Bản tin thời sự sáng 9/7

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là khởi tố vụ án 'trúng thầu hàng nghìn tỷ đồng' tại Công ty Cây xanh Công Minh; kiến nghị bổ sung 3.300 tỷ đồng xây cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc - Liên Khương; Bộ Công an thu hồi 500 lượng vàng cùng 1.000 sổ đỏ trong vụ Phúc Sơn; gần 500 tài xế bị tước bằng lái xe qua VNeID trong 1 tuần…

Khởi tố vụ án 'trúng thầu hàng nghìn tỷ đồng' tại Công ty Cây xanh Công Minh

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đang điều tra quá trình triển khai hơn 600 gói thầu trồng, chăm sóc cây tại Công ty TNHH Cây xanh Công Minh, ở nhiều địa phương.

Nhân viên Công ty Công Minh đang chăm sóc cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh Bình Phước

Nhân viên Công ty Công Minh đang chăm sóc cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh Bình Phước

Chiều 8/7, tại cuộc họp báo của Bộ Công an, cơ quan chức năng cho biết, ngày 8/5 vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, Đưa hối lộ và Nhận hối lộ xảy ra tại Công ty Cây xanh Công Minh và các tỉnh, thành phố đã được khởi tố. Hiện, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an chưa khởi tố bị can.

Công ty TNHH Cây xanh Công Minh bị cáo buộc thông đồng với các chủ đầu tư để được tham gia vào xây dựng giá gói thầu từ giai đoạn lập dự án, xác định tổng mức đầu tư. Sau khi giá gói thầu được phê duyệt, Công ty sẽ được chỉ định trúng thầu hoặc sử dụng các pháp nhân khác trong hệ thống để tham gia đấu thầu và trúng thầu.

Bộ Công an xác định, có hơn 50 công ty thuộc hệ sinh thái của Công Minh đã trúng hơn 600 gói thầu tại nhiều địa phương, số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Thời gian qua, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã yêu cầu nhiều địa phương như Quảng Ngãi, Lâm Đồng, Phú Yên, Thừa Thiên Huế... cung cấp hồ sơ các dự án trồng cây đô thị liên quan Công Minh để xác minh dấu hiệu tội phạm.

Nhà chức trách đề nghị, tổ chức, cá nhân có liên quan chủ động trình báo, cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến Công ty TNHH Cây xanh Công Minh để hưởng khoan hồng.

Kiến nghị bổ sung 3.300 tỷ đồng xây cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc - Liên Khương

Tỉnh Lâm Đồng kiến nghị Chính phủ bổ sung 3.330 tỷ đồng ngân sách để bảo đảm phương án tài chính cho dự án Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương.

Tỉnh Lâm Đồng kiến nghị Chính phủ bổ sung 3.330 tỷ đồng ngân sách. Ảnh minh họa

Tỉnh Lâm Đồng kiến nghị Chính phủ bổ sung 3.330 tỷ đồng ngân sách. Ảnh minh họa

Hai dự án đang trong quá trình nghiên cứu khả thi, do UBND tỉnh Lâm Đồng triển khai theo phương thức đối tác công tư (PPP). Tỉnh kiến nghị bổ sung khoảng 2.410 tỷ đồng cho Dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, nâng phần vốn ngân sách tham gia lên 8.910 tỷ đồng, chiếm 49% tổng vốn đầu tư.

Với Dự án cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương, tỉnh Lâm Đồng đề nghị bổ sung hơn 920 tỷ đồng, nâng tổng tiền ngân sách nhà nước tham gia Dự án hơn 8.680 tỷ đồng, chiếm 49%.

Dự án PPP cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc được Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư vào năm 2022. Tuyến đường dài 66 km, bề rộng nền đường 17 m với 4 làn xe, tổng mức đầu tư 17.200 tỷ đồng, trong đó phần vốn nhà nước 6.500 tỷ đồng, chiếm 37% tổng mức đầu tư; phần vốn của nhà đầu tư 10.700 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Dự án không được áp dụng cơ chế chia sẻ phần doanh thu giảm giữa Nhà nước và nhà đầu tư theo Luật PPP mà chỉ chia sẻ phần doanh thu tăng nên không hấp dẫn nhà đầu tư và ngân hàng thương mại cho vay vốn. Ngoài ra, do chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng của Dự án tăng gần 1.700 tỷ đồng nên tổng mức đầu tư ở bước nghiên cứu khả thi tăng lên 18.120 tỷ đồng.

Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, việc tăng tổng mức đầu tư của Dự án làm tăng thời gian hoàn vốn lên 28 năm 7 tháng, khá dài so với các dự án cao tốc khác và sẽ gặp khó khăn khi vay vốn tín dụng. Do đó, để đảm bảo tính khả thi của Dự án cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng đề xuất phương án tăng thêm phần vốn Nhà nước lên chiếm 49% tổng mức đầu tư.

Cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương dài 73 km, nền đường 17 m với 4 làn xe, tổng mức đầu tư hơn 19.520 tỷ đồng. Chi phí giải phóng mặt bằng cho dự án cao tốc dự kiến cần bổ sung là 3.760 tỷ đồng, vốn ngân sách cần thêm 920 tỷ đồng.

Bộ Công an thu hồi 500 lượng vàng cùng 1.000 sổ đỏ trong vụ Phúc Sơn

Liên quan vụ Phúc Sơn, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thu hồi khoảng 300 tỷ đồng, 2 triệu USD, 500 lượng vàng cùng 1.000 sổ đỏ, theo Đại tá Nguyễn Quang Phương.

Nguyễn Văn Hậu, tức Hậu "Pháo", Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn

Nguyễn Văn Hậu, tức Hậu "Pháo", Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn

Thông tin này được Đại tá Nguyễn Quang Phương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) cho biết chiều 8/7, tại cuộc họp báo của Bộ Công an.

Trong quá trình điều tra vụ án xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn, Đại tá Nguyễn Quang Phương cho biết đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố 23 bị can về 5 tội danh, trong đó có Nhận hối lộ và Lợi dụng ảnh hưởng với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi.

Bên cạnh đó, cơ quan điều tra đang tiến hành các biện pháp để thu hồi triệt để tài sản để khắc phục hậu quả vụ án. Trong vụ án này, Bộ Công an đã thu hồi khoảng 300 tỷ đồng, 2 triệu USD, 500 lượng vàng và 1.000 sổ đỏ, theo Đại tá Phương.

Liên quan vụ án xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn, Bộ Công an đã khởi tố Nguyễn Văn Hậu (tức Hậu "Pháo", Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn) về tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.

Cùng bị khởi tố về tội danh trên còn có Nguyễn Thị Hằng (Phó Tổng giám đốc), Đỗ Thị Mai (Kế toán trưởng), Hoàng Thị Tuyết Hạnh (kế toán viên), Trần Hữu Định (Giám đốc Công ty CP Đầu tư Nam Á Group) và Nguyễn Hồng Sơn.

Trước đó vào tháng 3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố bị can, bắt tạm giam nhiều lãnh đạo, cựu lãnh đạo một số địa phương liên quan sai phạm trong vụ Phúc Sơn.

Trong số những người bị khởi tố có bà Hoàng Thị Thúy Lan (Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc), ông Lê Duy Thành (Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc), ông Đặng Văn Minh (Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, nguyên Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Ngãi), ông Cao Khoa (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi), ông Lê Viết Chữ (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi).

Gần 500 tài xế bị tước bằng lái xe qua VNeID trong 1 tuần

Sau 1 tuần thực hiện Thông tư 28/2024, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) toàn quốc đã kiểm soát 26.961 trường hợp trên ứng dụng định danh quốc gia VneID, tước 499 giấy phép lái xe trên môi trường điện tử.

Tài xế xuất trình giấy phép lái xe trên VNeID

Tài xế xuất trình giấy phép lái xe trên VNeID

Tối 8/7, Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, sau 1 tuần (1 - 7/7) thực hiện Thông tư 28/2024 liên quan quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông, lực lượng CSGT toàn quốc đã kiểm soát 26.961 trường hợp trên ứng dụng định danh quốc gia VneID,.

Cơ quan chức năng, theo thống kê, đã lập biên bản 6.892 trường hợp, tạm giữ 2.000 giấy phép lái xe, đăng ký xe; tước 499 giấy phép lái xe trên môi trường điện tử.

Đại diện Cục CSGT cho biết, quy định cho phép kiểm tra, tước giấy tờ tài xế vi phạm thông qua môi trường điện tử giúp hạn chế tình trạng sử dụng bằng lái xe, giấy đăng ký xe giả khi xuất trình.

Đồng thời, điều này còn giúp người dân thuận tiện hơn khi tham gia giao thông, tránh phải mang theo quá nhiều bản cứng của giấy tờ.

Cũng theo Cục CSGT, 6 tháng đầu năm nay, lực lượng CSGT đã kiểm tra, xử lý hơn 2,1 triệu trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông trên đường bộ, đường sắt và đường thủy.

Lực lượng chức năng cũng phạt tiền hơn 4.000 tỷ đồng, tước hơn 407.000 giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn, tạm giữ hơn 715.000 phương tiện các loại.

Trong đó, theo thống kê, có hơn 501.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn; 2.901 trường hợp lái xe dương tính với chất ma túy; hơn 501.000 trường hợp chạy quá tốc độ cho phép.

TP.HCM kiến nghị 2 bộ, ngành gỡ vướng về khai thác bãi giữ xe trong công viên

Khai thác bãi giữ xe và các dịch vụ thiết yếu (căng tin, máy bán nước tự động) trong công viên gặp khó, UBND TP.HCM kiến nghị 2 bộ, ngành gỡ vướng.

Công viên Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình) không có bãi giữ xe, người dân phải để xe ngoài đường

Công viên Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình) không có bãi giữ xe, người dân phải để xe ngoài đường

Ngày 8/7, UBND TP.HCM có văn bản gửi Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính đề nghị hướng dẫn về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng lĩnh vực thoát nước, xử lý nước thải, công viên cây xanh và chiếu sáng đô thị.

Theo UBND TP.HCM, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 đã quy định về các loại tài sản kết cấu hạ tầng, nhưng đến nay, vẫn chưa có nghị định quy định cụ thể việc quản lý, sử dụng và khai thác đối với tài sản thuộc lĩnh vực thoát nước, xử lý nước thải, công viên cây xanh và chiếu sáng đô thị.

Hiện tại, việc quản lý các lĩnh vực này chủ yếu dựa trên các quy định chuyên ngành do bộ, ngành và UBND TP.HCM ban hành. Tuy nhiên, việc này đã dẫn đến nhiều khó khăn và vướng mắc trong thực tiễn triển khai.

UBND TP.HCM cho biết, đa số các công viên công cộng trên địa bàn hiện có bố trí bãi xe và các dịch vụ thiết yếu như căng tin, máy bán nước tự động để phục vụ nhu cầu gửi xe của người dân khi vào công viên nghỉ ngơi, học tập và rèn luyện thể dục thể thao.

Tuy nhiên, do thiếu hướng dẫn cụ thể về việc sử dụng tài sản công tại các công viên, các đơn vị quản lý gặp nhiều khó khăn trong việc xác định phương thức khai thác và tổ chức các dịch vụ này.

Bên cạnh đó, một vấn đề khác cũng được nêu ra là việc xử lý vật tư thu hồi từ các công trình xây dựng và cải tạo, duy tu sửa chữa các công trình thuộc lĩnh vực thoát nước, xử lý nước thải, công viên cây xanh và chiếu sáng đô thị.

Xử phạt hơn 3.000 trường hợp vi phạm phòng cháy chữa cháy tại Hà Nội

Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP. Hà Nội khẳng định, lực lượng chức năng đã tổ chức kiểm tra tra đối với 36.972/ 36.972 cơ sở nhà trọ trên địa bàn Thành phố, xử phạt 3.134 trường hợp.

Xử phạt hơn 3.000 trường hợp vi phạm phòng cháy chữa cháy tại Hà Nội. Ảnh minh họa

Xử phạt hơn 3.000 trường hợp vi phạm phòng cháy chữa cháy tại Hà Nội. Ảnh minh họa

Tại buổi họp báo do Bộ Công an tổ chức chiều 8/7 về kết quả tình hình công tác công an 6 tháng đầu năm 2024, Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Giám đốc Công an TP. Hà Nội đã thông tin kết quả bước đầu của lực lượng chức năng về rà soát các loại hình nhà ở, cơ sở kinh doanh trên địa bàn TP. Hà Nội, qua đó phát hiện, xử lý nhiều trường hợp vi phạm về phòng cháy, chữa cháy.

"Trước tình hình cháy nổ trên địa bàn thành phố, Công an TP. Hà Nội đã ban hành Công văn số 4363 rà soát nhà ở, các cơ sở kinh doanh trên địa bàn", Trung tướng Nguyễn Hải Trung cho biết.

Qua quá trình rà soát, tính đến ngày 4/7, Công an TP. Hà Nội đã tổ chức kiểm tra tra đối với 36.972/ 36.972 cơ sở nhà trọ trên địa bàn Thành phố; xử phạt 3.134 trường hợp/ 4310 hành vi, phạt tiền hơn 12 tỷ đồng; tạm đình chỉ 672 trường hợp; 75 trường hợp đang bị đình chỉ hoạt động; yêu cầu 16.479 cơ sở dừng hoạt động.

Đối với chung cư mini, đã tổ chức kiểm tra 193 cơ sở trên địa bàn Thành phố; tạm đình chỉ 14 trường hợp, 4 trường hợp đang bị đình chỉ hoạt động, yêu cầu 22 cơ sở dừng hoạt động.

Công an TP. Hà Nội cũng đã kiểm tra đối với 443 cơ sở phòng khám tư nhân trên địa bàn thành phố; xử phạt 34 trường hợp/ 51 hành vi, phạt tiền hơn 203 triệu đồng, tạm đình chỉ 1 trường hợp, 1 trường hợp đang bị đình chỉ hoạt động, yêu cầu 16 cơ sở dừng hoạt động.

TP.HCM sẽ làm thêm tuyến đường 6 làn xe nối khu Nam với Long An

TP.HCM dự kiến chi gần 5.300 tỷ đồng xây tuyến Quốc lộ 50B qua huyện Nhà Bè và Bình Chánh dài 5,8 km, rộng 40 m cho 6 làn xe lưu thông, giúp tăng kết nối với tỉnh Long An, Tiền Giang.

Đường song hành Quốc lộ 50 đang được đầu tư

Đường song hành Quốc lộ 50 đang được đầu tư

Quốc lộ 50B kết nối TP.HCM - Long An - Tiền Giang có tổng vốn đầu tư dự kiến 18.600 tỷ đồng, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2022. Tuyến đường dài 55 km, rộng 78 m, điểm đầu tại đường Phạm Hùng (TP.HCM), điểm cuối tại ngã ba Trung Lương (Tiền Giang). Trong đó, đoạn qua TP.HCM dài 5,8 km, qua Long An hơn 35 km, qua Tiền Giang hơn 14 km.

Theo Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM, trên địa bàn Thành phố, Quốc lộ 50B đi qua huyện Nhà Bè và Bình Chánh, tuy nhiên chưa được thể hiện tại các đồ án quy hoạch phân khu có liên quan.

Hiện Quốc lộ 50B đã được bổ sung vào Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 và quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM, Thành phố sẽ tổ chức lập các quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật (trong đó có quy hoạch chuyên ngành giao thông) làm cơ sở để cập nhật Quốc lộ 50B vào các đồ án quy hoạch phân khu có liên quan trên địa bàn huyện Nhà Bè và Bình Chánh.

Mới đây, Sở GTVT TP.HCM đề xuất UBND TP.HCM ưu tiên triển khai đầu tư dự án Quốc lộ 50B đoạn qua địa bàn Thành phố với chiều dài 5,8 km, rộng 40 m cho 6 làn xe lưu thông.

Dự án có tổng mức đầu tư sơ bộ gần 5.300 tỷ đồng, dự kiến đầu tư theo phương thức PPP, hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Ngân sách TP.HCM dự kiến tham gia khoảng 1.000 tỷ đồng, nhà đầu tư huy động 4.238 tỷ đồng, triển khai giai đoạn 2024 - 2030.

Theo Sở GTVT TP.HCM, Quốc lộ 50B là tuyến giao thông kết nối TP.HCM và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nên có vai trò quan trọng trong việc tăng cường kết nối giao thông liên vùng, giảm tải cho Quốc lộ 50.

Tin cùng chuyên mục