Bất thường giá trúng khai thác cát tại An Giang: Trúng đấu giá vì mục đích khác?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang đang gây “sốc” dư luận khi công bố kết quả trúng đấu giá 2 mỏ cát làm vật liệu xây dựng thông thường trên sông Tiền và sông Hậu. Một trong 2 mỏ cát có giá trúng đấu giá cao gấp 390 lần giá khởi điểm.
Khu mỏ cát trên sông Tiền có diện tích 60,3 ha, trữ lượng ước tính 2.372.500 m3. Ảnh: Lê Tiên
Khu mỏ cát trên sông Tiền có diện tích 60,3 ha, trữ lượng ước tính 2.372.500 m3. Ảnh: Lê Tiên

Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh An Giang phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang vừa tổ chức bán đấu giá quyền khai thác khoáng sản mỏ cát sông làm vật liệu xây dựng thông thường, bao gồm khu mỏ cát trên sông Hậu thuộc xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú và xã Phú Hiệp, huyện Phú Tân; khu mỏ cát trên sông Tiền thuộc xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới.

Mỏ khoáng sản trên sông Hậu có diện tích 58,3 ha, trữ lượng ước tính là 1.449.000 m3. Giá khởi điểm đối với khu vực chưa thăm dò được xác định bằng mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (R), được tính bằng tỷ lệ phần trăm (%). Mức thu khởi điểm của khu mỏ này là R = 5%. Giá khởi điểm ước tính là 4,401 tỷ đồng.

Công ty TNHH Phúc Thành Tân Châu (ấp Vĩnh An, xã Vĩnh Hòa, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) trúng đấu giá với mức giá R = 310%, cao gấp 16 lần giá khởi điểm. Giá trúng đấu giá ước tính theo khối lượng mời đấu giá 1.449.000 m3 là 272,882 tỷ đồng.

Khu mỏ cát trên sông Tiền có diện tích 60,3 ha, trữ lượng ước tính 2.372.500 m3. Mức thu khởi điểm của khu mỏ là R = 5%. Giá khởi điểm ước tính là 7,206 tỷ đồng.

Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ T-S.HOME (khu dân cư ven sông, phường Tân Phong, Quận 7, TP.HCM) trúng đấu giá với mức giá R = 1.951%. Giá trúng đấu giá tạm tính là 2.811,964 tỷ đồng. Mức giá trúng đấu giá này được coi là kỷ lục khi cao gấp 390 lần giá khởi điểm.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, một cán bộ thuộc Cục Kinh tế Địa chất và Khoáng sản thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, đây là mức giá trúng đấu giá bất thường, khó hiểu. Theo cán bộ này, mức giá khởi điểm quyền khai thác khoáng sản được xác định theo Nghị định 158/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Đối với cát, sỏi lòng sông thì mức giá khởi điểm được tính theo mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là R = 5%. 5% này là tỷ lệ phần trăm giá trị (doanh thu mỏ) khoáng sản được phép khai thác.

Vị cán bộ này băn khoăn, thông thường, các doanh nghiệp bỏ giá cao tối đa khoảng gấp 3 - 5 lần giá khởi điểm (tức khoảng 15 - 25% doanh thu khai thác mỏ khoáng sản) thì mới khai thác có lãi. Với việc bỏ giá đấu giá cao hơn 390 lần giá khởi điểm thì chưa rõ doanh nghiệp khai thác và có lãi như thế nào từ mỏ khoáng sản này, hay doanh nghiệp muốn trúng đấu giá vì mục đích khác?

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang, doanh nghiệp trúng đấu giá phải nộp tiền trúng đấu giá năm đầu, sau đó mới được cấp phép khai thác khoáng sản. Như vậy, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ T-S.HOME sẽ phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính, nộp số tiền là 140,55 tỷ đồng; Công ty TNHH Phúc Thành Tân Châu sẽ phải nộp số tiền 50 tỷ đồng, trước khi được cấp phép khai thác khoáng sản.

Ông Bùi Văn On, Phó Giám đốc Công ty TNHH Phúc Thành Tân Châu cho biết, Doanh nghiệp đấu giá với giá nêu trên để tạo công ăn việc làm cho công nhân vì hiện tại Doanh nghiệp có hơn 10 xáng cạp (tàu cẩu xúc) nhưng không có việc làm. Theo đánh giá của ông On, mức giá trúng đấu giá của doanh nghiệp này vẫn có lãi, do Phúc Thành Tân Châu có đầy đủ vốn, phương tiện và nhân công khai thác, không phải đi thuê, đi vay nên hiệu quả khai thác mỏ cát sẽ tốt hơn.

Tại cuộc đấu giá mỏ cát trên sông Tiền, ông On cho biết, doanh nghiệp của ông cũng tham gia nhưng theo đến vòng bỏ giá thứ 30 (1.400 tỷ đồng) thì bỏ cuộc vì thấy giá đã lên tới mức không tưởng, không thể có lãi. Có 19 doanh nghiệp tham gia đấu giá, có những doanh nghiệp bỏ bước giá hàng chục % nên giá liên tục “leo thang”, khoảng 40 vòng trả giá thì xác định được giá trúng đấu giá.

Theo ông On, giá đấu giá (xác định bằng mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản) chỉ là chi phí để doanh nghiệp được cấp phép đưa các phương tiện tới khu vực mỏ khai thác cát. Trong quá trình khai thác, doanh nghiệp sẽ phải nộp thêm các chi phí như: thuế tài nguyên 15% giá trị cát; thuế giá trị gia tăng 10% giá trị cát; phí bảo vệ môi trường 4.000 đồng/m3. Với rất nhiều chi phí như vậy, nếu chi quá nhiều cho mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, doanh nghiệp sẽ không thể có lãi.

Tin cùng chuyên mục