Thủ tục hành chính chậm chạp là nguyên nhân khiến TP.HCM chưa có bãi đậu xe ngầm nào. Ảnh: LTT |
Vừa thiếu, vừa kém
Theo thống kê, diện tích bến bãi dành cho vận tải hành khách công cộng trên địa bàn TP.HCM hiện có khoảng 26,5ha, chỉ đạt khoảng 13,8% so với chỉ tiêu quy hoạch là 191,05ha.
PGS. TS. Lưu Đức Hải, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đánh giá, mạng lưới điểm đỗ xe, bãi đỗ công cộng tại TP.HCM phân bổ chưa hợp lý, vừa thiếu, vừa kém về chất lượng dịch vụ. Các bãi đỗ xe hiện hữu chủ yếu tập trung tại các quận nội thành, gây khó khăn trong quản lý, khai thác, mất mỹ quan đô thị và trật tự giao thông.
Thực tế nhiều năm nay, ở khu nội thành ít có hành khách đến tận bến xe để đi, mà chủ yếu dồn vào khu trung tâm (nhất là các điểm nóng xe dù ở các quận 1, 5, 10) gây lộn xộn, mất an toàn giao thông. Điều này buộc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM triển khai cắm biển báo cấm dừng, cấm đỗ đối với xe khách ở một loạt tuyến đường từ ngày 1/3/2016.
Theo Nhóm nghiên cứu Trương Thị Mỹ Thanh và Vũ Anh Tuấn (Đại học Việt Đức), cần áp dụng biện pháp quản lý đỗ xe đặc thù theo từng khu vực dựa trên những khác biệt về nhu cầu đỗ xe và khả năng cung cấp hạ tầng bãi đỗ. Chẳng hạn như hạn chế nhu cầu đỗ xe trong khu vực trung tâm, xét về định hướng phát triển giao thông trong tương lai, khu vực này cần hạn chế. Do đó, cần quyết liệt hạn chế nhu cầu đỗ xe thông qua các biện pháp như áp dụng chỉ số cung cấp chỗ đỗ xe tối đa nhằm hạn chế hạ tầng bãi đỗ, cấm đỗ xe trên vỉa hè các tuyến phố có mật độ giao thông cao, hạn chế đỗ xe trong giờ cao điểm, giới hạn thời gian đỗ xe, áp dụng mức phí đỗ xe cao nhất.
Rà soát quỹ đất cho giao thông tĩnh
Trong quy hoạch đến năm 2020, TP.HCM sẽ đầu tư xây dựng hoàn chỉnh Bến xe Miền Đông, Bến xe Miền Tây mới, các bến xe buýt Nhà Bè, Củ Chi, Hóc Môn, Xa lộ Hà Nội, Tân Thuận Đông, Khu công nghiệp Lê Minh Xuân, Quận 4, Tam Bình - Thủ Đức để phục vụ vận tải hành khách công cộng. Ngoài ra, Thành phố sẽ phải nâng cấp, cải tạo các bến bãi hiện có để giải quyết nhu cầu đậu đỗ cho các phương tiện vận tải hành khách như Bến xe Chợ Lớn, Bến xe An Sương.
Mặt khác, theo quy hoạch, Thành phố có 5 bãi đậu xe ngầm ở khu trung tâm. Dù nghiên cứu đầu tư nhiều năm nay nhưng hiện tại vẫn chưa có bãi đậu xe ngầm nào được hình thành mà một trong những nguyên nhân chậm chạp là do thủ tục hành chính.
Nhiều ý kiến của các chuyên gia đề nghị, TP.HCM cần sớm kêu gọi các nhà đầu tư tham gia đầu tư các điểm, bến, bãi đỗ xe. Đồng thời, Thành phố nên dành nguồn vốn ngân sách xứng đáng cho đầu tư phát triển giao thông tĩnh; tập trung phát triển nhanh các điểm, bến bãi đỗ xe có trong quy hoạch và xử lý nghiêm các điểm bãi đỗ xe không đúng quy hoạch.
PGS. TS. Lưu Đức Hải cho rằng, TP.HCM cần kiên quyết thu hồi đất của những dự án đã nhiều năm không được triển khai, không nộp tiền sử dụng đất để bổ sung vào quỹ đất giao thông tĩnh. Riêng tại các khu đô thị mới, Thành phố cần giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy hoạch đất và quỹ đất làm bãi đỗ xe.
Tại Hội nghị phối hợp công tác giữa TP.HCM và Bộ GTVT mới đây, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng chỉ đạo UBND Thành phố cần rà soát lại quỹ đất trên địa bàn, chỗ nào sử dụng không hiệu quả, số tiền thu được thấp thì thu hồi để làm giao thông tĩnh như bãi đậu xe thông minh, điểm đón trả khách...
Theo PGS. TS. Lưu Đức Hải, cần ưu tiên đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe cao tầng, các bãi đỗ xe ngầm áp dụng công nghệ tiên tiến nhằm giải quyết tình trạng thiếu quỹ đất cho bãi đỗ xe hiện nay. Đồng thời, khai thác triệt để các diện tích đất trống công cộng có đủ điều kiện để bố trí các điểm, bãi đỗ xe.