Bản tin thời sự sáng 9/6

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là Việt Nam được bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc; TP.HCM nghiên cứu phương án sử dụng xe buýt điện cho Dự án BRT số 1; cao tốc Bắc - Nam vẫn thiếu hơn 3 triệu m3 đất đắp; đường dẫn lên Vành đai 3 tại Hà Nội bị đổ bùn đất…

Việt Nam được bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc

Đại hội đồng Liên hợp quốc bầu Việt Nam làm Phó Chủ tịch khóa 77, đại diện khu vực châu Á - Thái Bình Dương với nhiệm kỳ một năm.

Đại hội đồng LHQ họp tại trụ sở ở New York, Mỹ.

Đại hội đồng LHQ họp tại trụ sở ở New York, Mỹ.

Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao, Đại hội đồng Liên hợp quốc vừa tổ chức cuộc họp bầu các chức danh Chủ tịch và Phó Chủ tịch khóa 77.

Đại hội đồng đã bầu Đại sứ Hungary Csaba Korosi làm tân Chủ tịch, cũng như đồng thuận bầu Việt Nam trở thành một trong những Phó Chủ tịch đại hội đồng, đại diện cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam sẽ đảm nhiệm vị trí này trong vòng một năm, kể từ ngày 13/9.

Đại hội đồng là một trong 6 cơ quan chính của Liên hợp quốc và là cơ quan duy nhất có đại diện của tất cả thành viên. Đại hội đồng có thẩm quyền rộng trong các lĩnh vực hợp tác chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, có quyền thảo luận và đưa ra kiến nghị về các vấn đề thuộc phạm vi Hiến chương hoặc bất kỳ vấn đề nào thuộc thẩm quyền của các cơ quan của Liên hợp quốc, nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế trên phạm vi toàn cầu.

Ngoài Việt Nam, 16 nước khác đảm nhiệm vai trò Phó Chủ tịch là Benin, Burundi, Kenya, Mauritania, Niger, Zimbabwe (khu vực châu Phi), Malaysia, Nepal, Tajikistan, Turkmenistan (khu vực châu Á - Thái Bình Dương), Chile, El Salvador, Jamaica (Mỹ Latinh), Estonia (Đông Âu), Israel, Australia (Tây Âu và các nước khác).

Việt Nam trước đó cũng đã đảm nhiệm nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc năm 2020 - 2021.

TP.HCM nghiên cứu phương án sử dụng xe buýt điện cho Dự án BRT số 1

Trong bối cảnh thực hiện giảm lượng phát thải khí carbon và xe buýt điện đã được triển khai thí điểm tại một số địa phương, xe buýt điện đang nổi lên là một phương án thay thế tiềm năng cho tuyến BRT số 1 tại TP.HCM.

Phối cảnh mô hình tuyến xe buýt BRT số 1.

Phối cảnh mô hình tuyến xe buýt BRT số 1.

Sáng 8/6, Sở Giao thông vận tải TP.HCM tổ chức hội thảo chuyên sâu về phương án xe buýt điện cho tuyến BRT số 1, Dự án phát triển giao thông xanh Thành phố.

Dự án giao thông xanh TP.HCM do Ngân hàng Thế giới tài trợ, xây dựng hành lang tuyến xe buýt nhanh (BRT) số 1 dài 23 km. Hành lang kéo dài từ An Lạc (quận Bình Tân) đến Rạch Chiếc (TP. Thủ Đức) là một phần trong quy hoạch tổng thể phát triển giao thông công cộng của Thành phố đến năm 2025.

Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM thực hiện.

Theo thiết kế ban đầu được phê duyệt năm 2015, khí nén thiên nhiên (CNG) dự kiến sẽ được sử dụng cho đoàn phương tiện tuyến BRT số 1. Trong bối cảnh thực hiện giảm lượng phát thải khí carbon và xe buýt điện đã được triển khai thí điểm tại một số địa phương, xe buýt điện đang nổi lên là một phương án thay thế tiềm năng cho Dự án.

Theo ông Shige Sakaki, chuyên gia điều phối chương trình giao thông tại Việt Nam (Ngân hàng Thế giới), Dự án BRT số 1 lúc đầu dự kiến sử dụng xe buýt CNG để hoạt động trên tuyến nhưng hiện tại, xe buýt điện đang là phương án rất khả thi.

Theo quy hoạch, TP.HCM sẽ có 6 tuyến BRT với tổng chiều dài khoảng 100 km, trong đó tuyến BRT số 1 là tuyến đầu tiên được triển khai. Thành phố hiện có 126 tuyến xe buýt với khoảng 2.100 phương tiện các loại.

Theo quy hoạch đến 2025, Thành phố sẽ phát triển 260 tuyến với khoảng 3.000 phương tiện; đến 2030 tăng lên 350 tuyến với quy mô 4.000 - 4.200 phương tiện.

Cao tốc Bắc - Nam vẫn thiếu hơn 3 triệu m3 đất đắp

3/10 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 đang triển khai vẫn thiếu hơn 3 triệu m3 đất đắp do chưa hoàn thành hồ sơ cấp phép khai thác.

Cam Lâm - Vĩnh Hảo là dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam thiếu nhiều đất đắp nhất trong các dự án đang triển khai. Ảnh minh họa

Cam Lâm - Vĩnh Hảo là dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam thiếu nhiều đất đắp nhất trong các dự án đang triển khai. Ảnh minh họa

Thông tin về tình hình triển khai Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Cục QLXD&CLCTGT, Bộ GTVT) cho biết, tính đến hết tháng 5/2022, tổng khối lượng xây lắp hoàn thành Dự án đạt gần 22.700 tỷ đồng, tương đương 40% giá trị hợp đồng.

Trong đó, 4 dự án kế hoạch hoàn thành năm 2022 (Mai Sơn - Quốc lộ 45; Cam Lộ - La Sơn; Vĩnh Hảo - Phan Thiết; Phan Thiết - Dầu Giây) sản lượng trung bình đạt 58,3% giá trị hợp đồng.

4 dự án kế hoạch hoàn thành năm 2023 (Quốc lộ 45 - Nghi Sơn; Nghi Sơn - Diễn Châu; Nha Trang - Cam Lâm; cầu Mỹ Thuận 2) sản lượng trung bình đạt 37,6% giá trị hợp đồng.

2 dự án kế hoạch năm 2024 (Diễn Châu - Bãi Vọt; Cam Lâm - Vĩnh Hảo) sản lượng trung bình đạt 9,2% giá trị hợp đồng.

Tuy nhiên, đại diện Cục QLXD&CLCTGT cho biết, thời điểm hiện tại, việc thi công một số dự án thành phần vẫn thiếu khoảng 3,2 triệu m3 chưa hoàn thành hồ sơ cấp giấy phép khai thác.

Cụ thể, đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 (địa bàn tỉnh Ninh Bình) chưa cấp phép khai thác khoảng 0,4 triệu m3. Đoạn Nha Trang - Cam Lâm (địa bàn tỉnh Khánh Hòa) chưa cấp phép khai thác khoảng 0,8 triệu m3. Đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo (địa bàn tỉnh Ninh Thuận) chưa cấp phép khai thác khoảng 2 triệu m3.

Đường dẫn lên Vành đai 3 tại Hà Nội bị đổ bùn đất

Hơn 200 m đường dẫn lên Vành đai 3 trên cao bị đổ bùn đất, buộc cảnh sát giao thông phải cấm đường để dọn dẹp.

Lực lượng chức năng dọn dẹp bùn đất rơi vãi

Lực lượng chức năng dọn dẹp bùn đất rơi vãi

Sáng 8/6, nhánh dẫn lên đường Vành đai 3 trên cao, đoạn qua phường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội), bị phủ kín bởi đất đá, có đoạn cao gần 50 cm. Nhiều ôtô không thể di chuyển, phải đi làn phía dưới.

Một số đoạn đường từ Cầu Diễn tới Hồ Tùng Mậu, Vành đai 3 cũng xuất hiện bùn đất khiến việc di chuyển của người dân từ phía Tây, phía Bắc vào trung tâm thủ đô, hoặc từ phía Bắc sang Nam gặp khó khăn.

Thiếu tá Phạm Văn Chiến, Đội trưởng Cảnh sát giao thông số 6 cho biết, khi nhận được phản ánh của người dân, đội đã cử người phối hợp cùng Thanh tra giao thông phân luồng để dọn dẹp. Tới trưa cùng ngày, lượng bùn đất lớn được cho lên xe tải chuyển đi.

Nhận định ban đầu, bùn đất do một số xe chở đất đá chạy vào ban đêm đổ xuống. Đây là lần đầu tiên đường dẫn lên Vành đai 3 - tuyến đường huyết mạch của Thành phố, bị đổ bùn đất.

Đội Cảnh sát giao thông số 6 đang trích xuất camera truy tìm người đổ thải. Tuy nhiên, khu vực này chưa có điện nên chưa được lắp camera an ninh, hiện phải liên hệ camera của nhà dân bên đường.

Tuyến Vành đai 3 trên cao, đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long hiện có 6 nhánh lên xuống tại Hoàng Quốc Việt (dài 247 m); Cổ Nhuế (dài 330 m) và Nam Thăng Long (dài 222 m). Mỗi nhánh lên xuống gồm một làn ô tô và một làn khẩn cấp. Hàng ngày, cả chục nghìn ô tô di chuyển vào các nhánh để lên Vành đai 3.

Hoàn thành việc chi tiền hỗ trợ thuê nhà trong tháng 8

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) có văn bản đốc thúc các địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, đảm bảo hoàn thành trong tháng 8/2022.

Người lao động mong sớm nhận được tiền hỗ trợ nhằm ổn định cuộc sống.

Người lao động mong sớm nhận được tiền hỗ trợ nhằm ổn định cuộc sống.

Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị UBND các tỉnh, thành trực thuộc trung ương, tập trung chỉ đạo thực hiện Quyết định 08/2022 của Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm hoàn thành hỗ trợ người lao động trong tháng 8/2022.

Các địa phương chỉ đạo các cấp, các ngành, ban quản lý các khu công nghiệp - khu chế xuất, khu kinh tế thường xuyên phổ biến, theo dõi, đôn đốc các doanh nghiệp sớm triển khai thực hiện các thủ tục để kịp thời hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. UBND quận, huyện chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị để sớm xem xét, thẩm định phê duyệt danh sách hỗ trợ tiền thuê nhà.

Vừa qua, các địa phương đã tích cực triển khai nhưng vẫn còn một số bất cập. Nhiều đề xuất, kiến nghị gỡ khó khi triển khai của các địa phương cũng đã được Bộ LĐ-TB&XH giải đáp nhằm đẩy nhanh việc hỗ trợ đến người lao động kịp thời, nhanh chóng.

Tại TP.HCM, sau hơn 1 tháng triển khai, ngày 7/6, tổng số đơn vị nộp hồ sơ hợp lệ và được cơ quan BHXH xác nhận là 5.324 đơn vị với hơn 85.000 lao động. Trong đó, lao động đang làm việc được xác nhận là 4.773 đơn vị với hơn 83.000 lao động, lao động quay trở lại thị trường lao động được xác nhận tại 551 đơn vị với 2.169 người.

Tin cùng chuyên mục