Bất cập trong giải phóng mặt bằng khi đầu tư những con đường “dát vàng”

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Trong phiên thảo luận ở tổ tại Quốc hội vào sáng ngày 11/11/2020 về Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Nguyễn Phi Thường (thành phố Hà Nội) đã nhấn mạnh đến những bất cập trong công tác giải phóng mặt bằng khi thực hiện đầu tư những dự án xây dựng, cải tạo, mở rộng con đường “dát vàng”.

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Theo đại biểu Nguyễn Phi Thường, công tác giải phóng mặt bằng hiện còn nhiều bất cập, đặc biệt là giải phóng mặt bằng để làm các con đường trong thành phố là rất khó khăn.

"Báo chí thường đưa những con đường 'dát vàng' nghìn tỷ đồng cho một vài km. Điều này là bởi chúng ta dùng ngân sách sửa chữa, hay mở rộng những con đường hiện hữu, cho nên chi phí cho những con đường dài chỉ vài km thôi nhưng có giá lên tới vài nghìn tỷ đồng. Tại những con đường 'dát vàng' này, chi phí cho giải phóng mặt chiếm 90% tổng vốn đầu tư, 10% còn lại cho việc xây dựng", ông Thường cho biết.

Tuy nhiên, theo ông Thường, một thực tế bất cập là sau khi con đường vừa hoàn thành thì nhà mọc lên, cùng với hàng loạt tỷ phú xuất hiện.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường cho rằng cần bổ sung một nền tảng pháp lý trong Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi như thế nào để mở ra một dư địa, không gian cho chính quyền địa phương các tỉnh có thể tạo nguồn thu từ các dự án dùng ngân sách nhà nước để xây dựng công trình giao thông. “Tức là chúng ta lấy một hành lang đất đai lớn hơn trong giải phóng mặt bằng. Chúng ta quy hoạch, đấu giá các khu đất như thế nào đó, ít nhất trong Luật này phải tạo được hành lang pháp lý như vậy, chứ không chúng ta nói vẫn chỉ là nói thôi, không có cơ sở nào để thực hiện việc này cả”, ông Thường cho biết.

Theo ông Thường, nếu có quy định tạo hành lang pháp lý lấy quỹ đất rộng ra trong giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình giao thông thì sẽ tạo ra đột phá về nguồn thu ngân sách để đầu tư những công trình hạ tầng giao thông kế tiếp, trở lại giải quyết các vấn đề ùn tắc giao thông, an toàn giao thông.

“Phải làm sao những lợi ích phát sinh từ giá trị đất đai quay trở lại ngân sách nhà nước, tái đầu tư cho giao thông vận tải, an toàn giao thông. Chúng ta 'nhà nghèo' nhưng sử dụng nguồn lực thì nó đang không thực sự hiệu quả”, ông Thường nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục