Trong báo cáo của mình, Ajay Rajadhyaksha và Jian Chang, nhà kinh tế học tại Barclays cho rằng, việc Trung Quốc cân nhắc tới hành động hạ giá mạnh nhân dân tệ đang ngày càng gia tăng khi thị trường ngoại hối của quốc gia này có nhiều biến động mạnh.
Dựa trên những bước đi hiện tại của BPoC, sẽ còn 6 - 12 tháng nữa trước khi cơ quan này buộc phải hạ giá nhân dân tệ xuống mức không lấy làm dễ chịu và các biện pháp như kiểm soát vốn, thắt chặt tiền tệ đều có thể được xem xét sử dụng để ngăn dòng tiền tháo chạy khỏi Đại lục.
Tất cả các lựa chọn trên đều đi kèm theo những nguy hiểm. Một lần hạ giá mạnh đồng nhân dân tệ nữa có thể khiến nỗi lo lắng của giới đầu tư lên tới đỉnh điểm, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng trì trệ và ngân hàng trung ương của các quốc gia khác có thể theo chân, đặc biệt là các quốc gia có mối quan hệ xuất nhập khẩu với Trung Quốc.
Trong khi đó, việc tiến hành kiểm soát vốn (capital control) sẽ không hiểu quả đối với một nền kinh tế có động lực là xuất khẩu và thắt chặt tiền tệ có thể khiến tốc độ tăng trưởng trì trệ hiện tại của Đại lục sẽ còn chậm hơn nữa.
“PBoC sẽ có thể tiến hành thêm nhiều biện pháp quyết liệt hơn nữa để kiềm chế dòng tiền chảy ra bên ngoài”, Rajadhyaksha cho biết.
Kể từ khi nhân dân tệ trở thành một trong những đồng tiền thuộc rổ tiền tệ của quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vào cuối tháng 11, đồng nhân dân tệ đã hạ giá thêm 2%. Bên cạnh đó, báo cáo của PBoC cho thấy, quỹ dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc đã giảm 99,47 tỷ USD, thấp hơn chút so với mức kỷ lục giảm 107,9 tỷ USD trong tháng 12/2015, xuống còn 3.200 tỷ USD trong tháng trước.