Bản tin thời sự sáng 8/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Tập đoàn Sovico đề xuất đầu tư tuyến metro số 4 của TP.HCM; Hà Nội dôi dư 291 trụ sở sau sắp xếp; đầu tư gần 600 tỷ đồng xây nút giao Quốc lộ 50 với cao tốc Bến Lức - Long Thành; đấu giá gần 200 ha rừng ở Quảng Ninh thiệt hại do bão Yagi…

Tập đoàn Sovico đề xuất đầu tư tuyến metro số 4 của TP.HCM

Tập đoàn Sovico - cổ đông sáng lập Vietjet Air, đề xuất nghiên cứu đầu tư tuyến metro số 4 dài hơn 47 km từ huyện Hóc Môn đến Khu đô thị Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP.HCM.

TP.HCM hiện mới khai thác tuyến metro số 1

TP.HCM hiện mới khai thác tuyến metro số 1

Trong công văn vừa gửi UBND TP.HCM, Công ty CP Tập đoàn Sovico cho biết, Thành phố đang lên kế hoạch đầu tư 355 km metro từ nay đến năm 2035. Với kinh nghiệm, năng lực, cùng tiềm lực tài chính của doanh nghiệp, Sovico muốn tham gia nghiên cứu đầu tư tuyến metro số 4 (Đông Thạnh - Khu công nghiệp Hiệp Phước).

Doanh nghiệp này đề xuất nghiên cứu đầu tư tuyến tàu điện số 4 với hướng tuyến: Đông Thạnh (Hóc Môn) - Thạnh Xuân - Hà Huy Giáp - Nguyễn Oanh - Nguyễn Kiệm - nhà ga T1, T2 Tân Sơn Nhất - Trường Sơn - Nguyễn Văn Trỗi - kênh Nhiêu Lộc - Hai Bà Trưng - Pasteur - Bến Thành - Nguyễn Thái Học - Tôn Đản - Nguyễn Hữu Thọ. Sau khi qua nút giao Vành đai 3 TP.HCM, tuyến đi theo đường mở mới - Khu đô thị Hiệp Phước (Nhà Bè).

Tổng chiều dài tuyến khoảng 47,3 km, trong đó hơn 25 km đi ngầm, gần 22 km trên cao. Toàn tuyến có 37 ga (21 ga ngầm, 16 ga trên cao), cùng một depot ở Đông Thạnh và một depot tại Hiệp Phước. Tổng mức đầu tư Dự án chưa được đề cập.

Tập đoàn Sovico cho biết, khi được UBND Thành phố cho phép tiếp cận nghiên cứu, họ sẽ thành lập pháp nhân mới thực hiện Dự án. Doanh nghiệp cũng sẽ phối hợp với chuyên gia nước ngoài đầu ngành lĩnh vực tài chính, kinh doanh, quy hoạch kiến trúc, giao thông, cùng tư vấn... sớm hoàn thiện đề án nghiên cứu trình Thành phố và các sở, ngành xem xét.

Ngoài ra, đơn vị này khẳng định, sẽ lên kế hoạch nguồn lực, nhân lực, cùng các đối tác, nhà thầu thi công và đơn vị quản lý khai thác, vận hành... sẵn sàng đầu tư xây dựng, sớm đưa Dự án vào khai thác.

Liên quan đề xuất trên, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường giao Sở Tài chính phối hợp Sở Xây dựng cùng các đơn vị liên quan xem xét và tham mưu trước ngày 15/6.

Hà Nội dôi dư 291 trụ sở sau sắp xếp

Hà Nội đang quản lý hơn 5.200 trụ sở và cơ sở hoạt động sự nghiệp với tổng diện tích gần 27 triệu m2, trong đó có 291 trụ sở dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính.

Trụ sở Quận ủy - HĐND - UBND quận Cầu Giấy tại số 96 đường Trần Thái Tông

Trụ sở Quận ủy - HĐND - UBND quận Cầu Giấy tại số 96 đường Trần Thái Tông

Đoàn công tác của Bộ Tài chính vừa làm việc với UBND TP. Hà Nội về rà soát việc sắp xếp, bố trí, xử lý trụ sở, dự án, công trình khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy, đơn vị hành chính.

Lãnh đạo Sở Tài chính Hà Nội cho biết, trước khi sắp xếp, Thành phố có 526 xã, phường, thị trấn và 30 đơn vị cấp huyện. Sau sắp xếp, dự kiến còn 126 xã, phường, thị trấn (giảm 400 xã, phường, thị trấn) nên một số trụ sở, nhà đất công dôi dư.

Hiện nay, Hà Nội quản lý hơn 5.245 trụ sở và cơ sở hoạt động sự nghiệp, với tổng diện tích đất gần 27 triệu m2, diện tích sàn sử dụng khoảng 17 triệu m2. Sau sắp xếp, Thành phố sẽ tiếp tục sử dụng 4.948 cơ sở, điều chuyển 6 cơ sở giữa các đơn vị, còn lại 291 cơ sở dôi dư cần được xử lý để tránh lãng phí.

Lãnh đạo Sở Tài chính cho biết, việc sắp xếp các trụ sở dôi dư gặp khó khăn do quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công vẫn đang trong quá trình hoàn thiện (dự kiến ban hành trước 1/7), trong đó điều chỉnh tăng định mức diện tích làm việc theo chức danh. Vì vậy, việc xác định tính phù hợp khi bố trí trụ sở cho các đơn vị hành chính mới hiện chỉ mang tính tương đối.

Từ thực tế rà soát, Hà Nội kiến nghị sớm ban hành quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công để có căn cứ rà soát, lập phương án xử lý tài sản dôi dư ngay sau khi hoàn tất sắp xếp đơn vị hành chính các cấp. Thành phố cũng đề xuất các bộ, ngành Trung ương tiếp tục rà soát cơ sở nhà, đất không còn nhu cầu sử dụng trên địa bàn để chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý theo quy định.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng cho biết, Bộ đã thành lập Tổ công tác điều phối việc rà soát, xử lý công trình, nhà đất là tài sản công sau sắp xếp, tinh gọn bộ máy, đảm bảo sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí. Tổ công tác cũng rà soát các dự án, công trình, trụ sở đang xây dựng hoặc đã phê duyệt chủ trương đầu tư, bị ảnh hưởng bởi quá trình sắp xếp đơn vị hành chính.

"Sau sắp xếp, các trụ sở phải được đưa vào sử dụng hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân. Do đó, việc rà soát, đề xuất phương án xử lý ngay từ trước khi sắp xếp là rất quan trọng, tránh tình trạng phải sửa chữa, điều chỉnh sau này do không phù hợp với mục đích sử dụng", ông nói.

Đầu tư gần 600 tỷ đồng xây nút giao Quốc lộ 50 với cao tốc Bến Lức - Long Thành

TP.HCM sẽ chi gần 600 tỷ đồng đầu tư hoàn thiện nút giao Quốc lộ 50 với cao tốc đoạn qua Bình Chánh nhằm tăng kết nối, tối ưu hiệu quả khai thác các dự án.

Cao tốc Bến Lức - Long Thành đoạn qua huyện Bình Chánh

Cao tốc Bến Lức - Long Thành đoạn qua huyện Bình Chánh

Theo quyết định vừa được UBND TP.HCM ban hành, nút giao sẽ được xây theo dạng Trumpet với các nhánh rẽ kết nối hai tuyến đường, tổng chiều dài khoảng 1,3 km. Công trình có tổng mức đầu tư gần 591 tỷ đồng, dự kiến khởi công quý IV năm nay, hoàn thành năm 2026.

Theo UBND TP.HCM, việc đầu tư hoàn chỉnh nút giao Quốc lộ 50 với cao tốc Bến Lức - Long Thành nhằm đồng bộ kết nối giao thông ở cửa ngõ phía Tây. Công trình cũng góp phần tối ưu hiệu quả đầu tư khi tuyến cao tốc và Quốc lộ 50 sắp hoàn thành mở rộng.

Hiện, Dự án mở rộng Quốc lộ 50 được TP.HCM triển khai có quy mô 6 làn xe. Trong khi nút giao giữa tuyến đường này với cao tốc Bến Lức - Long Thành, bao gồm cầu vượt trên tuyến và đoạn kết nối đường đầu cầu chỉ có 4 làn, có thể phát sinh tình trạng "thắt cổ chai", gây ùn tắc.

Ngoài khu vực trên, trước đó, Sở Giao thông vận tải (nay là Sở Xây dựng) cũng đề xuất sớm đầu tư hoàn chỉnh các nút giao còn lại giữa cao tốc Bến Lức - Long Thành với đường Nguyễn Hữu Thọ và Nguyễn Văn Tạo (Nhà Bè), nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại.

Khởi công năm 2014, cao tốc Bến Lức - Long Thành dài gần 58 km, đi qua Đồng Nai, TP.HCM và Long An, tổng mức đầu tư 31.300 tỷ đồng, hiện giảm còn 29.587 tỷ đồng. Đây là dự án cao tốc lớn nhất phía Nam, giúp liên kết hai vùng Đông và Tây Nam Bộ, hiện đã đưa vào khai thác tạm gần 30 km. Quốc lộ 50 đang được Thành phố nâng cấp, mở rộng với tổng vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm nay.

Đấu giá gần 200 ha rừng ở Quảng Ninh thiệt hại do bão Yagi

Gần 200 ha rừng trồng có nhiều cây bị bão Yagi làm gãy đổ ở Quảng Ninh được đưa ra đấu giá.

Rừng keo của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Hoành Bồ bị bão Yagi tàn phá

Rừng keo của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Hoành Bồ bị bão Yagi tàn phá

Đây là diện tích rừng thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Hoành Bồ Quảng Ninh, gồm các loại cây keo, thông mã vĩ có đường kính hơn 3 cm, chiều dài hơn 1 m, ở xã Hòa Bình, TP. Hạ Long.

Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản Quảng Ninh cho biết, hiện trạng có nhiều khu vực cây bị gãy đổ, giá khởi điểm là 6,4 tỷ đồng.

Việc đấu giá sẽ bắt đầu từ 14h30 ngày 16/6, tại trụ sở Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Hoành Bồ Quảng Ninh ở tổ 5, khu Trới 8, phường Hoành Bồ, TP. Hạ Long.

Bão Yagi đổ bộ vào Quảng Ninh đầu tháng 9/2024 khiến ngành lâm nghiệp thiệt hại hơn 6.500 tỷ đồng (chiếm 26% tổng thiệt hại do bão của địa phương), 133.000 ha rừng bị thiệt hại, ảnh hưởng tới 22.000 hộ dân, gồm các hộ được giao đất, giao rừng và hộ được giao khoán trồng rừng của các công ty TNHH MTV lâm nghiệp.

Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Hoành Bồ là một trong những đơn vị trồng rừng bị thiệt hại nặng nề nhất với khoảng 3.900 ha rừng trồng phòng hộ và rừng trồng sản xuất bị ảnh hưởng.

Hà Nội đặt mục tiêu 100% dự án công dùng vật liệu tái chế từ chất thải xây dựng

100% công trình xây dựng dùng vốn ngân sách nhà nước tại Hà Nội phải ứng dụng vật liệu tái chế từ chất thải xây dựng thay vì khai thác tài nguyên, theo mục tiêu đặt ra đến năm 2030.

Một dự án giao thông tại quận Long Biên, Hà Nội đang được xây dựng

Một dự án giao thông tại quận Long Biên, Hà Nội đang được xây dựng

UBND TP. Hà Nội vừa ban hành quyết định phê duyệt Đề án "Tổng thể công tác quản lý chất thải rắn xây dựng trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn đến năm 2030".

Theo mục tiêu đến năm 2030, Thành phố khuyến khích các công trình xây dựng dùng vốn ngoài ngân sách ứng dụng vật liệu tái chế từ chất thải rắn xây dựng. Với dự án dùng vốn ngân sách nhà nước, việc ứng dụng trên là bắt buộc.

Thành phố cũng hướng mục tiêu thu gom 90% tổng chất thải rắn xây dựng phát sinh tại các đô thị, xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường. Trong đó, 60% được tái sử dụng hoặc tái chế thành sản phẩm, vật liệu bằng công nghệ phù hợp.

Chất thải rắn xây dựng là đất đá, gạch vỡ, đất lẫn tàn tích cây trồng, vật liệu không đạt yêu cầu phát sinh trong quá trình thiết kế, chuẩn bị mặt bằng và thi công.

Trong khi đó, nhu cầu vật liệu xây dựng của Hà Nội đứng thứ hai cả nước, sau TP.HCM.

Về địa điểm xử lý chất thải rắn xây dựng, Hà Nội yêu cầu tiếp tục sử dụng hai khu vực gồm khu 6,5 ha nút giao Pháp Vân - Cầu Giẽ (quận Hoàng Mai) và bãi chôn lấp Nguyên Khê (huyện Đông Anh) đến năm 2026.

Giai đoạn đến năm 2030, ngoài hai khu vực trên, Thành phố sẽ đầu tư mới các dự án xử lý, tái chế theo quy hoạch, nâng tổng công suất xử lý lên 4.180 - 4.780 tấn mỗi ngày.

Với giải pháp tiêu thụ vật liệu tái chế từ chất thải xây dựng, Hà Nội yêu cầu chủ đầu tư dự án phải ưu tiên tái chế, tái sử dụng chất thải xây dựng phát sinh ngay tại công trình. Bên cạnh đó, việc trồng cây xanh, thảm cỏ tại dự án đường giao thông và các dự án khác phải sử dụng đất hữu cơ bóc tách từ tầng canh tác đất trồng lúa, hoa màu.

Đồng thời, hoạt động đấu thầu cần ưu tiên tiêu chí sử dụng vật liệu tái chế từ chất thải xây dựng, đảm bảo môi trường.

Ngoài ra, Thành phố yêu cầu hoàn thiện chính sách hỗ trợ, quy định việc sử dụng các sản phẩm sau tái chế từ chất thải xây dựng như sản phẩm sau nghiền, gạch không nung.

Nam Định đầu tư tuyến đường trục cảnh quan kết nối TP. Nam Định với TP. Hoa Lư

Tuyến đường trục cảnh quan dài gần 44 km, tổng mức đầu tư 29.000 tỷ đồng, được xem là công trình hạ tầng chiến lược của tỉnh Nam Định.

Tuyến đường trục cảnh quan mới sẽ kết nối với cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, tạo động lực phát triển kinh tế cho địa phương

Tuyến đường trục cảnh quan mới sẽ kết nối với cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, tạo động lực phát triển kinh tế cho địa phương

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định vừa thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án Đường trục cảnh quan kết nối TP. Nam Định với TP. Hoa Lư (tỉnh Ninh Bình).

Dự án có tổng chiều dài gần 44 km, trong đó tuyến đường chính dài 20,7 km được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp I đồng bằng, gồm 6 làn xe cao tốc và 8 làn xe đô thị. Mặt cắt ngang toàn tuyến rộng 130,5 m, tốc độ thiết kế đạt 120 km/h. Tuyến đường sẽ kết nối từ đường Vành đai 2 TP. Nam Định đến đường Đinh Tiên Hoàng, TP. Hoa Lư.

Ngoài tuyến chính, Dự án còn bao gồm hơn 23 km đường kết nối, trong đó có khoảng 18 km mở rộng tuyến Vành đai 2 TP. Nam Định và hơn 5 km tuyến nhánh tiêu chuẩn đường đô thị. Các đoạn này có mặt cắt ngang 71 m, gồm 8 làn xe và vỉa hè mỗi bên rộng 10 m.

Tổng mức đầu tư của Dự án khoảng 29.000 tỷ đồng - lớn nhất từ trước đến nay tại Nam Định. Nguồn vốn sẽ huy động từ ngân sách tỉnh, đấu giá quỹ đất hai bên tuyến và các nguồn hợp pháp khác. Dự kiến công trình sẽ khởi công năm 2026 và hoàn thành sau 3 năm.

Lãnh đạo tỉnh Nam Định đánh giá, đây là công trình giao thông chiến lược, giữ vai trò then chốt trong việc mở rộng không gian phát triển đô thị, tạo trục kết nối mới giữa Nam Định - Ninh Bình và toàn vùng Đồng bằng sông Hồng.

Tuyến đường cũng mang ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh 3 tỉnh Nam Định - Ninh Bình - Hà Nam đang trong giai đoạn nghiên cứu sáp nhập, với định hướng đặt trung tâm hành chính vùng tại TP. Hoa Lư. Khi hoàn thành, tuyến trục cảnh quan sẽ rút ngắn thời gian di chuyển giữa các địa phương, thúc đẩy liên kết vùng, phát triển dịch vụ logistics, công nghiệp, du lịch và đô thị hóa.

Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Đặng Khánh Toàn yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan phối hợp chặt chẽ để đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình. Ông cũng nhấn mạnh việc tuân thủ quy hoạch sử dụng đất, đồng thời sử dụng hiệu quả, minh bạch các nguồn lực đầu tư.

Hơn 50% cán bộ TP.HCM sẵn sàng thôi việc dù không thuộc diện tinh giản

54% cán bộ, gần 43% công chức và khoảng 34% viên chức ở TP.HCM trong tổng số hơn 56.500 người được khảo sát sẵn sàng rời đi nếu có cơ hội tốt hơn.

Cán bộ, nhân viên UBND phường Phước Long A, TP. Thủ Đức xử lý các thủ tục hành chính cho người dân

Cán bộ, nhân viên UBND phường Phước Long A, TP. Thủ Đức xử lý các thủ tục hành chính cho người dân

Khảo sát do Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM (HIDS) thực hiện từ ngày 22 đến 30/5 tại các sở, ngành; quận, huyện và xã, phường. Gần 91% người tham gia không thuộc diện tinh giản, trong đó nhóm cán bộ là người được bầu hoặc bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, công chức là người làm chuyên môn hành chính, còn viên chức làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo đó, 54% số cán bộ cho biết sẵn sàng nghỉ việc, đây là tỷ lệ cao nhất trong 3 nhóm. Mức độ sẵn sàng thôi việc chung toàn hệ thống là 36,3%.

Theo HIDS, lý do khiến nhiều người muốn rời khu vực công là thu nhập thấp, áp lực công việc cao, sức khỏe và tuổi tác. Chỉ khoảng 25% người được hỏi có nhà riêng; hơn 57% đang nuôi từ 1 - 2 người phụ thuộc; 28% có vợ hoặc chồng cũng bị ảnh hưởng bởi chính sách tinh giản.

Gần 80% lãnh đạo, quản lý và hơn 75% cán bộ cấp xã, phường đánh giá khối lượng công việc đang ở mức nhiều hoặc rất nhiều. Các nguyên nhân chính gồm công việc dồn dập, thiếu nhân sự, thời hạn gấp, họp hành chồng chéo và hoạt động phong trào ngoài chuyên môn quá nhiều.

Khoảng 56% người được hỏi cho rằng, sau khi sắp xếp bộ máy, lượng công việc sẽ còn tăng lên, có thể vượt 50%.

HIDS nhận định, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chưa quan tâm nhiều đến chính sách giữ chân, trọng dụng nhân tài hay bảo vệ người năng động của thành phố. Thay vào đó, gần 65% bày tỏ mong muốn được nâng lương, tăng phụ cấp, thưởng theo hiệu quả công việc.

Dù vậy, phần lớn người được hỏi cho rằng, việc sắp xếp bộ máy sẽ giúp giảm trùng lắp chức năng, tăng hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, chính sách tinh gọn cũng đang gây ảnh hưởng tới tinh thần làm việc và cảm giác bất an của nhân sự hiện hữu.

Trên 80% người tham gia khảo sát, đặc biệt là nhóm dưới 40 tuổi, mong muốn được đào tạo thêm để thích ứng môi trường mới. Nội dung cần nâng cao gồm chuyên môn, kỹ năng số, tư duy chiến lược, giao tiếp, làm việc nhóm và quản lý áp lực.

Mỹ xác định Việt Nam không thao túng tiền tệ

Trong lần đánh giá mới nhất, Mỹ xác định không quốc gia nào bị cáo buộc thao túng tiền tệ trong năm 2024, danh sách giám sát đã được mở rộng lên 9 quốc gia với sự xuất hiện của Ireland và Thụy Sĩ.

Mỹ tiếp tục xác định Việt Nam không thao túng tiền tệ. Ảnh minh họa

Mỹ tiếp tục xác định Việt Nam không thao túng tiền tệ. Ảnh minh họa

Bộ Tài chính Mỹ vừa công bố báo cáo tiền tệ bán niên đầu tiên kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại Nhà Trắng, trong đó khẳng định không có bất kỳ đối tác thương mại lớn nào của nền kinh tế lớn nhất thế giới thao túng tiền tệ trong năm 2024.

Mặc dù không quốc gia nào bị xác định thao túng tiền tệ trong năm 2024, Bộ Tài chính Mỹ vẫn mở rộng danh sách giám sát lên 9 quốc gia, trong đó có sự xuất hiện mới của Ireland và Thụy Sĩ. Báo cáo này cũng là bản cuối cùng phản ánh chính sách của chính quyền Tổng thống Joe Biden trước khi chuyển giao sang nhiệm kỳ mới của Tổng thống Donald Trump.

Theo Bộ Tài chính Mỹ, bất kỳ quốc gia nào đáp ứng 2 trong 3 điều kiện sau sẽ tự động được đưa vào tầm ngắm. Cụ thể, thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ không được quá 15 tỷ USD, thặng dư cán cân vãng lai không vượt quá 3% GDP. Tiêu chí thứ 3 liên quan đến tổng lượng ngoại tệ mua ròng của ngân hàng trung ương trong 12 tháng.

Trung Quốc không bị xác định là quốc gia thao túng tiền tệ trong báo cáo lần này, tuy nhiên Bộ Tài chính Mỹ đặc biệt lưu ý đến mức độ minh bạch hạn chế trong chính sách tỷ giá của Bắc Kinh.

Cơ quan này cho biết, sự thiếu minh bạch sẽ không ngăn cản khả năng Trung Quốc bị chỉ định là "quốc gia thao túng tiền tệ" trong tương lai nếu xuất hiện bằng chứng cho thấy nước này can thiệp nhằm kìm hãm đà tăng giá của đồng nhân dân tệ.

Trong nhiệm kỳ trước, Tổng thống Donald Trump từng chỉ định Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ vào tháng 8/2019. Tuy nhiên, quyết định này đã được rút lại vào đầu năm 2020 sau khi hai nước ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn một.

Tin cùng chuyên mục