Báo chí truyền thống “sống sót” trong đại dịch

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Truyền thông là ngành đã trải qua chuỗi ngày dài nhiều thử thách trong thời gian vừa qua, ngay cả trước khi đại dịch Covid-19 như cơn sóng thần ập đến. Vậy nhưng, một lần nữa, truyền thông truyền thống không chỉ trụ vững trước khủng hoảng, mà còn nắm bắt được những cơ hội để vươn lên, đáp ứng các nhu cầu mới trong làn sóng hồi phục kinh tế - xã hội.
Cung cấp thông tin chất lượng trở thành phương thức tồn tại của truyền thông truyền thống trong khủng hoảng
Cung cấp thông tin chất lượng trở thành phương thức tồn tại của truyền thông truyền thống trong khủng hoảng

Những cơn bão liên tiếp

Những năm vừa qua thật sự là thử thách với các công ty truyền thông, báo chí truyền thống, nhất là lĩnh vực xuất bản. Tại Mỹ, McClatchy nộp đơn phá sản, Gannett và GateHouse sáp nhập để cân đối lại quy mô, Tribune Publishing bị thâu tóm… Đây chỉ là một vài cái tên nổi bật được nhắc đến. Theo số liệu của hãng tư vấn kinh doanh toàn cầu Kearney, trong 15 năm qua, khoảng 28.000 nhà báo tại Mỹ mất việc, 1.400 tờ báo địa phương biến mất…

Những tưởng tình hình không thể tồi tệ hơn, thì đại dịch ập tới, khiến các mối đe doạ hiện hữu thêm lớn mạnh, đồng thời tạo thêm các rủi ro mới. Theo nghiên cứu về tác động của đại dịch tới báo chí, công ty truyền thông kỹ thuật số của The New York Times, ước tính 37.000 nhân viên ngành truyền thông tại Mỹ đã mất việc, buộc nghỉ không lương hoặc giảm thu nhập kể từ khi đại dịch xuất hiện.

Nhiều công ty truyền thông chứng kiến giá trị thị trường của mình xuống dốc. Môi trường kinh doanh trở nên đáng sợ hơn bao giờ hết, khi người tiêu dùng lo ngại tiếp xúc trực tiếp, tìm tới các phương thức truyền đạt thông tin và giải trí ảo; quảng cáo báo giấy tuột dốc khi nền kinh tế chịu cú sốc lớn, các thị trường việc làm, bất động sản… đều chững lại; thể thao, du lịch đều đóng băng…

Bối cảnh kinh doanh mới khiến các nhà sản xuất nội dung như Disney, WarnerMedia và NBCUniversal ngày càng trở nên quyền lực, khi họ có thể phân phối trực tiếp sản phẩm tới người tiêu dùng thông qua các kênh điện tử. Cùng với đó, các gã khổng lồ công nghệ như Amazon, Apple, Facebook… cũng lớn mạnh hơn, với các nền tảng phân phối nội dung hiện đại. Các công ty truyền thông không sở hữu nội dung khác biệt, quy mô nhỏ, nền tảng tài chính không vững vàng… lập tức thấy mình chênh vênh giữa sóng lớn.

Dưới tác động của Covid-19, ước tính lợi nhuận của các công ty truyền thông giảm khoảng 10%. Con số có thể còn lớn hơn do áp lực từ đại dịch buộc doanh nghiệp phải chi tiêu nhiều hơn cho việc duy trì hoạt động.

Điểm tựa niềm tin

Theo báo cáo mới nhất được thực hiện bởi Edelman, lòng tin của người tiêu dùng đã tăng trưởng đáng kể đối với các tổ chức truyền thông chính thống. Cụ thể, trong giai đoạn từ tháng 1 - tháng 5/2020, lòng tin đối với thông tin chính thống từ chính phủ và các hãng thông tấn ở mức cao nhất từ trước tới nay. Hơn 67% người tham gia khảo sát cho biết, họ lo lắng có nhiều tin giả về dịch bệnh và muốn nhận tin từ nguồn được xác thực.

Bên cạnh đó, vai trò của truyền thông trong việc đưa tin, giáo dục, kết nối và giải trí cũng trở nên quan trọng hơn. Theo đó, việc hợp tác để phục vụ lợi ích cộng đồng, cung cấp các thông tin chất lượng và giữ mọi người khoẻ mạnh tại nhà… trở thành một trong những nhiệm vụ và phương thức tồn tại của truyền thông truyền thống trong khủng hoảng.

Vững tay chèo

Kể từ khi đại dịch xuất hiện, ngành truyền thông đã chứng tỏ khả năng chống chọi, vươn lên và đáp ứng các nhu cầu mới trong làn sóng hồi phục kinh tế.

Ngay từ những ngày đầu đại dịch Covid-19 càn quét, phản ứng trước tình hình mới, nhiều công ty truyền thông, báo chí, nhà xuất bản trên toàn cầu quyết định gỡ bỏ rào cản thu phí, cung cấp các nội dung liên quan tới dịch bệnh - y tế miễn phí cho độc giả. Nhờ vậy, tờ Atlantic (là một tạp chí và nhà xuất bản đa nền tảng của Mỹ) đã có tuần tăng trưởng lượng độc giả theo dõi kỷ lục trong tháng 3/2020 khi không thu tiền các nội dung liên quan tới Covid-19.

Các nhà sáng tạo nội dung, công ty truyền thông một lần nữa chứng tỏ khả năng của mình, khi phản ứng nhanh và thích ứng hiệu quả với môi trường mới. Các chương trình truyền hình, talkshow, buổi biểu diễn… không thể tổ chức vì giãn cách, nhưng từ đó hàng loạt chương trình/hình thức giải trí khác xuất hiện làm hài lòng khán giả. Các buổi trình diễn tại nhà, các nền tảng kỹ thuật số cho phép nhà sáng tạo nội dung đưa tác phẩm tới hàng triệu người một cách trực tiếp.

Các nhà xuất bản, công ty truyền thông cũng tham gia sâu hơn vào các hoạt động giáo dục, chăm sóc sức khoẻ. Trên toàn cầu, giãn cách xã hội, cách ly khiến hàng triệu người gặp vấn đề tâm lý, cũng như lo lắng vì không được cập nhật thông tin. Trong bối cảnh này, Guru Gowrappan, CEO Verizon Media cho biết: “Công ty luôn đảm bảo 900 triệu độc giả của chúng tôi có thể truy cập miễn phí vào các chương trình giáo dục, tin tức và nguồn thông tin đáng tin cậy về Covid-19 và tác động của đại dịch”.

Phục vụ lợi ích cộng đồng, tạo ra sản phẩm sáng tạo trong hoàn cảnh mới, cung cấp nội dung đáng tin cậy và giải trí… là cách các công ty truyền thông, báo chí trên toàn cầu đang từng bước tồn tại và vượt lên những khó khăn của đại dịch, thu về nhiều hơn nữa lượng độc giả trung thành. Đáng chú ý, trong môi trường kinh doanh mới, việc các công ty truyền thông ứng dụng công nghệ, nền tảng kỹ thuật số, đã trở thành tất yếu.

Hoosain Karjieker, CEO Mail & Guardian (M&G) thẳng thắn thừa nhận, M&G có thể vượt qua năm 2020 là nhờ may mắn, nhưng từ giai đoạn khó khăn vừa qua, vị lãnh đạo này đã thu nhận được nhiều kinh nghiệm. Ông khẳng định, chất lượng nội dung chính là thứ duy nhất khiến báo chí truyền thống “sống sót”.

Cùng quan điểm, Branko Brkic, Tổng biên tập Daily Maverick cho rằng, Tòa soạn có thể tồn tại qua đại dịch nhờ sự kết hợp của một số yếu tố: làm việc chăm chỉ, may mắn và các độc giả trung thành sẵn sàng trả tiền cho tin tức chất lượng. “Chúng tôi đã may mắn, nhưng cần nhớ rằng, cần luyện tập, cần chăm chỉ để có được may mắn. Và tất cả tới từ yếu tố con người. Nếu không có những phóng viên, biên tập viên tốt nhất, tòa soạn không thể tạo nên những nội dung chất lượng”, Branko Brkic cho biết.

Tin cùng chuyên mục