Bản tin thời sự sáng 8/12

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là kiến nghị mở lại đường bay quốc tế thường lệ từ 15/12; bắt Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển nhà Đà Nẵng; lương hưu, trợ cấp xã hội tăng thêm 7,4% từ năm 2022; 6 toa tàu Metro số 1 cập cảng TP.HCM; Pháp thu hồi một số lô mỳ tôm Hảo Hảo, mỳ Đệ Nhất; tình huống khiến tàu Cát Linh - Hà Đông dừng chạy 30 phút…

Kiến nghị mở lại đường bay quốc tế thường lệ từ 15/12

Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Chính phủ khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ trên 9 đường bay từ 15/12.

Bộ Giao thông vận tải kiến nghị mở lại các chuyến bay quốc tế thường lệ trên 9 đường bay

Bộ Giao thông vận tải kiến nghị mở lại các chuyến bay quốc tế thường lệ trên 9 đường bay

Kế hoạch của Bộ Giao thông vận tải đưa ra ngày 7/12, chia theo hai giai đoạn thí điểm. Giai đoạn 1, cho phép tổ chức chuyến bay thường lệ giữa Việt Nam và các thị trường có hệ số an toàn cao, gồm: Bắc Kinh (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Đài Bắc (Đài Loan), Bangkok (Thái Lan), Singapore, Vienchan (Lào), Phnompenh (Campuchia), San Francisco hoặc Los Angeles (Mỹ).

Các cảng hàng không quốc tế của Việt Nam được phép tiếp nhận các đường bay này là Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Bộ Giao thông vận tải kiến nghị cho phép khai thác 4 chuyến/tuần/chiều cho mỗi bên, dự kiến tổng lượng khách nhập cảnh Việt Nam khoảng 14.000 người mỗi tuần, thời gian thực hiện trong 2 tuần từ 15/12.

Giai đoạn 2 từ tháng 1/2022, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Thủ tướng mở rộng các chuyến bay thường lệ giữa Việt Nam tới 15 thị trường gồm: Bắc Kinh (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Bangkok (Thái Lan), Singapore, Vienchan (Lào), Phnompenh (Campuchia), San Francisco hoặc Los Angeles (Hoa Kỳ), Kuala Lumpur (Malaysia), Hongkong, Paris (Pháp), Frankfurt (Đức), Sydney (Australia), Moscow (Nga) và Đài Bắc.

Các cảng hàng không quốc tế của Việt Nam tiếp nhận các chuyến bay trong giai đoạn 2 là Nội Bài (Hà Nội), Tân Sơn Nhất (TP.HCM), Đà Nẵng, Cam Ranh (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang), Vân Đồn (Quảng Ninh).

Tần suất khai thác được tăng lên 7 chuyến mỗi tuần cho mỗi bên, dự kiến tổng lượng khách nhập cảnh khoảng 40.000 người mỗi tuần. Thời gian thực hiện giai đoạn 2 trong một tháng.

Để có thể triển khai kế hoạch khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Y tế hướng dẫn và công bố điều kiện, thời điểm thực hiện miễn cách ly đối với người nhập cảnh Việt Nam; giao Bộ Ngoại giao chủ trì đàm phán thống nhất với các nước, vùng lãnh thổ về công nhận lẫn nhau "hộ chiếu vaccine", ưu tiên các nước và vùng lãnh thổ thực hiện trong 2 giai đoạn thí điểm nêu trên.

Bắt Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển nhà Đà Nẵng

Chiều 7/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP. Đà Nẵng khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển nhà Đà Nẵng Nguyễn Quang Trung về hành vi “Vi phạm quy định về quản lý tài sản gây thất thoát lãng phí”.

CQĐT tống đạt các quyết định tố tụng đối với ông Nguyễn Quang Trung

CQĐT tống đạt các quyết định tố tụng đối với ông Nguyễn Quang Trung

Trước đó, Công an TP. Đà Nẵng nhận được kiến nghị khởi tố kèm theo hồ sơ của Thanh tra TP. Đà Nẵng về sai phạm của ông Nguyễn Quang Trung trong việc quản lý tài sản tại Công ty CP Đầu tư phát triển nhà Đà Nẵng.

Sau khi phối hợp với Viện KSND Thành phố điều tra, xác minh, Cơ quan Cảnh sát điều tra xác định, ông Nguyễn Quang Trung có nhiều sai phạm trong việc quản lý 7 công sản trên địa bàn Thành phố.

Theo thông tin ban đầu, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã tập trung làm rõ trước các sai phạm của Trung trong việc chuyển nhượng nhà đất tại số 186 Trần Phú (quận Hải Châu) để tiếp tục thực hiện các biện pháp tố tụng, đồng thời với việc tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.

Được biết, Công ty CP Đầu tư phát triển nhà Đà Nẵng tiền thân là Công ty Phát triển Nhà - doanh nghiệp nhà nước.

Ngày 27/4/2009, trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa 3 ngày, ông Nguyễn Quang Trung đã đại diện công ty chuyển nhượng quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở tại số 186 Trần Phú với giá gần 2 tỷ đồng.

Việc bán nhà đất nêu trên không thông qua đấu giá bán tài sản, không tổ chức thực hiện việc chuyển nhượng công khai theo quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho nhà nước gần 1,5 tỷ đồng (vào thời điểm 2009). Tổng giá trị thiệt hại liên quan đến việc quản lý 7 dự án tại Công ty CP Đầu tư phát triển nhà Đà Nẵng lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Trước đó, Công ty CP Đầu tư phát triển nhà Đà Nẵng cũng bị phát hiện bán hàng trăm căn hộ trái quy định tại dự án Monachy, đường Trần Hưng Đạo, phường An Hải Tây, quận Sơn Trà.

Lương hưu, trợ cấp xã hội tăng thêm 7,4% từ năm 2022

Từ ngày 1/1/2022, lương hưu, trợ cấp xã hội, trợ cấp hàng tháng của người hưởng lương hưu thấp, người về hưu trước năm 1995 sẽ được tăng thêm 7,4%.

Từ ngày 1/1/2022, lương hưu, trợ cấp xã hội sẽ được tăng thêm 7,4%.

Từ ngày 1/1/2022, lương hưu, trợ cấp xã hội sẽ được tăng thêm 7,4%.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 108 điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng từ đầu năm 2022 trên cơ sở đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Người hưởng lương hưu, trợ cấp trước ngày 1/1/1995 sẽ được điều chỉnh đạt 2,5 triệu đồng một tháng. Người hưởng thấp hơn 2,3 triệu đồng được tăng thêm 200.000 đồng mỗi tháng; người hưởng từ 2,3 đến dưới 2,5 triệu đồng được điều chỉnh đủ 2,5 triệu đồng.

Có 8 nhóm được tăng lương hưu, trợ cấp, trong đó có cán bộ xã, phường, người hoạt động không chuyên trách cấp xã; người hưởng trợ cấp mất sức lao động, công nhân cao su, người hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; bộ đội, công an tham gia kháng chiến chống Mỹ đã xuất ngũ về địa phương...

Nguồn kinh phí tăng lương hưu, trợ cấp từ ngân sách nhà nước và Quỹ Bảo hiểm xã hội. Dự kiến tổng kinh phí điều chỉnh khoảng 12.650 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước bổ sung cho người nghỉ hưu trước năm 1995 là 3.648 tỷ đồng.

6 toa tàu Metro số 1 cập cảng TP.HCM

6 toa của hai tàu Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) sau gần 20 ngày đưa từ Nhật Bản về TP.HCM cập cảng Khánh Hội, Quận 4, ngày 7/12.

Một toa của đoàn tàu thứ 8 thuộc Metro số 1 được cẩu xuống xe siêu trường tại cảng Khánh Hội, ngày 7/12

Một toa của đoàn tàu thứ 8 thuộc Metro số 1 được cẩu xuống xe siêu trường tại cảng Khánh Hội, ngày 7/12

Đây là các toa thuộc đoàn tàu thứ 8, 9 của tuyến metro, được tàu biển vận chuyển từ nhà máy Kasado (Nhật Bản) về TP.HCM hôm 20/11. 6 toa này sẽ lần lượt được chở tới depot Long Bình (TP. Thủ Đức) rạng sáng các ngày 10 và 13/12 để lắp ráp. Mỗi toa dài 21 m, rộng gần 4 m, cao 3 m, nặng 37 tấn, được chở bằng xe siêu trường, tương tự các đoàn tàu nhập về trước đó.

Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR - chủ đầu tư), ngoài hai đoàn tàu trên, đợt này còn có hai đoàn tàu thứ 10, 11 (mỗi đoàn tàu có 3 toa) cũng được nhập về. Hiện, tàu biển chở 6 toa này đã đến Vũng Tàu, dự kiến cập cảng ở TP.HCM vào ngày 8/12, sau đó đưa về depot Long Bình sáng 15, 17/12. Đi cùng với 4 đoàn metro này còn có thiết bị mô phỏng lái tàu được chủ đầu tư nhập về, để phục vụ cho công tác đào tạo và chuẩn bị thử nghiệm.

Việc thêm 4 đoàn tàu về TP.HCM, tuyến Metro số 1 có tổng cộng 11 trong tổng 17 tàu được đưa về. Trước đó từ tháng 10 năm ngoái, Dự án nhập về đoàn tàu đầu tiên, đến tháng 7 năm nay thêm 6 tàu.

Metro số 1 tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng, dài gần 20 km, từ ga Bến Thành (Quận 1) đến depot Long Bình, gồm 3 ga ngầm và 11 ga trên cao. Hiện, toàn Dự án đạt hơn 88%, dự kiến hoàn thành cuối năm 2023.

Pháp thu hồi một số lô mỳ tôm Hảo Hảo, mỳ Đệ Nhất

Acecook Việt Nam cho biết chủ động đề xuất Pháp thu hồi một số lô mỳ tôm Hảo Hảo, hủ tiếu, phở ăn liền Ricey, mỳ Đệ Nhất và mỳ lẩu thái có chất 2-CE vượt ngưỡng.

Mỳ Hảo Hảo vị tôm chua cay của Acecook Việt Nam

Mỳ Hảo Hảo vị tôm chua cay của Acecook Việt Nam

Pháp đang thu hồi một số sản phẩm mỳ, phở và hủ tiếu ăn liền của Công ty Acecook Việt Nam xuất sang thị trường này. Các sản phẩm thu hồi gồm mỳ tôm chua cay Hảo Hảo, hủ tiếu và phở ăn liền Ricey, mỳ Đệ Nhất và mỳ lẩu thái. Các lô bị thu hồi tại Pháp lần này có hạn sử dụng tới tháng 3, tháng 5, tháng 8 và tháng 9/2022.

Lý do thu hồi là các sản phẩm trên chứa 2-chloroetanol (2- CE, chất chuyển hoá từ ethylene oxide - EO) vượt ngưỡng cho phép theo tiêu chuẩn của EU. Cơ quan chức năng Pháp yêu cầu thu hồi trước ngày 31/1/2022.

Đây là lần thứ hai các sản phẩm mỳ ăn liền của Acecook Việt Nam xuất sang châu Âu bị yêu cầu thu hồi do chứa 2-CE vượt ngưỡng cho phép theo quy định của EU...

Đại diện Acecook Việt Nam cho biết đang cùng các đại lý phân phối tại Pháp thu hồi sản phẩm. Các lô này đều được xuất sang Pháp trước tháng 7/2021. Công ty cũng khẳng định, đây là động thái thu hồi do họ tự chủ động đưa ra đề xuất với Pháp. Ngoài việc chủ động thu hồi sản phẩm tại thị trường Pháp, các đại lý cũng thông tin rộng rãi đến người tiêu dùng và các cơ quan chức năng về các lô sản phẩm trên.

Theo Acecook Việt Nam, do quy định rất khắt khe EU về cách tính hàm lượng EO tổng là giá trị tính toán gộp của cả EO tự do và 2-CE, nên sự có mặt của chất 2-CE dù rất nhỏ vẫn được EU nhận định là không phù hợp.

Vụ trưởng Khoa học Công nghệ (Bộ Công Thương) Trần Việt Hoà cho biết thêm, sau đợt sản phẩm của Acecook Việt Nam bị thu hồi tại Ireland và cảnh báo ở Đức, Hà Lan hồi tháng 8, Bộ Công Thương đã rà soát, kiểm tra lại toàn bộ danh mục sản phẩm và quy trình sản xuất sản phẩm đang phân phối trong nước của doanh nghiệp này. Kết quả cho thấy các sản phẩm bán trong nước của Acecook Việt Nam không có EO.

Bộ Y tế phân bổ thêm hơn 25.000 liều thuốc điều trị F0 cho TP.HCM

Đến nay, TP.HCM đã được Bộ Y tế phân bổ khoảng 100.000 liều thuốc kháng virus Molnupiravir.

Thuốc Molnupiravir được triển khai đầu tiên tại TP.HCM từ tháng 8. Ảnh: Merck.

Thuốc Molnupiravir được triển khai đầu tiên tại TP.HCM từ tháng 8. Ảnh: Merck.

Theo quyết định mới nhất, Bộ Y tế tiếp tục phân bổ thêm cho TP.HCM hơn 25.000 liều thuốc kháng virus Molnupiravir phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19 tại nhà.

Đây là thuốc trong chương trình thí điểm điều trị F0 có kiểm soát tại cộng đồng được Bộ Y tế triển khai đầu tiên tại TP.HCM từ tháng 8. Thuốc kháng virus Molnupiravir thuộc túi thuốc C mà Thành phố cấp cho người bệnh điều trị tại nhà.

Cục Khoa học - Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế cho biết, đến ngày 7/12, đã có 42 tỉnh, thành phố điều trị có kiểm soát bằng thuốc kháng virus Molnupiravir cho bệnh nhân Covid-19 nhẹ và không triệu chứng tại nhà, tăng gần gấp đôi so với đầu tháng 11.

Đến thời điểm này, Bộ Y tế đã cung cấp miễn phí khoảng gần 250.000 liều thuốc kháng virus Molnupiravir cho người bệnh sử dụng.

Mới đây, Bộ Y tế cũng công bố các kết quả báo cáo giữa kỳ của chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát thuốc kháng virus Molnupiravir cho các trường hợp mắc Covid-19 thể nhẹ do Bộ triển khai tại 22 tỉnh, thành phố.

Kết quả cho thấy thuốc có tính an toàn cao, dung nạp tốt, hiệu quả rõ rệt về giảm tải lượng virus, giảm lây lan, giảm chuyển nặng, rút ngắn thời gian điều trị với tỷ lệ bệnh nhân có kết quả xét nghiệm rRT-PCR sau 5 ngày âm tính hoặc dương tính với giá trị CT ≥ 30 từ 72,1% đến 99,1%.

Tỷ lệ bệnh nhân có kết quả xét nghiệm rRT-PCR sau 14 ngày âm tính hoặc dương tính với giá trị CT ≥ 30 gần 100%. Tỷ lệ chuyển nặng rất thấp, từ 0,02 - 0,06% và không có ca nào dẫn đến tử vong.

Các kết quả rất khả quan của chương trình đã đóng góp hiệu quả vào công tác phòng, chống dịch của TP.HCM và các địa phương có dịch.

Tình huống khiến tàu Cát Linh - Hà Đông dừng chạy 30 phút

Đơn vị vận hành đường sắt Cát Linh - Hà Đông vừa phải xử lý tình huống khiến một tàu dừng hoạt động.

Hanoi Metro đã diễn tập xử lý nhiều tình huống trước khi đưa tàu điện Cát Linh - Hà Đông vào vận hành chính thức

Hanoi Metro đã diễn tập xử lý nhiều tình huống trước khi đưa tàu điện Cát Linh - Hà Đông vào vận hành chính thức

Tối 7/12, nhiều hành khách có mặt tại ga Cát Linh để đi tàu điện bất ngờ nhận được thông báo đoàn tàu gặp sự cố, không thể phục vụ hành khách.

Tổng giám đốc Hanoi Metro Vũ Hồng Trường cho biết, sự cố xảy ra thực chất là tình huống diễn tập bất ngờ mà Sở GTVT đưa ra để thử khả năng phản ứng của đơn vị vận hành.

Do không biết đây là tình huống diễn tập, các nhân sự của Hanoi Metro vẫn triển khai các bước xử lý sự cố như bình thường. Họ dừng đón trả khách tại ga Cát Linh từ 18h30 đến khoảng 19h10 để khắc phục sự cố.

Thời điểm trên, đã có gần 40 hành khách mua vé và đợi tàu. Hanoi Metro đã trả lại tiền vé cho hành khách, đồng thời gọi xe buýt hỗ trợ nếu hành khách có nhu cầu di chuyển.

Ông Trường cho biết ngay khi phát hiện sự cố, nhân viên đường sắt đã xử lý theo đúng quy trình. Đây là một trong 63 tình huống an toàn mà nhân viên đường sắt đã được tập huấn xử lý.

Nhiều quận huyện TP.HCM bị cắt nước cuối tuần

Ngành cấp nước sửa tuyến ống 1.200 mm ở đường Nguyễn Thái Bình, Quận 1 và bảo trì nhà máy nước Thủ Đức khiến hàng loạt quận huyện bị cắt nước khoảng 8 tiếng.

Từ 21h ngày 11/12 đến 5h ngày 12/12, nhiều quận huyện TP.HCM không có nước máy

Từ 21h ngày 11/12 đến 5h ngày 12/12, nhiều quận huyện TP.HCM không có nước máy

Chiều 7/12, Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) cho biết, dự kiến tuyến ống được sửa từ 21h ngày 11/12 đến 5h ngày 12/12, nên thời gian này nhiều quận huyện TP.HCM không có nước máy.

Các Quận 1, 3, 5, 10 và Phú Nhuận bị cắt nước hoàn toàn. Nhiều phường thuộc Quận 4, 6, 8, 11, Bình Thạnh và Tân Bình cũng không có nước. Xã Bình Hưng, Phong Phú (huyện Bình Chánh), Phường 2 (quận Tân Bình), nước bị yếu.

Do điều kiện đặc thù của vùng cấp nước nên thời gian phục hồi nước trên mạng tại một số nơi xa nguồn sẽ chậm hơn so với mốc thời gian chính nêu trên.

Để hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng sinh hoạt của người dân, Sawaco đã có phương án tăng cường cấp nước bằng xe bồn tại các khu vực trọng yếu, đặc biệt tại các bệnh viện và khu cách ly tập trung; điều tiết hỗ trợ từ mạng truyền tải, theo dõi chặt chẽ diễn biến trên mạng lưới cấp nước để điều phối nguồn nước theo tình hình thực tế, đồng thời chủ động phối hợp giải quyết các vấn đề phát sinh xảy ra trên mạng lưới cấp nước.