Ảnh Internet |
“Ông lớn” áp đảo toàn ngành
Thị trường thép xây dựng hiện có nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất nhưng thị phần tập trung vào khoảng 6 DN quy mô lớn, trong đó dẫn đầu là Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (Hòa Phát). Theo báo cáo của Hiệp hội Thép 7 tháng đầu năm 2017, đối với thép xây dựng, Hòa Phát chiếm 23,8% thị phần, bỏ xa các “ông lớn” khác như Công ty CP Thép Pomina (Pomina) chiếm 10,92%; Posco chiếm 9,22%; Công ty TNHH Thép Vina Kyoei (Vinakyoei) chiếm 8,91%.
Trên thị trường ống thép, Hòa Phát đang dẫn đầu thị phần với 26,44%; Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen (Hoa Sen) đứng thứ hai với 17,25%; Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Minh Ngọc chiếm 10,02%; Công ty CP Ống thép Việt Đức chiếm 6,95%.
Hiện Hòa Phát cũng là DN ngành thép có doanh thu và lợi nhuận đáng nể khi 6 tháng đầu năm 2017 đạt doanh thu 21.000 tỷ đồng và lợi nhuận 3.470 tỷ đồng.
Đối với sản phẩm tôn mạ, các DN nằm trong nhóm đầu ngành cũng đang có mức tăng trưởng tốt. Năm 2016, Tôn Đông Á có mức doanh thu 5.987 tỷ đồng, lợi nhuận 400 tỷ đồng; Tôn Phương Nam là 4.100 tỷ đồng và 360 tỷ đồng; Thép Nam Kim là 8.492 tỷ và 518 tỷ đồng.
Công ty CP Thép Việt Ý sau khi về tay Thái Hưng cũng đạt mức doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh. 6 tháng đầu năm 2017, DN này đạt doanh thu gần 3.000 tỷ đồng và lợi nhuận xấp xỉ 40 tỷ đồng.
Lợi nhuận chưa hẳn là thước đo “sức khỏe”
Đơn cử như Tisco, doanh thu năm 2016 đạt 8.578 tỷ đồng và lợi nhuận đạt 205,8 tỷ đồng. Với mức lợi nhuận này, Tisco đã lần đầu tiên có lãi sau 4 năm lỗ triền miên. Thế nhưng, Tisco sẽ xoay xở như thế nào khi Dự án Đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 có tổng mức đầu tư sau khi điều chỉnh lên tới 9.031 tỷ đồng, tăng gần 1.000 tỷ đồng so với kế hoạch trước đó. Đến cuối năm 2016, khoản tiền đã rót vào Dự án là trên 4.635 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay là 1.435 tỷ đồng. Dù được “bơm” 1.000 tỷ đồng từ SCIC và số tiền này được gửi tại ngân hàng Vietcombank với lãi suất 5 - 5,5%/năm (là khoản hỗ trợ để trả lãi), nhưng với khoản nợ khổng lồ tại Dự án thì số tiền này cũng chỉ như “muối bỏ bể”. Tình hình càng khó khăn hơn khi vào tháng 4/2017 SCIC đã rút vốn. “Sức khỏe” tài chính của Tisco vì thế cũng bị ảnh hưởng.
Không riêng Tisco, trả nợ đầu tư và lãi vay khiến Tôn Hoa Sen đang mất dần lợi thế. Lợi nhuận trong quý II/2017 của Hoa Sen sụt giảm đến 40%, chỉ còn 217 tỷ đồng vì phải trả lãi vay lên đến 136 tỷ đồng. Tuy nhiên, báo cáo tài chính của Hoa Sen cho thấy sự mất cân đối tài chính trong cơ cấu nợ. Theo đó, từ 1/10/2016 đến 30/6/2017, tổng nợ phải trả của Hoa Sen đã tăng từ 8.180 tỷ đồng lên mức 12.450 tỷ đồng, trong đó có tới 8.068 tỷ đồng là nợ vay và thuê tài chính ngắn hạn. Thêm vào đó, giá trị các khoản vay ngắn hạn của DN này cũng tăng gần gấp đôi so với thời điểm đầu năm, từ 3.954 tỷ đồng lên 7.745 tỷ đồng.
Tại phiên họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2017 của Hoa Sen, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT của Hoa Sen cho biết, DN này đang làm việc với tỉnh Ninh Thuận, trước tiên là làm cảng, khu công nghiệp, sau đó mới đến Dự án Thép Cà Ná có tổng mức đầu tư 10,6 tỷ USD. Như vậy, các khoản vay và thuê tài chính ngắn hạn của Hoa Sen chỉ có thể tập trung cho các dự án dài hạn. Quy trình đầu tư “ngược” này khiến Hoa Sen yếu dần. Nhiều khả năng Dự án Thép Cà Ná sẽ khó ra đời như tính toán của Hoa Sen, trong khi đó với dự án này, DN đã phải bỏ ra những chi phí ban đầu.
Mỗi DN ngành thép là một câu chuyện riêng về “sức khỏe” tài chính và hiệu quả kinh doanh. Tuy nhiên, với đà hồi phục của nền kinh tế, các DN ngành thép đều đang được hưởng lợi. Theo đánh giá của Công ty CP Chứng khoán Kis Việt Nam, mặc dù trải qua giai đoạn khủng hoảng 2008 - 2013, doanh thu các DN thép vẫn tăng trưởng liên tục lên mức 104 nghìn tỷ đồng năm 2016, gấp 3,7 lần so với năm 2008. Trong khi đó, lợi nhuận ròng có giai đoạn bị sụt giảm (năm 2012) do thị trường bất động sản đóng băng, giá bán cũng bị giảm. Tuy nhiên, cùng với sự ấm lên của thị trường bất động sản, tỷ suất sinh lời của DN thép đã trở lại mức đỉnh cao năm 2008, với biên lãi ròng đạt 10% và ROE đạt 33% trong năm 2016. Việt Nam đang là một điểm sáng, đi ngược với diễn biến ngành thép thế giới nói chung.