Việt Nam thử nghiệm thuốc mới trị Covid-19 của Pháp
Bộ Y tế ngày 8/9 công bố hợp tác thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 và chuyển giao công nghệ sản xuất kháng thể đa dòng XAV-19 điều trị Covid-19 của Pháp.
Việt Nam thử nghiệm thuốc mới trị Covid-19 của Pháp |
Theo Bộ Y tế cho biết, hỗn dịch truyền XAV-19 là kháng thể đa dòng điều trị bệnh nhân SARS-CoV-2 thể trung bình. Thuốc được Công ty Xenothera (Pháp) phát triển dựa trên công nghệ sản xuất kháng thể bản quyền của hãng, kết hợp giữa lĩnh vực di truyền học và miễn dịch học. Kết quả nghiên cứu lâm sàng giai đoạn 1 và 2 cho thấy, "thuốc đảm bảo tính an toàn, hiệu quả tốt trong việc ngăn bệnh tiến triển xấu hơn, có tác dụng trung hòa virus và giảm viêm".
Đặc tính đa dòng của thuốc XAV-19 được ghi nhận hiệu quả chống lại các biến chủng SARS-CoV-2 đã được phát hiện đến nay. Kháng thể đa dòng này cũng có khả năng tạo miễn dịch tức thời và ngăn chặn virus xâm nhập các tế bào. Bộ Y tế cho rằng đây là khác biệt quan trọng so với các kháng thể đơn dòng đang được sử dụng để điều trị cho các bệnh nhân ở giai đoạn mới nhiễm.
XAV-19 đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 tại Pháp và một số quốc gia châu Âu (Hy Lạp, Bulgaria, Romania, Tây Ban Nha...). Cuối tháng 5, Xenothera được Bộ Y tế và Đoàn kết Pháp đặt trước 30.000 liều XAV-19, dự kiến cung cấp cho bệnh nhân tại Pháp sau khi được phê duyệt khẩn cấp.
Bà Odile Duvaux, Chủ tịch Xenothera, cho biết hãng sẵn sàng hợp tác thử nghiệm giai đoạn 3 tại Việt Nam, chuyển giao công nghệ sản xuất. Còn Thứ trưởng Trần Văn Thuấn khẳng định Việt Nam, sẵn sàng hợp tác thử nghiệm và tiếp nhận chuyển giao công nghệ với "mong muốn sớm bổ sung nguồn thuốc điều trị cho bệnh nhân Covid-19 trong nước nếu thử nghiệm cho kết quả khả quan".
TP.HCM cho phép quán ăn bán mang đi được hoạt động 6h - 18h hàng ngày
Chính quyền TP.HCM cho loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống được hoạt động 6h - 18h hàng ngày theo hình thức bán mang đi sau 2 tháng tạm dừng.
TP.HCM cho phép quán ăn bán mang đi được hoạt động 6-18h hàng ngày |
UBND TP.HCM Lê Hòa Bình đề cập đến nội dung trên trong văn bản khẩn về tăng cường các biện pháp kiểm soát giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trên địa bàn.
Trước đó, từ 9/7 - sau thời gian cấm quán ăn phục vụ khách tại chỗ, để tiếp tục siết chặt giãn cách theo Chỉ thị 16, chính quyền TP.HCM yêu cầu các cửa hàng bán đồ ăn dừng bán mang đi. Bởi nếu tiếp tục các shipper xếp hàng đợi trong không gian hẹp, khó đảm bảo giãn cách, nguy cơ lây nhiễm cao.
Cùng với dịch vụ ăn uống, Thành phố cũng cho cơ sở cung ứng dịch vụ bưu chính, viễn thông, thiết bị tin học văn phòng, dụng cụ học tập (có giấy phép đăng ký hộ kinh doanh) hoạt động 6h - 18h hàng ngày.
Các cơ sở kinh doanh hoạt động theo phương thức "3 tại chỗ" chỉ kinh doanh thông qua đặt hàng trực tuyến; phía giao hàng là các đơn vị cung ứng dịch vụ giao nhận có ứng dụng công nghệ (shipper), đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch.
Các cơ sở nêu trên phải đăng ký kinh doanh với quận, huyện để được cấp giấy đi đường theo công văn của UBND TP.HCM. Điều kiện kèm theo là người lao động đã tiêm ngừa ít nhất 1 mũi vaccine phòng, chống Covid-19 và xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, hai ngày một lần.
Thành phố cũng cho phép hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm, shipper hoạt động trong phạm vi một quận, huyện; cơ sở sản xuất, kinh doanh dược liệu, thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư y tế hoạt động 6h - 21h để đảm bảo phục vụ nhu cầu hàng hóa, nhu yếu phẩm, thuốc chữa bệnh.
Bộ Y tế cho phép tiêm trộn vaccine Moderna và Pfizer
Tối 8/9, Bộ Y tế cho phép người tiêm mũi một bằng vaccine Moderna có thể tiêm mũi hai bằng vaccine Pfizer và ngược lại, trong trường hợp thiếu nguồn cung.
Bộ Y tế cho phép tiêm trộn vaccine Moderna và Pfizer |
Kết luận được Bộ Y tế công bố sau khi Hội đồng tư vấn chuyên môn về sử dụng vaccine họp ngày 8/9. Theo đó, trong trường hợp bất khả kháng khi nguồn cung vaccine Covid-19 mũi một đã tiêm không đủ để tiêm mũi hai, thì có thể sử dụng vaccine khác để tiêm mũi hai như sau: Nếu tiêm mũi một là vaccine AstraZeneca thì có thể tiêm mũi hai bằng vaccine Pfizer hoặc vaccine Moderna; nếu tiêm mũi một bằng vaccine Moderna thì có thể tiêm mũi hai bằng vaccine Pfizer và ngược lại.
Theo Bộ Y tế, thời gian qua, do tình hình khan hiếm vaccine nói chung, nhiều quốc gia đã nghiên cứu và sử dụng các liệu trình tiêm kết hợp 2 loại vaccine cùng công nghệ hoặc khác công nghệ sản xuất, căn cứ theo loại vaccine sẵn có tại từng thời điểm, như tiêm vaccine công nghệ vector virus với vaccine mRNA, hoặc tiêm 2 loại vaccine mRNA của các nhà sản xuất khác nhau...
Những ngày qua, TP.HCM thông báo người đã tiêm mũi một là vaccine Moderna có thể tiêm mũi hai bằng vaccine Pfizer, nếu đồng ý. Đây được cho là giải pháp mới của TP.HCM để giải quyết tình trạng thiếu hụt vaccine Modena.
Việt Nam đã tiếp nhận nhiều loại vaccine được sản xuất theo các công nghệ khác nhau như công nghệ vector virus (Astra Zeneca hoặc Sputnik V), công nghệ mRNA (Pfizer, Moderna), công nghệ bất hoạt (Sinopharm). Các nhà sản xuất cũng đang nghiên cứu phát triển một số loại vaccine bằng những công nghệ khác nhau.
Nhập dữ liệu chứng nhận tiêm trên ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử xong trước ngày 20/9
Nhiều người chưa có chứng nhận tiêm trên Sổ sức khỏe điện tử do dữ liệu vẫn đang trong quá trình nhập, dự kiến sẽ xong trước ngày 20/9.
Người dân nhận được chứng nhận màu xanh trên ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử, thể hiện đã tiêm 2 mũi vaccine |
Hiện nay, phần lớn người dùng đều có chứng nhận tiêm vaccine Covid-19 trên ứng dụng chỉ một thời gian ngắn sau khi tiêm. Tuy nhiên, bên cạnh đó, không ít người cho biết đã tiêm 1 - 2 tháng nhưng chưa được cập nhật trên ứng dụng.
Theo Bộ Y tế, 3 dạng dữ liệu đang dần được đưa lên hệ thống gồm dữ liệu dạng file Excel, dữ liệu trên giấy và dữ liệu chưa đầy đủ thông tin. Trong văn bản gửi đến các tỉnh thành trên cả nước tuần trước, Bộ đề nghị các đơn vị liên quan nhập dữ liệu lên Hệ thống tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 quốc gia. Việc nhập dữ liệu cần hoàn thành trước ngày 20/9.
Theo Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin - Bộ Y tế Nguyễn Trường Nam, nếu các địa phương nhập dữ liệu đủ và đúng, người dân cũng sẽ có chứng nhận tiêm chủng trên ứng dụng ngay sau đó. Ngoài ra, theo Bộ Y tế, việc nhập dữ liệu còn giúp tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tra cứu, tổng hợp, báo cáo kết quả, cập nhật thông tin người đã tiêm mũi một, từ đó có cơ sở gọi tiêm mũi hai.
Thực tế thống kê trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 quốc gia, đến 7/9 đã có gần 23,2 triệu mũi tiêm được thực hiện. Trong khi đó, dữ liệu từ Viettel Solutions đến hết ngày 6/9 cho thấy, số mũi tiêm được cập nhật lên hệ thống là gần 20,6 triệu. Như vậy, hiện vẫn còn khoảng 10% dữ liệu đang trong quá trình nhập. Đây hầu hết là dữ liệu ở giai đoạn tiêm chủng đầu tiên, trước khi nền tảng tiêm chủng quốc gia được công bố hôm 10/7.
Theo đơn vị phát triển, nếu người dùng nhập chính xác, dữ liệu có thể được cập nhật trong 15 phút. Trên ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử, người tiêm xong mũi một có chứng nhận màu vàng, còn đã hoàn thành mũi hai có chứng nhận màu xanh lá cây.
Cục Hàng không đề xuất áp giá sàn vé máy bay nội địa khoảng 320.000 - 750.000 đồng
Cục Hàng không đề xuất áp mức giá sàn bay nội địa khoảng 320.000 - 750.000 đồng từ đầu tháng 11/2021 đến hết tháng 10/2022.
Cục Hàng không đề xuất áp giá sàn vé máy bay nội địa khoảng 320.000-750.000 đồng |
Đây là đề xuất nằm trong Dự thảo Thông tư quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa, vừa được Cục Hàng không Việt Nam trình Bộ Giao thông vận tải.
Cụ thể, với các đường bay dưới 500 km, mức giá tối thiểu áp dụng với nhóm đường bay phát triển kinh tế xã hội là 320.000 đồng/vé, tối đa là 1,6 triệu đồng vé; nhóm đường bay khác dưới 500 km, mức giá tối thiểu là 340.000 đồng, tối đa là 1,7 triệu đồng.
Với các đường bay từ 500 - 850 km trở lên, mức giá tối thiểu là 440.000 đồng và tối đa 2,2 triệu đồng; đường bay từ 850 km đến dưới 1.000 km, mức giá tương ứng là 560.000 đồng và 2,79 triệu đồng.
Cuối cùng, với đường bay cự ly 1.280 km trở lên, mức giá tối thiểu là 750.000 đồng, tối đa là 3,75 triệu đồng.
Theo Cục Hàng không, khung giá trên sát với thực tế về mặt bằng chi phí bình quân của các hãng hàng không Việt Nam; xấp xỉ mức giá cơ bản của dịch vụ đường sắt và ngang bằng với dịch vụ vận chuyển đường bộ.
Trước mắt, Cục Hàng không đề xuất thời gian áp dụng chính sách mức giá tối thiểu bằng 20% mức giá tối đa quy định là 12 tháng, từ 1/11/2021 hết ngày 31/10/2022. Về dài hạn, khi thị trường vận chuyển hàng không phát triển bình thường với sự cạnh tranh sôi động của các hãng hàng không Việt Nam, Cục Hàng không đề xuất quản lý giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa theo cơ chế do thị trường tự điều tiết.
Tuy nhiên, nếu chính sách khung giá này được thông qua, các hãng hàng không sẽ không thể tung ra những chương trình với giá vé máy bay siêu rẻ hoặc thậm chí 0 đồng mà phải tuân theo mức giá sàn này. Như vậy, hành khách sẽ không được lợi từ các chương trình giảm giá vé.
Đề nghị miễn giảm giá cước Internet cho học sinh, giáo viên
Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị doanh nghiệp viễn thông xem xét miễn giảm cước truy cập Internet, đặc biệt 3G, 4G cho học sinh, sinh viên, giáo viên.
Học sinh tiểu học Hà Nội học online tháng 9/2021 |
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông miễn giảm giá cước Internet nhằm hỗ trợ ngành giáo dục trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải dạy và học trực tuyến.
Bộ Giáo dục và Đào tạo mong muốn doanh nghiệp viễn thông đầu tư nâng cấp hạ tầng, mở rộng băng thông Internet nhằm tổ chức tốt hoạt động dạy học trực tuyến và chuyển đổi số trong giáo dục. Các doanh nghiệp công nghệ thông tin tiếp tục nghiên cứu, phát triển giải pháp, nền tảng dạy và học trực tuyến, xây dựng học liệu số, hướng dẫn sử dụng an toàn phần mềm, công cụ dạy học.
Với giáo dục đại học, để phục vụ cho việc đào tạo từ xa, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo doanh nghiệp giảm giá thuê dịch vụ máy chủ và dịch vụ Internet cho các trường.
Khoảng 23 triệu học sinh cả nước bắt đầu năm học mới trong tháng 9, nhiều nơi phải học trực tuyến do Covid-19. Hai ngày qua, việc học ở Hà Nội, TP.HCM diễn ra đồng loạt, nhiều trường học, phụ huynh ghi nhận tình trạng nghẽn mạng, lỗi phần mềm.
Trước đó, Thủ tướng ban hành chỉ thị đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục, đào tạo ứng phó với Covid-19. Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn sử dụng an toàn các phần mềm, công cụ dạy học trực tuyến, hỗ trợ Internet tốc độ cao, giảm giá cước truy cập, giá dịch vụ thuê máy chủ, băng thông... để các nhà trường dạy học hiệu quả, an toàn.
Đầu tư 9.500 tỷ đồng làm cao tốc nối Tiền Giang với Đồng Tháp
Cao tốc An Hữu - Cao Lãnh dài gần 34 km, nối Tiền Giang với Đồng Tháp dự kiến đầu tư hoàn thành giai đoạn một năm 2025.
Hướng tuyến cao tốc An Hữu - Cao Lãnh trong quy hoạch các cao tốc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long |
Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (đơn vị quản lý Dự án) vừa có tờ trình gửi Bộ Giao thông vận tải thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư tuyến cao tốc nói trên.
Công trình có điểm đầu tại nút giao An Thái Trung - cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang); điểm cuối kết nối đường tỉnh 856 tại TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Trong gần 34 km toàn tuyến, đoạn qua địa phận Đồng Tháp hơn 25 km, còn lại thuộc Tiền Giang.
Tổng mức đầu tư Dự án khi hoàn thiện ước tính hơn 9.500 tỷ đồng, làm đường rộng gần 25 m, 4 làn xe, vận tốc 100 km/h. Giai đoạn một, tuyến đường được xây dựng với bề rộng 17 m, 4 làn xe hạn chế, vận tốc 80 km/h, kinh phí đầu tư 6.944 tỷ đồng. Trên tuyến cũng sẽ xây dựng đồng bộ 5 nút giao, 38 cây cầu.
Hiện, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận kiến nghị Bộ Giao thông vận tải triển khai Dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).
1.000 nhân viên y tế Bắc Giang, Bắc Ninh chi viện Hà Nội
Hơn 800 nhân viên y tế tỉnh Bắc Giang và 200 người Bắc Ninh đã lên đường hỗ trợ thủ đô chống dịch, chiều 8/9.
Nhân viên y tế lấy mẫu dân cư phường Lê Đại Hành, Hà Nội |
Đoàn xe xuất phát từ thành phố Bắc Giang đưa 806 nhân viên y tế về Hà Nội từ ngày 8/9 đến 15/9. Đoàn sẽ tham gia lấy mẫu xét nghiệm, tiêm chủng theo sự phân công của Sở Y tế Hà Nội.
Đoàn chia thành 104 tổ lấy mẫu xét nghiệm và 96 đội tiêm chủng, mỗi tổ 4 người. Sau buổi lấy mẫu, hai xe chuyên dụng sẽ thu gom mẫu và vận chuyển từ Hà Nội về Bắc Giang để phân tích kết quả, mỗi ngày hai lần.
Cùng ngày, 50 cán bộ y tế của tỉnh Bắc Ninh cũng sang huyện Gia Lâm (Hà Nội) trợ giúp tiêm chủng. Phó giám đốc Sở Y tế Bắc Ninh Nguyễn Chí Hành cho biết, những ngày tới, Tỉnh sẽ huy động thêm 150 nhân viên y tế nữa để hỗ trợ tiêm đại trà. Việc ăn ở, kế hoạch tiêm do huyện Gia Lâm bố trí.
Một ngày trước, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu 10 tỉnh thành phía Bắc cùng Bộ Quốc phòng chuẩn bị lực lượng sẵn sàng hỗ trợ Hà Nội xét nghiệm, phân loại điều trị F0, tiêm chủng.
Hà Nội đặc mục tiêu kiểm soát tốt dịch bệnh trước 15/9 bằng chiến lược xét nghiệm toàn bộ dân cư và tiêm xong vaccine mũi một cho người dân từ 18 tuổi trở lên.
Lâm Đồng cho tiệm cắt tóc, quán ăn hoạt động từ 17h ngày 8/9
Sau gần 2 tháng ngưng để chống dịch, Lâm Đồng mở cửa trở lại đối với một số dịch vụ thiết yếu để đón du khách trong nước. Bà Rịa - Vũng Tàu cũng nới lỏng giãn cách.
Lâm Đồng cho tiệm cắt tóc, quán ăn hoạt động từ 17h ngày 8/9 |
Từ 17h ngày 8/9, Lâm Đồng cho phép các quán ăn, siêu thị và chợ hoạt động nhưng phục vụ cùng lúc không quá 50% lượng khách so với ngày thường, tuân thủ khoảng cách 2 m giữa người và người.
Ngoài ra, một số dịch được mở cửa trở lại, gồm: trung tâm tập luyện thể dục thể thao (luyện tập trong nhà không vượt quá 50% số người so với ngày thường); dịch vụ hớt tóc và làm đẹp (áp dụng một nhân viên và một khách) và phục vụ không quá 50% công suất (cơ sở có từ 2 giường, ghế trở lên).
Để kích cầu du lịch, Lâm Đồng cho phép mở lại các điểm tham quan du lịch, cơ sở lưu trú từ 2 sao trở lên. Các cơ sở phải đảm bảo không quá 2 người một phòng; công suất không quá 50%; chỉ áp dụng cho khách trong nước.
Các điểm dịch vụ cần tiếp tục yêu cầu khách khai báo y tế điện tử, tuân thủ 5K. Người dân hạn chế ra đường sau 22h đến 5h hôm sau.
Lâm Đồng không thực hiện Chỉ thị 15 hay 16 toàn Tỉnh mà chỉ áp dụng biện pháp giãn cách phù hợp với từng địa phương...
Thành phố Thanh Hóa giãn cách thêm một tuần tính từ 0h ngày 9/9
Thành phố Thanh Hóa với gần 500.000 dân tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16 thêm một tuần, tính từ 0h ngày 9/9, nhằm tăng thời gian khoanh vùng, dập tắt các ổ dịch.
Đại lộ Nguyễn Hoàng vắng vẻ những ngày thành phố Thanh Hoá thực hiện giãn cách tuần vừa qua |
Chính quyền địa phương nhận định, đây là thời điểm then chốt, quyết định đến hiệu quả công tác phòng, chống dịch nên "cần tranh thủ từng phút, từng giờ, thần tốc truy vết, xét nghiệm để tách F0 ra khỏi cộng đồng".
Trước đó TP. Thanh Hóa áp dụng lệnh giãn cách hôm 2/9. Người dân được yêu cầu "ai ở đâu ở yên đó", chỉ ra ngoài trong trường hợp thực sự cần thiết; tuyệt đối không ra khỏi địa bàn Thành phố trong thời gian giãn cách.
Căn cứ tình hình thực tế, Chủ tịch UBND Thành phố được áp dụng một số biện pháp cao hơn nhằm sớm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh trên địa bàn, đặc biệt là ổ dịch tại Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực.
Từ 2 - 7/9, Thành phố đã xét nghiệm tầm soát Covid-19 cho hơn 353.000 người dân ở 34 phường xã, tất cả mẫu được lấy đều âm tính.
Cũng trong ngày 8/9, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành quyết định tiếp tục áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 đối với huyện Nông Cống trong 7 ngày, kể từ 12h ngày 8/9...
TP.HCM lắp 100 camera quét mã khai báo di chuyển
Công an TP.HCM lắp 100 camera tại các chốt kiểm soát, giúp quét nhanh chóng mã QR người đi đường khai báo, hạn chế tiếp xúc.
Người đi đường đưa điện thoại để quét mã QR ở chốt đường Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận |
Cảnh sát lắp hộp đựng camera trên giá đỡ cao hơn một mét trước chốt kiểm soát dịch trên đường Lê Văn Duyệt, Phường 1 (quận Bình Thạnh) bắt đầu quét mã khai báo. Từng người dân dùng điện thoại có mã QR đưa trước camera thay vì được kiểm tra bằng điện thoại của lực lượng gác chốt như trước.
Sau chừng 15 giây, hình ảnh QR code truyền về máy tính cách camera hơn 3 m được một cảnh sát kiểm tra thông tin bằng phần mềm trước khi cho qua.
Đây là một trong 100 camera đọc mã QR tích hợp hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được công an TP.HCM triển khai ở 21 quận, huyện và TP. Thủ Đức từ chiều 7/9, sau khi thí điểm tại Quận 1 và Quận 3. Việc này tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi qua các chốt và giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cho các lực lượng kiểm soát.
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó phòng Tham mưu Công an TP.HCM cho biết, đơn vị sẽ hoàn thành 100% đầu quét QR code ở địa bàn Thành phố phục vụ cho việc kiểm soát. Thời gian qua, nhờ quét mã QR tại các chốt, Công an TP.HCM phát hiện 63 F0 đi trên đường. Trong số này, 10 F0 đã khỏi bệnh, 17 trường hợp đang cách ly tập trung, số còn lại cách ly tại nhà.