Bầu cử Mỹ: CPD thay đổi quy định tranh luận nhằm đảm bảo trật tự

0:00 / 0:00
0:00
Việc siết chặt các quy định tranh luận được đưa ra sau khi màn đối đầu trực tiếp đầu tiên giữa hai ứng cử viên tổng thống Donald Trump và Joe Biden bị đánh giá là "mất kiểm soát" và "hỗn loạn."
Cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) tại vòng tranh luận trực tiếp đầu tiên ở thành phố Cleveland, bang Ohio ngày 30/9/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) tại vòng tranh luận trực tiếp đầu tiên ở thành phố Cleveland, bang Ohio ngày 30/9/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Sau cuộc "so găng nảy lửa" đầu tiên giữa hai ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa và Dân chủ, ngày 30/9, Ủy ban Tranh luận tổng thống (CPD) thông báo sẽ có một số thay đổi trong các quy định tranh luận nhằm bảo đảm các cuộc tranh luận trực tiếp sắp tới sẽ diễn ra "trật tự hơn".

CPD là một tổ chức phi đảng phái, chuyên tổ chức các vòng tranh luận trong khuôn khổ bầu cử Tổng thống Mỹ kể từ năm 1988.

Tuyên bố của ủy ban trên nêu rõ cuộc tranh luận vào tối 29/9 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump của đảng Cộng hòa và ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden đã cho thấy sự cần thiết phải bổ sung các quy định mới đối với thể thức tranh luận hiện hành nhằm đảm bảo việc tranh luận về các chủ đề diễn ra một cách có trật tự.

Ủy ban này cho hay sẽ sớm công bố các biện pháp mới "nhằm đảm bảo rằng các công cụ bổ sung có thể giúp duy trì trật tự cho các cuộc tranh luận còn lại."

Việc siết chặt các quy định tranh luận được đưa ra sau khi màn đối đầu trực tiếp đầu tiên giữa hai ứng cử viên tổng thống tại hội trường của Đại học Notre Dame, thành phố Cleveland, bang Ohio, bị đánh giá là "mất kiểm soát" và "hỗn loạn."

Trong suốt 90 phút tranh luận, hai chính khách liên tục tranh cãi gay gắt và cắt ngang lời nhau để giành diễn đàn, khiến người điều phối Chris Wallace khá vất vả kiểm soát cuộc tranh luận.

Bản thân ông Wallace cũng thừa nhận rằng ông đã không lường trước được tình huống này.

Trong khi đó, cùng ngày, Tổng thống Trump và những người ủng hộ đã lên tiếng cáo buộc người điều phối Wallace đóng vai trò là người tranh luận thứ hai khi thiên vị cựu Phó Tổng thống Biden.

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, trên chương trình của MSNBC, cố vấn Thương mại Nhà Trắng Peter Navarro chỉ trích cách điều hành cuộc thảo luận của ông Wallace, cho rằng người dẫn chương trình của Fox News đứng về phía ông Biden trong suốt cuộc tranh luận.

Trong khi đó, ông Charlie Kirk - người sáng lập Talking Points USA - nói thêm rằng trong cuộc tranh luận lần này, ông Wallace đã ngắt lời Tổng thống Trump 76 lần trong khi ông Trump chỉ ngắt lời đối thủ của mình tổng cộng 15 lần.

Thống kê của hãng dữ liệu Nielsen cho thấy ước tính đã có 73,1 triệu lượt khán giả theo dõi màn đối đầu giữa hai ứng cử viên tổng thống trên truyền hình.

Cuộc tranh luận ngày 29/9 giữa đương kim Tổng thống Trump và ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Biden mở màn cho ba cuộc tranh luận sẽ diễn ra trong giai đoạn nước rút của cuộc đua vào Nhà Trắng 2020 sắp tới.

Theo tiến trình bầu cử, hai chính khách này sẽ tham gia thêm hai cuộc tranh luận trực tiếp, lần lượt diễn ra ở Miami, bang Florida vào ngày 15/10 và ở Nashville, bang Tennessee vào ngày 22/10 trước khi diễn ra ngày bầu cử chính thức 3/11.

Trong khi đó, cuộc tranh luận duy nhất giữa Phó Tổng thống đảng Cộng hòa Mike Pence và ứng cử viên Phó Tổng thống của đảng Dân chủ Kamala Harris dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 7/10 tới tại Đại học Utah ở thành phố Salt Lake.

Liên quan tới nỗ lực góp sức vào cuộc tuyển cử Mỹ, cùng ngày, Facebook thông báo cấm các quảng cáo có nội dung cho rằng có sự gian lận trong cuộc bầu cử hay kết quả bầu cử không hợp lệ hay chỉ trích các phương thức bỏ phiếu trên các trang web quan trọng và nền tảng chia sẻ ảnh và video Instagram của mạng xã hội này.

Trước đó một ngày, TikTok đã công bố hướng dẫn về bầu cử Mỹ nhằm giúp người dùng tiếp nhận các thông tin chuẩn xác và đáng tin cậy về sự kiện chính trị quan trọng sẽ diễn ra vào tháng 11 này.

Đây được xem là một phần trong nỗ lực của TikTok nhằm đối phó với các thông tin sai lệch trên ứng dụng chia sẻ video ngắn của Trung Quốc này./.

Tin cùng chuyên mục