Báo chí trong thời đại công nghệ số

(BĐT) - Một dự án đa ngôn ngữ và đa phương tiện của VietnamPlus vừa đoạt giải Nhất tại Giải thưởng toàn quốc về Thông tin đối ngoại hồi tháng 5 vừa qua, và đúng vào ngày 21/6, sản phẩm này sẽ lại vinh dự nhận giải B thể loại báo điện tử tại Giải Báo chí quốc gia (không có giải A). Dự án liên quan một chủ đề rất “khô cứng”: 70 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Các nhà báo đang phải tham gia vào một cuộc chiến giành sự quan tâm của độc giả với Internet. Ảnh: Lê Tiên
Các nhà báo đang phải tham gia vào một cuộc chiến giành sự quan tâm của độc giả với Internet. Ảnh: Lê Tiên

Đa dạng trong cách kể chuyện

Kể từ khi lên ý tưởng đến khi hoàn thiện dự án là 5 tháng, trò chuyện với 70 nhân vật thuộc mọi tầng lớp, lứa tuổi, vùng miền. Phỏng vấn cũng không có gì đặc biệt, điều khác lạ là dự án này kết hợp cả nội dung văn bản, ảnh, video lẫn đồ họa tương tác, và bằng 5 ngôn ngữ – Việt, Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Trung Quốc. Gần 30 người tham gia dự án này, từ các phóng viên đến biên dịch viên, nhân viên thiết kế đồ họa, và đặc biệt là các kỹ sư lập trình.

Lý do ra đời dự án thì khá đơn giản. Năm 2015 là năm chẵn kỷ niệm sự kiện quan trọng này, nhưng tòa soạn thấy rằng không thể triển khai nội dung theo cách viết bài thông thường. 7 thập niên trôi qua, năm nào cũng có tuyến bài về Quốc khánh, cái gì cần biết thì đã nói cả, nhân chứng không còn nhiều mà tìm ra góc nhìn mới và hấp dẫn thì quá khó. Vậy thì phải làm theo kiểu độc đáo. Nội dung không thể mới thì hình thức phải mới!

Viết báo theo lối kể chuyện (storytelling) là xu hướng trong báo chí vài năm qua. Nhưng các báo không kể chuyện theo lối cũ của báo in và báo điện tử. Xu hướng này đặc biệt được chú trọng trong năm 2015 và càng được nhấn mạnh hơn trong thời gian tới. Kiểu bài dài với lối trình bày cầu kỳ, kết hợp đa phương tiện, trở thành cách làm nổi bật. Và còn phải kể đến rất nhiều cách làm báo sáng tạo khác, sử dụng từ đồ họa tương tác cho đến phim ảnh, âm nhạc để thu hút độc giả, khán thính giả, đặc biệt là những người trẻ. Thực tế ảo (virtual reality) cũng đang được coi là một hướng đi quan trọng của báo chí.

Mối quan hệ tương lai: Game và báo chí

5 năm trước, người viết bài này từng lôi kéo một số lập trình viên xây dựng một trò chơi gọi là “Trường Sa - Hoàng Sa”. Đại khái chỉ cần là một game hành động đơn giản kinh điển, với niềm tin rằng nó sẽ thu hút thanh niên quan tâm đến vấn đề thời sự của đất nước. Không nhất thiết phải đánh đấm như kiểu chiến tranh, mà dùng những cách thức không hề kích động trong khi lại có thể đưa ra những dẫn chứng lịch sử để tăng cường kiến thức, đồng thời nâng cao tinh thần yêu nước, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Rất tiếc là đề xuất này không thành sản phẩm cụ thể.

Nhưng kể từ tháng 3/2015, VietnamPlus đi theo cách làm đơn giản hơn. Đó là ý tưởng “News Game” – đưa tin tức thời sự vào trò chơi. Kể từ đó đến nay đã có hơn 120 news game được tạo ra, mới dừng ở mức độ đơn giản nhưng cũng lôi kéo không ít người chơi. Điều đáng nói là tòa soạn phối hợp với một đối tác công nghệ để có một mẫu tạo game (template), để sau đó các biên tập viên cũng có thể làm được mà không cần sự can dự của lập trình viên. News game giờ đây đang là một điểm nhấn của báo chí thế giới năm 2016, và nếu có thể làm game dạng thực tế ảo thì càng thu hút. Thể loại này đang được đặt cho một thuật ngữ là “immersive journalism”.

Trong một bài viết trên trang web Poynter chuyên về báo chí vào tháng 12/2015, tác giả Ren LaForme kể lại câu chuyện hơn 10 năm trước, về việc tin tức thông thường không thu hút anh bằng trò chơi điện tử liên quan câu chuyện chính trị ra sao. Dù khi đó là một học sinh trung học quan tâm đến các vấn đề thời sự thì thời gian để đọc những thông tin bổ ích trên New York Times hay Washington Post cũng chỉ có chừng mực, trong khi các phím mũi tên di chuyển trên bàn phím của anh này thì mòn vẹt vì một trò chơi trên máy tính có tên gọi “Emogame: The Anti-Bush Game”.

Đây là một game 16-bit với thiết kế khá lạc hậu, trong đó những nhân vật như He-Man hay Mr. T chống lại các chính trị gia của kỷ nguyên George Bush để bầu John Kerry. Xen giữa các pha đụng độ là những cảnh giải thích khá sâu (tuy có phần định kiến) về nợ ngân sách và những thương vong trong chiến tranh Iraq.

Năm 2010, các cơ quan báo chí như New York Times bắt đầu tìm cách tạo ra các trải nghiệm tương tác độc đáo bằng những dự án quy mô như “Snow Fall” hay các trò đố vui. Những dự án kiểu này rất được hoan nghênh và trở nên phổ biến (chỉ riêng phần đố vui đã có 21 triệu lượt xem) còn Snow Fall thậm chí ẵm giải thưởng báo chí Pulitzer uy tín.

Tòa soạn truyền thống phải làm gì?

Vậy nếu điều đó không khả thi, nhất là với những tòa soạn nhỏ, thì phải làm thế nào? Từ Instant Articles của Facebook cho đến Google AMP hay Apple News, dường như các tòa soạn đều đang đặt cược vào nội dung văn bản (có thêm video và ảnh) nhưng với tốc độ tải trang nhanh hơn mà thôi. Đang tồn tại hàng ngàn câu hỏi chưa có lời giải đáp về việc có phải báo chí đang ngày càng để quyền kiểm soát rơi vào tay những “gã khổng lồ công nghệ” như Google, Facebook và Apple, nhưng như Alexis Lloyd thuộc đơn vị nghiên cứu, phát triển của New York Times đã chỉ ra, báo chí nên tự hỏi có nhất thiết chạy theo format như vậy không?

Theo Ren LaForme, các nhà báo đang phải tham gia vào một cuộc chiến giành sự quan tâm với phần còn lại của Internet. Và nếu tiếp tục coi các bài viết là những cỗ pháo để tấn công các đối thủ thì chắc chắn báo chí sẽ thua. Vì vậy, điều mà báo chí cần chính là những công cụ để có thể thực hiện những việc như: Tìm kiếm các phương thức kể chuyện mới; Phải là các mẫu (template) và có thể sử dụng lại; Dễ học (vì hầu hết các báo không có đội ngũ kỹ thuật chuyên nghiệp và đông như nhóm làm dự án Snow Fall); Miễn phí hoặc chi phí rẻ (vì ngân sách của hầu hết các báo khá eo hẹp).

Năm ngoái, một tác phẩm của một tờ báo nhỏ ở Mỹ sử dụng công cụ TimelineJS do Northwestern University Knight Lab phát triển đã giành giải Pulitzer. Năm trước đó, tờ Denver Post cũng đoạt giải báo chí Pulitzer với bài viết về vụ xả súng ở nhà hát Aurora, và cũng sử dụng công cụ TimelineJS.

Bộ công cụ của Knight Lab, trong đó có cả ứng dụng tạo bản đồ tương tác, là một công cụ có thể đưa đoạn âm thanh vào dưới văn bản, một giải pháp trượt để so sánh hai hình ảnh tương tự, hoặc tích hợp video từ YouTube hoặc nội dung bất kỳ từ Internet, cực kỳ hiệu quả trong việc giúp cho phóng viên tạo ra những câu chuyện với nội dung phong phú hơn.

Đương nhiên, còn rất nhiều công cụ khác. Nếu muốn làm đồ họa cho các bài viết hoặc làm cho bài viết dễ được chia sẻ hơn, không hài lòng với phần mềm biên tập video trên điện thoại, hãy tải Videoshop. Nếu muốn tìm dữ liệu cho các câu chuyện về chủ đề chính trị, hãy thử bộ công cụ của Sunlight Foundation.

Các cơ quan báo chí có lẽ không bao giờ tạo ra được những trải nghiệm thu hút như Emogame một cách thường xuyên và liên tục, nhưng các công cụ rẻ hoặc thậm chí miễn phí sẽ giúp các nhà báo kể chuyện hay hơn, hoặc làm cho câu chuyện có nhiều tính năng hấp dẫn hơn. Báo chí ngày nay không thể cạnh tranh nếu chỉ tập trung loanh quanh các bài viết.