Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam diễn ra ngày 19/12/2018 (Ảnh: CP) |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho rằng: “CNHT được xem là nhân tố thúc đẩy hay "bánh đà" của nền công nghiệp. Tuy nhiên, ngành CNHT của Việt Nam vẫn chưa phát triển như kỳ vọng, còn nhiều khó khăn, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới”.
Phó Thủ tướng đánh giá, cơ chế chính sách về CNHT tuy đã được ưu tiên hoàn thiện, nhưng nhìn chung vẫn chậm so với thực tiễn, chưa tạo thuận lợi tối đa cho phát triển CNHT. Các chính sách chủ yếu liên quan đến việc ưu đãi các dự án sản xuất sản phẩm CNHT hơn là các chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực của doanh nghiệp… Quy mô và năng lực của các doanh nghiệp CNHT mặc dù đã được cải thiện nhưng còn nhiều hạn chế. Các sản phẩm CNHT trong nước chủ yếu vẫn là linh kiện và chi tiết đơn giản, với hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Các sản phẩm CNHT có hàm lượng công nghệ cao vẫn chủ yếu do các doanh nghiệp FDI cung cấp. Về thị trường, đa số doanh nghiệp vẫn chỉ mới nhìn vào thị trường CNHT trong nước, chưa nhìn đến thị trường toàn cầu… Đây cũng là vấn đề khiến nhiều nhà đầu tư quan ngại.
Bộ Công Thương cũng nhìn nhận, ngành CNHT của nước ta hiện còn không ít bất cập, hạn chế. Số lượng doanh nghiệp ít, năng lực sản xuất còn rất thấp, thiếu nguồn lực và công nghệ để nâng cao năng suất, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Tỷ lệ nội địa hóa thấp. Các sản phẩm CNHT trong nước chủ yếu vẫn là linh kiện và chi tiết đơn giản, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Đến nay, số doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành CNHT chiếm gần 4,5% tổng số doanh nghiệp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; tạo việc làm cho hơn 550.000 lao động.
Nhằm thúc đẩy phát triển ngành CNHT Việt Nam, ngay sau hội nghị này, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT.