Bất động sản khu công nghiệp sáng tương lai

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Với đà tăng trưởng mạnh của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và xu hướng chuyển dịch sản xuất toàn cầu, thị trường bất động sản khu công nghiệp Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp ghi nhận kết quả năm 2024 khả quan và kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới.
Nguồn cung đất khu công nghiệp cho thuê dự kiến cải thiện khi các quy hoạch tỉnh đã hoàn thành, hỗ trợ các nhà phát triển khu công nghiệp mở rộng quỹ đất. Ảnh: Tiên Giang
Nguồn cung đất khu công nghiệp cho thuê dự kiến cải thiện khi các quy hoạch tỉnh đã hoàn thành, hỗ trợ các nhà phát triển khu công nghiệp mở rộng quỹ đất. Ảnh: Tiên Giang

HĐQT Công ty CP Đầu tư xây dựng dầu khí IDICO (IDICO - CONAC) - chủ Khu công nghiệp Mỹ Xuân B1 - CONAC vừa thông qua kết quả kinh doanh năm 2024. Theo đó, Công ty ước doanh thu năm 2024 đạt hơn 640 tỷ đồng, gấp 2,5 lần năm 2023; lãi sau thuế hơn 241 tỷ đồng, gấp 3,6 lần. Công ty dự kiến doanh thu quý I/2025 đạt gần 56 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2024; lãi sau thuế gần 14 tỷ đồng, tăng 41%.

Sau nhiều năm thua lỗ và ghi nhận mức lợi nhuận thấp, năm 2024, Công ty CP Coma 18 đạt mức lợi nhuận ròng kỷ lục 63,4 tỷ đồng nhờ nguồn thu từ cho thuê mặt bằng, hạ tầng cụm công nghiệp, doanh thu phí xử lý nước thải tại Cụm công nghiệp Thanh Oai.

Hiện Công ty đang thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Trong đó, giai đoạn 1 của Dự án có diện tích 87 ha, đã hoàn thành giải phóng mặt bằng và đang thi công xây dựng; giai đoạn 2 có diện tích 78 ha đang được triển khai. Công ty đã lên kế hoạch triển khai bán hàng tại Dự án cho năm 2025 và đặt mục tiêu doanh thu năm 2025 đạt 1.050 tỷ đồng, gấp 11 lần so với năm 2024; lợi nhuận sau thuế đạt 290 tỷ đồng, gấp 4,6 lần.

Chưa công bố kết quả kinh doanh, nhưng theo báo cáo tổng kết năm 2024 của Bộ Xây dựng, lãi trước thuế cả năm 2024 của Tổng công ty Viglacera ước đạt 1.500 tỷ đồng, vượt 35% so với kế hoạch cả năm. So với kết quả thực hiện năm 2023, lợi nhuận của Tổng công ty giảm 6,8%. Trong năm 2025, Tổng công ty đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng trưởng trở lại, đạt 1.743 tỷ đồng.

Theo dự báo của Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS), Công ty CP Đầu tư Sài Gòn VRG có thể đạt gần 1.200 tỷ đồng lợi nhuận ròng trong năm 2024, tăng 18,8% so với năm 2023. Năm 2025, Công ty được kỳ vọng tiếp tục bứt phá với mức lợi nhuận 1.269 tỷ đồng, tăng 6%.

Báo cáo của Công ty CP Chứng khoán MB (MBS) ước tính lợi nhuận ròng năm 2024 của Công ty CP Sonadezi Châu Đức tăng 48%, Tổng công ty IDICO - CTCP tăng 9% so với năm 2023.

Theo thống kê của phóng viên, trong tháng 11/2024, có 10 dự án khu công nghiệp quy mô lớn được chấp thuận, duyệt quy hoạch. Trong đó có Khu công nghiệp Gia Lách mở rộng (quy mô 194 ha, tổng vốn 2.265 tỷ đồng), Khu công nghiệp Hòa Yên (quy mô 257 ha, tổng vốn 3.745 tỷ đồng), Khu công nghiệp Đồng Văn VI (quy mô 250 ha, tổng vốn 2.976 tỷ đồng)… “Cuộc chơi” bất động sản khu công nghiệp đang thu hút nhiều doanh nghiệp ngoài ngành, đón đầu sự phục hồi của thị trường trong thời gian tới.

Về triển vọng doanh nghiệp kinh doanh khu công nghiệp, báo cáo mới đây của Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định, ngành này có nhiều thuận lợi nhờ đà tăng giải ngân vốn FDI khi dư địa dự án chưa giải ngân còn lớn và vốn đăng ký tăng thêm cũng như cấp mới tăng trưởng. Ngoài ra, việc mở rộng đầu tư của các đối tác như Samsung, LG… cũng góp phần vào tăng trưởng FDI. Nhiều nhà đầu tư có nhu cầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng, giảm thiểu rủi ro phụ thuộc vào một nguồn cung trong lĩnh vực điện tử như Pegatron, Foxconn… đã đầu tư tại miền Bắc.

Công ty CP Chứng khoán Vietcap nhận định, sức hút vốn FDI trong dài hạn của Việt Nam vẫn tốt, được củng cố bởi xu hướng chuyển dịch sang Việt Nam của các đơn vị sản xuất toàn cầu; chi phí lao động cạnh tranh; tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do và đà chuyển đổi sang sản xuất tiên tiến thông qua chuyển giao công nghệ và nâng cao kỹ năng, đặc biệt trong các ngành như chất bán dẫn. Đây là yếu tố tích cực đối với các khu công nghiệp trong nước. Bên cạnh đó, nguồn cung đất cho thuê dự kiến cải thiện khi các quy hoạch tỉnh đã hoàn thành, quy trình chuyển đổi đất cao su sang đất công nghiệp được đẩy nhanh, hỗ trợ các nhà phát triển khu công nghiệp mở rộng quỹ đất và tăng tốc độ hồi phục doanh số cho thuê đất khu công nghiệp vào năm 2025.

Ngoài các mặt thuận lợi, MBS cho biết, rủi ro chính đối với các khu công nghiệp trong nước là chính sách thuế tối thiểu toàn cầu làm giảm hiệu quả chính sách ưu đãi thuế và nguy cơ thiếu điện vào giờ cao điểm. Bên cạnh đó, Ấn Độ và Indonesia - hai đối thủ cạnh tranh với Việt Nam trong thu hút vốn FDI - đang đầu tư mạnh vào hạ tầng và ban hành nhiều chính sách mới để khuyến khích đầu tư vào các ngành công nghiệp đem lại giá trị cao.

Tin cùng chuyên mục