Bất chấp căng thẳng thương mại toàn cầu, kinh tế Ấn Độ tăng trưởng hơn 8%

Ấn Độ củng cố vị thế là nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới, vượt xa Trung Quốc...
Quý 2/2018, tăng trưởng GDP của Ấn Độ đạt 8,2% - Ảnh: Getty Images.
Quý 2/2018, tăng trưởng GDP của Ấn Độ đạt 8,2% - Ảnh: Getty Images.

Bất chấp những căng thẳng thương mại toàn cầu và đồng nội tệ Rupee mất giá mạnh, kinh tế Ấn Độ vẫn tăng trưởng vượt bậc - tiếp tục qua mặt nền kinh tế lớn nhất châu Á Trung Quốc, CNN cho biết. 

Theo số liệu chính thức được công bố ngày 31/8, trong quý 2/2018, tăng trưởng GDP của Ấn Độ đạt 8,2%, tăng mạnh so với mức 7,7% của quý trước và nới rộng khoảng cách về tăng trưởng với các quốc gia khác, trong đó có Trung Quốc. Con số này cũng vượt xa mức tăng trưởng 6,7% trong quý 2 của Trung Quốc. 

Chính phủ Ấn Độ cho biết tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế nước này là nhờ vào các lĩnh vực chính như sản xuất và xây dựng. Theo đó, Ấn Độ cũng củng cố vị thế là nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới, vượt xa Trung Quốc. 

"Tăng trưởng GDP của Ấn Độ vượt qua hầu hết các dự báo trong quý 2 và có thể sẽ còn tiếp tục tăng trưởng nhanh trong các quý tới", Shilan Shah, nhà kinh tế tại Capital Economics, cho biết. 

Tuy nhiên, lạm phát tại nước này đang tăng, khiến ngân hàng trung ương Ấn Độ phải tăng lãi suất 2 lần trong vòng 2 tháng và đồng nội tệ Rupee mất giá kỷ lục so với đồng USD ngày 31/8. Tiền tệ mất giá khiến giá hàng hoá nhập khẩu tại nước này tăng cao. 

Các nhà phân tích cho rằng tăng trưởng GDP của Ấn Độ như vậy là rất cao trong bối cảnh tăng trưởng toàn cầu đang chững lại do chiến tranh thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc. Dù vậy, giá dầu tăng có thể sẽ hãm đà tăng trưởng của Ấn Độ - một trong những quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới. 

"Triển vọng tăng trưởng 2 quý cuối năm có thể không được lạc quan như vậy", Priyanka Kishore, người đứng đầu mảng nghiên cứu về Ấn Độ tại Oxford Economics, nhận định. "Giá dầu tăng cùng với chiến tranh thương mại toàn cầu leo thang có thể sẽ làm giảm triển vọng tăng trưởng của nước này". 

Ngoài ra, bà Kishore cho rằng các chiến dịch cải cách kinh tế mới có thể sẽ không được đưa ra thêm trong năm nay khi Thủ tướng Narendra Modi chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử vào đầu năm 2019. 

Cải cách thuế năm ngoái của chính quyền ông Modi đã mang lại những kết quả khả quan cho kinh tế Ấn Độ trong dài hạn, nhưng "những trở ngại" trong các cải cách lớn về đất đai và lao động có thể sẽ còn lớn hơn nhiều", bà Kishore nhận định. 

Tin cùng chuyên mục