Theo đoàn thanh tra, có thời điểm Petrolimex không điều chỉnh tăng, giảm giá xăng, dầu theo đúng nghị định về kinh doanh xăng dầu. |
Trong đợt thanh tra (thực hiện từ năm 2014, đến cuối năm 2015 mới kết luận chính thức) này, TTCP đã kết luận nhiều vấn đề trong hoạt động kinh doanh xăng dầu của Petrolimex trong các năm từ 2010 đến 2013. Theo đoàn thanh tra, có thời điểm Petrolimex không điều chỉnh tăng, giảm giá xăng, dầu theo đúng nghị định 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu.
Đáng chú ý nhất, theo thanh tra, tháng 9/2008, Bộ Công thương đã ban hành quyết định số 32/QĐ-BCT bãi bỏ việc phân vùng địa bàn và giá bán lẻ vùng 2 (các địa phương xa cảng quốc tế tiếp nhận xăng dầu, chi phí cao, giá định hướng xăng dầu được tăng thêm tối đa 2% so với giá bán lẻ vùng 1), nhưng Petrolimex lại ban hành quy định tiếp tục phân vùng và thực hiện giá bán lẻ vùng 2 cao hơn tối đa 2% so với giá bán lẻ nhà nước qui định.
“Từ tháng 2/2010 đến 30/6/2013, tính theo mức tăng 2% của sản lượng tiêu thụ thực tế thì doanh thu vùng 2 tăng trên 2.796,8 tỉ đồng. Việc Petrolimex quy định giá bán lẻ cao hơn giá liên bộ điều hành, không có văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước là chưa đúng thẩm quyền, chưa đúng quy định của Pháp lệnh giá”, nguồn tin của Dân trí dẫn thông tin từ kết luận thanh tra cho hay.
Một nội dung đáng chú ý khác, theo TTCP, căn cứ theo giá bán lẻ do liên bộ Tài chính - Công Thương điều hành, công ty mẹ - Tập đoàn Petrolimex sẽ quyết định giá bán nội bộ cho các công ty xăng dầu thành viên. Từ năm 2010 đến 30/6/2013, công ty mẹ Petrolimex đã điều chỉnh tăng giá bán nội bộ làm tăng doanh thu, lợi nhuận số tiền gần 150 tỉ đồng và điều chỉnh giảm giá bán nội bộ làm giảm doanh thu, lợi nhuận số tiền gần 770 tỉ đồng.
“Một số thời điểm, liên bộ điều chỉnh giảm giá xăng, dầu nhưng Công ty mẹ Petrolimex lại điều chỉnh tăng giá bán nội bộ, có thời điểm liên bộ điều chỉnh tăng thì Công ty Petrolimex lại giảm giá nội bộ (với cách biệt vài trăm đồng/lít), không phù hợp với việc điều hành giá bán lẻ của liên bộ và cũng không tuân thủ nguyên tắc, phương pháp xác định giá bán nội bộ trong quy chế kinh doanh xăng dầu của tập đoàn này”, nguồn tin trên cho biết.
Về quản lý hao hụt xăng dầu, theo TTCP, từ năm 2010 đến nay, định mức hao hụt xăng dầu do Petrolimex xây dựng, ban hành đều có xu hướng giảm dần nhưng đáng ngạc nhiên, định mức hao hụt tổng hợp các công đoạn vẫn cao hơn hao hụt thực tế từ 35-48%. Cụ thể, từ năm 2010 đến tháng 6/2013, hao hụt qua kho có giá trị lên tới trên 2.932 tỉ đồng nhưng Công ty mẹ Petrolimex hạch toán vào giá vốn theo qui định tại quy chế kinh doanh xăng dầu mà không hạch toán theo hao hụt thực tế làm phát sinh chênh lệch giữa hao hụt tính theo định mức và hao hụt thực tế khi kiểm kê.
Theo đoàn thanh tra, từ năm 2010 - 6/2013, tổng hợp từ các công ty xăng dầu thành viên của Petrolimex cho thấy số lượng xăng dầu “thừa” theo phương pháp quản lý trên là trên 18,67 triệu lít, tương đương gần 311 tỉ đồng.
“Việc qui định hạch toán hao hụt qua kho theo định mức giá vốn tại công ty mẹ là không hợp lý, dẫn đến phát sinh thu nhập khác cho công ty thành viên, làm tăng chi phí, giảm hiệu quả của công ty mẹ. Đây là vấn đề đang tồn tại trong công tác quản lý hao hụt xăng dầu của Petrolimex”, TTCP nhận định.
Ở một loạt hoạt động quản lý kinh doanh xăng dầu khác, theo như kết luận thanh tra của TTCP, Petrolimex đều bộc lộ những bất thường như: so sánh đơn giá cước vận tải xăng dầu giữa tập đoàn Petrolimex và các đơn vị thành viên của tập đoàn này thì Tập đoàn luôn thuê với giá cao hơn. Việc Tập đoàn này thuê tàu chở xăng dầu định hạn, theo TTCP, tuy đảm bảo sự chủ động trong vận chuyển nhưng đơn giá thuê định hạn cao hơn thuê chuyến, làm tăng chi phí vận chuyển gần 380 tỉ đồng, làm giảm hiệu quả kinh doanh.
Hay chi phí kinh doanh thực tế bình quân hàng năm với các mặt hàng xăng dầu của Petrolimex luôn cao hơn định mức qui định; chi phí thù lao đại lý ở một số công ty xăng dầu với mặt hàng xăng cao hơn giá bán lẻ bình quân cũng là một dấu hỏi về hiệu quả quản lý ở tập đoàn này.
Tuy nhiên, trong cuộc họp gần đây về kết quả cuộc thanh tra trên do lãnh đạo Chính phủ chủ trì, đại diện lãnh đạo các bộ: Tài chính, Công Thương và Petrolimex đã không đồng tình với một số nội dung kết luận về kinh doanh xăng, dầu của Petrolimex.
Ông Trần Ngọc Năm, Phó tổng giám đốc Petrolimex cho biết: “Theo tôi biết thì TTCP có văn bản hỏi Bộ Tài chính, Bộ Công Thương để hỏi về quy định nhưng khi người ta trả lời và dựa trên chính sách của bộ quy định thì ông (TTCP) lại bảo không đúng thì chịu rồi”.
Dẫn chứng việc TTCP cho rằng, Petrolimex thực hiện giá bán lẻ vùng 2 cao hơn tối đa 2% so với giá bán lẻ nhà nước qui định, ông Trần Ngọc Năm cho rằng, TTCP chỉ theo lý thuyết và tự nhân lên để ra con số không thực tế là doanh thu vùng 2 tăng trên 2.796,8 tỉ đồng.
“Điều hành giá xăng dầu của doanh nghiệp phải theo thị trường: có nơi tuy là ở vùng 2 nhưng giá vẫn phải bán theo vùng 1 để đảm bảo cạnh tranh nên có nơi chỉ tăng 100 đồng, có nơi chỉ tăng 50 đồng…như Cà Mau, tuy là vùng 2 nhưng chúng tôi buộc phải bán giá vùng 1 hết, nếu không không bán được. Nhưng TTCP cho rằng, cứ phải tăng tuốt là 200 đồng (một lít)”, ông Năm nói.
“Chính sách là một chuyện nhưng thực tế nó khác thì Thanh tra phải báo cáo Chính phủ nhưng các bộ đều nói thế nhưng Thanh tra cứ bảo không đúng thì còn tranh luận cái gì nên chúng tôi chịu thôi. Cũng như việc TTCP nêu chúng tôi trích quỹ bình ổn giá thiếu thì vấn đề này trước đây kiểm toán phát hiện rồi và DN đã bổ sung nhưng đến nay vẫn cứ nói”, ông Năm nói thêm.
Được biết, tại cuộc họp trên về kết luận thanh tra trên, sau khi nghe ý kiến các bên, lãnh đạo Chính phủ đã đề nghị TTCP chỉnh sửa. Tuy nhiên, đây là một kết luận thanh tra đã được hoàn thành, ký, đóng dấu ban hành nên TTCP sẽ phải có hình thức chỉnh sửa phù hợp. Một thành viên dự họp cho rằng, có thể TTCP sẽ ban hành thêm phụ lục.