Một tàu hải cảnh của Trung Quốc. Ảnh:Reuters TV. |
Tờ Yomiuri Shimbum ngày 14/8 đưa tin Nhật Bản sẽ phát triển loại tên lửa đất đối hải mới có tầm bắn khoảng 300 km. Vũ khí này dự kiến được triển khai tới các đảo như Miyako vào năm 2023. Bằng việc cải thiện tầm bắn, Nhật Bản muốn tăng cường kiểm soát đối với vùng biển quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp với Trung Quốc. Quần đảo cách Miyako chỉ 170 km.
Miyako nằm ở cửa ngõ eo Miyako, tuyến hàng hải quốc tế, đồng thời cũng là con đường chính để hải quân Trung Quốc ra Thái Bình Dương. Nếu tên lửa được triển khai ở Miyako, nó sẽ đe dọa tất cả tàu Trung Quốc trong vùng biển quanh Senkaku/Điếu Ngư.
Global Times, ấn phẩm phụ thuộc People’s Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP), ngày 15/8 cáo buộc Nhật Bản không tôn trọng tự do đi lại trong vùng biển quốc tế. Tờ này từ lâu đã nổi tiếng với các bài xã luận mang giọng điệu hung hăng của những cây bút được dư luận Trung Quốc coi là diều hâu.
Theo tờ báo, Nhật Bản từng yêu cầu đảm bảo đi lại ở Biển Đông và eo biển Đài Loan nhưng giờ lại muốn "thống trị eo Miyako và quyết định có cho phép tàu hải quân, dân sự Trung Quốc đi vào hay không".
Nếu Nhật Bản muốn gây sự với Trung Quốc trên tuyến hàng hải ra Thái Bình Dương, vậy thì đừng trách Bắc Kinh hạn chế những tuyến đường của Tokyo trên Biển Đông, tờ báo đe dọa.
"Đảo Miyako được quân sự hóa nên trở thành một mục tiêu của quân đội Trung Quốc, tức là có thể xem xét phá hủy những cơ sở trên đảo nếu xảy ra chiến tranh với Nhật Bản", tờ báo viết. "Tốt nhất là không để kịch bản này xảy ra, vì lợi ích tốt nhất cho hai nước" và thêm rằng Trung Quốc không có ý định đối đầu với các nước láng giềng hoặc Mỹ vì điều đó "không phù hợp với lợi ích của Bắc Kinh".
Tờ báo cảnh báo Nhật Bản đừng dùng tiêu chuẩn kép giữa "quân sự hóa Miyako và quân sự hóa quần đảo Nam Sa" (cách Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa của Việt Nam).
Ashley Townshend, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Mỹ thuộc Đại học Sydney và hội viên Trung tâm châu Á - Thái Bình Dương, Đại học Phục Đán, cho rằng hai việc trên là hoàn toàn khác nhau.
"Nơi Nhật Bản định quân sự hóa nằm trong lãnh thổ Nhật Bản và phù hợp với luật pháp quốc tế. Trong khi đó, hành động của Trung Quốc lại diễn ra trên các thực thể có tranh chấp, nhiều thực thể bị mở rộng nhân tạo, và nằm trong vùng đặc quyền kinh tế các nước Đông Nam Á khác", Townshend nhận định. "Điều đó khiến các hành động của Trung Quốc là phi pháp và khiêu khích, còn Nhật Bản thì không".
Thông tin trên xuất hiện trong bối cảnh căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc ngày càng nóng lên vì những tranh chấp lãnh thổ ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Tokyo hồi đầu tháng cáo buộc Bắc Kinh hôm 5/8 14 lần đưa tàu vào khu vực nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư làm leo thang căng thẳng giữa hai nước.
Vị trí đảo Miyako, Nhật Bản. Đồ họa:Google Maps.