Bản tin thời sự sáng 9/12

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là TP.HCM đề xuất mở lại đường bay quốc tế ngay trong tháng 12; thanh tra việc mua sắm kit xét nghiệm tại Bộ Y tế, Hà Nội và TP.HCM; phát hành chui hơn 500 tỷ đồng trái phiếu, Apec Group bị phạt; 4 lô đất Thủ Thiêm có mức đấu giá khởi điểm là 5.300 tỷ đồng; Hà Nội phê duyệt quy hoạch khu đô thị sông Hồng trong tháng 1/2022…

TP.HCM đề xuất mở lại đường bay quốc tế ngay trong tháng 12

TP.HCM kiến nghị Thủ tướng chấp thuận để Bộ GTVT tổ chức thí điểm các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ đi và đến Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn một, từ tháng 12/2021.

TP.HCM kiến nghị Thủ tướng chấp thuận đề xuất mở lại đường bay quốc tế ngay trong tháng 12

TP.HCM kiến nghị Thủ tướng chấp thuận đề xuất mở lại đường bay quốc tế ngay trong tháng 12

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình đã ký văn bản khẩn gửi Văn phòng Chính phủ về góp ý đối với dự thảo kế hoạch nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ với các nước.

UBND TP.HCM cho hay, tính đến ngày 25/11, TP.HCM cơ bản đã kiểm soát được dịch, đạt cấp độ 2 của dịch Covid-19. Bên cạnh đó, tỷ lệ người dân được tiêm vaccine Covid-19 ở mức cao, hệ thống y tế cũng sẵn sàng nhân lực, trang thiết bị, vật tư, đã có kinh nghiệm xử lý các tình huống phát sinh trong phòng, chống dịch.

Với 61 khách sạn cách ly quy mô hơn 6.100 giường và đang tiếp tục mở rộng, TP.HCM đủ khả năng tiếp nhận và tổ chức cách ly y tế tập trung theo quy định hiện hành và đáp ứng yêu cầu tổ chức các chuyến bay thương mại quốc tế trong thời gian tới.

Để phục hồi kinh tế, UBND TP.HCM đã có công văn trình Thủ tướng chấp thuận cho thí điểm tổ chức đón khách du lịch quốc tế sử dụng hộ chiếu vaccine từ tháng 12/2021. Trong thời gian qua, các đơn vị liên quan cũng chủ động xây dựng phương án sẵn sàng tham gia khai thác các chuyến bay quốc tế đi và đến TP.HCM qua Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất.

Do đó, UBND TP.HCM cơ bản thống nhất với đề xuất của Bộ GTVT về nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ với các nước, đồng thời đề nghị Văn phòng Chính phủ tổng hợp, trình Thủ tướng xem xét, chấp thuận cho UBND TP.HCM tổ chức thí điểm đón khách du lịch quốc tế...

Thành phố cũng kiến nghị Thủ tướng chấp thuận để Bộ GTVT tổ chức thí điểm các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ đi và đến Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn một từ tháng 12/2021 và xem xét điều kiện nhập cảnh vào TP.HCM đối với các nước, vùng lãnh thổ đã công nhận hộ chiếu vaccine.

Thanh tra việc mua sắm kit xét nghiệm tại Bộ Y tế, Hà Nội và TP.HCM

Thanh tra Chính phủ đã có quyết định thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 tại Bộ Y tế, Hà Nội và TP.HCM.

Thanh tra Chính phủ đã có quyết định thực hiện thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch Covid-19

Thanh tra Chính phủ đã có quyết định thực hiện thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch Covid-19

Tại phiên họp thứ 6 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra chiều 8/12, bàn về dự thảo Nghị quyết một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa cho biết còn nhiều vướng mắc qua công tác kiểm toán, khi nhiều khoản kinh phí chuyển từ MTTQ sang Bộ Y tế không chi được vì vướng cơ chế chính sách, nhất là mua sắm trang thiết bị. Nếu không có cơ chế gỡ vướng sớm thì ngành y tế không tiến hành mua sắm phục vụ khám chữa bệnh được.

Ông Họa cũng thông tin về việc Thanh tra Chính phủ đã có quyết định thực hiện thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 tại Bộ Y tế, Hà Nội và TP.HCM.

Theo ông Họa, vào thời điểm có dịch các địa phương bằng mọi giá mua sắm thiết bị để chống dịch, nếu áp các thước đo vào sẽ rất khó.

Phát hành chui hơn 500 tỷ đồng trái phiếu, Apec Group bị phạt

Lô trái phiếu được Apec Group chào bán trong năm 2020 trị giá hơn 8 tỷ đồng, còn trong năm nay là hơn 499 tỷ đồng. Đơn vị chào bán bị xử phạt 600 triệu đồng.

Apec Group bị phạt vì phát hành "chui" 500 tỷ đồng trái phiếu. Ảnh: Apec

Apec Group bị phạt vì phát hành "chui" 500 tỷ đồng trái phiếu. Ảnh: Apec

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) mới đây có quyết định xử phạt đối với Công ty CP Tập đoàn Apec Group (Hà Nội) về hành vi vi phạm trong việc công bố thông tin khi chào bán trái phiếu.

Cụ thể, Công ty CP Tập đoàn Apec Group (Apec Group) chào bán một lô trái phiếu với trị giá 8,1 tỷ đồng trong năm 2020 và 16 lô trái phiếu khác với tổng giá trị 499,707 tỷ đồng trong giai đoạn từ 18/1 - 6/8 năm nay ra công chúng thông qua phương tiện thông tin đại chúng và cho các nhà đầu tư không xác định.

Tuy nhiên, Apec Group lại không nộp hồ sơ đăng ký với UBCKNN theo quy định.

Do đó, Apec Group bị phạt 600 triệu đồng theo quy định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán do đã chào bán chứng khoán ra công chúng nhưng không nộp hồ sơ đăng ký với UBCKNN.

UBCKNN buộc Apec Group phải thu hồi chứng khoán đã chào bán. Công ty này cũng phải hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc (nếu có) cộng thêm tiền lãi tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng mà tổ chức, cá nhân vi phạm mở tài khoản thu tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc tại thời điểm quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành. Thời hạn là tối đa 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của nhà đầu tư.

4 lô đất Thủ Thiêm có mức đấu giá khởi điểm là 5.300 tỷ đồng

Trung tâm bán đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp TP.HCM sẽ tổ chức bán đấu giá 4 lô đất với tổng diện tích hơn 30.000 m2 tại khu dân cư phía bắc vào ngày 10/12.

Mức đấu giá khởi điểm của 4 lô đất Thủ Thiêm là 5.300 tỷ đồng
Mức đấu giá khởi điểm của 4 lô đất Thủ Thiêm là 5.300 tỷ đồng

Bốn lô đất được bán đấu giá thuộc khu chức năng số 3 (khu dân cư phía bắc), Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP. Thủ Đức. Đó là các lô đất mang ký hiệu 3-5, 3-8, 3-9 và 3-12, được UBND Thành phố duyệt chủ trương bán đấu giá hồi tháng 5/2021.

Lô đất có số hiệu 3-8 với diện tích 8.568 m2 có quy hoạch là khu nhà ở chung cư hỗn hợp, không bố trí kết hợp chức năng thương mại dịch vụ.

Ba lô còn lại có chức năng là đất ở đô thị, khu nhà ở chung cư hỗn hợp có bố trí kết hợp chức năng thương mại dịch vụ. Tổng diện tích 3 lô đất này khoảng hơn 21.500 m2.

Cả bốn lô đất đều có hình thức sử dụng như được giao đất có thu tiền sử dụng đất, với thời gian sử dụng đất là 50 năm kể từ ngày quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá có hiệu lực.

Theo thông tin từ Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM, giá khởi điểm của 4 lô đất gần 5.300 tỷ đồng. Các lô đất sẽ được bán đấu giá riêng lẻ từng lô. Trong đó, lô 3-12 có diện tích hơn 10.059 m2 có giá khởi điểm hơn 2.942 tỷ đồng; lô 3-9 có diện tích hơn 5.000 m2 có giá khởi điểm hơn 728,6 tỷ đồng; lô 3-8 có diện tích hơn 8.568 m2 có giá khởi điểm 1.018,594 tỷ đồng; lô 3-5 có diện tích 6.446 m2 có giá khởi điểm 578,042 tỷ đồng.

Hà Nội phê duyệt quy hoạch khu đô thị sông Hồng trong tháng 1/2022

Chậm nhất nửa đầu tháng 1/2022, Hà Nội sẽ đủ cơ sở pháp lý để phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng và Quy hoạch phân khu đô thị sông Đuống, hoàn thành phủ kín 100% quy hoạch phân khu đô thị trên địa bàn Thành phố.

Sớm nhất cuối tháng 12/2021, chậm nhất nửa đầu tháng 1/2022, Hà Nội sẽ đủ cơ sở pháp lý để phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng

Sớm nhất cuối tháng 12/2021, chậm nhất nửa đầu tháng 1/2022, Hà Nội sẽ đủ cơ sở pháp lý để phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, trong tổng số 35 đồ án quy hoạch phân khu đô thị, đến nay Thành phố đã phê duyệt 33 đồ án.

Còn 2 đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng (R1-5) và Quy hoạch phân khu đô thị sông Đuống (R6), tháng 7/2021, Thành phố đã nhận được ý kiến thống nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về triển khai quy hoạch phòng, chống lũ. Tháng 10/2021, UBND Thành phố đã gửi hồ sơ xin ý kiến của Bộ Xây dựng theo quy định.

Dự kiến, trong tháng 12/2021, Bộ Xây dựng sẽ có thỏa thuận thống nhất chính thức. Sớm nhất cuối tháng 12/2021, chậm nhất nửa đầu tháng 1/2022, Hà Nội sẽ đủ cơ sở pháp lý để phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng và Quy hoạch phân khu đô thị sông Đuống, hoàn thành phủ kín 100% quy hoạch phân khu đô thị trên địa bàn Thành phố.

Đồng Nai kiến nghị đầu tư hai tuyến đường sắt gần 100.000 tỷ đồng

Tỉnh Đồng Nai vừa kiến nghị đầu tư đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - sân bay Long Thành và đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu theo hình thức PPP.

Hai dự án đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – sân bay Long Thành và đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu đều nằm trong danh mục các dự án quốc gia kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2025. Ảnh minh họa

Hai dự án đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – sân bay Long Thành và đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu đều nằm trong danh mục các dự án quốc gia kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2025. Ảnh minh họa

Đồng Nai kiến nghị Chính phủ giao cho tỉnh này làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện 2 dự án đường sắt trên. Theo đó, Dự án Thủ Thiêm - sân bay Long Thành, có điểm đầu tại ga Thủ Thiêm, TP. Thủ Đức, điểm cuối tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Chiều dài tuyến là 37,5 km, tổng mức đầu tư khoảng 40.566 tỷ đồng theo hình thức đối tác công tư - PPP.

Dự án tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu có điểm đầu tại ga Trảng Bom, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai; điểm cuối tại cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải. Dự án có chiều dài 65 km, tổng mức đầu tư 50.822 tỷ đồng cùng theo hình thức PPP.

Theo lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, sau khi Thủ tướng chấp thuận giao nhiệm vụ là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Tỉnh sẽ khẩn trương tiến hành lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và triển khai thực hiện các dự án để khai thác đồng bộ với tiến độ của Cảng hàng không quốc tế Long Thành vào năm 2025.

Hai dự án đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - sân bay Long Thành và đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu đều nằm trong danh mục các dự án quốc gia kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2025 đã được Bộ Giao thông vận tải đề xuất. Các dự án này cũng đã được đưa vào quy hoạch xây dựng mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Một cá nhân thu 100 tỷ đồng từ Facebook, Google

Cục Thuế Hà Nội cho biết một cá nhân làm thương mại điện tử đã nộp 11 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước. Ước tính, người này có thu nhập khoảng 100 tỷ từ Google, Facebook, YouTube.

Nhóm cá nhân, hộ kinh doanh, tổ chức có thu thập từ các tổ chức nước ngoài như Google, Facebook, YouTube đóng góp số thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử rất tốt. Ảnh: Getty.

Nhóm cá nhân, hộ kinh doanh, tổ chức có thu thập từ các tổ chức nước ngoài như Google, Facebook, YouTube đóng góp số thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử rất tốt. Ảnh: Getty.

Cục Thuế Hà Nội cho biết từ đầu năm đến tháng 11, đơn vị này đã thu được 110 tỷ đồng tiền thuế từ hoạt động thương mại điện tử.

Có 5 nhóm đối tượng thương mại điện tử gồm: Cá nhân, hộ kinh doanh, tổ chức có thu thập từ các tổ chức nước ngoài (Google, Facebook, Apple…); Cá nhân, hộ kinh doanh bán hàng trực tuyến (online); Cá nhân, hộ kinh doanh, tổ chức cho thuê nhà trực tuyến qua ứng dụng; Tổ chức, cá nhân chi trả thanh toán cho các dịch vụ điện tử của đơn vị nhà thầu nước ngoài; Doanh nghiệp tổ chức, điều hành sàn giao dịch thương mại điện tử (Sendo, Lazada...), điều hành các ứng dụng trung gian thanh toán, ứng dụng trung gian vận chuyển.

Trong đó, 465 cá nhân có thu nhập từ các tổ chức nước ngoài (Google, Facebook, Apple…) kê khai và nộp 56,1 tỷ đồng tiền thuế. Đáng chú ý, có một cá nhân đã kê khai, nộp 11 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước. Số thuế mà cá nhân này phải nộp được cộng dồn nhiều năm với số tiền chậm nộp phải thực hiện là trên 4 tỷ đồng.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, Công ty luật ANVI cho biết, mức thuế suất các cá nhân trên được áp dụng là thuế suất với hộ kinh doanh cá thể ngành nghề dịch vụ, bao gồm 5% thuế giá trị gia tăng và 2% thuế thu nhập cá nhân.

Như vậy, theo tính toán, cá nhân phải đóng 11 tỷ đồng tiền thuế ở trên (gồm 7 tỷ cho thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân, 4 tỷ bị phạt do chậm nộp thuế) ước thu được khoảng 100 tỷ đồng từ các trang mạng xã hội như Facebook, Google, YouTube.

Bộ GTVT thống nhất đề xuất của TP.HCM làm vành đai 3 bằng vốn đầu tư công

Bộ GTVT cho biết như vậy trong công văn vừa gửi Văn phòng Chính phủ góp ý kiến về phương án đầu tư đường vành đai 3 TP.HCM do UBND TP.HCM báo cáo Thủ tướng trước đó.

Phối cảnh một đoạn đường vành đai 3 TP.HCM

Phối cảnh một đoạn đường vành đai 3 TP.HCM

Theo Bộ GTVT, kết quả nghiên cứu về phạm vi, quy mô và phương án phân kỳ đầu tư đường vành đai 3 TP.HCM theo báo cáo của UBND TP.HCM cơ bản tương tự dữ liệu bộ này nghiên cứu và bàn giao UBND TP.HCM.

UBND TP.HCM đã tổ chức nghiên cứu chi tiết và đánh giá ưu, nhược điểm các kịch bản đầu tư về tính khả thi trong bối cảnh khó khăn về thu hút đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) và sự eo hẹp ngân sách của TP.HCM, các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An do ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.

Bộ GTVT cho rằng việc UBND các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An đã thống nhất giao UBND TP.HCM là cơ quan chủ trì lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo Thủ tướng trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư là phương án mà Bộ thống nhất và đã có nhiều văn bản kiến nghị.

Theo Bộ GTVT, việc triển khai đầu tư đường vành đai 3 TP.HCM đã bị chậm so với quy hoạch. Nhu cầu sớm đầu tư khép kín đường vành đai 3 là hết sức cần thiết và cấp bách nên phương án triển khai đầu tư Dự án bằng nguồn vốn đầu tư công là phù hợp trong điều kiện hiện nay.

Do vậy, Bộ GTVT thống nhất với kiến nghị, đề xuất của UBND TP.HCM, đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định giao nhiệm vụ cho UBND TP.HCM là cơ quan chuẩn bị đầu tư Dự án và triển khai đầu tư Dự án theo phương thức đầu tư công.