Bản tin thời sự sáng 8/9

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là các tỉnh/thành phố phía Bắc từ Nghệ An trở ra chủ động cho học sinh nghỉ học tránh bão số 3; ngành đường sắt dừng 22 chuyến tàu khách để tránh bão; Vietnam Airlines vẫn còn 13.351 tỷ đồng nợ phải trả quá hạn chưa thanh toán; Cà Mau cần 1.300 tỷ đồng khắc phục hơn 20 km bờ biển sạt lở…

Các tỉnh/thành phố phía Bắc từ Nghệ An trở ra chủ động cho học sinh nghỉ học tránh bão số 3

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chỉ đạo ngành giáo dục các tỉnh/thành căn cứ tình hình thực tế, chủ động cho học sinh các cấp nghỉ học để bảo đảm an toàn; tuyệt đối không chủ quan với hoàn lưu sau bão số 3.

Bản tin thời sự sáng 8/9 ảnh 1

Các trường học cần tiếp tục chủ động biện pháp phòng tránh mưa ngập. Ảnh minh họa

Sau công điện ngày 4/9 về chủ động ứng phó bão số 3, ngày 7/9, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tiếp tục có công điện gửi giám đốc sở GD&ĐT các tỉnh/thành phố phía Bắc từ Nghệ An trở ra về việc tăng cường ứng phó với bão số 3 (Yagi).

Công điện nêu rõ, để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của giáo viên, học sinh, cán bộ quản lý giáo dục và nhân dân, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn yêu cầu giám đốc sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố phía Bắc từ Nghệ An trở ra thực hiện nghiêm các công điện số 86, 87, 88/2024 của Thủ tướng Chính phủ và Công điện số 1170 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Đồng thời, căn cứ tình hình thực tế ở địa phương cho học sinh các cấp nghỉ học để bảo đảm an toàn. Tuyệt đối không chủ quan với hoàn lưu sau bão.

Đối với những cơ sở giáo dục tổ chức học nội trú, bán trú cần có biện pháp bảo đảm an toàn và chuẩn bị lương thực, nước uống cho học sinh tại ký túc xá; không để các em về nhà trong khi mưa bão, mất an toàn,

Người đứng đầu ngành giáo dục yêu cầu các đơn vị tiếp tục chủ động biện pháp phòng tránh mưa ngập, lên phương án bảo đảm an toàn các công trình trường học; di dời máy móc, thiết bị dạy học, tài liệu, hồ sơ lên tầng cao hoặc chuyển đến nơi không có nguy cơ ngập lụt để tránh hư hại.

Lên phương án dọn vệ sinh trường lớp, có biện pháp phòng ngừa dịch bệnh đảm bảo sạch sẽ, an toàn khi học sinh trở lại trường học và có kế hoạch dạy bù trong thời gian học sinh nghỉ học.

Song song với đó, phải sẵn sàng cho người dân vào tránh trú trong các cơ sở giáo dục có điều kiện cơ sở vật chất an toàn.

Ngành đường sắt dừng 22 chuyến tàu khách để tránh bão

Ngày 7/9, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã quyết định dừng 22 chuyến tàu khách và nhiều tàu hàng chạy tuyến phía Bắc do cây đổ chắn ngang đường sắt.

Bão số 3 ảnh hưởng đến hạ tầng một số vị trí trên các tuyến đường sắt phía Bắc

Bão số 3 ảnh hưởng đến hạ tầng một số vị trí trên các tuyến đường sắt phía Bắc

Về tàu khách, ngành đường sắt bãi bỏ hai mác tàu khách Thống nhất SE11/SE12 từ ngày 9 - 12/9; toàn bộ 8 tàu chuyến khách tuyến Hà Nội - Hải Phòng trong ngày 7/9 và 2 chuyến tàu khách trong ngày 8/9; bãi bỏ 2 chuyến tàu NA1/NA2 giữa Hà Nội - Vinh ngày 7/9; 2 chuyến tàu SP3/SP4 giữa Hà Nội - Lào Cai ngày 7/9.

Về tàu hàng, toàn bộ tàu hàng trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng đã dừng chạy từ ngày 7/9.

Báo cáo đến thời điểm 16 giờ ngày 7/9, bão số 3 đã ảnh hưởng đến hạ tầng một số vị trí trên các tuyến đường sắt phía Bắc. Cụ thể, trên tuyến Hà Nội - Đồng Đăng, Gia Lâm - Hải Phòng và Kép - Hạ Long, một số vị trí cây đổ vào đường sắt. Các đơn vị chốt trực đã chủ động khắc phục, đảm bảo an toàn chạy tàu.

Tại khu vực từ Yên Dưỡng đến Cái Lân tuyến đường sắt Kép - Hạ Long - Cái Lân thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ninh, do mưa to và gió rất lớn, các đơn vị đang tạm dừng tuần đường từ cung đường Yên Dưỡng đến cung đường Cái Lân (phạm vi trên trong ngày chưa có kế hoạch tàu chạy). Nhân viên gác chắn được bố trí nghỉ tại nhà gác chắn, không đi ra ngoài và đi về.

Tuyến Hà Nội - TP.HCM, một số vị trí cây đổ vào đường sắt, các đơn vị chốt trực đã chủ động khắc phục, đảm bảo an toàn chạy tàu. Riêng vị trí Km73+837 là giao cắt đường bộ - đường sắt có gác, gió lớn khiến cần chắn dài 8 m bị gãy, hiện đơn vị đã cử người cảnh giới.

Công ty CP Đường sắt Hà Lạng đã chỉ đạo các đội, các cung cầu đường kịp thời khắc phục hậu quả do cây đổ vào đường sắt trên các tuyến đường sắt, đảm bảo an toàn công trình, an toàn giao thông vận tải đường sắt. Công ty CP Thông tin tín hiệu đường sắt Hà Nội tiếp tục cử người theo dõi và cảnh giới tại các vị trí có cần chắn bị gãy.

Vietnam Airlines vẫn còn 13.351 tỷ đồng nợ phải trả quá hạn chưa thanh toán

Lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Vietnam Airlines trong 6 tháng đầu năm đạt 5.402 tỷ đồng, tăng mạnh so với khoản lỗ cùng kỳ. Tuy nhiên, Công ty vẫn còn khoản phải trả đã quá hạn là 13.351 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Vietnam Airlines trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 5.402 tỷ đồng

Lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Vietnam Airlines trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 5.402 tỷ đồng

Mới đây, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã chứng khoán: HVN) công bố báo cáo tài chính bán niên được kiểm toán bởi KPMG. Trong đó, doanh thu thuần đạt 52.561 tỷ đồng, giảm nhẹ so với mức 52.594 tỷ đồng trong báo cáo tự lập trước đó.

Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 5.402 tỷ đồng, giảm 74 tỷ đồng so với mức 5.476 tỷ đồng trên báo cáo tự lập. Cùng kỳ năm ngoái, hãng báo lỗ 1.386 tỷ đồng.

Theo giải trình từ phía Vietnam Airlines, lợi nhuận sau thuế tăng mạnh trong 6 tháng qua chủ yếu do tổng doanh thu và thu nhập khác của Công ty mẹ tăng hơn 8.368 tỷ đồng, tương ứng tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đà tăng này chủ yếu đến từ doanh thu cung cấp dịch vụ tăng và hãng đã khôi phục lại toàn bộ mạng bay nội địa, hầu hết các đường bay quốc tế đã được khai thác cũng như mở thêm các đường bay mới.

Bên cạnh đó, tổng chi phí Công ty mẹ tăng 5.924 tỷ đồng, tương ứng tăng 17,1% so với cùng kỳ. Trong đó, chi phí giá vốn và chi phí tài chính tăng mạnh do ảnh hưởng của tỷ giá và lãi suất.

Trong nửa đầu năm nay, lãi gộp về cung cấp dịch vụ của Công ty mẹ đạt hơn 5.347 tỷ đồng, lỗ sau thuế giảm hơn 2.442 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Vietnam Airlines cho biết, đã hoàn thành Đề án cơ cấu lại Tổng công ty giai đoạn 2021 - 2025, đã báo cáo cổ đông và cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt.

Tại Đề án, trong năm 2024 - 2025, Vietnam Airlines sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp để khắc phục tình trạng âm vốn chủ sở hữu hợp nhất; tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập, dòng tiền.

Tuy nhiên, tại báo cáo tài chính, đơn vị kiểm toán KPMG nhấn mạnh vấn đề là tại ngày 30/6, nợ ngắn hạn của Vietnam Airlines vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền là 40.787 tỷ đồng, khoản phải trả đã quá hạn là 13.351 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu âm 11.633 tỷ đồng.

Cà Mau cần 1.300 tỷ đồng khắc phục hơn 20 km bờ biển sạt lở

Chính quyền tỉnh Cà Mau kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất hỗ trợ 1.300 tỷ đồng xây dựng cấp bách kè bảo vệ bờ biển Đông đang bị sạt lở nghiêm trọng.

Sạt lở bờ biển Đông đoạn Kênh 5 thuộc huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau

Sạt lở bờ biển Đông đoạn Kênh 5 thuộc huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau

Ba dự án khắc phục sạt lở đặc biệt nguy hiểm có tổng chiều dài gần 21 km, gồm đoạn từ Hố Gùi đến Bồ Đề hơn 7,5 km, kinh phí 400 tỷ đồng; đoạn từ Kiến Vàng đến Ông Tà hơn 6,2 km, kinh phí 350 tỷ đồng; đoạn từ Kênh 5 Ô Rô đến Vàm Xoáy hơn 7 km, kinh phí khắc phục 550 tỷ đồng.

Theo chính quyền tỉnh Cà Mau, 10 năm qua, tác động của biến đổi khí hậu làm nước biển dâng, cùng với tình trạng sụt lún đất khiến bờ biển của Tỉnh bị sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Hiện tổng chiều dài các đoạn sạt lở đặc biệt nguy hiểm và nguy hiểm gần 84 km; trong đó bờ biển Tây 22 km, bờ biển Đông gần 62 km.

Tháng 8/2023, Tỉnh đã ban bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với các đoạn sạt lở đặc biệt nguy hiểm, thực hiện 6 dự án. Thời gian qua, Cà Mau đã huy động mọi nguồn lực để khắc phục hậu quả do sạt lở gây ra, song quy mô và mức độ sạt lở quá lớn, còn rất nhiều vị trí nghiêm trọng chưa được xử lý vì thiếu kinh phí.

Vào tháng 10/2023, địa phương đã được Trung ương hỗ trợ 500 tỷ đồng để làm 3 dự án khẩn cấp chiều dài 7,6 km. Hiện, gần 21 km bờ biển Đông trên địa bàn đang diễn biến sạt lở rất phức tạp, cần phải nhanh chóng xây dựng kè để bảo vệ an toàn cho người dân, hạ tầng, sản xuất.

Cà Mau có địa hình thấp, là tỉnh duy nhất của cả nước có 3 mặt giáp biển, chịu ảnh hưởng của 2 chế độ triều cường gồm nhật triều của biển Tây và bán nhật triều không đều của biển Đông. Theo các chuyên gia, Cà Mau là địa phương dễ bị tổn thương nhất trước những tác động của biến đổi khí hậu trong khu vực.

Theo thống kê, giai đoạn 2011 - 2021, sạt lở làm mất khoảng 5.251 ha rừng ven biển, tương đương diện tích một xã của Tỉnh.

TP.HCM muốn phủ toàn bộ xe buýt điện vào 2030

Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM đề xuất hỗ trợ lãi vay để hiện thực hóa kế hoạch đầu tư hơn 3.520 tỷ đồng chuyển đổi toàn bộ xe buýt công cộng sang sử dụng điện và năng lượng sạch vào năm 2030.

TP.HCM đặt mục tiêu nâng tổng số xe buýt điện lên 3.317 chiếc vào năm 2030

TP.HCM đặt mục tiêu nâng tổng số xe buýt điện lên 3.317 chiếc vào năm 2030

Sở GTVT TP.HCM đã có văn bản gửi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM cùng các sở, ban, ngành, quận, huyện và TP. Thủ Đức về lấy ý kiến xây dựng Nghị quyết của HĐND Thành phố ban hành kế hoạch chuyển đổi và chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn.

Cụ thể, Sở GTVT đang xây dựng Đề án kiểm soát khí thải phương tiện giao thông trên địa bàn, trong đó giai đoạn 1 sẽ tập trung chuyển đổi phương tiện vận tải hành khách công cộng sang sử dụng xe buýt điện và năng lượng xanh.

Sở cho biết, đề án này xuất phát từ thực trạng ngành giao thông vận tải của TP.HCM và nhiều đô thị khác đang đối mặt với lượng khí thải nhà kính ngày càng gia tăng. Lĩnh vực này chiếm khoảng 18% tổng lượng phát thải khí nhà kính của cả nước.

Hiện tại, TP.HCM có khoảng 2.209 xe buýt, trong đó 546 xe điện và xe CNG, còn lại 1.663 xe sử dụng diesel, với tổng lượng phát thải CO2 là 553.299 tấn/năm. Dự kiến giai đoạn 2025 - 2030 sẽ bổ sung thêm 1.108 xe, nâng tổng số xe buýt lên 3.317 chiếc vào năm 2030.

Sở GTVT cho rằng, nếu không nhanh chóng triển khai kế hoạch và chính sách hỗ trợ chuyển đổi xe buýt công cộng sang sử dụng điện hoặc năng lượng xanh thì tình trạng ô nhiễm môi trường từ giao thông của TP.HCM sẽ trầm trọng hơn, gây hại cho sức khỏe cộng đồng và thiệt hại kinh tế.

Do đó, Sở GTVT TP.HCM đề xuất có chính sách hỗ trợ lãi suất vay đầu tư chuyển đổi phương tiện. Mục tiêu đặt ra là cung cấp cơ sở pháp lý về lãi suất vay và hỗ trợ ngân sách cho quá trình chuyển đổi phương tiện từ nhiên liệu hóa thạch sang điện, năng lượng xanh.

Theo kế hoạch Đề án, TP.HCM đặt mục tiêu đầu tư hơn 3.521 tỷ đồng để chuyển đổi toàn bộ xe buýt công cộng sang sử dụng điện và năng lượng sạch vào năm 2030.

Trong đó, hỗ trợ lãi vay đầu tư phương tiện là 2.095 tỷ đồng và kinh phí hỗ trợ lãi vay đầu tư trạm cung cấp năng lượng điện là 79 tỷ đồng. Phần còn lại 1.347 tỷ đồng, TP.HCM sẽ đầu tư xây dựng trạm sạc điện.

Bình Dương dự kiến động thổ khu công nghiệp 700 ha vào ngày 25/9

Tỉnh Bình Dương đang khẩn trương hoàn tất các thủ tục để động thổ khu công nghiệp (KCN) 700 ha tại huyện Bàu Bàng vào ngày 25/9.

Khu công nghiệp mới được kỳ vọng sẽ tạo ra 35.000 việc làm cho người lao động

Khu công nghiệp mới được kỳ vọng sẽ tạo ra 35.000 việc làm cho người lao động

Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Dương cho biết, Tỉnh đang khẩn trương thực hiện các bước chuẩn bị cho việc công bố Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn năm 2050 trong tháng 9/2024.

Đáng chú ý, trong sự kiện lớn này, ngày 25/9, tỉnh Bình Dương cũng sẽ tổ chức động thổ và khởi động Dự án KCN Cây Trường, huyện Bàu Bàng.

Đây là dự án được mong đợi ở Bình Dương trong những năm qua nhằm tiếp tục tạo mặt bằng sạch thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước rót vốn xây dựng nhà máy. Bên cạnh đó, tạo hạ tầng đón nhà máy di dời từ phía Nam Bình Dương lên.

Theo UBND tỉnh Bình Dương, Dự án KCN được HĐND tỉnh Bình Dương thông qua đồ án quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 vào tháng 11/2023, toạ lạc tại thị trấn Lai Uyên và xã Cây Trường II, huyện Bàu Bàng.

Theo đồ án, KCN Cây Trường có diện tích lập quy hoạch khoảng 700 ha, quy mô lao động khoảng 35.000 người.

KCN Cây Trường được xác định là KCN tập trung, đa ngành với các loại hình công nghiệp thu hút các dự án đầu tư có các ngành nghề theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh. Cho đến nay, hàng trăm ha đất trống trên địa hình bằng phẳng đã được chuẩn bị sẵn sàng để xây dựng KCN Cây Trường.

Hà Nội sắp khởi công dự án cụm công nghiệp gần 800 tỷ đồng

Dự án Cụm công nghiệp Nam Phúc Thọ (giai đoạn 1) tại huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội đã đủ điều kiện để tổ chức khởi công.

Dự án Cụm công nghiệp Nam Phúc Thọ (giai đoạn 1) có diện tích 41,7 ha tại huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội. Ảnh minh họa

Dự án Cụm công nghiệp Nam Phúc Thọ (giai đoạn 1) có diện tích 41,7 ha tại huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội. Ảnh minh họa

Dự án Cụm công nghiệp Nam Phúc Thọ (giai đoạn 1) có quy mô diện tích 41,7 ha, tổng mức đầu tư gần 780 tỷ đồng. Chủ đầu tư Dự án là Công ty CP Tập đoàn T&T.

Đây là dự án có quy mô diện tích lớn nhất trong tổng số 6 dự án cụm công nghiệp tại huyện Phúc Thọ được UBND TP. Hà Nội phê duyệt vào năm 2020. Đây cũng là dự án hiếm hoi tại huyện Phúc Thọ có diện tích xây dựng nằm trên địa bàn hai xã Ngọc Tảo và Tam Hiệp.

Đến nay, toàn bộ diện tích liên quan đến các hộ dân đã được giải phóng mặt bằng. UBND huyện Phúc Thọ đã giao toàn bộ mặt bằng cho Chủ đầu tư. Dự án đủ điều kiện để tổ chức khởi công.

Dự án Cụm công nghiệp Nam Phúc Thọ (giai đoạn 1) đã được UBND Huyện phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Ngoài ra, Dự án cũng đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, báo cáo nghiên cứu khả thi; hoàn thành việc thỏa thuận đấu nối hạ tầng, thẩm định của các sở, ngành: cấp điện, nước sạch, đấu nối giao thông, thoát nước mưa, nước thải.

Trước đó, vào năm 2020, UBND TP. Hà Nội đã phê duyệt cho huyện Phúc Thọ thành lập 6 cụm công nghiệp với tổng diện tích gần 95 ha, gồm: Liên Hiệp (giai đoạn 2), Tam Hiệp, Long Xuyên, Võng Xuyên, Thanh Đa, Nam Phúc Thọ (giai đoạn 1). Đến nay, đã có 5 cụm công nghiệp đang thi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật.

Doanh nghiệp tại Cà Mau xả thải ra môi trường bị phạt hơn 2 tỷ đồng

Một doanh nghiệp chế biến thủy sản ở huyện Cái Nước (tỉnh Cà Mau) bị phạt hơn 2 tỷ đồng vì xả chất thải chưa xử lý ra môi trường.

Trụ sở Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Thuận Đức

Trụ sở Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Thuận Đức

Theo quyết định của chính quyền tỉnh Cà Mau, Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Thuận Đức bị phạt về 3 lỗi: không vận hành hệ thống xử lý chất thải; lắp đặt đường ống để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường; xả nước thải vào môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật. Tổng mức phạt là 2,2 tỷ đồng.

Ngoài ra, doanh nghiệp bị tước quyền sử dụng giấy phép môi trường, thời hạn 4,5 tháng để khắc phục vi phạm; buộc phá dỡ đường ống xây lắp trái quy định để xả thải không qua xử lý.

Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Thuận Đức đã có đơn xin nộp phạt nhiều lần, UBND Tỉnh đang xem xét.

Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Thuận Đức có trụ sở tại ấp Năm Đảm, xã Lương Thế Trân, do ông Miao Sheng Zhuang, quốc tịch Trung Quốc làm giám đốc. Doanh nghiệp này chuyên chế biến, sản xuất và xuất khẩu thủy sản.

Tin cùng chuyên mục