2/3 số điều kiện kinh doanh cắt giảm không thực chất, không mang lại tác động thay đổi. Ảnh: Tiên Giang |
Tuy nhiên, qua rà soát sơ bộ chất lượng cắt giảm các ĐKKD cho thấy một thực trạng báo động, có tới 2/3 số ĐKKD cắt giảm chỉ là hình thức, không thực chất.
Dừng ở kết quả thấp
Đo lường sơ bộ về kết quả cắt giảm ĐKKD năm 2018 tính tới thời điểm ngày 14/11/2018, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, số ĐKKD được cắt giảm thực chất rất thấp. Qua rà soát, đánh giá sơ bộ kết quả cắt giảm ĐKKD của 4 bộ (Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho thấy, có khoảng 1/3 số ĐKKD cắt giảm, bổ sung, sửa đổi là thực chất; còn tới 2/3 số ĐKKD cắt giảm, sửa đổi, bổ sung chỉ là hình thức. Điển hình như có loại cắt giảm theo kiểu gộp nhiều ĐKKD thành 1 ĐKKD, hoặc thay đổi cách viết ĐKKD, hoặc bổ sung thêm vài từ so với trước hoặc bãi bỏ những thứ không làm thay đổi bản chất ĐKKD. “Như vậy, chúng ta nhìn thấy sự thay đổi thực chất mới chỉ đạt 1/3 yêu cầu. Tuy nhiên, với chỉ 1/3 số ĐKKD thay đổi thực chất thì số lượng cắt giảm, bãi bỏ không nhiều; thay đổi chủ yếu về thời gian, giảm số lượng hồ sơ…”, ông Cung nhìn nhận.
Nêu rõ thực trạng này, tại Hội thảo Đánh giá chất lượng cắt giảm ĐKKD: “Kết quả, vấn đề và kiến nghị”, nhóm nghiên cứu của CIEM cho biết, rà soát năm 2018 có 36 nghị định mới được ban hành sửa đổi 88 nghị định có quy định về ĐKKD từ năm 2017 trở về trước nhằm đối chiếu xem ĐKKD nào thực sự bãi bỏ và ĐKKD nào được bổ sung. Tổng số có 2.204 ĐKKD. Và sau khi được rà soát, cắt giảm theo yêu cầu của Chính phủ, đến nay đã có 542 ĐKKD được sửa đổi, 771 ĐKKD được bãi bỏ, 98 ĐKKD được bổ sung, 111 ĐKKD được thay thế và có 29 ĐKKD mới.
“Xét về tỷ lệ, số ĐKKD được bãi bỏ và sửa đổi chiếu theo yêu cầu của Chính phủ là không đạt”, đại diện CIEM đánh giá. Quan ngại hơn, qua đánh giá vẫn có ĐKKD cắt giảm chẳng mang lại tác động gì. Đặc biệt, có những quy định được bổ sung ĐKKD lại gây khó khăn cho doanh nghiệp, tạo rào cản về ĐKKD…
Cần “bộ lọc” cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh
Với kết quả sơ bộ nêu trên, chuyên gia kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh nhìn nhận: “Cắt giảm ĐKKD là cuộc chiến cam go khi số ĐKKD trên thực tế vẫn còn tới con số hàng nghìn. Và nếu chúng ta không cải thiện được tình trạng này thì nguy cơ các doanh nghiệp Việt Nam thất bại trên sân nhà là khó tránh khi đất nước ngày càng hội nhập sâu như hiện nay”.
Chung lo lắng này, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, thời gian qua, Chính phủ đã có bước tiến quan trọng trong nỗ lực cắt giảm rào cản cho doanh nghiệp, nhiều bộ ngành đã có sự chuyển động… Tiếc rằng, kết quả cắt giảm ĐKKD vẫn chỉ nặng về đơn giản hóa hơn là cắt bỏ. Thậm chí, vẫn còn nhiều ĐKKD nằm ở luật vẫn chưa được rà soát, bãi bỏ; vấn đề kiểm soát ĐKKD mới ban hành vẫn bỏ ngỏ…
Trước thực trạng cắt giảm ĐKKD chưa được như mong đợi, ông Đậu Anh Tuấn đề xuất, cần xây dựng một quy trình kiểm soát ban hành văn bản mới, bởi thực tế các ĐKKD của Việt Nam chưa nhiều, nhưng lại không theo chuẩn mực nào, khiến xảy ra “điểm hở, điểm lỏng” trong chính sách ban hành.
Đồng tình với đề xuất trên, ông Nguyễn Đình Cung cho rằng, chúng ta cần phải có “bộ lọc” đối với các văn bản pháp luật để đảm bảo khi ban hành không gây khó khăn cho doanh nghiệp. “Bộ lọc này có thể là một cơ quan thuộc Chính phủ thẩm định tất cả các văn bản pháp luật. Và để đảm bảo tính độc lập, cơ quan này không thực hiện quản lý nhà nước, không có doanh nghiệp sau lưng…”, ông Cung nói.
Ở chiều ngược lại, đại diện CIEM cho rằng, các hiệp hội doanh nghiệp hiện nay chưa làm hết vai trò của mình để dấy lên tiếng nói thúc đẩy cải cách, cắt giảm thực chất ĐKKD. “Các hiệp hội đại diện cho doanh nghiệp cần tích cực hơn, không thể ngồi chờ để có sự thay đổi, cải cách”, TS. Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh .