15 ngày xuống còn 9 ngày trong trường hợp cần xác minh.

Bộ Tư pháp đã phối hợp hướng dẫn địa phương để kết nối Hệ thống giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh/thành phố với ứng dụng VNeID và phần mềm quản lý lý lịch tư pháp dùng chung của Bộ Tư pháp.

Theo ông Đỗ Xuân Quý, đến nay, có 63/63 tỉnh, thành phố đã thực hiện kết nối, trong đó, có 48/63 tỉnh/thành phố đã thử nghiệm thành công về kỹ thuật, trong đó có 5 địa phương đã hoàn thành việc quét an toàn, an ninh, bảo mật thông tin để sẵn sàng thực hiện thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh quốc gia VNeID, các tỉnh đã thử nghiệm thành công còn lại đang thực hiện kiểm thử toàn trình, chuẩn bị đánh giá an toàn thông tin…

Bên cạnh đó, trong công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Bộ Tư pháp tiếp tục hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại Đề án Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử…

Trong công tác bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp đã trình Chính phủ hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Luật sư (sửa đổi); tiếp tục phối hợp các cơ quan Quốc hội hoàn thiện Dự án Luật Công chứng (sửa đổi); nghiên cứu, xây dựng hồ sơ đề nghị sửa đổi Luật Giám định tư pháp; một số Nghị định của Chính phủ và xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền.

TP.HCM sẽ xây dữ liệu sức khỏe hơn 1,7 triệu học sinh

Sở Y tế TP.HCM sẽ xây dựng dữ liệu sức khỏe hơn 1,7 triệu học sinh nhằm nhận diện mô hình bệnh tật học đường để chủ động chăm sóc và can thiệp điều trị kịp thời.

Bác sĩ khám sức khỏe cho học sinh tại trường học

Bác sĩ khám sức khỏe cho học sinh tại trường học

Ngày 7/10, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng cho biết, hoạt động này thuộc Đề án Y tế thông minh giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, ngành y tế sẽ khám cho học sinh và nhập liệu ngay kết quả, hướng đến tạo lập dữ liệu lớn về sức khỏe của người dân.

Sở Y tế hơn một năm qua đã làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo, chuẩn hóa biểu mẫu khám, tầm soát bệnh tật học đường, hướng dẫn quy trình khám, điều kiện tổ chức đoàn khám sức khỏe tại các cơ sở giáo dục. Ngành y tế cũng xây dựng chương trình tập huấn cho y bác sĩ tham gia khám, tầm soát và xây dựng phần mềm để nhập liệu thông tin sức khỏe của học sinh sau khi có kết quả khám.

Trong tháng 10, Sở sẽ tổ chức ba lớp tập huấn cho đội ngũ y tế khám sức khỏe học đường. Giảng viên đến từ bệnh viện chuyên khoa đầu ngành như Nhi đồng 1, Răng Hàm Mặt, Mắt, Tai Mũi Họng, Tâm Thần, Chấn thương Chỉnh hình, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cùng Phòng Nghiệp vụ Y, Phòng Công nghệ thông tin của Sở. Hiện, gần 3.000 nhân viên y tế và hơn 500 cơ sở giáo dục đăng ký tham gia tập huấn.

Sở sẽ công khai trên cổng thông tin điện tử danh sách các cơ sở đủ điều kiện khám sức khỏe học sinh để trường lựa chọn. Theo quy định, học sinh từ mầm non đến hết trung học cơ sở được kiểm tra định kỳ để đánh giá tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe, gồm đo chiều cao, cân nặng, huyết áp, nhịp tim, thị lực... Trẻ cũng được theo dõi tình trạng cong vẹo cột sống, bệnh răng miệng, rối loạn sức khỏe tâm thần và các bệnh tật khác để có hướng áp dụng chế độ học tập, rèn luyện phù hợp.

Thời gian qua, TP.HCM khám sức khỏe miễn phí định kỳ cho hơn một triệu người cao tuổi, số hóa kết quả để liên thông vào hồ sơ sức khỏe điện tử. Từ đó, thành phố xây dựng dữ liệu để xác định mô hình sức khỏe và bệnh tật, chủ động can thiệp sớm.

Tin cùng chuyên mục