Bật mở tiềm năng khu vực kinh tế tư nhân

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chính phủ quyết liệt thực hiện các giải pháp để tiếp tục khơi thông nguồn lực, tạo bệ phóng cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển bứt phá. Việc bật mở tiềm năng của khu vực kinh tế tư nhân trong nước - được xem như “chiếc lò xo đang bị nén” - sẽ tạo ra động lực đạt tăng trưởng GDP trên 8% năm 2025, đồng thời củng cố nội lực của nền kinh tế, giúp tăng trưởng cao bền vững 2 con số trong giai đoạn tới.
Kinh tế tư nhân được xác định là một trong những động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Ảnh: Lê Tiên
Kinh tế tư nhân được xác định là một trong những động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Ảnh: Lê Tiên

Giảm thủ tục, chi phí cho khối DN tư nhân

Tại Chỉ thị số 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 1/3/2025 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng GDP của cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành Nghị quyết về các cơ chế, chính sách phát triển đột phá khu vực kinh tế tư nhân. Chỉ thị nêu rõ, xây dựng lộ trình báo cáo các cấp (Chính phủ trong tháng 3, Trung ương trong tháng 4 và Quốc hội trong tháng 5 năm 2025).

Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính rà soát tổng thể về điều kiện đầu tư kinh doanh, điều kiện hành nghề, thủ tục hành chính và chi phí tuân thủ của doanh nghiệp (DN); rà soát, bổ sung và triển khai quyết liệt Nghị quyết số 02/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, bảo đảm rõ mục tiêu, rõ người, rõ việc, rõ thời gian và rõ kết quả.

Đồng thời, các bộ, cơ quan, địa phương tập trung rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính để giảm phiền hà, tiết kiệm chi phí cho người dân, DN; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo mọi điều kiện giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư, khuyến khích đầu tư của mọi thành phần kinh tế. Phấn đấu trong năm 2025 giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính; giảm ít nhất 30% chi phí kinh doanh; bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết…

Trước đó, qua các hội nghị tổ chức trong tháng 2, Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao vai trò của đội ngũ doanh nhân và cộng đồng DN, đồng thời lắng nghe ý kiến, đề xuất từ khu vực DN tư nhân trong nước, gồm đại diện những DN lớn, DN nhỏ và vừa (DNNVV).

Nhiều DN thể hiện khát vọng cống hiến, nỗ lực vượt qua khó khăn, ghi dấu ấn DN dân tộc, vươn ra biển lớn… góp phần hiện thực hóa mục tiêu chung của đất nước. Tuy nhiên, để khai phóng tiềm năng khu vực kinh tế tư nhân, các DN cho rằng, cần có thêm những giải pháp tháo gỡ nhanh điểm nghẽn, rào cản, tạo ra cơ hội cho DN phát triển bứt phá.

Khối doanh nghiệp tư nhân trong nước đóng góp 28% GDP, cao hơn tất cả các khu vực kinh tế khác. Ảnh: Lê Tiên

Khối doanh nghiệp tư nhân trong nước đóng góp 28% GDP, cao hơn tất cả các khu vực kinh tế khác. Ảnh: Lê Tiên

Sẽ có giải pháp đáp ứng nhiều kiến nghị của DN

Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam Nguyễn Văn Thân cho biết, khu vực kinh tế tư nhân đang vươn lên mạnh mẽ, đóng góp khoảng 50% GDP, 56% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tạo ra hơn 82% số việc làm. Trong đó, khối DN tư nhân trong nước chiếm tỷ trọng 28% GDP, cao hơn tất cả các khu vực kinh tế khác, bao gồm cả khối DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Điều này chứng tỏ các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, phát luật của Nhà nước đối với khu vực này đã phát huy hiệu quả. Ông Thân khẳng định, với khả năng đóng góp của kinh tế tư nhân, nếu khu vực này tăng trưởng bền vững ở mức 2 con số thì mục tiêu tăng trưởng trên 8% vào năm 2025 và 2 con số vào năm 2026 - 2030 chắc chắn thành công.

Chủ tịch Hiệp hội DNNVV đề xuất một số giải pháp kích hoạt khu vực kinh tế tư nhân, trong đó, Chính phủ sớm trình Quốc hội sửa đổi Luật Thuế thu nhập DN, quy định giảm thuế cho toàn bộ khối DNNVV; khuyến khích hệ thống các tổ chức tín dụng đẩy mạnh hình thức cho vay thế chấp dựa trên tài sản hình thành trong tương lai; tiếp tục chỉ đạo cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…

Từ câu chuyện của DN mình khi đang cung cấp sản phẩm và dịch vụ cho hơn 70 DN FDI trong ngành điện tử, ông Đặng Đình Chính, Chủ tịch HĐQT Công ty CP SMP Holdings cho rằng, DN Việt hoàn toàn có thể đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng khắt khe của các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, có thể tham gia vào thị trường tỷ USD, thậm chí, có thể làm nhanh hơn, rẻ hơn và tốt hơn.

Để hiện thực hóa điều này, theo ông Chính, cần sự kết hợp chặt chẽ giữa Chính phủ và DN. Về phía DN, ngoài việc chuẩn bị các yếu tố về đất đai, nhà xưởng, máy móc thì phải coi quản trị là một loại công nghệ và dành nguồn lực đầu tư một cách tương xứng. Về phía Chính phủ, đề xuất đàm phán với các tập đoàn FDI tạo điều kiện cho DN Việt Nam trở thành nhà cung cấp, sản xuất, lắp ráp linh kiện, giao cho các hiệp hội lựa chọn đơn vị đáp ứng đủ tiêu chuẩn để được nhận “đề bài” trực tiếp từ các tập đoàn FDI; có chính sách ưu đãi lãi suất cho các DNNVV, hoặc thậm chí Nhà nước góp vốn cùng trong giai đoạn đầu và thoái vốn theo tiến độ để có nhiều hơn các DN Việt Nam đáp ứng yêu cầu về năng lực sản xuất cho các DN FDI.

Cũng có niềm tin chắc chắn về năng lực, khả năng phát triển của DN trong nước, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả đề xuất, Chính phủ cần tạo niềm tin để DN kiên định đồng hành cùng đất nước. Cần giải quyết các bất cập từ thể chế chính sách đã tồn tại nhiều năm, xử lý triệt để đối với các dự án đình trệ, gây lãng phí. Chính phủ xác định giá trị mà DN tư nhân đóng góp cho đất nước thông qua các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), chọn lọc các DN làm tốt, tạo điều kiện trở thành con chim đầu đàn của ngành để dìu dắt các DN khác cùng phát triển.

Ông Hồ Minh Hoàng cũng mong muốn Chính phủ tạo điều kiện để DN tư nhân xây dựng văn hóa trở thành "DN dân tộc"; đồng hành để DN tư nhân trong nước hòa nhập quốc tế; tạo điều kiện để DN trong nước học tập mô hình từ các quốc gia tiên tiến nhằm nâng cao năng lực thiết kế, thi công, quản lý và vận hành dự án.

Tại các hội nghị, Thủ tướng đã khẳng định với cộng đồng DN: Chính phủ cam kết sẽ rà soát, xây dựng thể chế thông thoáng, cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, xóa bỏ cơ chế xin - cho, giảm thủ tục hành chính, giảm thời gian, chi phí tuân thủ cho người dân và DN… Những quyết sách cụ thể sẽ có trong Nghị quyết về các cơ chế, chính sách phát triển đột phá khu vực kinh tế tư nhân mà người đứng đầu Chính phủ giao Bộ Tài chính xây dựng, báo cáo Quốc hội trong tháng 5 này, với tinh thần “xác định quan điểm kinh tế tư nhân phải là một trong những động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế”.

Tin cùng chuyên mục