Bản tin thời sự sáng 8/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là không vay thêm vốn ODA cho dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội; thông tin tài khoản ngân hàng của 100 ngàn người Việt bị hacker rao bán; cả tháng 7, chỉ có một công ty bất động sản phát hành trái phiếu; sẽ đóng cửa sân bay Côn Đảo trong 9 tháng…

Không vay thêm vốn ODA cho dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội

Thủ tướng Chính phủ thống nhất điều chỉnh tổng vốn đầu tư dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội, nhưng dùng ngân sách nhà nước, không vay thêm vốn ODA do thủ tục phức tạp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đi tàu điện đoạn trên cao đường sắt Nhổn - ga Hà Nội

Thủ tướng Phạm Minh Chính đi tàu điện đoạn trên cao đường sắt Nhổn - ga Hà Nội

Ngày 7/8, tại cuộc làm việc với thành phố Hà Nội và các đơn vị để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ xây dựng tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói việc vay thêm vốn ODA có nhiều thủ tục phức tạp liên quan tới nhiều loại ngoại tệ, nhà tài trợ từ nhiều nước, thay đổi tỷ giá...

Các gói thầu ngoài tuân thủ pháp luật Việt Nam, còn phải thực hiện đầy đủ thủ tục theo quy định của nhà tài trợ, những yêu cầu ràng buộc theo hiệp định vay đan xen từ nhiều quốc gia. Thủ tướng yêu cầu rà soát vướng mắc giữa pháp luật Việt Nam và các nước, quy định của nhà tài trợ, để điều chỉnh phù hợp.

Khoảng ba tháng trước, Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) đề xuất tăng tổng mức đầu tư Dự án Nhổn - ga Hà Nội thêm 4.905 tỷ đồng (tổng mức đầu tư Dự án được đề xuất là 34.530 tỷ đồng) và lùi thời gian vận hành đến năm 2027 do có nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Theo lãnh đạo MRB, việc điều chỉnh do có biến động của tỷ giá quy đổi trong quá trình thanh toán khối lượng xây dựng của Dự án. Đồng thời, Dự án cần điều chỉnh thiết kế và các yêu cầu kỹ thuật để phù hợp với thực tế thi công, phương án vận hành hai giai đoạn...

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, lãnh đạo Chính phủ các thời kỳ rất quan tâm đến dự án này. Từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã có 3 văn bản tháo gỡ khó khăn cho Dự án, nhưng đến nay vẫn còn vướng mắc.

Thủ tướng yêu cầu, cuối năm 2022 phải hoàn thành đoạn trên cao; nghiên cứu giải pháp rút ngắn ít nhất một nửa thời gian hoàn thành đoạn đi ngầm so với đề xuất của đơn vị tư vấn là năm 2027.

Thông tin tài khoản ngân hàng của 100 ngàn người Việt bị hacker rao bán

Thông tin chi tiết của 100 ngàn tài khoản ngân hàng tại Việt Nam, bao gồm họ tên, ngày sinh, số dư tài khoản… đang bị hacker rao bán trên Internet với giá 500 USD.

Hình ảnh cho thấy một phần thông tin trong file dữ liệu chứa 100 ngàn tài khoản ngân hàng của người dùng Việt Nam đang bị hacker rao bán. Ảnh chụp màn hình.

Hình ảnh cho thấy một phần thông tin trong file dữ liệu chứa 100 ngàn tài khoản ngân hàng của người dùng Việt Nam đang bị hacker rao bán. Ảnh chụp màn hình.

Theo đó, trên diễn đàn Br*.to, thành viên có tên ARES_BF_ACCOUNT đã đăng tải một bài viết để rao bán cơ sở dữ liệu, mà theo thành viên này chứa thông tin cá nhân của 100 ngàn tài khoản ngân hàng tại Việt Nam, bao gồm họ tên, ngày sinh, số điện thoại, địa chỉ nhà riêng, mã số thẻ ngân hàng, số dư tài khoản…

Trong bài đăng của mình, thành viên ARES_BF_ACCOUNT đã chia sẻ hình ảnh minh họa về dữ liệu mà người này đang nắm giữ, cho thấy có chứa thông tin chi tiết của nhiều tài khoản ngân hàng tại Việt Nam.

Hiện ARES_BF_ACCOUNT đang rao bán cơ sở dữ liệu này với mức giá 500 USD, tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại dường như vẫn chưa có ai đăng ký mua cơ sở dữ liệu này.

Hiện chưa rõ các tin tặc đã lấy thông tin này từ những ngân hàng nào tại Việt Nam, nhưng nhiều khả năng đây là thông tin của những khách hàng giao dịch tại ngân hàng, khách hàng vay tiền của các tổ chức tín dụng khi mua sắm tại các hệ thống bán lẻ (điện thoại, xe máy…).

Không loại trừ khả năng, những thông tin này không phải do tin tặc tấn công vào hệ thống máy tính của ngân hàng để lấy cắp, mà được chính nhân viên của các ngân hàng rao bán hoặc tuồn ra ngoài để nhờ người khác rao bán hộ.

Diễn đàn Br*.to là nơi các hacker hoạt động, đăng tải, trao đổi và mua bán các dữ liệu được đánh cắp. Tại diễn đàn này thường xuyên đăng tải cơ sở dữ liệu chứa thông tin cá nhân của hàng triệu người trên toàn cầu. Trước đó thông tin của nhiều người dùng Internet, tài khoản Facebook, khách hàng của các hệ thống siêu thị điện máy… tại Việt Nam cũng đã từng được đăng tải và rao bán trên diễn đàn này.

Cả tháng 7, chỉ có một công ty bất động sản phát hành trái phiếu

Công ty CP Đầu tư kinh doanh bất động sản Hà An là doanh nghiệp duy nhất thuộc nhóm bất động sản phát hành trái phiếu riêng lẻ trong tháng 7, với giá trị 210 tỷ đồng, lãi suất 11%/năm.

Chỉ có một công ty bất động sản phát hành trái phiếu trong tháng 7. Ảnh minh họa

Chỉ có một công ty bất động sản phát hành trái phiếu trong tháng 7. Ảnh minh họa

Theo dữ liệu từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), tính đến ngày 29/7/2022, có 28 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được công bố trong tháng 7 với tổng giá trị 18.661 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ có duy nhất Công ty CP Đầu tư kinh doanh bất động sản Hà An thuộc nhóm bất động sản phát hành trái phiếu riêng lẻ với giá trị 210 tỷ đồng, lãi suất 11%/năm.

Công ty CP Đầu tư kinh doanh bất động sản Hà An là công ty con của Tập đoàn Đất Xanh.

Dữ liệu VBMA tổng hợp được ghi nhận theo ngày phát hành trái phiếu, tổng khối lượng phát hành trái phiếu từ đầu năm ghi nhận theo ngày hoàn thành phát hành là 280.737 tỷ đồng.

Thông tin về tình hình nhà ở và thị trường bất động sản quý II/2022, Bộ Xây dựng cho biết, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản trong quý này tiếp tục suy giảm khi tổng số đợt phát hành trong quý chỉ đạt 16 đợt, tương ứng giá trị gần 8,6 nghìn tỷ, giảm tới 79% so với quý trước.

Theo báo cáo, trong tháng 4 không có doanh nghiệp bất động sản nào phát hành trái phiếu, trong tháng 5 doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu với tổng giá trị khoảng 7 nghìn tỷ.

Sẽ đóng cửa sân bay Côn Đảo trong 9 tháng

Dự kiến sân bay Côn Đảo sẽ phải tạm đóng cửa trong thời gian khoảng 9 tháng để nâng cấp, mở rộng nhằm đón được các loại máy bay lớn hơn sân bay hiện nay. Hiện khách ra Côn Đảo chủ yếu bằng đường hàng không, nên khi sân bay này tạm đóng cửa, khách ra đảo chỉ có thể đi bằng tàu hoặc trực thăng.

Sân bay Côn Đảo sẽ đóng cửa để mở rộng trong 9 tháng

Sân bay Côn Đảo sẽ đóng cửa để mở rộng trong 9 tháng

Theo kế hoạch dự kiến của Cục Hàng không, sân bay Côn Đảo sẽ tạm đóng cửa để nâng cấp, mở rộng từ tháng 4/2023, dự kiến hoàn thành mở lại sân bay vào tháng 12/2023 (kéo dài 9 tháng).

Dự kiến, Dự án mở rộng sân bay Côn Đảo sẽ thực hiện kết hợp giữa đầu tư công và đầu tư của doanh nghiệp trong giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, phần đầu tư mở rộng đường cất, hạ cánh để đón được máy bay A320/321 và tương đương sẽ thực hiện bằng ngân sách nhà nước, với tổng vốn đầu tư hơn 1.590 tỷ đồng do Cục Hàng không làm chủ đầu tư.

Với các công trình thiết yếu như nhà ga hành khách (2 triệu khách/năm), đường giao thông nội cảng, thoát nước, chiếu sáng… do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư.

Theo quy hoạch, sân bay Côn Đảo sẽ được mở rộng để đạt công suất 2 triệu khách/năm (gấp 5 lần hiện nay), có 8 vị trí đỗ máy bay (thêm 6 vị trí mới); đường băng kéo dài thêm 15 m và mở rộng thêm 5m so với hiện nay, đáp ứng khả năng khai thác máy bay A320/321 và tương đương; bổ sung đèn tín hiệu, công trình quản lý bay để có thể khai thác vào ban đêm.

Tổng mức đầu tư dự án trên hơn 3.794 tỷ đồng. Trong đó, một phần sử dụng vốn ngân sách (đường băng, đường lăn, sân đỗ), một phần sử dụng vốn doanh nghiệp (nhà ga hành khách, công trình quản lý bay).

Bộ GTVT cho biết, trong thời gian dự kiến đóng sân bay Côn Đảo sẽ ảnh hưởng tới nhu cầu vận tải, đi lại của người dân kết nối giữa đất liền và đảo. Bộ GTVT đã lên phương án tăng cường vận tải đường biển và trực thăng để kết nối đảo với đất liền.

Từ 1/9, hàng hóa ký gửi trên xe khách phải có 6 thông tin

Trong nghị định mới ban hành, Chính phủ yêu cầu người gửi hàng hóa qua xe khách phải cung cấp thông tin hàng hóa, họ tên, địa chỉ, số điện thoại, căn cước công dân...

Hàng hóa ký gửi qua xe khách phải có thông tin hàng hóa

Hàng hóa ký gửi qua xe khách phải có thông tin hàng hóa

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 47/2022, sửa đổi, bổ sung một số quy định về kinh doanh vận tải bằng ôtô tại Nghị định 10/2020.

Cụ thể, từ ngày 1/9, nhân viên xe khách khi nhận hàng hóa ký gửi phải yêu cầu người gửi hàng hóa cung cấp đầy đủ, chính xác tên hàng hóa, cân nặng, họ và tên, địa chỉ, số chứng minh nhân dân/căn cước công dân, số điện thoại liên hệ của người gửi và người nhận.

Quy định này được lưu thành điểm đ và bổ sung vào Khoản 3, Điều 11 của Nghị định 10/2020.

Sau khi Nghị định 47/2022 được ban hành, Bộ GTVT có văn bản đề nghị các sở GTVT và Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam chủ động tuyên truyền đến hội viên và đơn vị kinh doanh vận tải, đơn vị bến xe để triển khai thực hiện theo đúng quy định.