Bảo vật của Vua Càn Long thường dùng được bán với giá gần 500 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
Chiếc ấn làm bằng đá phù dung trắng là một trong những bảo vật từng được Hoàng đế Càn Long nhiều lần sử dụng, vừa được bán đấu giá với mức 19,5 triệu USD (gần 500 tỷ đồng).

Một trong những chiếc ấn nổi tiếng nhất trong lịch sử nghệ thuật Trung Hoa phải kể tới chiếc ấn được coi là bảo vật của Hoàng đế Càn Long thời nhà Thanh.

Chiếc ấn được làm từ đá phù dung trắng, điêu khắc hình sư tử, khắc chữ "Càn Long ngự lãm chi bảo", xuất hiện trong buổi đấu giá do Sotheby's Hong Kong tổ chức hôm 29/4.

Cận cảnh chiếc ấn bằng đá phù dung trắng của Hoàng đế Càn Long, vừa bán với giá 19,5 triệu USD (Ảnh: News).

Cận cảnh chiếc ấn bằng đá phù dung trắng của Hoàng đế Càn Long, vừa bán với giá 19,5 triệu USD (Ảnh: News).

Món cổ vật có chất liệu là loại đá đặc trưng ở vùng Tấn An thuộc thành phố Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Mặt ấn hình vuông với kích thước 7,8cm, cao 10,7cm. Đây vốn là một trong những bảo vật từng được vị Hoàng đế nhà Thanh nhiều lần sử dụng.

Ông dùng ấn chương để đóng lên những tác phẩm thư họa thấy tâm đắc, trong đó có các bức tranh cổ nổi tiếng như "Thiên lý giang sơn" của Vương Hy Mạnh thời Bắc Tống, "Khê sơn lữ hành" của Phạm Khoan thời nhà Tống.

Mặt khắc chữ của chiếc ấn (Ảnh: News).

Mặt khắc chữ của chiếc ấn (Ảnh: News).

Sinh thời, vị Hoàng đế này có ít nhất 7 chiếc ấn có khắc chữ "Càn Long ngự lãm chi bảo" với đủ hình dáng và kích thước khác nhau. Trong đó, chiếc ấn bằng đá phù dung này là một trong ba chiếc được ông dùng thường xuyên nhất.

Vua Càn Long vốn nổi tiếng đam mê ấn chương. Ông sưu tầm nhiều thư pháp, tranh cổ nổi tiếng rồi đóng các con dấu của mình lên những tác phẩm đó. Ông yêu cầu chế tác khoảng 1.800 ấn chương. Con số này nhiều nhất so với các Hoàng đế trong lịch sử Trung Hoa. Chất liệu ấn chương rất đa dạng, từ đá quý tới mã não, ngà voi, cho tới bạch ngọc...

Tranh cổ "Thiên lý giang sơn" của Vương Hy Mạnh thời Bắc Tống có dấu "Càn Long ngự lãm chi bảo" đóng phía trên, hiện trưng bày tại Bảo tàng Cố Cung ở Bắc Kinh (Ảnh: News).

Tranh cổ "Thiên lý giang sơn" của Vương Hy Mạnh thời Bắc Tống có dấu "Càn Long ngự lãm chi bảo" đóng phía trên, hiện trưng bày tại Bảo tàng Cố Cung ở Bắc Kinh (Ảnh: News).

Theo tương truyền, sau khi Hoàng đế Càn Long băng hà vào năm 1799, chiếc ấn được chuyển tới điện Thọ Hoàng. Vào những năm đầy biến động của cuối triều đại nhà Thanh, món bảo vật đã bị thất lạc sang châu Âu.

Tới năm 1965, nó xuất hiện trong phiên đấu giá của Sotheby's diễn ra ở London, Anh. Tại đây, cổ vật được nhà sưu tầm Ngô Quyền mua lại. Ông vốn từng làm lĩnh vực ngoại giao nhưng đam mê nghiên cứu khảo cổ học và nghệ thuật. Năm 1968, Ngô Quyền cho xây dựng một bảo tàng tư nhân ở miền nam nước Anh.

Trong buổi đấu giá hôm 29/4 vừa qua, chiếc ấn được bán với mức giá kỷ lục 19,5 triệu USD (gần 500 tỷ đồng). Theo các chuyên gia, những món đồ của Càn Long thường được đấu giá cao, lên tới hàng chục triệu USD. Năm 2010, chiếc ấn bằng đá quý có khắc chữ "Càn Long ngự lãm chi bảo", được bán giá 15 triệu USD. Đây là mức kỷ lục cao nhất ở thời điểm lúc bấy giờ.

Tin cùng chuyên mục