Bản tin thời sự sáng 8/5

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là chốt kiến trúc cầu vượt sông Hương; chủ đầu tư cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi chưa hoàn trả đường; dự kiến gia hạn 20.000 tỷ thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô sản xuất trong nước; dùng âm thanh đuổi chim ở sân bay Nội Bài…

Chốt kiến trúc cầu vượt sông Hương

Bản thiết kế cây cầu nhịp vòm với ống bảo vệ cáp treo trang trí theo chủ đề lịch sử của Huế được chọn để xây dựng cầu vượt qua sông Hương.

Phương án thiết kế cầu vượt sông Hương được lựa chọn thi công

Phương án thiết kế cầu vượt sông Hương được lựa chọn thi công

Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng giao thông tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Đăng Trường cho biết, phương án được chọn là của Liên danh Công ty TNHH WSP Phần Lan và Công ty Cổ phần Tư vấn kỹ thuật E&R.

Theo thiết kế, cầu dài 590 m, rộng 43 m với kết cấu bê tông cốt thép, nối đường Kim Long với đường Bùi Thị Xuân. Tổng mức đầu tư 1.500 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương 800 tỷ đồng. Công trình dự kiến được khởi công vào tháng 9/2022.

Trước đó, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức ba cuộc thi thiết kế cầu bắc qua sông Hương. Các phương án đoạt giải đều được đưa ra để người dân và các nhà văn hóa đóng góp ý kiến.

Thừa Thiên Huế đã có 5 cây cầu bắc qua sông Hương gồm cầu Tràng Tiền, Phú Xuân, Dã Viên, cầu Tuần và cầu chợ Dinh.

Chủ đầu tư cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi chưa hoàn trả đường

Gần 4 năm đưa vào sử dụng, chủ đầu tư cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi chưa hoàn trả, thi công 30 đường ngang, đường gom cho Quảng Nam.

Không có hàng bảo vệ, bò vào ven đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi ăn cỏ

Không có hàng bảo vệ, bò vào ven đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi ăn cỏ

UBND tỉnh Quảng Nam cùng Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vừa làm việc để giải quyết những tồn tại đối với cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đi qua địa phương này.

Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, quá trình thi công phải hoàn trả 23 tuyến, tổng cộng 73,5 km đường cho Quảng Nam, nhưng đến nay Dự án mới trả được 21 tuyến với 68 km. Hai tuyến dài 5,1 km do huyện Duy Xuyên chủ động thi công, còn 400 m đường ĐH5 chưa thực hiện.

Đối với 191 đường gom dài 63,8 km, Chủ đầu tư mới hoàn thành 170 đường với tổng chiều dài 52,9 km. 21 đường gom dài 10,7 km chưa thi công. Trong 141 đường ngang dài 25,1 km, Chủ đầu tư mới hoàn thành 133 đường dài 21,4 km. Cũng trên cao tốc này, 4,7 km hàng rào bảo vệ chưa được thi công.

Giải thích lý do chưa hoàn thiện các hạng mục, ông Nguyễn Quốc Bình, Phó tổng giám đốc VEC cho biết, do hiệp định vay đã kết thúc, tư vấn giám sát dừng cung cấp dịch vụ, các nhà thầu đã rút khỏi công trường khi thời hạn hợp đồng đã hết. Dự án không được cấp vốn khoảng 2.060 tỷ đồng để giải ngân cho khối lượng đã thi công còn tồn đọng và thi công các hạng mục còn lại. Ngoài ra, quá trình thi công bị vướng mắc về mặt bằng nên nhà thầu tạm dừng.

Để giải quyết các tồn tại, ông Bình kiến nghị địa phương quyết toán kinh phí giải phóng mặt bằng và tái định cư để VEC tổng hợp chung vào quyết toán Dự án Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi trong quý II/2022. Sau đó VEC trình cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh tổng mức chi phí giải phóng mặt bằng của Dự án.

Dự kiến gia hạn 20.000 tỷ đồng thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô sản xuất trong nước

Bộ Tài chính trình Chính phủ cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước được chậm nộp khoảng 20.000 tỷ đồng tiền thuế tiêu thụ đặc biệt.

Sản xuất, lắp ráp xe tại Nhà máy Sản xuất Ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam

Sản xuất, lắp ráp xe tại Nhà máy Sản xuất Ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam

Theo phương án vừa được trình lên Chính phủ, Bộ Tài chính đề xuất gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt của kỳ tính thuế từ tháng 6 đến tháng 9 năm nay. Chậm nhất đến ngày 20/11, doanh nghiệp phải nộp đầy đủ số thuế được gia hạn này.

Trong các năm gần đây, số liệu từ Bộ Tài chính cho biết, bình quân số thuế tiêu thụ đặc biệt các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước nộp từ 2.450 đến 2.800 tỷ đồng mỗi tháng. Trong kịch bản nhu cầu xe điện tăng lên nhờ giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với xe điện chạy pin, số tiền thuế ước thu mỗi tháng năm nay khoảng 2.000 tỷ đồng. Các doanh nghiệp được chậm nộp thuế tiêu thụ đặc biệt của kỳ tính thuế tháng 6, 7, 8, 9 đến hết 20/11. Với tổng thời gian gia hạn là 10 tháng này, tổng số tiền được gia hạn là 20.000 tỷ đồng.

Do đây là giải pháp cấp bách cần ban hành ngay để kịp thời hỗ trợ cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính xin Chính phủ cho phép Nghị định có hiệu lực kể từ ngày ký.

Như vậy, nếu được thông qua, chính sách giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước được áp dụng liên tục trong 3 năm, từ năm 2020 đến nay.

Khôi phục đào tạo gần 60 học viên lái tàu Metro Số 1

Sau hơn một năm dừng, 58 học viên lái tàu Metro Số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) được đào tạo trở lại khi hợp đồng tư vấn chung cho Dự án vừa khôi phục.

Học viên học lý thuyết tại trường Cao đẳng Đường sắt cơ sở ở Quận 3, TP.HCM

Học viên học lý thuyết tại trường Cao đẳng Đường sắt cơ sở ở Quận 3, TP.HCM

Thông tin được ông Nguyễn Quốc Hiển, Phó ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR - chủ đầu tư) cho biết, sau khi đơn vị và Liên danh NJPT vừa đạt thoả thuận ký Phụ lục số 19 - hợp đồng tư vấn chung cho dự án Metro Số 1. Phụ lục bao gồm công tác đào tạo lái tàu, nhân viên điều độ, trưởng ga... Sau khi Hợp đồng số 19 được ký kết, Liên danh tư vấn đang bắt đầu khởi động lại việc đào tạo học viên, chuẩn bị nhân sự vận hành tuyến metro.

Các học viên đang được mời trở lại lớp học và dự kiến việc đào tạo hoàn tất sau một năm. Trong thời gian gián đoạn, 3 - 5 người đã quyết định bỏ học. Chủ đầu tư sẽ tuyển thêm những vị trí này để đảm bảo đủ nhân sự lái tàu.

58 học viên lái tàu của Metro Số 1, trong độ tuổi 21 - 35, được tuyển từ tháng 7/2020 tại Trường Cao đẳng Đường sắt. Sau nửa năm, công tác đào tạo bị tạm dừng khi họ đã hoàn thành 8 trên 19 môn tại trường. Việc ngưng dạy do Liên danh tư vấn NJPT hết kinh phí vì Phụ lục hợp đồng 19 chưa ký kết. Mới đây, chính quyền Thành phố duyệt dự toán chi phí phụ lục hơn 1.600 tỷ đồng, giúp dịch vụ tư vấn được khôi phục.

Với tổng mức đầu tư 43.700 tỷ đồng, tuyến Metro Số 1 dài gần 20 km, gồm ba ga ngầm và 11 ga trên cao. Dự án đã đạt hơn 90% dự kiến chạy thương mại vào cuối năm tới. Hiện toàn bộ 17 đoàn tàu thuộc Metro Số 1 đã về đến TP.HCM. Chủ đầu tư đang tập trung cho việc thử nghiệm hệ thống, thử tàu...

Dùng âm thanh đuổi chim ở sân bay Nội Bài

Sân bay Nội Bài sử dụng âm thanh của các loài chim săn mồi gắn trên xe bán tải, còn sân bay Cát Bi dùng xe cứu hỏa để xua đuổi.

Xe gắn thiết bị âm thanh để xua đuổi chim ở sân bay Nội Bài

Xe gắn thiết bị âm thanh để xua đuổi chim ở sân bay Nội Bài

Trong 10 ngày qua, 7 vụ máy bay va phải chim xảy ra khiến phương tiện phải dừng hoạt động chờ kiểm tra kỹ thuật. Để hạn chế thấp nhất va chạm trong mùa chim di cư, các sân bay đã dùng thiết bị tạo âm thanh, hiệu ứng để xua đuổi.

Ngoài sử dụng âm thanh của các loài săn mồi gắn trên xe bán tải, từ năm 2021, sân bay Nội Bài thử nghiệm thiết bị xua đuổi chim của hãng Volacom. Thiết bị âm thanh này có thể cầm tay, gắn trên ô tô hoặc đặt ở vị trí cố định. Theo đại diện sân bay, ghi nhận từ hệ thống camera cho thấy kết quả thử nghiệm bước đầu khá tốt khi tín hiệu, tần suất chim về giảm hơn ở tầng thấp.

Các sân bay cũng tổ chức nạo vét mương trong khu bay nhằm hạn chế nguồn thức ăn, nước uống, nơi trú ngụ, để chim không dừng chân trong quá trình di cư. Cỏ được cắt thường xuyên, tránh thu hút chim đến tìm kiếm thức ăn (như giun đất, côn trùng, động vật gặm nhấm).

Ban quản lý các sân bay cũng thường xuyên cảnh báo phi công về về các loài chim xuất hiện tại cảng và khu vực lân cận như thời gian, độ cao, số lượng, trọng lượng và mức độ rủi ro của từng loài đối với tàu bay.

Ông Phạm Thanh Tâm, Trưởng ban An toàn - Kiểm soát chất lượng (Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - ACV), cho biết tùy theo đặc điểm sinh thái và các loài chim, mỗi sân bay áp dụng giải pháp xua đuổi riêng. Phần lớn sử dụng xe cứu hỏa, thiết bị để tạo âm thanh, hiệu ứng. Tuy nhiên, việc này gặp nhiều khó khăn do địa hình sân bay đa dạng, có nơi giáp núi rừng, nơi giáp biển, ao hồ, ruộng đồng, vườn cây... Đây đều là môi trường thuận lợi cho chim cư trú.

Bình Định xử phạt 3 nhà máy điện mặt trời

Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bình Định vừa quyết định xử phạt hành chính tổng số tiền 330 triệu đồng với các doanh nghiệp vi phạm trong thi công nhà máy điện mặt trời ở huyện Phù Mỹ.

Dự án Nhà máy Điện mặt trời Phù Mỹ từng vi phạm san ủi "nhầm" hơn 5,2 ha rừng phòng hộ ven biển xã Mỹ An

Dự án Nhà máy Điện mặt trời Phù Mỹ từng vi phạm san ủi "nhầm" hơn 5,2 ha rừng phòng hộ ven biển xã Mỹ An

Cụ thể, Công ty CP Phát triển tầm nhìn Năng lượng sạch với 5 lỗi vi phạm tại Nhà máy Điện mặt trời Phù Mỹ 1 bị phạt trên 162 triệu đồng; tại Nhà máy Điện mặt trời Phù Mỹ 2 công ty này bị phạt thêm gần 146 triệu đồng; Công ty CP Năng lượng tái tạo Việt Nam (chủ đầu tư Nhà máy điện mặt trời đầm Trà Ổ) bị xử phạt trên 110 triệu đồng.

Trước đó, đoàn kiểm tra Bộ Công Thương tổ chức kiểm tra, phát hiện 3 lỗi vi phạm tại Nhà máy Điện mặt trời đầm Trà Ổ, gồm: không gửi báo cáo cho cơ quan chuyên môn về xây dựng, các nội dung như tên, địa chỉ liên lạc, tên công trình, địa điểm, quy mô và tiến độ xây dựng sau khi khởi công; giám sát trưởng công trình không đủ điều kiện về năng lực hành nghề.

Ngoài ra, chủ đầu tư đưa công trình vào khai thác, sử dụng, phát điện khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra công tác nghiệm thu và ra văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu theo quy định.

Tại Nhà máy Điện mặt trời Phù Mỹ 1, đoàn kiểm tra phát hiện 5 lỗi vi phạm: lựa chọn cá nhân, tổ chức thi công và giám sát không đủ năng lực; khởi công xây dựng công trình khi thiếu bản vẽ thiết kế và bản vẽ thi công của hạng mục công trình; không gửi báo cáo tên, địa chỉ, địa điểm, quy mô, tiến độ công trình cho cơ quan nhà nước; bàn giao, đưa công trình khai thác khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Trong khi đó, Nhà máy Điện mặt trời Phù Mỹ 2 dính 4 lỗi vi phạm: lựa chọn cá nhân, tổ chức thi công và giám sát không đủ năng lực; không gửi báo cáo tên, địa chỉ, địa điểm, quy mô, tiến độ công trình cho cơ quan nhà nước; bàn giao, đưa công trình khai thác khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu.

Tin cùng chuyên mục