Bản tin thời sự sáng 9/4

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Việt Nam theo dõi sát tình hình đá Ba Đầu; kết thúc thử nghiệm vaccine phòng Covid-19 Nano Covax giai đoạn 2; đề xuất mua lại 8 trạm BOT không hợp lý; Việt Nam tiếp tục tiêm vaccine Covid-19 AstraZeneca; xe buýt điện đầu tiên của Việt Nam chính thức vận hành…

Việt Nam theo dõi sát tình hình đá Ba Đầu

Việt Nam đang theo dõi sát tình hình trên Biển Đông, trong bối cảnh hơn 200 tàu Trung Quốc neo đậu trái phép tại đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa.

Tàu Trung Quốc kết thành hàng dài tại đá Ba Đầu gần đảo Sinh Tồn Đông thuộc chủ quyền Việt Nam. Ảnh: Maxar

Tàu Trung Quốc kết thành hàng dài tại đá Ba Đầu gần đảo Sinh Tồn Đông thuộc chủ quyền Việt Nam. Ảnh: Maxar

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, các cơ quan chức năng Việt Nam luôn theo dõi sát diễn biến trên Biển Đông, bảo vệ và thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền trên các vùng biển, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS).

Philippines và nhiều nước khác gần đây liên tục lên tiếng phản đối việc hơn 200 tàu vỏ sắt Trung Quốc neo đậu trái phép tại bãi đá ngầm này mà không đánh bắt dù trời trong xanh và thời tiết thuận lợi.

Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định hoạt động của các tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải của Sinh Tồn Đông đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt vi phạm, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam.

Lực lượng chấp pháp trên biển của Việt Nam đang thực hiện nghĩa vụ được quy định trong các luật của Việt Nam và luật pháp quốc tế.

Kết thúc thử nghiệm vaccine phòng Covid-19 Nano Covax giai đoạn 2

Ngày 8/4, 3 tình nguyện viên cuối cùng được tiêm thử nghiệm, kết thúc chương trình tiêm thử nghiệm giai đoạn 2 vaccine Nano Covax trên người tại Học viện Quân y.

Tiêm thử nghiệm vaccine Nano Covax tại Học viện Quân y

Tiêm thử nghiệm vaccine Nano Covax tại Học viện Quân y

Trong giai đoạn 2, Học viện Quân y có 280 người đủ điều kiện tiêm thử nghiệm mũi 1. Tuy nhiên, do có việc đột xuất nên tới mũi 2, đã có 2 tình nguyện viên xin rút (không tham gia tiêm mũi 2).

Hiện, tất cả trường hợp được tiêm thử nghiệm vaccine Nano Covax đều không có phản ứng nặng, chỉ có một số biểu hiện thông thường sau khi tiêm như sốt nhẹ, đau tại chỗ tiêm hay mệt mỏi.

Sau khi hoàn thành tiêm giai đoạn 2 vaccine Nano Covax, nhóm nghiên cứu tại Học viện Quân y sẽ đánh giá tính sinh miễn dịch, hiệu quả của vaccine Covid-19 trên các tình nguyện viên.

Dự kiến, giai đoạn 2 sẽ được báo cáo sơ bộ kết quả thử nghiệm vào tháng 5/2021. Sau đó, nhóm nghiên cứu sẽ trình Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia để xem xét, đánh giá các cơ sở khoa học của giai đoạn 2, đồng thời xây dựng, lựa chọn mức liều tiêm hiệu quả nhất để tiếp tục thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.

Nano Covax là vaccine phòng Covid-19 đầu tiên của Việt Nam được đưa vào tiêm thử nghiệm lâm sàng trên người, do Công ty CP Công nghệ Nanogen nghiên cứu, phát triển.

Cho đến nay, vaccine Nano Covax của Công ty Nanogen đã hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 - 2; vaccine Covivac của IVAC đã được Bộ Y tế phê duyệt đề cương nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1- 2 và đã bắt đầu triển khai vào ngày 15/3.

Đề xuất mua lại 8 trạm BOT không hợp lý

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá đề xuất dùng ngân sách mua lại 8 trạm BOT của Bộ Giao thông vận tải không hợp lý, thiếu minh bạch và có thể dẫn đến khiếu kiện.

Trạm BOT quốc lộ 3 Thái Nguyên chưa được thu phí sau nhiều năm do người dân địa phương phản đối

Trạm BOT quốc lộ 3 Thái Nguyên chưa được thu phí sau nhiều năm do người dân địa phương phản đối

Hiện còn 8 trạm thu phí BOT gặp vướng mắc do bất cập về vị trí đặt trạm, không được sự đồng thuận của người dân địa phương.

Đó là các trạm: Bỉm Sơn thuộc Dự án Quốc lộ 1A đoạn tránh phía tây TP. Thanh Hóa; Km77+922 Quốc lộ 3 thuộc Dự án Thái Nguyên - Chợ mới và nâng cấp mở rộng Quốc lộ 3; Km1747 đường Hồ Chí Minh qua Đăk Lăk; La Sơn - Túy Loan; T2 thuộc Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 91 (Cần Thơ); Ninh Xuân thuộc Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 26; Cai Lậy thuộc Dự án xây dựng tuyến tránh thị xã Cai Lậy; trạm thu phí Quốc lộ 10 đoạn từ cầu La Uyên đến cầu Tân Đệ (Thái Bình).

Phần lớn trạm thu phí đặt trên quốc lộ được nhà đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây đường mới. Người dân không đồng thuận khi nhà đầu tư thu phí cả hai tuyến đường.

Đánh giá 8 dự án không được thu phí trong thời gian dài gây khó khăn cho doanh nghiệp đầu tư, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị cấp có thẩm quyền bố trí nguồn vốn ngân sách Nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để thanh toán, sau đó sẽ xóa bỏ các trạm này.

Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, việc đề nghị dùng ngân sách Nhà nước để hỗ trợ hoặc mua lại dự án BOT là không hợp lý bởi chưa đủ cơ sở pháp lý và thực tiễn cho việc xem xét, quyết định mua lại.

Việt Nam tiếp tục tiêm vaccine Covid-19 AstraZeneca

Việt Nam vẫn tiêm vaccine Covid-19 theo kế hoạch, chưa ghi nhận hiện tượng đông máu sau tiêm.

Việt Nam vẫn tiếp tục triển khai têm vaccine Covid-19 theo kế hoạch

Việt Nam vẫn tiếp tục triển khai têm vaccine Covid-19 theo kế hoạch

Theo ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, Việt Nam tiếp tục triển khai tiêm như kế hoạch, theo dõi các phản ứng sau tiêm.

Việt Nam đã triển khai tiêm phòng Covid-19 hơn một tháng nay với vaccine AstraZeneca. Đến nay, khoảng 55.000 người, là nhân viên y tế, truy vết dịch tễ, xét nghiệm, ở 19 tỉnh thành, đã tiêm mũi 1. Hiện chưa ghi nhận trường hợp nào bị đông máu sau tiêm.

Hiện tượng đông máu và giảm tiểu cầu sau tiêm vaccine Covid-19 của AstraZeneca được ghi nhận tại một số quốc gia châu Âu từ giữa tháng 3.

Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) cho rằng cần ghi nhận đông máu là "tác dụng phụ rất hiếm gặp" của vaccine AstraZeneca, nhưng khuyến cáo các nước nên tiếp tục sử dụng.

Ủy ban An toàn vaccine toàn cầu thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng cho rằng trường hợp đông máu sau tiêm vaccine Covid-19 AstraZeneca rất hiếm gặp, kêu gọi các nước tiếp tục tiêm. WHO đánh giá lợi ích của vaccine vẫn lớn hơn rủi ro nó mang lại.

Ngày 7/4, Bộ Y tế đã công bố kế hoạch phân bổ hơn 800.000 liều vaccine Covax tài trợ. Trung tâm kiểm soát bệnh tật của 63 tỉnh thành, công an, quân đội, dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia là các đơn vị được cung cấp vaccine.

Các đơn vị trên được yêu cầu triển khai tiêm chủng ngay khi tiếp nhận, hoàn thành trước ngày 15/5. Người được tiêm chủng thuộc các nhóm ưu tiên đã quy định.

Xe buýt điện đầu tiên của Việt Nam chính thức vận hành

Chiếc xe buýt điện do VinFast lắp ráp bắt đầu chạy thử tại khu đô thị của Vingroup, có khả năng chạy 220 - 260 km mỗi lần sạc.

Xe buýt điện đầu tiên của Việt Nam chính thức vận hành

Xe buýt điện đầu tiên của Việt Nam chính thức vận hành

Sáng 8/4, Công ty VinBus (trực thuộc Vingroup) khai trương tuyến buýt điện đầu tiên, chạy trong khuôn viên của khu đô thị tại Gia Lâm, Hà Nội.

Chiếc VinBus do VinFast sản xuất, có thiết bên ngoài giống xe buýt thông thường, với điểm nhấn là các đường chỉ xanh thể hiện cho động cơ điện chạy từ đầu xe tới thân xe. Pin được đặt sau với dung lượng 281 kWh (281 số điện), giúp xe di chuyển 220 - 260 km cho một lần sạc ở điều kiện lý tưởng.

Không gian bên trong xe có 68 chỗ cả đứng và ngồi, hai bảng điện tử hiển thị thông tin và lộ trình di chuyển. Bố trí bên trong gần giống các xe buýt thông thường nhưng nhiều thiết bị điện tử hơn.

VinBus cho biết, giá vé tương đương xe bus thông thường, thanh toán bằng tiền mặt, qua app hoặc thanh toán điện tử.

Trên xe có 2 camera giám sát được truyền phát về trung tâm điều hành để phát hiện tình huống nguy hiểm trên xe như trộm cắp, hay xô xát. Biển số, bảng cảnh báo được đặt dưới camera và một ô đánh số vị trí ngồi ưu tiên cho người khuyết tật, người già, trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai.

Các tuyến nội khu có lộ trình 7 -15 km với thời gian trung bình khoảng 40 phút. Các tuyến khai thác ngoài có lộ trình và thời gian có thể giống xe buýt thường.

Tại depot, mái che khu vực đỗ xe gắn các tấm pin điện. Lượng điện này được sử dụng để sạc cho xe, nếu không đủ sẽ sử dụng tiếp điện lưới quốc gia. Dự kiến VinBus sẽ cho ra 200-300 đầu xe/năm, trước mắt xe phục vụ 15 tuyến tại ba khu vực Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Phú Quốc.

Dừng đăng kiểm xe ô tô biển ngoại giao chưa sang tên

Chính phủ vừa ban hành quyết định mạnh tay hơn để chấm dứt tình trạng các xe ô tô mang biển "ngoại giao" tại Việt Nam đã quá hạn, nhưng chưa thực hiện các thủ tục chuyển nhượng, tái xuất, tiêu huỷ đúng thời gian, vẫn "lách luật" lưu thông.

Một đám cưới dùng siêu xe Ferrari và siêu sang Maybach mang biển ngoại giao làm đoàn xe rước dâu

Một đám cưới dùng siêu xe Ferrari và siêu sang Maybach mang biển ngoại giao làm đoàn xe rước dâu

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định về việc tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu, tiêu hủy, chuyển nhượng đối với xe ô tô, xe hai bánh gắn máy của đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ tại Việt Nam. Trong đó có nội dung quan trọng có thể chấm dứt tình trạng “lách luật” sử dụng loại xe này với cá nhân không nằm trong diện ưu đãi.

Theo đó, nếu xe thuộc diện ưu đãi trên không còn trong biên chế sử dụng của cơ quan tổ chức ngoại giao nước ngoài thì người đang quản lý, sử dụng xe phải thực hiện thủ tục thu hồi giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe và làm thủ tục chuyển nhượng xe theo quy định.

Quyết định này cũng giao Bộ Công an thực hiện rà soát thông tin người đang đứng tên trên giấy chứng nhận đăng ký xe đối với số xe chưa làm thủ tục chuyển nhượng và chuyển cho Bộ Tài chính. Đồng thời, chỉ đạo cơ quan CSGT qua tuần tra kiểm soát, khi phát hiện xe ô tô chưa làm thủ tục chuyển nhượng thuộc danh sách do Bộ Tài chính thông báo tham gia giao thông thì căn cứ vào quy định của pháp luật thực hiện xử lý vi phạm.

Đặc biệt, Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao chỉ đạo cơ quan đăng kiểm thực hiện dừng đăng kiểm đối với số xe chưa làm thủ tục chuyển nhượng...

Tin cùng chuyên mục