Bản tin thời sự sáng 8/11

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là khoảng 400.000 tỷ đồng đầu tư vào cảng hàng không đến năm 2030; thêm 1,2 triệu liều vaccine Pfizer về đến TP.HCM; Ninh Thuận đề xuất gia hạn giá ưu đãi cho điện gió đến tháng 3/2022; hơn 200 cảnh sát triệt phá đường dây đánh bạc trực tuyến giao dịch 14.000 tỷ đồng; TAND TP.HCM trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ bán rẻ 9 triệu cổ phần SADECO…

Khoảng 400.000 tỷ đồng đầu tư vào cảng hàng không đến năm 2030

Nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống cảng hàng không đến năm 2030 sẽ cần khoảng 400.000 tỷ đồng được huy động bằng nhiều nguồn khác nhau.

Nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống cảng hàng không đến năm 2030 khoảng 400.000 tỷ đồng

Nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống cảng hàng không đến năm 2030 khoảng 400.000 tỷ đồng

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa trình Thủ tướng Chính phủ quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống cảng hàng không đến năm 2030 khoảng 400.000 tỷ đồng, được huy động nguồn vốn ngân sách Nhà nước, vốn ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Tầm nhìn đến năm 2050, hình thành 29 cảng hàng không, bao gồm 14 cảng hàng không quốc tế như giai đoạn trước và bổ sung thêm một cảng hàng không là Cao Bằng để nâng tổng số cảng hàng không nội địa lên con số 15.

Tờ trình do Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn ký nêu rõ giai đoạn 2021 - 2030 sẽ ưu tiên tập trung đầu tư một số cảng hàng không lớn, đóng vai trò đầu mối tại vùng thủ đô Hà Nội (sân bay Nội Bài) và vùng Thành phố Hồ Chí Minh (sân bay Tân Sơn Nhất và Long Thành); từng bước nâng cấp và khai thác có hiệu quả 22 cảng hàng không hiện hữu, đầu tư 6 cảng hàng không mới, tổng công suất thiết kế hệ thống cảng hàng không đáp ứng khoảng 278 triệu hành khách, đảm bảo trên 95% dân số có thể tiếp cận tới cảng hàng không trong phạm vi 100km.

Để thực hiện quy hoạch, Bộ GTVT đề xuất nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện các quy định của pháp luật để có thể huy động nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư theo phương thức nhượng quyền đầu tư, khai thác cảng hàng không.

Về giải pháp về huy động vốn đầu tư, đối với cảng hàng không mới, Bộ GTVT sẽ huy động tối đa nguồn vốn của xã hội đầu tư theo phương thức đối tác công-tư (PPP)…

Thêm 1,2 triệu liều vaccine Pfizer về đến TP.HCM

Với 1,2 triệu liều vaccine Pfizer vừa về đến TP.HCM, tổng số vaccine mà chính phủ Mỹ viện trợ Việt Nam đã vượt qua con số 14,6 triệu liều.

Một lô Vaccine Mỹ viện trợ về đến Việt Nam

Một lô Vaccine Mỹ viện trợ về đến Việt Nam

Tổng lãnh sự quán Mỹ cho biết, lô vaccine với hơn 1,2 triệu liều Pfizer-BioNTech do chính phủ Mỹ viện trợ Việt Nam đã về đến TP.HCM sáng 7/11.

Với lô vaccine vừa đến TP.HCM, tổng số vaccine mà chính phủ Mỹ viện trợ Việt Nam đã lên đến hơn 14,6 triệu liều.

Chỉ một ngày trước, Việt Nam nhận thêm gần 1,3 triệu liều vaccine Pfizer-BioNTech do Mỹ tài trợ, theo thông báo của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam.

Bên cạnh vaccine, Mỹ cũng chuyển giao 77 tủ âm sâu cho Việt Nam. Đây là những chiếc đầu tiên trong số 111 tủ lạnh âm sâu do Bộ Quốc phòng Mỹ cung cấp cho chính phủ Việt Nam.

Mỹ đã cam kết các khoản hỗ trợ trị giá 26,7 triệu USD nhằm giúp Việt Nam ứng phó với đại dịch.

Ngoài số vaccine mà Mỹ trao tặng thông qua cơ chế COVAX, Việt Nam đến nay đã nhận hàng triệu liều vaccine AstraZeneca từ COVAX.

Cơ chế COVAX do Liên minh Đổi mới Sáng tạo Sẵn sàng cho Dịch bệnh (CEPI), Liên minh Toàn cầu về Vaccine và Tiêm chủng (GAVI), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) điều hành, và UNICEF đóng vai trò đối tác phân phối chủ chốt.

Ninh Thuận đề xuất gia hạn giá ưu đãi cho điện gió đến tháng 3/2022

Tỉnh Ninh Thuận đề xuất cấp có thẩm quyền gia hạn thêm giá ưu đãi (FIT) với điện gió đến tháng 3/2022.

Tỉnh Ninh Thuận đề xuất gia hạn thêm giá FIT với điện gió đến tháng 3/2022

Tỉnh Ninh Thuận đề xuất gia hạn thêm giá FIT với điện gió đến tháng 3/2022

Trước đề xuất gia hạn thêm giá FIT với dự án điện gió đến tháng 3/2022 của tỉnh Ninh Thuận, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhất trí, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, nhất là với các dự án đã làm xong nhưng chưa vận hành thương mại kịp trước ngày 1/11/2021 do chịu tác động của dịch.

Theo quyết định 39, giá FIT ưu đãi cho điện gió trên biển là 9,8 cent một kWh (tương đương 2.223 đồng) và trên bờ là 8,5 cent một kWh (khoảng 1.927 đồng). Giá này chưa gồm thuế VAT, được áp dụng cho một phần hoặc toàn bộ nhà máy vận hành thương mại trước 1/11 và áp dụng trong 20 năm.

Số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, 84 nhà máy điện gió, tổng công suất 3.980,27 MW kịp vận hành thương mại, hoà lưới trước ngày 1/11, để hưởng giá FIT trong 20 năm. Còn lại 62 dự án không kịp vận hành để hưởng giá ưu đãi này.

Hơn 200 cảnh sát triệt phá đường dây đánh bạc trực tuyến giao dịch 14.000 tỷ đồng

Hơn 200 cảnh sát đồng loạt triệt phá đường dây đánh bạc núp bóng trò chơi trực tuyến đổi thưởng, ước tính quy mô giao dịch 14.000 tỷ đồng.

Cảnh sát khám xét ở một tụ điểm

Cảnh sát khám xét ở một tụ điểm

Ba nghi phạm cầm đầu được xác định là Phạm Công Anh, Hoàng Mạnh Lâm và Đinh Văn Hoàng.

Theo điều tra, trang web do nhóm này điều hành đã cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến đổi thưởng có tính chất cờ bạc như pocker, quay hũ slot, tài xỉu, xóc đĩa, bắn cá... Người chơi phải đăng ký tài khoản ở trang web hoặc tải ứng dụng về; đăng ký số điện thoại nhận mã OTP bảo mật để chuyển tiền ảo là đồng xu sang tài khoản ngân hàng.

Người tham gia mua tiền ảo bằng cách nạp mã thẻ cào viễn thông hoặc liên hệ với các đại lý có trong danh sách để chuyển tiền thông qua tài khoản ngân hàng, ví điện tử. Đại lý khi nhận được tiền từ người chơi qua sẽ chuyển lượng tiền xu tương ứng vào tài khoản đánh bạc.

Sau thời gian dài theo dõi, hơn 200 cảnh sát chia thành 15 tổ công tác đồng loạt khám xét nhiều địa điểm ở các tỉnh. 23 nghi phạm bị triệu tập.

Cảnh sát thu 4 ôtô, trong đó có 2 xe Maybach cùng nhiều tài liệu liên quan đến hoạt động tổ chức đánh bạc và đánh bạc. Đây được cho là đường dây tổ chức đánh bạc và đánh bạc trên mạng dưới hình thức trò chơi trực tuyến đổi thưởng quy mô đặc biệt lớn. Nhiều nghi phạm là "thành phần cộm cán, kinh doanh cho vay lãi nặng".

Ngày 7/11, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm Công an nghệ cao (Bộ Công an) đang cùng Công an huyện Gia Lâm (Hà Nội) làm rõ hành vi tổ chức đánh bạc và đánh bạc đường dây này.

Bắt đầu từ 19h ngày 7/11, người dân Phan Thiết không được ra đường

Dịch diễn biến phức tạp, chính quyền thành phố Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) yêu cầu người dân không ra đường từ 19h đến 5h, thời gian bắt đầu từ ngày 7/11.

UBND thành phố yêu cầu người dân không ra đường từ 19h đến 5h, thời gian bắt đầu từ tối ngày 7/11

UBND thành phố yêu cầu người dân không ra đường từ 19h đến 5h, thời gian bắt đầu từ tối ngày 7/11

Những trường hợp được ra đường buổi tối, gồm: cấp cứu, cứu hỏa, lực lượng phòng chống dịch, an ninh - trật tự, phóng viên báo đài, nhân viên vệ sinh môi trường, điện, nước, hệ thống thông tin và hạ tầng kỹ thuật, xe vận chuyển hàng hóa thiết yếu, tiểu thương chợ đầu mối và các trường hợp đặc biệt.

Sáng 7/11, 12 chốt kiểm soát dịch ở các cửa ngõ TP. Phan Thiết được thiết lập trở lại. Các hoạt động vận tải hành khách đường bộ đi và đến Phan Thiết sẽ tạm dừng từ ngày 8/11. Ngoài ra, từ 0h ngày 8/11, tất cả hoạt động kinh tế - xã hội ở Phan Thiết hoạt động theo cấp độ 4 (vùng đỏ).

Những ngày gần đây, ca nhiễm ở Phan Thiết liên tục tăng cao, mỗi ngày ghi nhận hơn 100 ca nhiễm. Phần đông được phát hiện trong cộng đồng.

TAND TP.HCM trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ bán rẻ 9 triệu cổ phần SADECO

TAND TP.HCM đã trả hồ sơ vụ bán rẻ 9 triệu cổ phần SADECO cho Viện KSND TP.HCM để điều tra bổ sung. Lý do là để phúc cung làm rõ hành vi phạm tội theo nội dung cáo trạng truy tố.

Trụ sở Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận

Trụ sở Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận

Trước đó, vào tháng 9/2021, Viện KSND TP.HCM đã ban hành cáo trạng truy tố cựu Tổng giám đốc IPC, Chủ tịch HĐQT SADECO Tề Trí Dũng, nguyên Phó Bí thư thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang và 18 bị can khác về các tội danh vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí, tham ô tài sản.

Theo nội dung vụ án, SADECO là công ty con của Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), với tỷ lệ góp vốn của IPC là 74,8%.

Ngày 26/3/2015, IPC bán đấu giá vốn góp tại SADECO. Công ty Eximland là nhà đầu tư mua trúng đấu giá hơn 5,2 triệu cổ phần (chiếm 30,8% vốn điều lệ của SADECO) với giá 26.100 đồng/cổ phần.

Tháng 9/2016, Công ty Nguyễn Kim mua lại toàn bộ cổ phần của Eximland tại SADECO với giá 55.000 đồng/cổ phần.

Vốn điều lệ của SADECO tại thời điểm tháng 10/2016 là 170 tỷ đồng (tương ứng với 17 triệu cổ phần); trong đó vốn của IPC chiếm 44%, vốn của Thành ủy chiếm 16,7%, nhóm Nguyễn Kim chiếm 30,8% và các cổ đông khác chiếm 8,5%.

Theo quy định, khi tăng vốn và chuyển nhượng quyền mua cổ phần của IPC, vốn Văn phòng Thành ủy tại SADECO thì phải đấu giá. Tuy nhiên, các cá nhân liên quan tại Thành ủy, Văn phòng Thành ủy, IPC và SADECO đã đồng ý bán 9 triệu cổ phần cho cổ đông chiến lược là Công ty Nguyễn Kim với giá 40.000 đồng/cổ phần không thông qua thẩm định giá và đấu giá, gây thất thoát cho SADECO 1.103 tỷ đồng.

Đầu tư 780 tỷ đồng xây trung tâm hành chính thành phố Quảng Ngãi

Trung tâm hành chính rộng 7,9 ha, gần bờ bắc sông Trà Khúc, tổng vốn đầu tư 780 tỷ đồng, sẽ thay thế các trụ sở cũ phân tán nhiều nơi.

Khu vực giữa đường Hoàng Sa và quốc lộ 24B ở xã Tịnh An, TP. Quảng Ngãi, dự kiến là nơi xây trung tâm hành chính mới

Khu vực giữa đường Hoàng Sa và quốc lộ 24B ở xã Tịnh An, TP. Quảng Ngãi, dự kiến là nơi xây trung tâm hành chính mới

Theo UBND TP. Quảng Ngãi, chủ trương đầu tư trung tâm hành chính thành phố Quảng Ngãi đã được HĐND Thành phố thông qua. Trung tâm mới được xây dựng ở xã Tịnh An, phía Bắc giáp Quốc lộ 24B, phía Nam giáp đường Hoàng Sa. Trong tổng vốn dự án, ngân sách Tỉnh 375 tỷ đồng, ngân sách Thành phố 405 tỷ đồng.

Dự án do UBND TP. Quảng Ngãi làm chủ đầu tư và trực tiếp quản lý, dự kiến triển khai giai đoạn 2022 - 2025, thời gian thực hiện không quá 4 năm kể từ khi kế hoạch trung hạn chính thức được phê duyệt. Công trình hoàn thành là nơi tập trung các phòng ban chuyên môn trực thuộc thành phố và khối mặt trận, hội đoàn thể.

TP. Quảng Ngãi là đô thị trung tâm của tỉnh Quảng Ngãi. Trước đây, Thành phố nằm ở bờ nam sông Trà Khúc. Từ 2014, TP. Quảng Ngãi được mở rộng diện tích gấp bốn lần ra bờ bắc. Hiện Thành phố nằm hai bên con sông, rộng 160 km², dân số hơn 260.000.

Cựu chủ tịch thành phố Trà Vinh và cấp phó gây thiệt hại hơn 69 tỷ đồng

Ông Diệp Văn Thạnh, nguyên chủ tịch UBND TP.Trà Vinh và cấp phó bị cáo buộc ký 313 hồ sơ miễn, giảm tiền sử dụng đất trái luật, gây thiệt hại hơn 69 tỷ đồng.

Các bị cáo trong lần ra tòa trước

Các bị cáo trong lần ra tòa trước

Ông Thạnh và Trần Trường Sơn (cựu Phó chủ tịch UBND TP. Trà Vinh) cùng 15 người khác dự kiến bị TAND tỉnh Trà Vinh đưa ra xét xử về tội Vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, vào ngày 19 - 29/11.

Theo cáo trạng, từ 2009 đến tháng 8/2018, ông Thạnh và Sơn với vai trò là lãnh đạo TP. Trà Vinh đã chỉ đạo cấp dưới thực hiện chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện nhà ở bằng hình thức chuyển mục đích sử dụng đất và miễn giảm tiền sử dụng đất.

Theo QĐ 118 của Chính phủ, Thông tư 30 của Bộ TN&MT, việc xem xét hỗ trợ người có công cải thiện nhà ở phải dựa trên kiến nghị của UBND phường, xã, thị trấn nơi người đó cư trú. Những kiến nghị này phải được UBND cấp huyện, thành phố xác minh lại trước khi trình lên cấp cao hơn quyết định…

Tuy nhiên, ông Thạnh đã ký hai công văn yêu cầu bỏ qua nội dung kiến nghị của chính quyền cấp phường, xã, thị trấn và xác minh lại của cấp trên.

Cơ quan điều tra xác định, từ 2014 - 2016, nhiều ý kiến, phản ánh tình trạng lợi dụng chính sách Nhà nước làm hồ sơ khống để trục lợi. Tuy nhiên, ông Thạnh vẫn không yêu cầu xác minh, báo cấp tỉnh mà tiếp tục chỉ đạo thực hiện theo hướng dẫn tại công văn mình ký sai…

Lợi dụng việc này, các bị cáo là cán bộ Phòng tài nguyên và Môi trường đã móc nối với người môi giới và chủ đất thỏa thuận với các gia đình chính sách làm hồ sơ khống, hợp thức hóa việc chuyển mục đích sử dụng đất để hưởng lợi. Đồng thời, những bị cáo này đã thẩm định và tham mưu cho lãnh đạo ký hàng trăm hồ sơ trái pháp luật.

Tổng cộng ông Thạnh và ông Sơn đã ký quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất và miễn giảm tiền sử dụng đất cho 704 hồ sơ, trong đó có 313 hồ sơ miễn giảm sai, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 69 tỷ đồng.

Hồi đầu tháng 11, TAND tỉnh Trà Vinh đã đưa vụ án ra xét xử, song nhiều luật sư của các bị cáo và người có quyền, nghĩa vụ liên quan vắng mặt nên phiên tòa tạm hoãn.