Thêm hơn 600.000 liều vaccine Pfizer do Mỹ tài trợ về đến TP.HCM
Tối 8/10, TP.HCM tiếp tục nhận thêm hơn 603.380 liều vaccine Pfizer do Mỹ tài trợ. Đây là lô vaccine thứ 3 Việt Nam nhận từ Mỹ trong hai ngày qua. Đến nay, Mỹ đã trao tặng Việt Nam tổng cộng hơn 9,1 triệu liều vaccine Covid-19.
Đến nay, Mỹ đã trao tặng Việt Nam tổng cộng hơn 9,1 triệu liều vaccine Covid-19. Ảnh: Reuters. |
Trước đó, lần lượt vào tối 7/10 và sáng 8/10, Việt Nam nhận hai lô vaccine Pfizer do Mỹ tài trợ. Như vậy, tổng cộng trong hai ngày qua, Mỹ đã tặng Việt Nam 1.609.580 liều vaccine Pfizer.
Mỹ cũng từng cam kết các khoản hỗ trợ trị giá 26,7 triệu USD nhằm giúp Việt Nam ứng phó với đại dịch.
Bên cạnh số vaccine mà Mỹ trao tặng thông qua cơ chế COVAX, Việt Nam đến nay đã nhận 4.176.000 liều vaccine AstraZeneca từ COVAX.
Cơ chế COVAX do Liên minh Đổi mới sáng tạo sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI), Liên minh Toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) điều hành, và UNICEF đóng vai trò đối tác phân phối chủ chốt.
Mỹ là quốc gia có đóng góp lớn nhất cho cơ chế COVAX. Thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID), chính phủ Mỹ đã đóng góp 4 tỷ USD để hỗ trợ COVAX mua và phân phối vaccine Covid-19 tới 92 nền kinh tế có thu nhập thấp và trung bình thấp.
Chính phủ đồng ý thí điểm mở lại các đường bay nội địa từ 10/10
Chính phủ đồng ý thí điểm mở lại một số đường bay nội địa trong 10 ngày, từ 10/10 đến 20/10, sau đó sẽ tổng kết rút kinh nghiệm, điều chỉnh phù hợp với thực tiễn.
Thí điểm mở lại các đường bay nội địa từ ngày 10/10 đến 20/10 |
Chiều 8/10, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đồng ý vấn đề nêu trên trong cuộc họp trực tuyến toàn quốc về việc triển khai phục hồi các chuyến bay thương mại vận chuyển hành khách nội địa trong nước.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn trình bày dự thảo kế hoạch khai thác các chuyến bay thí điểm từ ngày 10/10 đến hết 20/10 với 23 chuyến khứ hồi mỗi ngày (46 chuyến mỗi ngày), bao gồm 10 chuyến từ TP.HCM đi các địa phương, 6 chuyến từ Hà Nội, 4 chuyến từ Đà Nẵng và 3 chuyến từ Thanh Hóa.
Hành khách phải tiêm đủ liều vaccine (thẻ xanh trên sổ Sức khoẻ điện tử/PC-Covid hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vaccine của cơ quan có thẩm quyền cấp, liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày), hoặc F0 khỏi bệnh trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương; đồng thời, có kết quả xét nghiệm PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên máy bay...
Trong quá trình di chuyển từ cảng hàng không về nơi cư trú, lưu trú, hành khách luôn thực hiện 5K, sử dụng ứng dụng, hạn chế dừng và không tiếp xúc nơi đông người; chủ động thông báo với chính quyền địa phương nơi cư trú, lưu trú….
Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương, bộ, ngành, đơn vị liên quan thống nhất phương án tổ chức khôi phục các tuyến bay nói trên. Trong trách nhiệm của ngành mình, địa phương mình tổ chức triển khai các giải pháp phù hợp để thực hiện thí điểm từ ngày 10/10 đến 20/10, sau đó sẽ tổng kết rút kinh nghiệm, có điều chỉnh kịp thời cho phù hợp với tình tình thực tiễn.
TP.HCM có 20 chợ truyền thống hoạt động trở lại
TP.HCM vừa có thêm 3 chợ truyền thống hoạt động trở lại, nâng tổng số lên 20 chợ truyền thống hoạt động trở lại từ ngày 1/10 đến nay.
Các chợ hoạt động trở lại phải đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch bệnh Covid-19 |
3 chợ hoạt động trở lại là Tân Định (Quận 1), Bàu Cát (Tân Bình), Sơn Kỳ (Tân Phú). Đến nay, địa phương có số chợ truyền thống mở lại nhiều nhất là Quận 5 với 5 chợ, quận Bình Tân có 4 chợ, Quận 11 có 3 chợ.
Các chợ hoạt động trở lại phải đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch bệnh Covid-19. Tiểu thương và người mua hàng đều đã được tiêm 2 mũi vaccine, thực hiện nghiêm quy tắc 5K khi đến chợ, riêng tiểu thương được xét nghiệm định kỳ 3 ngày/lần.
Chợ phải đảm bảo khoảng cách giữa các quầy sạp là 2m, diện tích mỗi quầy sạp là 4m2. Ban quản lý các chợ kiểm soát chặt chẽ lưu lượng người ra vào, không để cùng lúc nhiều người vào chợ. Hiện nay, các ban quản lý chợ chỉ bố trí cho từ 30% - 50% số tiểu thương hoạt động trở lại. Các tiểu thương chủ yếu bán lương thực, thực phẩm tươi sống và chế biến.
Nếu tính thêm 14 chợ truyền thống vẫn hoạt động trong lúc dịch bệnh, đến nay TP.HCM có 34 chợ truyền thống đang mở cửa, trong tổng số 234 chợ truyền thống của Thành phố.
Sẽ chạy tất cả các đoàn tàu Nhổn - ga Hà Nội trong tháng 12/2021
Trong tháng 12/2021, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) sẽ vận hành thử nghiệm tất cả các đoàn tàu của Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội.
Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội sử dụng 10 đoàn tàu theo tiêu chuẩn châu Âu |
Phó trưởng Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội Lê Trung Hiếu cho biết, sau 11 tháng vận chuyển liên tục các đoàn tàu, tháng 9 vừa qua, MRB đã hoàn thành việc đưa đoàn tàu cuối cùng - đoàn tàu thứ 10 về nước. Hiện MRB đang lắp ráp, thử nghiệm, phấn đấu chạy thử liên tiếp tất cả các đoàn tàu vào tháng 12/2021.
Theo ông Hiếu, việc mua sắm, vận chuyển các đoàn tàu về nước nằm trong Gói thầu CP06 Thiết kế, lắp đặt hệ thống đường sắt 1 - đầu máy toa xe, thiết bị depot thuộc Dự án. Hiện Gói thầu CP06 về cơ bản đáp ứng đúng tiến độ. Cùng với việc lắp đặt hoàn thiện hai đoàn tàu cuối tại khu depot Nhổn (quận Bắc Từ Liêm), các đoàn tàu còn lại đang được thử nghiệm liên tục theo từng đoàn tàu.
MRB cùng Tư vấn và Nhà thầu đang phấn đấu chạy thử liên tiếp tất cả các đoàn tàu vào tháng 12/2021. Bên cạnh đó, MRB đang làm việc với Cục Đăng kiểm Việt Nam để đăng kiểm các đoàn tàu theo quy định và cung cấp hồ sơ cho Tư vấn ABC để thực hiện đánh giá an toàn hệ thống.
Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội sử dụng 10 đoàn tàu theo tiêu chuẩn châu Âu với chủ đề “Hành trình xanh” song hành với sự phát triển bền vững của Thủ đô. Khi đi vào vận hành chính thức, tuyến đường sắt đô thị này sẽ vận hành liên tục 8 đoàn tàu, 1 đoàn tàu dự bị phục vụ giờ cao điểm khi quá tải và 1 đoàn tàu phục vụ cứu hộ khi có trường hợp khẩn cấp.
Hà Nội đề xuất khôi phục chặng bay tới TP.HCM và Đà Nẵng từ ngày 10/10
Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, Sở đã đề xuất Bộ Giao thông vận tải mở 2 đường bay từ Hà Nội đi TP.HCM và Đà Nẵng. Tần suất mỗi đường bay dự kiến là 1 chuyến khứ hồi/ngày. Thời gian áp dụng thí điểm từ ngày 10/10 đến 20/10.
Vietnam Airlines thông báo sẽ nối lại đường bay Hà Nội - TP.HCM, Hà Nội - Đà Nẵng và một số đường bay giữa TP.HCM và các địa phương |
Hãng hàng không Vietnam Airlines cũng thông báo sẽ nối lại đường bay Hà Nội - TP.HCM, Hà Nội - Đà Nẵng và một số đường bay giữa TP.HCM và các địa phương. Trong đó, đường bay Hà Nội - TP.HCM được hãng khai thác mỗi ngày 1 chuyến khứ hồi. Chuyến từ Hà Nội khởi hành lúc 13h và từ TP.HCM lúc 16h bằng máy bay thân rộng Boeing 787 hoặc A350.
Trước đó, Bộ Giao thông vận tải đã báo cáo phương án khôi phục đường bay nội địa với 10 chuyến khứ hồi từ TP.HCM đi các địa phương, 6 chuyến khứ hồi từ Hà Nội, 4 chuyến từ Đà Nẵng và 3 chuyến từ Thanh Hóa.
Trong 10 ngày thí điểm khôi phục các đường bay nội địa, mỗi chuyến bay chỉ sử dụng tối đa 50% số ghế. Hành khách phải tiêm đủ 2 mũi vaccine và có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.
Đường Hồ Chí Minh qua Thừa Thiên Huế bị sạt lở, ách tắc do mưa lớn
Hàng chục vị trí sạt lở, vùi lấp đất đá gây chia cắt, ách tắc giao thông đã xảy ra trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường Hồ Chí Minh qua địa bàn Thừa Thiên Huế.
Mưa lớn gây sạt lở đất đá vùi lấp đường giao thông tại Thừa Thiên Huế |
Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế, mưa lớn kéo dài trên địa bàn đã làm sạt trượt, bồi lấp gây chia cắt giao thông tại hàng chục vị trí trên các tuyến Quốc lộ 1, Quốc lộ 49A, 49B, đường Hồ Chí Minh đi qua địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Trước tình hình này, các đơn vị quản lý, vận hành đường đã gấp rút triển khai nhiều biện pháp, phương tiện, nhân lực giải phóng đất đá, thông tuyến, đảm bảo an toàn giao thông.
Trước diễn biến mưa lớn, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã tổ chức cảnh báo các vị trí tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sạt lở đất đá, trong đó có các tuyến đường trọng yếu.
Cụ thể, đó là khu vực thị trấn Khe Tre, ven sông Thượng Nhật (huyện Nam Đông), đường đèo và núi Phú Gia (huyện Phú Lộc), khu vực A Lưới, khu vực dọc các tuyến Quốc lộ 49A lên A Lưới, đường Hồ Chí Minh, Tỉnh lộ 71 qua Phong Điền, Tỉnh lộ 14 đi Nam Đông, đường cao tốc La Sơn - Túy Loan, khu vực ven biển Thừa Thiên Huế…
Đón công dân Việt Nam về nước qua sân bay Cam Ranh
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Đinh Văn Thiệu vừa có văn bản đồng ý cho các doanh nghiệp có nhu cầu đón công dân Việt Nam từ nước ngoài về qua Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh.
Tỉnh Khánh Hòa cho phép các doanh nghiệp đón công dân Việt Nam mắc kẹt ở nước ngoài về nước qua sân bay Cam Ranh |
Động thái trên được đưa ra sau khi tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa cơ bản được kiểm soát. Địa phương này cũng đã cho phép người dân đi du lịch nội tỉnh và chuẩn bị kế hoạch đón khách quốc tế từ tháng 11.
Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, nhằm phối hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp có nhu cầu thực hiện việc tổ chức cho công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước thông qua Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh theo chủ trương của Chính phủ, từ tháng 10, dự kiến mỗi doanh nghiệp được xét duyệt tổ chức tối đa 4 chuyến/tuần đưa công dân về nước qua Cảng hàng không Cam Ranh.
UBND tỉnh Khánh Hòa lưu ý, chỉ sử dụng những cơ sở lưu trú xa khu dân cư và chỉ được phép cách ly công dân từ nước ngoài về, không được chung với nơi cách ly F1. Ngoài ra, các cơ sở lưu trú này phải đảm bảo nghiêm công tác an toàn về phòng, chống dịch.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cũng yêu cầu các công dân được đón về nước phải tiêm đủ 2 mũi vaccine, mũi gần nhất phải qua 14 ngày, khi về nước cách ly tập trung trong thời gian 7 ngày.
Đối với công dân tiêm 2 mũi vaccine (mũi 2 chưa qua 14 ngày), tiêm 1 mũi hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng thì thực hiện cách ly 14 ngày tại cơ sở lưu trú.
Ngoài ra, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng yêu cầu các doanh nghiệp phải cam kết chi trả toàn bộ chi phí điều trị trong trường hợp công dân bị mắc, điều trị Covid-19 và cách ly nhiều hơn thời gian quy định trên.