Bản tin thời sự sáng 8/12

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là TP.HCM dự kiến chi 15.300 tỷ đồng làm hai dự án trọng điểm; Bình Dương dự kiến chi gần 470 tỷ đồng lắp camera; NovaGroup bị bán giải chấp thêm 40 triệu cổ phiếu NVL; GRDP bình quân đầu người của Hà Nội đạt 142 triệu đồng; Bình Định kiến nghị lập TP. An Nhơn…

TP.HCM dự kiến chi 15.300 tỷ đồng làm hai dự án trọng điểm

Thành phố dự kiến chi gần 5.936 tỷ đồng (35%) trong tổng mức đầu tư hơn 16.700 tỷ đồng để làm cao tốc TP.HCM - Mộc Bài và hơn 9.300 tỷ đồng cải tạo rạch Xuyên Tâm.

Hướng tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài theo nghiên cứu năm 2020

Hướng tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài theo nghiên cứu năm 2020

Đề xuất nguồn vốn cho hai dự án xây cao tốc TP.HCM - Mộc Bài và cải tạo rạch Xuyên Tâm được Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng trình HĐND Thành phố khoá X, tại Kỳ họp thứ 8, sáng 7/12.

Theo đó, Thành phố sẽ chi 5.936 tỷ đồng ngân sách giai đoạn 2021 - 2025 để làm cao tốc TP.HCM - Mộc Bài. Trong đó, hơn 5.900 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng; 35 tỷ đồng cho các chi phí chuẩn bị dự án và sẽ được nhà đầu tư trúng thầu hoàn trả lại ngân sách.

Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài dài 50 km, quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 120 km/h. Điểm đầu giao giữa tỉnh lộ 15 với Vành đai 3 (huyện Củ Chi, TP.HCM); điểm cuối kết nối Quốc lộ 22 ở huyện Bến Cầu (tỉnh Tây Ninh). Riêng đoạn qua TP.HCM dài gần 24 km.

Dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn một hơn 16.700 tỷ đồng, thực hiện theo phương thức đối tác công tư (hợp đồng BOT). Trong đó, nhà đầu tư dự kiến thu phí hoàn vốn trong 18 năm một tháng, còn nhà nước hỗ trợ chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng từ ngân sách TP.HCM và tỉnh Tây Ninh.

Cũng tại Kỳ họp, UBND Thành phố trình HĐND duyệt chủ trương đầu tư Dự án Nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật - 8 km) với tổng vốn hơn 9.300 tỷ đồng, giúp chỉnh trang đô thị, giảm ô nhiễm.

Công trình sử dụng vốn ngân sách và sẽ được bố trí vốn theo hai giai đoạn. Từ 2021 - 2025, Thành phố sẽ chi gần 6.650 tỷ đồng để bồi thường, giải phóng mặt bằng, lập dự án đầu tư, thiết kế bản vẽ, khởi công. Hơn 3.000 tỷ đồng sẽ được chi trong 5 năm để thi công và quyết toán dự án.

Bình Dương dự kiến chi gần 470 tỷ đồng lắp camera

Công an Bình Dương đề xuất lắp hệ thống camera công nghệ cao trên các tuyến đường lớn với tổng kinh phí 469 tỷ đồng nhằm sớm phát hiện cháy, giám sát an ninh...

Công an Bình Dương đề xuất lắp hệ thống camera công nghệ cao trên các tuyến đường lớn với tổng kinh phí 469 tỷ đồng

Công an Bình Dương đề xuất lắp hệ thống camera công nghệ cao trên các tuyến đường lớn với tổng kinh phí 469 tỷ đồng

Dự án lắp 421 camera công nghệ cao trên các tuyến đường, giao lộ chính, khu dân cư, khu công nghiệp... nằm trong lộ trình vận hành Thành phố thông minh do UBND tỉnh Bình Dương giao ngành công an làm chủ đầu tư.

Thượng tá Nguyễn Minh Thân, Phó phòng Tham mưu, Công an tỉnh Bình Dương cho biết, camera thuộc dự án không phải thiết bị thường như người dân lắp đặt, mà là camera công nghệ cao để phát hiện cháy, xử lý phạt nguội vi phạm giao thông và đảm bảo an ninh trật tự.

Khi hệ thống báo cháy tầm cao (có thể phát hiện sự cố ở cự ly 6 km) được đưa vào khai thác, các vụ cháy lớn ở các công ty, nhà dân... đều được phát hiện sớm thông qua hệ thống camera và tổ trực sẽ thông báo để Cảnh sát chữa cháy chủ động điều xe đến hiện trường.

Đại diện Công an Bình Dương, cũng thông tin thêm ngoài camera, dự án còn có nhiều hạng mục khác để vận hành như: trung tâm điều hành, phần mềm quản lý lưu trữ hình ảnh, xây dựng các trụ thiết bị cứng, đường truyền, tủ điện... nên số tiền khái toán 469 tỷ "không quá cao bất thường". Đơn vị này vẫn đang phối hợp với các sở ngành khảo sát, hoàn thiện dự án để trình UBND Tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư.

NovaGroup bị bán giải chấp thêm 40 triệu cổ phiếu NVL

Cổ đông lớn nhất tại Novaland đã bị bán giải chấp thêm lượng lớn cổ phiếu trong phiên cuối tháng 11 với tổng giá trị ước tính quanh 900 tỷ đồng.

NovaGroup bị bán giải chấp thêm 40 triệu cổ phiếu NVL

NovaGroup bị bán giải chấp thêm 40 triệu cổ phiếu NVL

NovaGroup vừa thông báo đã bị bán ra hơn 40 triệu cổ phiếu NVL của Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland). Giao dịch được thực hiện theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận trong phiên 30/11.

Công ty trình bày đây là giao dịch do bị công ty chứng khoán bán giải chấp cổ phiếu.

Giao dịch buộc bán trên khiến sở hữu của NovaGroup tại Novaland giảm còn 670,9 triệu cổ phiếu, tương đương nắm giữ hơn 34,4% vốn, vẫn là cổ đông lớn nhất tại công ty bất động sản.

Phiên giao dịch 30/11 chứng kiến thanh khoản kỷ lục của NVL. Trong đó, khối lượng khớp lệnh đạt hơn 23,2 triệu cổ phiếu và khối lượng thỏa thuận gần 71,9 triệu đơn vị (giá sang tay bình quân 22.000 đồng).

Đây cũng là phiên hồi phục mạnh nhất của NVL sau chuỗi bán tháo, chốt phiên tại mức giá trần 23.350 đồng. Như vậy, giá trị lượng cổ phần bị bán giải chấp vào khoảng trên dưới 900 tỷ đồng.

Đây không phải lần đầu NovaGroup bị bán giải chấp, trước đó cổ đông này cũng bị ép bán hơn 12,7 triệu cổ phiếu NVL trong phiên 22/11. Tổng khối lượng bị buộc bán trong cuối tháng vừa qua là 52,7 triệu đơn vị.

Nhà thầu để 'lô cốt' gây kẹt xe kéo dài bị dừng thi công

Thanh tra Sở Giao thông vận tải TP.HCM tước giấy phép hai tháng nhà thầu thi công Dự án thoát nước đường Võ Văn Ngân, TP. Thủ Đức, do dựng "lô cốt" gây ùn tắc kéo dài.

Xe ùn ứ qua đoạn rào chắn trên đường Võ Văn Ngân, đoạn gần giao lộ Đặng Văn Bi

Xe ùn ứ qua đoạn rào chắn trên đường Võ Văn Ngân, đoạn gần giao lộ Đặng Văn Bi

Đây là hình thức phạt bổ sung, lần đầu Thanh tra Sở Giao thông vận tải (GTVT) áp dụng với Công ty CP Tập đoàn Anh Vinh - nhà thầu làm Dự án Xây dựng hệ thống thoát nước đường Võ Văn Ngân. Nhà thầu này bị tước giấy phép thi công từ nay đến tháng 2/2023.

Trước đó, Thanh tra Sở GTVT cho biết, việc thi công ở dự án trên nhiều lần vi phạm như không hoàn trả đường theo nguyên trạng khi làm xong; không bố trí người hướng dẫn, điều tiết giao thông; bố trí rào chắn chưa đúng... Từ năm 2021 đến nay, tại công trình này, đội thanh tra giao thông số 5 đã xử phạt 13 lần với số tiền 119 triệu đồng. Sở GTVT nhiều lần đề nghị TP. Thủ Đức chỉ đạo chủ đầu tư và đơn vị thi công phải đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường...

Cách đây hai ngày, Thanh tra Sở GTVT tiếp tục kiểm tra công trình trên và ghi nhận tồn tại nhiều vi phạm. Đơn vị này đã yêu cầu chủ đầu tư, đơn vị thi công tạm ngưng mọi hoạt động, đồng thời tháo dỡ rào chắn, di dời thiết bị, vật tư, hoàn trả mặt đường theo hiện trạng ban đầu.

Dự án Xây dựng hệ thống thoát nước đường Võ Văn Ngân dài gần 2,5 km, thi công từ hai năm trước với tổng vốn hơn 248 tỷ đồng. Kế hoạch ban đầu, công trình hoàn thành sau 17 tháng, song đến nay vẫn chưa xong.

GRDP bình quân đầu người của Hà Nội đạt 142 triệu đồng

TP. Hà Nội dự kiến hoàn thành tất cả 22 chỉ tiêu năm 2022, trong đó tăng trưởng GRDP và GRDP bình quân đầu người vượt kế hoạch, đạt lần lượt 8,8% và 142,3 triệu đồng.

Một góc Hà Nội nhìn từ trên cao

Một góc Hà Nội nhìn từ trên cao

Ngày 7/12, tại phiên làm việc đầu tiên Kỳ họp thứ 10 HĐND Hà Nội, Chủ tịch HĐND Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, năm 2022 Thành phố triển khai các nhiệm vụ trong điều kiện đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tình hình chính trị thế giới và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Nhưng Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả.

Thành phố dự kiến hoàn thành 22/22 chỉ tiêu năm 2022, trong đó 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch là tăng trưởng GRDP ước tăng 8,8% (kế hoạch 7 - 7,5%); GRDP bình quân đầu người 142,3 triệu đồng (kế hoạch 139 - 141 triệu đồng); tốc độ tăng vốn đầu tư 13,8% (kế hoạch 10,5%); kim ngạch xuất khẩu 11,9% (kế hoạch 5%) và giảm hộ nghèo so với năm trước đạt 38,8% (kế hoạch 20%).

Năm 2022, thành phố đã tổng kết và trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2045; triển khai lập Quy hoạch thành phố, điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tổng kết thi hành Luật Thủ đô và đề nghị xây dựng sửa đổi Luật.

Bình Định kiến nghị lập TP. An Nhơn

Tỉnh Bình Định muốn nâng cấp thị xã An Nhơn với diện tích 244 km2 và 180.000 người lên thành phố với chức năng là đô thị kết nối miền Trung và Tây Nguyên.

Thị xã An Nhơn nhìn từ trên cao

Thị xã An Nhơn nhìn từ trên cao

Chủ trương xin thành lập TP. An Nhơn được đề cập trong công văn gửi Bộ Nội vụ của UBND tỉnh Bình Định ngày 7/12. Thị xã An Nhơn cách TP. Quy Nhơn gần 20 km về phía tây bắc, được thành lập năm 2011, hiện là đô thị loại 3 với 5 phường và 10 xã.

Theo UBND Bình Định, An Nhơn đang là đô thị vệ tinh của TP. Quy Nhơn và là trung tâm giao lưu kinh tế, văn hóa xã hội ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Thị xã được đánh giá có hệ thống giao thông rất thuận lợi, với Quốc lộ 1, Quốc lộ 19 và đường sắt Bắc - Nam. Nơi đây cũng có dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông và cao tốc Quy Nhơn - Pleiku (Gia Lai) đi qua.

Về kinh tế, 5 năm gần đây, An Nhơn tăng trưởng bình quân hàng năm trên 15%. 10 năm qua, tỷ trọng ngành công nghiệp - dịch vụ trong cơ cấu kinh tế tăng từ 62,5% lên gần 88%; thu ngân sách tăng từ 158 tỷ đồng một năm lên 1.022 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 3 lần, từ hơn 20 triệu đồng lên gần 60 triệu đồng. Địa phương này cũng là nơi nổi tiếng trên cả nước với nghề trồng mai với diện tích 145 ha, gần 1.500 hộ.

Về văn hóa, thị xã An Nhơn có thành Hoàng Đế (thành Đồ Bàn) từng là kinh đô của vương triều Champa thế kỷ 11 - 15 và kinh đô của vương triều Tây Sơn thời Nguyễn Nhạc.

Để nâng cấp An Nhơn lên thành phố, tỉnh Bình Định muốn lập thêm 6 phường dựa trên 6 xã hiện hữu. TP. An Nhơn sau khi thành lập sẽ có 11 phường, gồm: Bình Định, Đập Đá, Nhơn Hòa, Nhơn Hưng, Nhơn Thành, Nhơn Phúc, Nhơn Lộc, Nhơn Thọ, Nhơn An, Nhơn Hậu và Nhơn Phong; và 4 xã: Nhơn Hạnh, Nhơn Khánh, Nhơn Mỹ, Nhơn Tân. Bình Định khi đó sẽ có hai thành phố là Quy Nhơn và An Nhơn, thị xã Hoài Nhơn và 8 huyện.

Thêm cựu Tổng giám đốc Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn bị khởi tố

Ông Nguyễn Đình Phú, cựu Tổng giám đốc Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn - Resco, bị cáo buộc sai phạm trong việc chuyển nhượng mặt bằng, gây thiệt hại ngân sách.

Dự án cao ốc văn phòng số 257 đường Điện Biên Phủ của Resco

Dự án cao ốc văn phòng số 257 đường Điện Biên Phủ của Resco

Ngày 7/12, ông Nguyễn Đình Phú và Hoàng Hải Đăng, nguyên Phó Tổng giám đốc Resco, bị Công an TP.HCM khởi tố về hành vi Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Resco là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, thuộc UBND TP.HCM. Trong quá trình công tác, ông Phú và Đăng được cho là có sai phạm trong việc ký chuyển nhượng hai mặt bằng tại đường Lý Thường Kiệt và đường Hồng Bàng (Quận 11), gây thiệt hại gần 95 tỷ đồng.

Động thái này của Công an TP.HCM diễn ra trong quá trình mở rộng điều tra sai phạm ở Resco. Hồi đầu tháng 11, ông Nguyễn Phước Ngọc, cựu Tổng giám đốc Resco; Nguyễn Tín Trung, cựu Chủ tịch Hội đồng Thành viên (HĐTV) Resco cùng 4 người khác đã bị khởi tố về cùng hành vi.

Resco được UBND TP.HCM thành lập năm 1997, hoạt động trong lĩnh vực đầu tư xây dựng dự án, nhà ở tái định cư; nhà ở xã hội; chương trình giải tỏa kênh rạch, chung cư, nhà ở công nhân... Năm 2010, Tổng công ty chuyển thành Công ty TNHH MTV với nhiều công ty con, công ty liên doanh và liên kết. Hiện, Resco thực hiện nhiều dự án bất động sản tại Sài Gòn.

Trong kết luận về công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí năm 2017-2018 (công bố hồi tháng 4/2020), Resco bị cho có nhiều sai phạm khi đầu tư 2.250 tỷ đồng vào 32 đơn vị nhưng có đến 14 doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, lỗ lũy kế hàng chục tỷ đồng nên khó thu hồi nợ 1.473 tỷ đồng. Resco không báo cáo và đề xuất UBND thành phố về biện pháp xử lý, chưa hoàn tất việc thoái hết vốn đầu tư ngoài ngành, theo chỉ đạo của Thủ tướng.

FLC bị Cục Thuế Quảng Ninh cưỡng chế thuế gần 1,6 tỷ đồng

Tổng giá trị số tiền bị cưỡng chế từ đầu năm tại FLC đã lên tới gần 1.390 tỷ đồng từ các cơ quan quản lý thuế tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.

FLC bị Cục thuế Quảng Ninh cưỡng chế thuế gần 1,6 tỷ đồng

FLC bị Cục thuế Quảng Ninh cưỡng chế thuế gần 1,6 tỷ đồng

Công ty CP Tập đoàn FLC (mã chứng khoán: FLC) vừa thông báo đã nhận được 3 quyết định cưỡng chế thuế từ Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh.

FLC bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của tập đoàn mở tại 3 ngân hàng là Ngân hàng Phương Đông (OCB) chi nhánh Hà Nội, VietinBank chi nhánh Quảng Ninh và BIDV chi nhánh Quảng Ninh.

Lý do là công ty nợ thuế thuộc trường hợp bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, với tổng số tiền bị cưỡng chế gần 1,6 tỷ đồng. Thời hạn tiến hành cưỡng chế bắt đầu từ ngày 30/11 đến ngày 29/12 năm nay.

Không phải lần đầu tiên FLC nhận được quyết định cưỡng chế thuế trong năm nay. Tập đoàn này cũng đã nhiều lần bị cưỡng chế hoặc xử lý thuế trong nửa năm trở lại đây.

Thậm chí, tổng giá trị số tiền bị cưỡng chế từ đầu năm đã lên tới gần 1.390 tỷ đồng từ các cơ quan quản lý thuế tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Lần gần nhất, FLC bị cưỡng chế thuế là ngày 28/10, khi Chi cục Thuế Thành phố Kon Tum đã cưỡng chế gần 54 triệu đồng của công ty do nợ thuế quá 90 ngày.

Tin cùng chuyên mục