Các cơ quan của Chính phủ giảm 30% đầu mối
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, đến nay, các cơ quan của Chính phủ giảm trung bình 30% đầu mối bên trong, có nơi giảm 50%.
Phiên họp thứ 8 Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ |
Tại Hội nghị Chính phủ và địa phương sáng 8/1, Thủ tướng cho biết, trên cơ sở giảm đầu mối bên trong, các cơ quan của Chính phủ đã cơ cấu lại đội ngũ lãnh đạo và cán bộ, công chức, viên chức.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của Chính phủ là đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy "tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả". "Những việc làm được ngay thì làm theo chỉ đạo, những vấn đề còn vướng mắc thì tiếp tục lắng nghe các ý kiến xác đáng, báo cáo cấp có thẩm quyền để tiếp tục hoàn thành", lãnh đạo Chính phủ nói.
Cơ cấu Chính phủ hiện nay gồm 18 bộ; 4 cơ quan ngang bộ; 8 cơ quan trực thuộc. Theo kế hoạch định hướng sắp xếp tổ chức bộ máy của Chính phủ công bố ngày 6/12/2024, dự kiến 14 bộ, cơ quan ngang bộ được sắp xếp và hợp nhất. Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hợp nhất với Bộ Tài chính; Bộ Giao thông vận tải hợp nhất với Bộ Xây dựng; Bộ Tài nguyên và Môi trường hợp nhất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Thông tin và Truyền thông hợp nhất với Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hợp nhất với Bộ Nội vụ.
Chính phủ sau tinh gọn dự kiến còn 13 bộ, 4 cơ quan ngang bộ; giảm 5 bộ và 4 cơ quan trực thuộc, 12/13 tổng cục và 500 cục. Nhiều bộ sau hợp nhất sẽ giảm nhiều đầu mối bên trong, như Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải hợp nhất dự kiến giảm 41% đầu mối, còn 25 - 27 đơn vị.
Dự kiến, sau khi hợp nhất Bộ Tài nguyên và Môi trường với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giảm từ 55 xuống còn 30 đầu mối. Tổng cục Thuế sau sắp xếp, tinh gọn bộ máy sẽ tổ chức mô hình 3 cấp, gồm thuế nhà nước, khu vực và quận, huyện.
Thưởng Tết Nguyên đán cao nhất 1,9 tỷ đồng
Mức thưởng Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 bình quân toàn quốc là 7,7 triệu đồng, trong đó người cao nhất 1,908 tỷ đồng, theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi.
Công nhân điện tử Khu chế xuất Tân Thuận trong giờ làm việc |
Tại Họp báo Chính phủ chiều ngày 8/1, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi cho biết, người được thưởng Tết Ất Tỵ 2025 cao nhất là một quản lý cấp cao tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuộc lĩnh vực điện tử, công nghệ ở TP.HCM.
So với năm ngoái, mức thưởng bình quân Tết năm nay cao hơn 13%. Trong đó, mức thưởng bình quân đầu người của công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là 7,66 triệu đồng; doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài 8,24 triệu đồng.
Thưởng Tết Dương lịch bình quân là 1,46 triệu đồng/người, bằng 79% so với năm ngoái. Trong đó, mức thưởng tại công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là 1,95 triệu đồng/người; doanh nghiệp dân doanh là 1,13 triệu đồng/người; doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài 2,01 triệu đồng/người.
Thưởng Tết Dương lịch cao nhất là 1,8 tỷ đồng thuộc về quản lý cấp cao tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuộc lĩnh vực bán buôn thực phẩm tại TP HCM.
Theo Thứ trưởng Hồi, tiền lương bình quân năm 2024 đạt 8,88 triệu đồng/tháng, tăng 4% so với năm 2023.
Tết năm nay, người lao động nghỉ 9 ngày, từ 26 tháng Chạp đến hết mùng 5 tháng Giêng (25/1-2/2/2025).
Hà Nội sẽ có thêm 9 cầu vượt sông Hồng
Theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Thành phố đang tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng thêm 9 cầu vượt sông Hồng (hiện đã có 9 cầu); phê duyệt dự án đầu tư xây dựng 3 cầu (Hồng Hà, Mễ Sở, Vân Phúc)…
Phối cảnh cầu Tứ Liên qua sông Hồng |
Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương sáng 8/1, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, năm 2024, Hà Nội đạt tăng trưởng 6,52% - cao hơn năm 2023; hoàn thành 23/24 chỉ tiêu.
Quy mô GRDP của Thành phố đạt gần 59 tỷ USD, GRDP bình quân đầu người đạt gần 6.500 USD và thu ngân sách đạt hơn 509.000 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên thu ngân sách của Thành phố vượt 500.000 tỷ đồng, tăng gần 23,8% so với 2023. Số doanh nghiệp thành lập mới đạt hơn 29 nghìn, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn đạt trên 400 nghìn.
Nhiều công trình, dự án của Thành phố đã được khánh thành, được khởi công chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Thành phố đang tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng thêm 9 cầu vượt sông Hồng (hiện nay đã có 9 cầu); đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng 3 cầu (Hồng Hà, Mễ Sở, Vân Phúc), đồng thời Thành phố đang tập trung chỉ đạo để quyết định chủ trương đầu tư 3 cầu (cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo và cầu Ngọc Hồi).
Nguồn thu từ đất của TP.HCM đạt hơn 25.300 tỷ đồng
Năm 2024, nguồn thu từ đất của TP.HCM đạt 25.304 tỷ đồng, tăng 8.062 tỷ đồng so với năm 2023 (17.242 tỷ đồng).
Bất động sản khu đô thị Thủ Thiêm, khu vực ven sông Sài Gòn |
Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM vừa có báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2024. Đáng chú ý, Sở đã tham mưu điều chỉnh bảng giá đất theo Luật Đất đai năm 2024; xây dựng kế hoạch xác định giá đất cụ thể, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn trong công tác này, làm tăng nguồn thu từ đất.
Theo đó, tính đến ngày 18/12/2024, tổng nguồn thu từ đất đai trên địa bàn đạt gần 25.305 tỷ đồng, tăng hơn 8.062 tỷ đồng so với năm 2023 (17.242 tỷ đồng). Trong đó, khoản thu từ tiền sử dụng đất là 9.654 tỷ đồng, tăng 3.792 tỷ đồng (tương ứng 64,7%) so với 2023. Tiền thuê đất, thuê mặt nước đạt 5.957 tỷ đồng, tăng 866 tỷ đồng (tương ứng 17%).
Với khoản thu từ chuyển nhượng bất động sản, năm qua đạt 9.692 tỷ đồng, tăng hơn 3.400 tỷ đồng (tương ứng 54%) so với năm 2023. Khoản thu từ lệ phí trước bạ nhà đất là 2.408 tỷ đồng, tăng 50,3%; thu từ thuế thu nhập cá nhân, nhận thừa kế, quà tặng bất động sản hơn 7.284 tỷ đồng, tăng 55,4% so với năm 2023; số thu lệ phí trước bạ nhà đất đạt 2.408 tỷ đồng, tăng 806 tỷ đồng so với năm 2023.
Đề xuất hơn 200.000 tỷ đồng xây tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng
Đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có tốc độ thiết kế 120 - 160 km/h, dài 388 km đi qua 9 tỉnh, thành phố và kết nối với Trung Quốc, vốn đầu tư hơn 200.000 tỷ đồng.
Hướng tuyến đường sắt Lào Cai - Hải Phòng |
Ban Quản lý dự án đường sắt đề xuất Bộ Giao thông vận tải xem xét, xin ý kiến các bộ, ngành về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Theo phương án của Ban Quản lý dự án đường sắt, dự án có điểm đầu tuyến tại khu vực nối ray giữa ga Lào Cai (Việt Nam) và ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc); điểm cuối tại cảng Lạch Huyện (Hải Phòng). Chiều dài tuyến 388 km, gồm đoạn ga Lào Cai - ga cảng Lạch Huyện dài 383 km, đoạn ga Lào Cai - điểm nối ray dài 5,1 km; tuyến nhánh nối cảng Nam Hải Phòng và Nam Đình Vũ dài 7,8 km; tuyến nhánh nối ga Yên Thường và ga Yên Viên dài 2,1 km.
Trên tuyến có 30 ga với 3 ga lập tàu, 19 ga hỗn hợp và 8 ga kỹ thuật, đi qua 9 tỉnh, thành phố gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng.
Tuyến đường sắt có tốc độ thiết kế 160 km/h trên đoạn chính tuyến ga Lào Cai - ga cảng Lạch Huyện, 80 km/h cho đoạn Lào Cai và các đoạn tuyến nhánh, 120 km/h đối với đoạn đi qua Hà Nội, đi trùng đường sắt vành đai phía Đông.
Để đảm bảo hiệu quả, Ban Quản lý dự kiến phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ nay đến năm 2030 sẽ xây dựng toàn tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng theo quy mô đường đơn, giải phóng mặt bằng quy mô hoàn chỉnh.
Giai đoạn sau năm 2050 sẽ hoàn thành xây dựng toàn tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng theo quy mô đường đôi và xây dựng đoạn tuyến nhánh Nam Hải Phòng - Nam Đình Vũ.
Tổng mức đầu tư Dự án khoảng 211.030 tỷ đồng, bao gồm 135.600 tỷ đồng vốn vay ưu đãi để xây dựng; chi phí thiết bị, phương tiện; tư vấn thiết kế, giám sát thi công; chi phí dự phòng và khoảng 75.430 tỷ đồng vốn đối ứng của Chính phủ sử dụng cho chi phí quản lý dự án, thuế giá trị gia tăng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, lãi vay...
Dự án nhằm xây dựng mới tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn 1.435 mm, điện khí hóa, kết nối với Trung Quốc và khu vực cảng biển Hải Phòng. Nhà tài trợ vốn dự kiến là Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank).
Số lượng nhà ở xã hội năm 2024 tăng 46%
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong năm 2024 đã có 28 dự án nhà ở xã hội, tương đương 20.284 căn đã hoàn thành, tăng khoảng 46% so với năm 2023.
Trong năm 2024 đã có 28 dự án nhà ở xã hội, tương đương 20.284 căn đã hoàn thành, tăng khoảng 46% so với năm 2023 |
Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, năm 2024 là năm có nhiều khó khăn và thách thức không chỉ đối với ngành xây dựng mà là đối với cả nền kinh tế đất nước nói chung.
Đặc biệt khi cơn bão số 3 Yagi đi qua miền Bắc, với sức tàn phá nặng nề, đã ảnh hưởng đến tăng trưởng của cả nước nói chung và ngành xây dựng nói riêng. Dù vậy, ngành xây dựng vẫn ghi nhận một số thành tựu lớn trong công tác phát triển nhà ở và thị trường bất động sản.
Cụ thể, về phát triển nhà ở xã hội, đây là phân khúc được cả hệ thống chính trị quan tâm. Trong năm 2024, cả nước có 28 dự án với quy mô 20.284 căn đã hoàn thành, tăng khoảng 46% so với năm 2023, tương đương khoảng 6.420 căn.
Đồng thời, trong năm đã có 23 dự án với quy mô 25.399 căn đã được cấp phép, khởi công xây dựng, tăng khoảng 13% so với năm 2023, tương đương khoảng 3.000 căn.
Số lượng dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư là 113 dự án, tương đương 142.450 căn, tăng khoảng 101% so với năm 2023. Hầu hết các địa phương đã thực hiện quy hoạch, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội.
Theo đó, trên địa bàn cả nước đã quy hoạch 1.309 vị trí với quy mô khoảng 9.756 ha đất làm nhà ở xã hội. Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư: các ngân hàng đã cam kết cấp tín dụng cho vay khoảng trên 4.000 tỷ đồng, doanh số cho vay đạt 2.360 tỷ đồng (2.162 tỷ đồng cho chủ đầu tư vay tại 17 dự án; 198 tỷ đồng cho người mua nhà tại 15 dự án).
Đề xuất tăng thêm 4 phà biển tuyến Cần Giờ - Vũng Tàu
Tuyến phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu được đề nghị bổ sung thêm 4 phương tiện cỡ lớn hoạt động, tăng gấp đôi hiện nay giúp đáp ứng nhu cầu đi lại, du lịch dịp Tết.
Phà biển đậu tại bến Tắc Suất, huyện Cần Giờ |
Thông tin được ông Nguyễn Quốc Chánh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Quốc Chánh (nhà đầu tư) cho biết chiều 8/1. "Những phà dự kiến bổ sung đã được doanh nghiệp chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng đưa vào hoạt động sau khi hoàn tất các thủ tục liên quan", ông Chánh nói và cho biết, đề xuất đang được Sở Giao thông vận tải TP.HCM xem xét.
Tuyến Cần Giờ - Vũng Tàu hiện khai thác 4 phà, mỗi phà sức chứa 250 - 350 khách, cùng vài chục ôtô, khoảng 100 xe máy. Phà hoạt động 6 - 20h ngày thường và đến 21h vào cuối tuần, giãn cách mỗi chuyến chừng 60 phút. Theo ông Chánh, khi bổ sung thêm 4 phương tiện, công suất khai thác trên tuyến sẽ tăng lên gấp đôi, giãn cách mỗi chuyến cũng dự kiến rút ngắn còn 15 - 20 phút.
Phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu bắt đầu khai thác từ đầu năm 2021, là tuyến đầu tiên tại TP.HCM do doanh nghiệp đầu tư. Tuyến có cự ly khoảng 15 km, điểm đầu tại bến Tắc Suất, thị trấn Cần Thạnh (Cần Giờ) đến TP. Vũng Tàu (gần trụ sở Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu).
Phà chạy trên tuyến được thiết kế hai thân, dài 45 m, rộng 10 m, tốc độ tối đa 24 hải lý (hơn 43 km) mỗi giờ. Sau khi đưa vào khai thác, tuyến vận tải này tạo thêm lựa chọn cho người dân đi lại, giúp hành trình từ Cần Giờ đi Vũng Tàu còn 30 phút, thay vì 3 giờ 30 phút bằng đường bộ.
Ngoài phà biển nói trên, TP.HCM đang có hơn 30 bến phà, đò (bến khách ngang sông) chạy trên các sông Sài Gòn, Đồng Nai... Trong đó, 2 bến lớn nhất là Cát Lái (nối TP. Thủ Đức với huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai), Bình Khánh (nối huyện Cần Giờ với Nhà Bè). Ngoài ra, TP.HCM cũng đang nghiên cứu mở tuyến phà biển từ huyện Cần Giờ đi Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang với cự ly khoảng 12 km nhằm tăng kết nối 2 địa phương.