Ủy ban Chứng khoán lên tiếng sau vụ bà Trương Mỹ Lan bị bắt
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết sẽ theo dõi sát tình hình, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để có thể bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư có liên quan.
UBCKNN khẳng định thị trường chứng khoán hoạt động bình thường trong bối cảnh bà Trương Mỹ Lan bị bắt |
Sáng ngày 8/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát và 3 bị can đồng phạm về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" do có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu trái quy định của pháp luật để chiếm đoạt tiền của người dân trong giai đoạn 2018 - 2019. Ngay sau đó, UBCKNN đã chính thức phát thông tin.
UBCKNN cho biết, vụ án "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Đông (thành viên của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và các tổ chức, đơn vị có liên quan là vụ việc liên quan trực tiếp tới một số cá nhân tại một số doanh nghiệp cụ thể và được xử lý theo pháp luật hình sự. Do vậy, mức độ sai phạm và biện pháp xử lý sẽ được các cơ quan chức năng có liên quan tiếp tục làm rõ theo đúng trình tự và quy định của pháp luật.
UBCKNN khẳng định, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được vận hành và hoạt động bình thường. Chính phủ, Bộ Tài chính và các cơ quan quản lý đã, đang chỉ đạo sát sao để tập trung các giải pháp hỗ trợ thị trường chứng khoán phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững.
UBCKNN khuyến cáo các nhà đầu tư cần bình tĩnh, phân tích cụ thể rủi ro và tiềm năng, cơ hội trên thị trường chứng khoán để ra quyết định đầu tư hiệu quả.
UBCKNN cho biết, sẽ theo dõi sát tình hình, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để có thể bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư có liên quan.
Đầu tư hơn 750 tỷ đồng xây dựng đê chắn sóng cảng Chân Mây giai đoạn 2
Đê chắn sóng cảng Chân Mây giai đoạn 2 được xây dựng với kinh phí hơn 750 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành sau 3 năm.
Cảng biển Chân Mây nhìn từ trên cao |
Sáng 8/10, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức khởi công đê chắn sóng cảng Chân Mây giai đoạn 2 ở xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên Huế). Đê dài 300 m, cao 7 m với mặt đê kết cấu tường đỉnh, thân mái dốc.
Đoạn thân đê sử dụng khối rakuna (dạng kết cấu mới của Nhật Bản được phát minh vào năm 2007) nặng 40 tấn, phía dưới là đá hộc 2 - 4 tấn; phía cảng dùng khối rakuna 16 tấn, phía dưới là đá hộc 0,8 - 1,6 tấn. Công trình hoàn thành sẽ kéo dài đê chắn sóng cảng Chân Mây lên thành 750 m.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, đê chắn sóng cảng Chân Mây là công trình trọng điểm bảo vệ cho các cầu cảng. Khi hoàn thành, đê không những tăng năng lực khai thác hàng hóa mà còn từng bước hoàn thiện khu bến cảng biển Chân Mây nói riêng và cảng biển Thừa Thiên Huế nói chung.
Cần Thơ ngập vì triều cường cao nhất từ đầu năm
Triều cường trên sông Hậu tại Cần Thơ lên mức 2,16 m, vượt 16 cm so với báo động 3 - cao nhất từ đầu năm, khiến hàng loạt tuyến đường ngập sâu.
Nước ngập tại đường Lý Tự Trọng, quận Ninh Kiều, trung tâm TP. Cần Thơ |
Rạng sáng 8/10, nước sông Hậu dâng cao, tràn theo các kênh rạch gây ngập nhiều khu vực ở quận Ninh Kiều, Bình Thuỷ, Ô Môn, Cái Răng... Hàng loạt tuyến đường ở trung tâm TP. Cần Thơ như: Cách Mạng Tháng Tám, Nguyễn Văn Cừ, Mậu Thân, Lý Tự Trọng, Ngô Quyền... chìm trong nước. Tại một số nơi, nước tràn vào nhà dân, cửa cơ quan công sở...
Giám đốc Đài Khí tượng thuỷ văn Cần Thơ Phan Thanh Hải cho biết, triều cường kết hợp nước sông Mekong đổ về sau đợt mưa từ bão Noru vừa qua, cộng với gió mùa đông bắc hoạt động mạnh đẩy nước từ biển vào đất liền khiến mực nước dâng cao.
Ông Hải cho biết thêm, đây là mực nước cao nhất từ đầu năm đến nay được ghi nhận và đợt triều cường còn kéo dài 2 - 3 ngày tới, mực nước cao nhất có thể đạt 2,25 m.
Ông Nguyễn Quý Ninh, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn TP. Cần Thơ cho biết, dự báo trong tháng 10 sẽ có hai đợt triều cường ở mức rất cao.
VNDirect bị xử phạt vì cấp margin cổ phiếu Thaiholdings khi chưa được phép
VNDirect đã dùng hơn 1 triệu cổ phiếu THD trên mỗi tài khoản của 4 nhà đầu tư làm tài sản bảo đảm, giải ngân hơn 24 tỷ đồng dù mã này niêm yết chưa đủ 6 tháng.
Cổ phiếu của Thaiholdings chính thức giao dịch trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội ngày 19/6/2020 |
Công ty CP Chứng khoán VNDirect (mã chứng khoán: VND) mới đây thông báo bị xử phạt 60 triệu đồng do cho 4 nhà đầu tư vay ký quỹ khi chưa đủ điều kiện.
Cụ thể, ngày 2/10/2020, VNDirect đã dùng hơn 1 triệu cổ phiếu THD của Công ty CP Thaiholdings trên mỗi tài khoản giao dịch đứng tên lần lượt là Đinh Thị Thanh Loan, Nguyễn Thị Nga, Nguyễn Thị Hương, Hà Thanh Hương làm tài sản bảo đảm, giải ngân cho vay đối với 4 tài khoản trên. Mỗi tài khoản giải ngân hơn 6 tỷ đồng. Tổng số tiền giải ngân là hơn 24 tỷ đồng.
Tuy nhiên, thời gian này cổ phiếu của Thaiholdings lại nằm trong danh sách chứng khoán không được phép giao dịch ký quỹ, vì mã này niêm yết chưa đủ 6 tháng, tính từ ngày giao dịch đầu tiên là 19/6/2020.
VNDirect phải nộp tiền phạt tại Kho bạc Nhà nước trong 10 ngày kể từ ngày nhận quyết định xử phạt, nếu không tự nguyện chấp hành, Công ty sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định.
Tổ máy số 2 Nhiệt điện Thái Bình 2 lần đầu hòa lưới đồng bộ bằng dầu
Với tổng công suất 1.200 MW của 2 tổ máy, khi đi vào hoạt động, Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 có thể bổ sung cho hệ thống điện quốc gia hơn 7,2 tỷ kWh điện thương phẩm/năm.
Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 là một trong những dự án nguồn điện trọng điểm quốc gia theo Quy hoạch phát triển điện VII |
Tổ máy số 2 của Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư vừa hòa lưới điện thành công lần đầu bằng dầu với công suất tối ưu đạt 51,22 MW.
Theo Ban Quản lý Dự án Nhiệt điện dầu khí Thái Bình 2, tổ máy số 2 của Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đã đốt lửa lần đầu vào ngày 27/8 vừa qua. Sau khi kiểm tra toàn bộ hệ thống của tổ máy số 2, nhà thầu đã tiến hành thông thổi đường ống vào ngày 5/9.
Đến nay, Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đã hòa lưới điện đồng bộ bằng dầu lần đầu tiên thành công.
Ban Quản lý Dự án Nhiệt điện dầu khí Thái Bình 2 cho biết, thời gian qua, nhiều khó khăn, vướng mắc đã cơ bản được tháo gỡ nên Dự án đã có những chuyển biến tích cực, nhiều hạng mục công việc nằm trên đường găng tiến độ đã hoàn thành.
Hiện, tiến độ tổng thể của Dự án đạt khoảng 94% tiến độ đề ra.
Công tác chạy thử của Nhà máy đã hoàn thành khoảng 50%; trong đó, nhà thầu đã đốt dầu lần đầu tổ máy số 1 vào ngày 23/2/2022, hòa đồng bộ bằng dầu tổ máy số 1 vào ngày 13/5/2022 và hòa lưới điện bằng than vào ngày 16/6/2022.
An Đông huy động gần 25.000 tỷ đồng trái phiếu
Theo số liệu của HNX, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Đông (thành viên của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) đã phát hành 3 lô trái phiếu trong các năm 2018 - 2019 với tổng giá trị gần 25.000 tỷ đồng.
Các lô trái phiếu Tập đoàn Đầu tư An Đông phát hành đều có kỳ hạn 5 năm |
Hai lô trái phiếu đầu tiên được phát hành tháng 9/2018 với kỳ hạn 5 năm. Trong đó, lô trái phiếu ADC-2018.09 huy động 11.969 tỷ đồng và lô ADC-2018.09.1 hút vốn 3.000 tỷ đồng.
Lô muộn nhất là mã ADC-2019.01 có giá trị phát hành 10.000 tỷ đồng, cùng kỳ hạn 5 năm. Các trái phiếu này vẫn đang được thể hiện trong tình trạng bình thường.
Thời hạn đáo hạn các lô trái phiếu trên còn khoảng 337 - 471 ngày, tức vào cuối giai đoạn 2023 - 2024.
Kỳ hạn trả lãi 6 tháng một lần áp dụng với 2 lô trái phiếu lớn nhất ADC-2018.09 và ADC-2019.01. Lô trái phiếu còn lại ADC-2018.09.1 được trả lãi định kỳ 3 tháng một lần.
Theo báo cáo trả lãi định kỳ, giai đoạn tháng 1/2019 - 6/2020, An Đông đã chi ra tổng cộng hơn 2.850 tỷ đồng cho các lô trái phiếu này. Các đợt trả lãi về sau chưa có báo cáo.
Tập đoàn An Đông hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, trụ sở chính tại số 18 An Dương Vương, Quận 5, TP.HCM.
Công ty có 2 chi nhánh là Khách sạn Thương mại An Đông (Windsor Plaza Hotel) và Chi nhánh The Garden Complex. Trong đó, Windsor Plaza là khách sạn tư nhân 5 sao nổi tiếng tọa lạc tại trung tâm Quận 5, TP.HCM.
Người đại diện theo pháp luật và giữ vai trò Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Đầu tư An Đông là ông Kwok Hakman Oliver (quốc tịch Australia). Tập đoàn An Đông hiện có vốn điều lệ 9.000 tỷ đồng.
Di dời 120 tuyến xe khách từ bến cũ ra bến xe Miền Đông mới vào ngày 11/10
Từ ngày 11/10, sẽ có thêm 120 tuyến xe khách liên tỉnh đi miền Trung, miền Bắc từ bến xe Miền Đông cũ sang bến xe Miền Đông mới.
Bến xe Miền Đông mới sẽ có thêm 120 tuyến xe khách hoạt động từ ngày 11/10 |
Trước đó, ngày 10/10/2020, Thành phố cũng đã di dời 23 tuyến vận tải hành khách đến và đi từ các tỉnh Quảng Trị trở ra các tỉnh phía Bắc từ bến xe Miền Đông hiện hữu sang bến xe Miền Đông mới.
Giai đoạn 2, từ ngày 11/10/2022 sẽ có thêm 120 tuyến xe khách liên tỉnh từ bến xe Miền Đông cũ sang bến xe Miền Đông mới. Các tuyến đi, đến 15 tỉnh, thành phố gồm: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Cần Thơ, Cà Mau.
Để phục vụ người dân đi lại thuận tiện, Sở Giao thông vận tải TP.HCM tăng cường 9 tuyến xe buýt kết nối với bến xe Miền Đông mới. Cụ thể là tuyến số 55, 56, 76, 93, 150, 60-1, 60-2, 60-3, 60-4.
Sở Giao thông vận tải yêu cầu chủ đầu tư bến xe Miền Đông mới là Công ty TNHH MTV Cơ khí giao thông vận tải (Samco) tăng cường tuyên truyền đến các đơn vị vận tải, hành khách việc di dời toàn bộ các tuyến nói trên sang bến xe mới từ ngày 11/10.
Các nhà xe di dời không lưu đậu ở bến cũ để đón trả khách. Samco cần bổ sung thêm quầy vé để phục vụ yêu cầu của nhà xe, xem xét giảm giá dịch vụ. Đồng thời cũng cần tính toán tổ chức xe trung chuyển cho hành khách có nhu cầu đi từ bến xe cũ sang bến xe mới.
Bộ Xây dựng tiếp tục thoái vốn tại HUD và VICEM
Giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Xây dựng sẽ đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa 2 tổng công ty còn lại trực thuộc Bộ là Tổng công ty Phát triển nhà và đô thị (HUD) và Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM).
Tổng công ty Xi măng Việt Nam tiếp tục lộ trình thoái vốn 3 năm tới |
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị vừa ký quyết định ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng yêu cầu tiếp tục thực hiện quy hoạch phát triển nguồn nhân lực ngành xây dựng đến năm 2025, tầm nhìn 2030; phối hợp quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên. Tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động của HUD, VICEM giai đoạn 2021 - 2025, trọng tâm là công tác cổ phần hoá.
Thực hiện thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp do Bộ Xây dựng làm đại diện chủ sở hữu theo kế hoạch được duyệt.
Tập trung tái cơ cấu, thoái vốn đối với Tổng công ty CP Sông Hồng, Tổng công ty Cơ khí xây dựng.
Trong quá trình thực hiện, lãnh đạo Bộ Xây dựng kịp thời chỉ đạo xử lý những khó khăn, vướng mắc, chủ động trao đổi, giải quyết hoặc báo cáo Bộ trưởng xem xét, quyết định.
Tính đến hết năm 2020, Bộ Xây dựng đã hoàn thành cổ phần hóa thêm 7 tổng công ty, gồm: LILAMA, CC1, FICO, VNCC, COMA, IDICO, Sông Đà, nâng tổng số doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần lên 14/16 tổng công ty.
Theo số liệu báo cáo của Bộ Xây dựng, năm 2021, kết quả sản xuất kinh doanh của nhóm doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng như: VICEM, HUD, LILAMA, Viglacera, COMA, HANCORP, Sông Hồng đều bị ảnh hưởng đáng kể.