Bản tin thời sự sáng 9/2

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là thêm một doanh nghiệp xin bỏ cọc lô đất Thủ Thiêm; Chùa Hương mở cửa trở lại từ ngày 16/2; SMBC và Eximbank "chia tay" sau hơn 14 năm hợp tác; Hà Nội mở lại rạp chiếu phim từ 10/2; đề xuất chỉ định thầu 12 dự án cao tốc Bắc Nam…

Thêm một doanh nghiệp xin bỏ cọc lô đất Thủ Thiêm

Sau Tân Hoàng Minh, Bình Minh là đơn vị thứ hai xin bỏ cọc lô đất trúng đấu giá hơn 5.000 tỷ đồng ở Thủ Thiêm.

Lô đất 3-9 mà Công ty Bình Minh trúng đấu giá, nhìn từ trên cao

Lô đất 3-9 mà Công ty Bình Minh trúng đấu giá, nhìn từ trên cao

Cục trưởng Cục thuế TP.HCM Lê Duy Minh cho biết, Công ty TNHH Đầu tư Phát triển và Thương mại Bình Minh đã có văn bản gửi đến các cơ quan liên quan, trong đó có Cục thuế Thành phố về việc xin bỏ cọc Lô đất 3-9. Trước đây, doanh nghiệp này đã vượt qua 140 lượt gọi giá với 13 doanh nghiệp khác để trúng đấu giá lô đất với số tiền 5.026 tỷ đồng, gấp 6,9 lần so với giá khởi điểm.

Công ty Bình Minh trước giờ khá kín tiếng. Doanh nghiệp này vừa được thành lập ngày 24/09/2021, đặt trụ sở tại tòa nhà 151, Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội. Người đại diện theo pháp luật là bà Thân Thị Liên. Công ty ban đầu có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, đến ngày 3/12/2021 tăng vốn lên 200 tỷ đồng.

Theo ông Lê Duy Minh, đến chiều nay, hệ thống quản lý của cơ quan thuế vẫn chưa nhận được tiền sử dụng đất của hai doanh nghiệp còn lại trúng đấu giá đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức).

Trước đó, hôm 6/1, Cục Thuế TP.HCM đã ra thông báo gửi đến 4 doanh nghiệp trúng đấu giá bất động sản tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm phải đóng lệ phí trước bạ và 50% tiền sử dụng đất trong 30 ngày từ khi có thông báo, tức ngày 6/2. Số tiền sử dụng đất còn lại phải được nộp chậm nhất trong 90 ngày kể từ khi có thông báo, tức ngày 6/4.

Nếu quá thời hạn trên, ngoài tiền sử dụng đất phải nộp, doanh nghiệp phải đóng thêm tiền chậm nộp. Số tiền trên được tính bằng cách lấy số ngày chậm nộp nhân 0,03% lãi mỗi ngày.

Theo quy định, đơn vị trúng đấu giá sẽ bị hủy quyết định công nhận kết quả trúng nếu không nộp đủ tiền mua tài sản khi quá 180 ngày kể từ ngày ký thông báo thuế. Không nộp hoặc nộp không đủ tiền theo thời gian trên, các doanh nghiệp sẽ không được nhận lại tiền đặt trước (20% so với giá khởi điểm).

Chùa Hương mở cửa trở lại từ ngày 16/2

Di tích thắng cảnh Hương Sơn (chùa Hương) sẽ đón khách trở lại từ ngày 16/2 sau gần 20 ngày tạm dừng khai hội để phòng dịch Covid-19.

Người dân địa phương chèo đò chở khách trên suối Yến (chùa Hương)

Người dân địa phương chèo đò chở khách trên suối Yến (chùa Hương)

Tối 8/2, thành phố Hà Nội đồng ý với đề xuất của UBND huyện Mỹ Đức về mở cửa tổ chức đón khách tới chùa Hương.

Thành phố giao Sở Văn hóa Thể thao chủ trì, phối hợp Sở Y tế hướng dẫn Huyện thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đảm bảo đúng quy định.

Sáng cùng ngày, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Triều cho biết, để đảm bảo phòng dịch, Huyện không tổ chức phần lễ hội. Du khách chỉ đến để tham quan, vãn cảnh.

Trước đó hôm 25/1, UBND huyện Mỹ Đức thông báo tạm dừng tổ chức lễ hội, không đón khách tham quan tại chùa Hương. Đây là năm thứ hai liên tiếp lễ hội có quy mô lớn và kéo dài nhất miền Bắc không tổ chức khai hội, không đón khách dịp Tết Nguyên đán.

Hội chùa Hương hàng năm được tổ chức lễ khai hội vào mùng 6 tháng Giêng. Đây là lễ hội có quy mô và thời gian tổ chức dài nhất miền Bắc, từ đầu tháng Giêng đến hết tháng 3 Âm lịch.

SMBC và Eximbank "chia tay" sau hơn 14 năm hợp tác

Sau thời gian dài nội bộ Eximbank không tìm được tiếng nói chung, cổ đông chiến lược nước ngoài SMBC đã chính thức buông ngân hàng sau hơn 14 năm đầu tư.

SMBC rút khỏi Eximbank

SMBC rút khỏi Eximbank

Hội đồng Quản trị (HĐQT) Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam - Eximbank (EIB) vừa có nghị quyết về việc chấm dứt trước thời hạn đối với thỏa thuận liên minh chiến lược ký kết ngày 27/11/2007 với SMBC (Nhật Bản).

Theo lãnh đạo Eximbank, quyết định chấm dứt hợp tác chiến lược nói trên được đưa ra dựa theo đề nghị của cổ đông SMBC ngày 5/1.

HĐQT Eximbank cũng thống nhất giao chủ tịch HĐQT tổ chức thực hiện các thủ tục về việc chấm dứt thỏa thuận chiến lược giữa ngân hàng và đối tác Nhật đã ký trước đó.

Như vậy, sau hơn 14 năm hiện diện tại Eximbank với khoản đầu tư 225 triệu USD, tập đoàn tài chính đến từ Nhật Bản - SMBC - và ngân hàng thương mại này sẽ “đường ai nấy đi”.

Hiện SMBC đang là cổ đông lớn nhất nắm giữ hơn 185 triệu cổ phiếu EIB, tương đương 15% vốn ngân hàng. Với thị giá cổ phiếu EIB kết phiên 8/2 ở mức 35.700 đồng/đơn vị, lượng cổ phiếu do SMBC nắm giữ có giá trị trường khoảng 6.600 tỷ đồng, tương đương gần 290 triệu USD quy đổi theo tỷ giá hiện tại.

Nếu không tính các khoản cổ tức tiền mặt trong giai đoạn này, sau hơn 14 năm đầu tư vào Eximbank, khoản đầu tư 225 triệu USD của SMBC chỉ ghi nhận mức sinh lời chưa tới 30%.

Tại Eximbank, SMBC cũng đã có động thái rút dần nhân sự khỏi ban lãnh đạo ngân hàng từ năm 2019. Tại phiên họp cổ đông bất thành năm 2021 ngày 27/4/2021, SMBC cũng không cử người đại diện tham dự.

Eximbank nhiều năm gần đây được thị trường chú ý với những tranh chấp nội bộ giữa các nhóm cổ đông lớn. Năm 2019, ngân hàng đã 2 lần tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên nhưng đều bất thành do các cổ đông không đồng thuận tham gia…

1.800 xe hàng tiếp tục mắc kẹt ở cửa khẩu phía Bắc

Xe hàng tiếp tục lên biên giới những ngày đầu năm mới khiến cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) và cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh (Lạng Sơn) tồn khoảng 1.800 xe.

Xe hàng chờ thông quan hồi cuối tháng 1 tại cầu Bắc Luân 2, Móng Cái, Quảng Ninh

Xe hàng chờ thông quan hồi cuối tháng 1 tại cầu Bắc Luân 2, Móng Cái, Quảng Ninh

Theo lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh), cầu phao tạm Km3+4 đã thông quan trở lại từ ngày 3/2; cầu Bắc Luân 2 từ ngày 5/2. Hiện hai khu vực này còn tồn khoảng 570 xe hàng.

Số phương tiện tồn trước Tết đã được giải phóng gần hết, chỉ còn khoảng 500 xe hàng đông lạnh. Tuy nhiên, hiện nay xe hàng ở các tỉnh tiếp tục ra cửa khẩu nên số mắc kẹt lên khoảng 570.

Hiện cầu phao tạm Km3+4 mỗi ngày thông quan được 80 xe. Còn ở cầu Bắc Luân 2 chỉ có hàng nhập khẩu, chưa có hàng xuất khẩu do doanh nghiệp đang nghỉ Tết.

Cùng ngày, Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn cho biết, tại thời điểm nghỉ Tết Nguyên đán (31/1/2022), tổng lượng xe hàng chờ xuất khẩu còn tồn tại 3 cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma là 474. Sau nghỉ Tết, cửa khẩu Hữu Nghị và Tân Thanh đã thông quan trở lại từ ngày 3/2.

Tính từ 3 - 6/2, tổng lượng xe thông quan qua hai cửa khẩu này là 313. Trong khi đó, lượng xe hàng lên cửa khẩu tăng cao, nên đến sáng 7/2 số lượng xe mắc kẹt tăng lên 1.221.

Hà Nội mở lại rạp chiếu phim từ 10/2

Rạp chiếu phim, các cơ sở, địa điểm biểu diễn văn hoá nghệ thuật ở Hà Nội được mở cửa đón khách trở lại từ ngày 10/2.

Sau 9 tháng đóng cửa, các rạp chiếu phim của Hà Nội sẽ được mở cửa trở lại.

Sau 9 tháng đóng cửa, các rạp chiếu phim của Hà Nội sẽ được mở cửa trở lại.

Trong văn bản hỏa tốc của UBND Hà Nội ban hành cùng ngày, Thành phố thống nhất với đề xuất của Sở Văn hóa và Thể thao, về việc cho phép rạp chiếu phim, các cơ sở, địa điểm biểu diễn văn hóa nghệ thuật mở cửa đón khách trở lại từ ngày 10/2.

UBND Hà Nội giao Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, UBND các quận, huyện, thị xã cùng các đơn vị liên quan căn cứ hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, để hướng dẫn các rạp chiếu phim, cơ sở, địa điểm biểu diễn văn hóa nghệ thuật trên địa bàn triển khai theo đúng quy định, đảm bảo an toàn, hiệu quả, tuân thủ nghiêm công tác phòng chống dịch Covid-19.

Trước đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có văn bản gửi UBND Hà Nội, ủng hộ việc mở cửa trở lại các rạp chiếu phim ở Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước. Thời gian đề xuất mở cửa trở lại từ ngày 31/1 (tức ngày 29 tháng Chạp).

Hiện Hà Nội đã mở lại hầu hết hoạt động kinh doanh, dịch vụ, chỉ còn vũ trường, karaoke, massage, quán bar... chưa được hoạt động.

Đề xuất chỉ định thầu 12 dự án cao tốc Bắc Nam

Để sớm hoàn thành 12 dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Giao thông vận tải đề xuất Chính phủ thực hiện chỉ định thầu các gói thầu tư vấn, xây lắp.

Công trường dự án cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn

Công trường dự án cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn

Đại diện Bộ Giao thông vận tải cho biết, Bộ vừa trình Chính phủ dự thảo nghị quyết triển khai chủ trương đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đó, Bộ trưởng Giao thông vận tải có thẩm quyền áp dụng chỉ định thầu trong 2 năm 2022 và 2023 đối với tất cả các gói thầu tư vấn liên quan đến Dự án; gói thầu di dời hạ tầng kỹ thuật; gói thầu đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư.

Đối với các gói thầu xây lắp, Thủ tướng quyết định chỉ định thầu trong 2 năm 2022 và 2023, kèm theo yêu cầu tiết kiệm tối thiểu 5% giá trị dự toán gói thầu trên cơ sở đề xuất của các bộ liên quan. Bộ Giao thông vận tải sẽ báo cáo Thủ tướng chấp thuận danh sách dự kiến nhà thầu trước khi thực hiện chỉ định thầu.

Dự thảo nghị quyết giao Bộ Giao thông vận tải bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng cho các địa phương; cơ bản hoàn thành trước ngày 30/6.

Bộ Giao thông vận tải cũng đề xuất rút ngắn các thủ tục như: Thẩm định, đánh giá tác động môi trường; thẩm tra, quyết định khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; khảo sát, phê duyệt dự án đầu tư; khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán và lựa chọn nhà thầu...

Đề xuất lập hai tầng điều trị trẻ mắc Covid-19

Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương Trần Minh Điển đề xuất Bộ Y tế ban hành hướng dẫn điều trị riêng cho trẻ mắc Covid-19 theo hai tầng.

Học sinh Hà Nội trở lại trường, ngày 8/2

Học sinh Hà Nội trở lại trường, ngày 8/2

Theo đó, trẻ mắc Covid-19 sẽ được tự theo dõi, chăm sóc sức khỏe tại nhà (tầng 1); nhập viện điều trị (tầng 2).

Đồng tình đề xuất trên, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương Nguyễn Trung Cấp cho rằng, Bộ Y tế cần tập huấn phác đồ điều trị này cho các y, bác sĩ trong bệnh viện nhi, khoa nhi cũng như cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương sẽ cử bác sĩ giỏi, nhiều kinh nghiệm tham gia những lớp tập huấn đầu tiên.

Bộ Y tế đang cập nhật phác đồ điều trị cho học sinh mắc Covid-19 cho cơ sở y tế các tuyến từ Trung ương đến địa phương, tinh thần là không để xảy ra tình huống có quá nhiều em nhiễm bệnh, gây quá tải. Bộ Y tế cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo đang hướng dẫn đảm bảo an toàn cho học sinh đến trường; xây dựng cơ chế phản ứng khi có ca nhiễm trong trường học.