Bản tin thời sự sáng 9/1

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là ngày 9/1 khởi công cầu Vĩnh Tuy 2; ngày 10/1, khánh thành đường băng 25R tại sân bay Tân Sơn Nhất; nghiên cứu thêm phương án đường sắt cao tốc Bắc - Nam tốc độ 200 km/giờ; khôi phục lộ trình 16 tuyến buýt sau khi thông xe cầu Thăng Long…

Ngày 9/1 khởi công cầu Vĩnh Tuy 2

Kinh phí đầu tư cầu Vĩnh Tuy 2 là 2.500 tỷ đồng từ ngân sách thành phố. Đây sẽ là cầu đầu tiên tại Hà Nội có làn đường dành riêng cho xe buýt.

Mặt bằng thi công cầu Vĩnh Tuy 2 phía Long Biên đã được dọn sạch
Mặt bằng thi công cầu Vĩnh Tuy 2 phía Long Biên đã được dọn sạch

Theo ông Phạm Hoàng Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội, Dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 sẽ được khởi công vào ngày 9/1. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành sau 24 tháng thi công. Tổng mức đầu tư được phê duyệt hơn 2.500 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố.

Theo thiết kế, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 sẽ được xây dựng với hình dáng tương đồng cầu Vĩnh Tuy 1 và nằm cách phần cầu hiện hữu về phía hạ lưu (hướng Hưng Yên) 21,2 m. Cầu được thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép dự ứng lực.

UBND TP.Hà Nội cho biết, 2 bờ sông đã có sẵn phần đường dẫn nối lên cầu (xây chờ từ giai đoạn 1) nên dự án không cần giải phóng mặt bằng.

Khi hoàn thành, cầu Vĩnh Tuy 1 và 2 sẽ có 8 làn xe, trong đó có 4 làn ôtô, 2 làn xe buýt và 2 làn xe thô sơ. Đây sẽ là cầu đầu tiên tại Hà Nội có làn đường dành riêng cho xe buýt lưu thông.

Ngày 10/1, khánh thành đường băng 25R tại sân bay Tân Sơn Nhất

Đường băng 25R đã hoàn thành, sẵn sàng đưa vào khai thác phục vụ người dân dịp Tết Nguyên đán 2021.

Đường băng 25R sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã hoàn thành, sẵn sàng đưa vào khai thác

Đường băng 25R sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã hoàn thành, sẵn sàng đưa vào khai thác

Lãnh đạo Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long cho biết, ngày 10/1 sẽ tổ chức khánh thành và đưa vào khai thác đường bằng 25R tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.

Dự án Nâng cấp đường cất, hạ cánh 25R sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất được phát lệnh khởi công ngày 29/6/2020.

Như vậy, sau 6 tháng thần tốc thi công, đến nay việc nâng cấp, sửa chữa đường băng này đã hoàn tất, đảm bảo các yếu tố kỹ thuật để đưa vào khai thác.

Tổng mức đầu tư Dự án khoảng 2.015,3 tỷ đồng. Tuy vậy, đây chỉ mới hoàn thành bước 1 của Dự án. Bước 2 sẽ tiến hành nâng cấp các đường lăn để đảm bảo khai thác đồng bộ, lâu dài.

Để thực hiện Dự án, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã chỉ định những nhà thầu mạnh, gồm: Nhà thầu xây lắp là Liên danh Tập đoàn CIENCO4 - Tổng công ty Xây dựng Hàng không (ACC) - Công ty CP Xây dựng công trình hàng không 647; Nhà thầu tư vấn giám sát là Liên danh Phân viện Khoa học công nghệ GTVT phía Nam (ITSTS) và Công ty CP Tư vấn thiết kế GTVT phía Nam (TEDI South).

Nghiên cứu thêm phương án đường sắt cao tốc Bắc - Nam tốc độ 200 km/giờ

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa có công văn đề nghị Bộ GTVT bổ sung Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Nghiên cứu thêm phương án đường sắt cao tốc Bắc Nam tốc độ 200 km/giờ

Nghiên cứu thêm phương án đường sắt cao tốc Bắc Nam tốc độ 200 km/giờ

Theo Bộ KH&ĐT, thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, hiện nay Hội đồng thẩm định Nhà nước đang tổ chức lựa chọn Tư vấn thẩm tra Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Để có đủ tài liệu cung cấp cho đơn vị tư vấn thẩm tra, phục vụ việc đánh giá các kịch bản, phương án đầu tư Dự án được khách quan, toàn diện và thỏa đáng, Bộ KH&ĐT đề nghị Bộ GTVT bổ sung thêm phương án đầu tư Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam vận tải hành khách và hàng hóa với dải tốc độ từ 160 km/giờ đến dưới 200 km/giờ. Hồ sơ nghiên cứu gửi về Bộ KH-ĐT trước ngày 22/2.

Trước đó, tháng 7/2019, Bộ KH&ĐT, cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định Nhà nước Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đã gửi hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xin ý kiến thẩm định của các thành viên hội đồng và các bộ, ngành, địa phương liên quan.

Theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam của Bộ GTVT, Dự án được nghiên cứu trong phạm vi 20 tỉnh, thành từ Hà Nội vào TP.HCM. Với phương án tốc độ thiết kế đoàn tàu 350 km/giờ, tốc độ khai thác 320 km/giờ, thời gian chạy tàu từ Hà Nội - TP.HCM là 5 giờ 20 phút (nếu không dừng ở một số ga) và 6 giờ 55 phút nếu dừng ở tất cả ga. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1,3 triệu tỉ đồng (58,7 tỉ USD).

Hà Nội: Khôi phục lộ trình 16 tuyến buýt sau khi thông xe cầu Thăng Long

Sở GTVT chấp thuận đề xuất phục hồi lộ trình và dịch vụ đối với 16 tuyến xe buýt sau khi thông xe cầu Thăng Long.

Hà Nội khôi phục lộ trình 16 tuyến xe buýt sau khi thông xe cầu Thăng Long

Hà Nội khôi phục lộ trình 16 tuyến xe buýt sau khi thông xe cầu Thăng Long

Sở GTVT Hà Nội vừa có văn bản chấp thuận đề xuất phục hồi lộ trình và dịch vụ đối với 16 tuyến (15 tuyến buýt trợ giá số 07, 35B, 46, 53A, 53B, 56A, 58, 60B, 61, 64, 93, 95, 109, 112, CNG04 và 1 tuyến không trợ giá số 212) như phương án vận hành trước khi điều chỉnh phục vụ thi công cầu Thăng Long của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP. Hà Nội.

Đối với đề xuất điều chỉnh lộ trình, tăng tần suất dịch vụ tuyến buýt CNG04: Kim Lũ (Sóc Sơn) - Nam Thăng Long, Sở GTVT đề nghị Trung tâm báo cáo chi tiết để Sở báo cáo Thành phố.

Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP. Hà Nội có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Thanh tra GTVT hướng dẫn các đơn vị vận hành, tổ chức triển khai phương án điều chỉnh phục hồi các tuyến buýt đảm bảo vận hành an toàn….

Gấp rút sửa mặt đường QL1 đoạn qua Phú Yên

Đơn vị thi công đã chuẩn bị nhân lực, thiết bị, máy móc để thi công sửa chữa các vị trí hư hỏng trước khi nghiệm thu bàn giao hết bảo hành.

Dự án Mở rộng QL1 qua địa bàn tỉnh Phú Yên gặp hư hỏng cục bộ, xuất hiện ổ gà

Dự án Mở rộng QL1 qua địa bàn tỉnh Phú Yên gặp hư hỏng cục bộ, xuất hiện ổ gà

Do không thể tiến hành sửa chữa các vị trí hư hỏng trong tháng 11 và 12/2020, thời gian qua, Nhà thầu đã thuê một đơn vị thi công tại địa phương sử dụng nhân lực, vật liệu tại chỗ thực hiện công tác đảm bảo giao thông trên tuyến, chờ thời tiết thuận lợi sẽ thi công sửa chữa, khắc phục triệt để

Tin từ Ban QLDA Thăng Long (đại diện chủ đầu tư), do ảnh hưởng của thời tiết bất thường, mưa lũ kéo dài trong thời gian tháng 10 - 11/2020, một số vị trí mặt đường tại Gói thầu số 8 (Km1265 - Km1278) thuộc Dự án Mở rộng QL1 qua địa bàn tỉnh Phú Yên gặp hư hỏng cục bộ, xuất hiện ổ gà.

Đây là gói thầu mặt đường cuối cùng của Dự án còn thời hạn bảo hành. Trước đó, 13 gói thầu khác thuộc Dự án đã được Ban QLDA Thăng Long bàn giao cho đơn vị quản lý, khai thác.

Để đảm bảo chất lượng Gói thầu số 8 của Dự án trước thời điểm bàn giao hết bảo hành (ngày 19/1/2021), từ đầu tháng 10/2020, Ban QLDA Thăng Long đã có văn bản yêu cầu Nhà thầu thi công tiến hành sửa chữa, khắc phục các vị trí hư hỏng tại gói thầu này.

Phát hiện 57 bến thủy nội địa không phép ở TP.HCM

Thanh tra Sở GTVT TP.HCM phát hiện 57 bến thủy nội địa hoạt động không phép trong quý IV/2020 và đã đề nghị công an xử lý các sai phạm này.

TP.HCM tăng cường rà soát các bến thủy nội địa trong khu vực
TP.HCM tăng cường rà soát các bến thủy nội địa trong khu vực

Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Bùi Hòa An vừa ký văn bản thông báo về việc kiểm tra, xử lý các bến thủy nội địa hoạt động không phép tại Thành phố.

Theo đó, Thanh tra Sở GTVT đã phối hợp với các cơ quan liên quan để kiểm tra, rà soát, lập danh sách các bến thủy nội địa hoạt động không phép trên địa bàn Thành phố trong quý IV/2020. Theo danh sách này, Thanh tra Sở GTVT phát hiện 57 bến thủy nội địa hoạt động không có giấy phép.

Trong đó, TP. Thủ Đức là nơi có nhiều điểm sai phạm nhất với 15 bến, tiếp đó là huyện Bình Chánh với 13 bến.

Những bến vi phạm còn lại nằm ở Quận 7 (2 bến), Quận 8 (4 bến), Quận 12 (2 bến), huyện Hóc Môn (8 bến), huyện Củ Chi (4 bến), huyện Nhà Bè (4 bến) và huyện Cần Giờ (5 bến).

Căn cứ vào kết quả thanh tra này, Sở GTVT đề nghị Công an TP.HCM có biện pháp xử lý triệt để các hành vi vi phạm ở 57 bến thủy nội địa hoạt động không phép.

Hà Nội yêu cầu xử lý nghiêm các phương tiện quá niên hạn sử dụng

Hà Nội yêu cầu Công an Thành phố tăng cường phối hợp với các đơn vị chức năng kiểm tra, rà soát, xử lý các phương tiện giao thông xả khói đen, các phương tiện cơ giới quá niên hạn sử dụng; xử lý các phương tiện không đảm bảo che chắn gây ô nhiễm môi trường là đất đá rơi trên đường.

Đề nghị xử lý nghiêm các phương tiện xả khói đen gây ô nhiễm tại Hà Nội. Ảnh minh họa
Đề nghị xử lý nghiêm các phương tiện xả khói đen gây ô nhiễm tại Hà Nội. Ảnh minh họa

UBND thành phố Hà Nội vừa có văn bản về việc triển khai các biện pháp cải thiện chỉ số chất lượng không khí AQI trên địa bàn Thành phố.

Dự báo trong khoảng thời gian từ nay đến tháng 3/2021 sẽ xuất hiện nhiều hình thái thời tiết khí tượng bất lợi, gây suy giảm chất lượng không khí. Do đó, Thành phố yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở, ngành và UBND các quận, huyện vận động người dân không đốt rơm rạ, không tái sử dụng bếp than tổ ong, tiến tới loại bỏ hoàn toàn.

Thành phố cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, các Sở ngành liên quan xây dựng kịch bản chi tiết ứng phó, phòng ngừa ô nhiễm môi trường không khí. Lồng ghép kế hoạch dài hạn/trung hạn/ngắn hạn về bảo vệ môi trường không khí.

Công an Thành phố cần tăng cường phối hợp các đơn vị chức năng kiểm tra, rà soát, xử lý các phương tiện giao thông xả khói đen; phương tiện cơ giới quá niên hạn sử dụng, trong đó tập trung các phương tiện sử dụng nhiên liệu dầu diesel, không đảm bảo che chắn gây ô nhiễm môi trường.