Bất động sản nhà ở thương mại khởi sắc trở lại

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Xây dựng cho biết, số lượng các dự án phát triển nhà ở, dự án bất động sản được cấp phép, đang triển khai, đã hoàn thành và đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai trong quý III/2023 trên cả nước đã khởi sắc trở lại.
Trong quý vừa qua, nguồn cung bất động sản đối với dự án phát triển nhà ở thương mại cả nước có sự tăng trưởng rõ rệt. Ảnh: Bảo Tín
Trong quý vừa qua, nguồn cung bất động sản đối với dự án phát triển nhà ở thương mại cả nước có sự tăng trưởng rõ rệt. Ảnh: Bảo Tín

Tăng trưởng rõ rệt

Theo Bộ Xây dựng, trong quý vừa qua, nguồn cung bất động sản đối với dự án phát triển nhà ở thương mại cả nước có sự tăng trưởng rõ rệt. Cụ thể, đã hoàn thành 21 dự án với 7.633 căn, tức số lượng dự án hoàn thành tăng 300% so với quý II năm nay. Trong đó, miền Bắc có 6 dự án với 1.843 căn; miền Trung có 3 dự án với 195 căn; miền Nam có 12 dự án với 5.595 căn.

Đặc biệt, cũng trong quãng thời gian trên, có 863 dự án với 442.453 căn đang triển khai xây dựng. Một tín hiệu khả quan là số lượng căn hộ của các dự án đang triển khai xây dựng tăng 106,99% so với quý II/2023. Dẫn chứng là, tại miền Bắc có 366 dự án với 282.452 căn, tại miền Trung có 377 dự án với 90.856 căn, tại miền Nam có 120 dự án với 69.346 căn.

Ngoài ra, trong quý vừa qua, cả nước có 15 dự án được cấp phép mới, với 3.028 căn. Số lượng dự án được cấp phép mới bằng so với quý II/2023; tại miền Bắc có 4 dự án, tại miền Trung có 7 dự án, tại miền Nam có 4 dự án.

Đặc biệt, có 47 dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai, với 8.208 căn. Đáng lưu ý, số lượng căn hộ tại các dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai tăng 132,28% so với quý II/2023.

Điểm qua một vài số liệu cụ thể để thấy, sở dĩ có được sự phục hồi này, theo Bộ Xây dựng, là nhờ một số chính sách mới và các văn bản chỉ đạo điều hành đã có tác động tích cực đến thị trường bất động sản thời gian qua.

“Trong quý III/2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tiếp tục chỉ đạo, quyết liệt đối với các Bộ, ngành, địa phương nhằm cụ thể hóa các biện pháp giải quyết, tháo gỡ khó khăn chung cho doanh nghiệp, trong đó có liên quan trực tiếp đến thị trường bất động sản”, báo cáo của Bộ Xây dựng nhấn mạnh.

Minh chứng là Nghị định số 58/2023/NĐ-CP ngày 12/8/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 7/5/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quy hoạch.

Tiếp đó là Nghị quyết số 97/NQ-CP ngày 8/7/2023 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2023 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, theo đó giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan: "Thực hiện nghiêm Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững...".

Tương tự, ngày 23/8/2023 Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam ban hành Thông tư số 10/2023/TT-NHNN về ngưng hiệu lực thi hành một số nội dung của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc NHNN Việt Nam quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng (đã được bổ sung tại Thông tư số 06/2023/TT-NHNN ngày 28/6/2023 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam).

Nhất là ngày 10/8/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị cùng các Phó Thủ tướng, các Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trên cả nước đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ về đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản.

Xuất hiện những tín hiệu tích cực

Theo kết quả khảo sát về mức độ tác động của các cơ chế, chính sách của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản bắt đầu xuất hiện những tín hiệu tích cực. Nhiều doanh nghiệp đã thành công trong việc tái cơ cấu nợ, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, và bắt đầu triển khai các dự án mới đã được tháo gỡ về pháp lý và nguồn vốn.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như việc gặp khó khăn về giao dịch, tiếp đến là khó khăn về pháp lý đất đai và vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng áp lực thanh toán nợ trái phiếu đến hạn...

Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương tiếp tục, tập trung rà soát, lập danh mục các dự án bất động sản có khó khăn, vướng mắc. Nếu có khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền thì báo cáo, đề xuất rõ giải pháp lên cấp có thẩm quyền để giải quyết.

Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương tiếp tục, tập trung rà soát, lập danh mục các dự án bất động sản có khó khăn, vướng mắc. Nếu có khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền thì báo cáo, đề xuất rõ giải pháp lên cấp có thẩm quyền để giải quyết.

Vì vậy, Bộ Xây dựng đề nghị các Bộ, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục tập trung thực hiện một số nội dung cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Trong đó, Bộ Xây dựng chủ động phối hợp với các Ủy ban của Quốc hội và các Bộ, ngành, cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật, nhất là với Luật Đất đai (sửa đổi).

NHNN Việt Nam tiếp tục rà soát và thúc đẩy việc cho vay tín dụng đối với các doanh nghiệp bất động sản; chỉ đạo các ngân hàng thương mại có giải pháp phù hợp, hiệu quả để doanh nghiệp, dự án bất động sản và người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn tín dụng thuận lợi hơn, vừa tạo thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp, vừa kiểm soát được rủi ro, góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, nhất là xem xét rất cụ thể để cho vay với các dự án bất động sản đang dở dang, sắp hoàn thành.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng đề nghị các địa phương tiếp tục, tập trung rà soát, lập danh mục các dự án bất động sản có khó khăn, vướng mắc; đánh giá cụ thể, lý do, nguyên nhân khó khăn, vướng mắc; trên cơ sở đó, khẩn trương chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc về pháp lý, thủ tục đầu tư xây dựng thuộc thẩm quyền. Nếu có khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền thì báo cáo, đề xuất rõ giải pháp lên cấp có thẩm quyền để giải quyết.

Tin cùng chuyên mục