Bản tin thời sự sáng 8/8

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là nguy cơ vỡ đập chứa 1,2 triệu m3 nước ở Đăk Nông; vận hành đoạn trên cao đường sắt Nhổn - ga Hà Nội cuối năm 2023; Quốc lộ đi miền núi phía Bắc bị chia cắt; sân bay Phan Thiết sẽ khai thác đầu năm 2024; phát hiện dòng chảy ngầm dưới vết nứt làm gãy đôi làn đường trên Quốc lộ 14…

Nguy cơ vỡ đập chứa 1,2 triệu m3 nước ở Đăk Nông

Sau nhiều ngày mưa lớn, thân và chân đập thủy lợi Đăk N'Ting, huyện Đăk G'long xuất hiện nhiều vết nứt, sụt lún, nguy cơ vỡ, gần 100 người phải sơ tán.

Bêtông thân đập bị trồi lên, nứt kéo dài hàng chục mét

Bêtông thân đập bị trồi lên, nứt kéo dài hàng chục mét

Theo ông Lê Đình Tuấn, Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn, vết nứt, sụt lún xuất hiện ở đập và xung quanh hồ chứa nước Đăk N'Ting hôm 1/8. Đến nay, vết nứt khu vực đồi gần chân đập kéo dài khoảng 500 m, sâu khoảng 150 m và chưa có chiều hướng dừng lại.

Phần đồi bên phải đập đang bị sụt lún với diện tích khoảng 10 ha là đất hoa màu của người dân. Ước tính có gần một triệu m3 đất có nguy cơ bị sạt trượt. Thân đập cũng xuất hiện nhiều vết nứt lớn, 10 - 20 cm. Đường trên thân đập bị nứt gãy, phần bêtông trồi lên.

Dự án hồ thủy lợi Đăk N'Ting có tổng mức đầu tư gần 137 tỷ đồng, sức chứa hơn 1,2 triệu m3 nước, phục vụ tưới cho gần 700 ha cây trồng xã Quảng Sơn. Để đảm bảo an toàn, chính quyền xã đã chốt chặn các lối ra vào đập thủy lợi Đăk N'Ting và sơ tán 34 hộ trong khu vực có nguy cơ.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND huyện Đăk Glong Trần Nam Thuần cho biết, hiện vết nứt phần thân đập mở rộng hơn so với hôm trước. Nếu mưa lớn tiếp tục kéo dài thêm một tuần nữa, nguy cơ vỡ đập là rất cao.

"Địa phương đã chuẩn bị các phương án để ứng phó trong tình huống đập bị vỡ", ông Thuần nói và cho biết, các cửa xả đập cũng được mở hết để tháo nước trong đập, hạn chế hậu quả xấu và tìm hướng khắc phục.

Vận hành đoạn trên cao đường sắt Nhổn - ga Hà Nội cuối năm 2023

Thủ tướng chỉ đạo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội giải quyết dứt điểm vướng mắc, đưa đoạn trên cao đường sắt Nhổn - ga Hà Nội vào khai thác cuối năm 2023.

Tàu Nhổn - Ga Hà Nội chạy thử

Tàu Nhổn - Ga Hà Nội chạy thử

Văn phòng Chính phủ ngày 7/8 thông báo chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp về dự án trọng điểm ngành giao thông. Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu Chủ tịch UBND TP.HCM đưa tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên vào khai thác đầu năm 2024.

Hà Nội, TP.HCM phải huy động mọi nguồn lực đầu tư các tuyến đường sắt đô thị còn lại, đáp ứng yêu cầu phát triển.

Dự án đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5 km, đi qua 8 ga trên cao và 4 ga ngầm, trong đó đoạn trên cao (Nhổn - Cầu Giấy) dài 8,5 km và đoạn đi ngầm (Cầu Giấy - ga Hà Nội) dài 4 km. Dự án khởi công năm 2009, kế hoạch hoàn thành năm 2015 nhưng sau 4 lần lùi tiến độ, mốc hoàn thành mới của toàn tuyến dự kiến là 2027.

Hồi tháng 3, TP. Hà Nội đề xuất vận hành đoạn trên cao vào tháng 8/2023 thay vì cuối năm 2022 như cam kết trước đó. Tuy nhiên, đến nay tàu vẫn chưa chạy ở đoạn trên cao.

Metro Bến Thành - Suối Tiên có tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng, dài gần 20 km từ depot Long Bình (TP. Thủ Đức) đến ga Bến Thành (Quận 1). Dự án khởi công năm 2012, kế hoạch ban đầu hoàn thành sau 6 năm, song nhiều lần lùi tiến độ. Công trình dự kiến thi công hoàn thành cuối năm nay và vận hành thương mại từ năm 2024. Tuy nhiên, tuyến metro này đang thiếu hơn 300 nhân sự vận hành và nhận chuyển giao do công ty quản lý hết kinh phí tuyển dụng.

Quốc lộ đi miền núi phía Bắc bị chia cắt

Quốc lộ 32 qua huyện Mù Căng Chải (tỉnh Yên Bái) có gần 100 điểm sạt lở, trong đó có vị trí mất toàn bộ mặt đường, giao thông chia cắt.

Quốc lộ 279 qua Sơn La bị chia cắt do sạt lở taluy âm

Quốc lộ 279 qua Sơn La bị chia cắt do sạt lở taluy âm

Dài hơn 380 km, Quốc lộ 32 là tuyến huyết mạch nối Hà Nội với các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lai Châu. Do mưa lũ những ngày qua, khoảng 9 km đường đi qua huyện Mù Căng Chải (Yên Bái) bị đất đá từ trên núi cao tràn xuống.

Công ty CP Xây dựng đường bộ I cho biết đã huy động thiết bị xử lý, thông đường khoảng 4 km. Hơn 5 km còn lại còn có gần 100 điểm sạt lở taluy dương, một số vị trí bị đất đá tràn xuống mặt đường. Đặc biệt, một đoạn bị sạt lở taluy âm, mất toàn bộ nền đường.

Hiện đơn vị quản lý tạm thời cho phép xe thô sơ, xe máy lưu thông từ hai đầu Quốc lộ 32 vào đến vị trí sụt lở taluy âm. Dự kiến, việc khắc phục điểm sạt này phải mất hai ngày nữa.

Là tuyến huyết mạch liên kết 10 tỉnh miền núi phía Bắc, Quốc lộ 279 hiện cũng bị chia cắt do sạt lở, trôi 300 m nền đường đoạn qua huyện Mường La, tỉnh Sơn La.

Sở Giao thông vận tải Sơn La và đơn vị quản lý tuyến đường đã đặt các biển báo phân luồng và hướng dẫn phương tiện tránh đi vào điểm hư hỏng. Do khối lượng sạt lở lớn nên dự kiến ngày 12/8 mới thông xe Quốc lộ 279.

Ngoài hai quốc lộ trên, mưa lũ cũng làm sạt lở đất, ách tắc giao thông trên Quốc lộ 4H từ huyện Mường Chà đi huyện Nậm Pồ và đường từ Mường Chà đi thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên. Một số tuyến đường tỉnh ở các huyện Điện Biên Đông, Mường Nhé cũng bị hư hỏng.

Đường tỉnh 129 của tỉnh Lai Châu hư hỏng nặng đoạn từ TP. Lai Châu đi thị trấn Sìn Hồ, trong đó có một vị trí mất nền đường. UBND tỉnh Lai Châu đã phân luồng cấm tất cả ôtô lưu thông qua đoạn này, hướng dẫn đi trên Quốc lộ 4D, 12 rồi vào Đường tỉnh 128 đến trung tâm huyện Sìn Hồ.

Sân bay Phan Thiết sẽ khai thác đầu năm 2024

Cảng hàng không Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác các tổ bay đầu tiên, phục vụ huấn luyện đầu năm 2024.

Hạng mục quân sự tại sân bay Phan Thiết đang được thi công

Hạng mục quân sự tại sân bay Phan Thiết đang được thi công

Thông tin được ông Lê Ngọc Tiến, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Thuận cho biết tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn, chiều 8/8.

Theo ông Tiến, tiến độ thực hiện hạng mục quân sự đã được Quân chủng Phòng không - Không quân đẩy nhanh, đảm bảo tiến độ đề ra. Đến nay, nhiều hạng mục quân sự sắp hoàn tất. "Riêng đường băng đã cơ bản, sẽ làm xong trong tháng 9", ông Tiến nói và cho biết, các tổ bay quân sự có thể bay huấn luyện tại đây vào tháng 1 năm tới.

Sân bay Phan Thiết (kết hợp quân sự và dân dụng) được Bộ Giao thông vận tải quy hoạch năm 2013, rộng 543 ha, xây dựng tại xã Thiện Nghiệp. Bộ Quốc phòng có thẩm quyền đối với hạng mục quân sự, còn hạng mục hàng không dân dụng do UBND tỉnh Bình Thuận chủ trì.

Sau đó, dự án được Thủ tướng thống nhất chủ trương nâng cấp sân bay từ cấp 4C lên cấp 4E, sân bay Phan Thiết được nâng lên quy hoạch là cảng hàng không, với một đường cất hạ cánh dài 3.050 m, nhà ga hành khách công suất thiết kế 2 triệu hành khách một năm.

Công trình được khởi công đầu năm 2015, sau đó tạm dừng. Đến tháng 4/2021, dự án được tái khởi động. Thời gian qua, Quân chủng Phòng không - Không quân đã thực hiện các hạng mục đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay... theo kế hoạch đề ra.

Ban đầu, Công ty CP Rạng Đông trúng thầu hợp đồng BOT hạng mục dân dụng sân bay cấp 4C. Tuy nhiên, sau khi Thủ tướng thống nhất điều chỉnh quy mô lên cấp 4E, dự án phải thực hiện thủ tục điều chỉnh lại chủ trương đầu tư theo quy định về đối tác công tư của Luật Đầu tư.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bình Thuận đã rà soát, thỏa thuận chấm dứt hợp đồng trước thời hạn với nhà đầu tư Rạng Đông và đang lựa chọn nhà đầu tư thay thế phù hợp.

Phát hiện dòng chảy ngầm dưới vết nứt làm gãy đôi làn đường trên Quốc lộ 14

Sau khi kiểm tra, Công ty CP BOT và BT Đức Long Đắk Nông đã phát hiện dòng chảy ngầm dưới vết nứt làm gãy đôi một làn đường trên Quốc lộ 14 đoạn qua TP. Gia Nghĩa.

Công ty CP BOT và BT Đức Long Đắk Nông phát hiện dòng chảy ngầm dưới vết nứt làm gãy đôi Quốc lộ 14

Công ty CP BOT và BT Đức Long Đắk Nông phát hiện dòng chảy ngầm dưới vết nứt làm gãy đôi Quốc lộ 14

Ngày 7/8, thông tin từ Công ty CP BOT và BT Đức Long Đắk Nông, đơn vị quản lý tuyến đường Quốc lộ 14 (đoạn qua TP. Gia Nghĩa) cho biết đã có báo cáo gửi lãnh đạo địa phương về kết quả xác định nguyên nhân nứt, sạt lở trên Quốc lộ 14.

Theo báo cáo, tại làn đường gom có vệt nứt, lún dài khoảng 40 m, sâu nhất là 4,5 m. Các vệt nứt khác có chiều dài khoảng 100 m, rộng từ 30 - 40 cm và sâu trên 1 m.

Đáng chú ý, khu vực sạt nứt này xuất hiện một lỗ rỗng lộ thiên, có nước chảy ngang qua theo hướng từ núi đá sang vị trí sạt lở. Đường kính lỗ rỗng khoảng 1,5 m, sâu khoảng 3,5 m.

Tại phần làn đường chính, các vệt nứt có chiều dài khoảng 110 m. Nhiều khu vực xung quanh như phần nền đất trong vỉa hè (khu vực mái ta luy âm) có các vệt nứt, sụt đất.

Đánh giá của Công ty BOT Đức Long Đắk Nông cho thấy, hiện phần đường gom và các vị trí xung quanh vẫn tiếp tục sụp xuống. Nếu mưa lớn kéo dài trong những ngày tiếp theo, nguy cơ sạt trượt là rất cao.

Ông Nguyễn Văn Quý, Phó Giám đốc Công ty BOT Đức Long Đắk Nông cho biết, trước ngày 20/8, đơn vị này sẽ lập đề cương nhiệm vụ và tiến hành khảo sát, đánh giá xác định nguyên nhân gây sạt lở đường Hồ Chí Minh, đồng thời đề xuất giải pháp khắc phục.

HĐND tỉnh Phú Yên đề nghị thanh tra hoạt động của mỏ đá Kim Sơn

HĐND tỉnh Phú Yên đã đề nghị UBND Tỉnh thanh tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản tại mỏ đá Kim Sơn do Công ty CP I.D.P quản lý.

Khu vực mỏ đá Kim Sơn hiện trong thời gian tạm dừng khai thác để điều chỉnh tọa độ và quy hoạch

Khu vực mỏ đá Kim Sơn hiện trong thời gian tạm dừng khai thác để điều chỉnh tọa độ và quy hoạch

Ngày 7/8, Thường trực HĐND tỉnh Phú Yên đã thông báo kết luận về khảo sát hoạt động của mỏ đá Kim Sơn do Công ty CP I.D.P quản lý.

HĐND Tỉnh đề nghị UBND Tỉnh thanh tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản của doanh nghiệp này.

Thông báo nêu rõ, Thường trực HĐND Tỉnh thống nhất với nội dung Báo cáo số 12/BC-KTNS ngày 3/8/2023 của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND Tỉnh. Theo đó, Công ty CP I.D.P đã khai thác ngoài khu vực được cấp phép và khai thác trên khu vực đất rừng sản xuất (nay đã đưa ra ngoài Quy hoạch 3 loại rừng theo Quyết định số 2570/QĐ-UBND ngày 28/12/2017 của UBND tỉnh Phú Yên) thuộc địa phận xã Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa. Diện tích, khối lượng đất đá đào bới, san gạt khá lớn với nhiều hố sâu và bãi đá.

Đoàn khảo sát nhận định, việc khai thác tại mỏ đá Kim Sơn đã diễn trong một thời gian dài khi chưa được cấp có thẩm quyền cập nhật, bổ sung Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; chưa được bổ sung vào Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và Kế hoạch sử dụng đất của huyện Phú Hòa nên đã vi phạm quy định của Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp, Luật Khoáng sản.

Phú Quốc sẽ cưỡng chế thêm 8 căn trong số 79 biệt thự xây trái phép

Liên quan đến việc cưỡng chế 79 căn biệt thự xây dựng trái phép tại khu vực xã Dương Tơ, TP, Phú Quốc (Kiên Giang), các lực lượng chức năng đang hoàn thiện thủ tục, xây dựng kế hoạch cưỡng chế thêm 8 căn biệt thự trong tháng 8/2023.

Khu đất xây dựng 79 căn biệt thự nói trên rộng gần 19 ha trước đây là đất rừng phòng hộ

Khu đất xây dựng 79 căn biệt thự nói trên rộng gần 19 ha trước đây là đất rừng phòng hộ

Ngày 7/8, ông Nguyễn Lê Quốc Toàn - Phó Chủ tịch UBND TP. Phú Quốc cho biết, dự kiến ngày 21/8 tới đây sẽ tiến hành cưỡng chế 8 căn tại khu 79 căn biệt thự thuộc Nam Bãi Trường, xã Dương Tơ, TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Hiện Thành phố cũng đang hoàn thiện các thủ tục, xây dựng kế hoạch cưỡng chế, tuy nhiên cũng khuyến khích người dân tự tháo dỡ công trình vi phạm nhưng phải có sự giám sát của chính quyền địa phương. Khi hoàn thiện tháo dỡ thì phải có biên bản nghiệm thu của chính quyền địa phương xác nhận đã trả nguyên hiện trạng công trình vi phạm cho Nhà nước quản lý.

Trước đó vào ngày 19/9/2022, Tổ công tác đặc biệt của tỉnh Kiên Giang phối hợp với chính quyền địa phương và cơ sở tiến hành kiểm tra, lập biên bản sự việc 79 căn biệt thự xây dựng trái phép thuộc khu đất 19 ha tại Bãi Trường. Kế đến, chính quyền xã nhiều lần ra thông báo mời chủ nhân các căn biệt thự đến làm việc, xác minh nguồn gốc đất, quá trình mua bán, xây dựng...

Khu đất xây dựng 79 căn biệt thự nói trên rộng khoảng 19 ha, là đất được UBND tỉnh Kiên Giang thu hồi giao cho UBND xã Dương Tơ trực tiếp quản lý. Khu đất này trước đây là đất rừng phòng hộ.

Đến ngày 9/11/2022, UBND TP. Phú Quốc đã tiến hành cưỡng chế 2 căn biệt thự trong số 79 căn.

Đồng Nai chưa thống nhất với TP.HCM về xây cầu Cát Lái

Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Nai vừa thông tin về tiến độ xây dựng cầu Cát Lái thay thế phà Cát Lái.

Khu vực phà Cát Lái

Khu vực phà Cát Lái

Ông Nguyễn Bôn - Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai cho biết, sau 5 lần làm việc với Sở GTVT TP.HCM, hiện chưa thống nhất được phương án, đang rà soát lại về mặt quy hoạch.

Theo ông Bôn, tỉnh Đồng Nai cần triển khai sớm cầu Cát Lái vì đây là công trình rất quan trọng không chỉ kết nối giao thông giữa TP.HCM và Đồng Nai mà còn cho cả khu vực.

Phía tỉnh Đồng Nai đề xuất, TP.HCM triển khai cầu Cát Lái ngay trong giai đoạn 2021 - 2025 và giữ nguyên vị trí đề xuất xây tại khu vực phà Cát Lái hiện hữu. Tuy nhiên, ông Bôn cho biết, phía TP.HCM đề nghị triển khai cầu Cát Lái sau đường liên cảng Cát Lái - Phú Hữu - Vành đai 3 do đặc thù giao thông của khu vực.