Bị nghi đã vỡ nợ, Country Garden sẽ đi đến kết cục nào?

0:00 / 0:00
0:00
Một số chuyên gia lo ngại rằng một vụ vỡ nợ ở Country Garden có thể dẫn tới ảnh hưởng tồi tệ hơn so với vụ vỡ nợ của Evergrande hồi năm 2021...
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Công ty phát triển địa ốc khổng lồ của Trung Quốc Country Garden Holdings phát tín hiệu chuẩn bị có cuộc vỡ nợ đầu tiên, khi quá thời gian ân hạn của một khoản tiền lãi trái phiếu USD mà công ty vẫn chưa thực hiện được việc thanh toán. Đây được xem là một diễn biến xấu đi nữa của cuộc khủng hoảng bất động sản trầm trọng đang diễn ra ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

“Công ty dự kiến sẽ không thể thực hiện được tất cả các nghĩa vụ thanh toán nợ quốc tế đúng hạn, do sự điều chỉnh sâu trên thị trường bất động sản Trung Quốc và doanh số bán nhà của công ty giảm sút”, Country Garden cho biết trong một tuyên bố gửi hãng tin Bloomberg, phản hồi câu hỏi về kế hoạch trả 15,4 triệu USD tiền lãi đáo hạn. Một chủ nợ nắm giữ trái phiếu có tiền lãi đáo hạn cho biết chưa nhận được tiền.

MẬP MỜ TÌNH TRẠNG CỦA COUNTRY GARDEN

Với tổng nghĩa vụ nợ 186 tỷ USD, Country Garden là một trong những doanh nghiệp bất động sản nợ nhiều nhất thế giới. Công ty này phải trả khoản tiền lãi trái phiếu 15,4 triệu USD trước khi hết kỳ ân hạn 30 ngày kết thúc vào ngày 17-18/10 để tránh bị coi là vỡ nợ.

Cùng với một công ty bất động sản hàng đầu khác của Trung Quốc là China Evergrande Group, Country Garden đã trở thành biểu tượng của sự gục ngã vì nợ nần trong ngành công nghiệp địa ốc Trung Quốc - lĩnh vực chiếm gần 1/4 nền kinh tế nước này. Nếu Country Garden vỡ nợ số tiền lãi nói trên, tình trạng vỡ nợ chéo sẽ xảy ra đối với khoảng 10 tỷ USD nợ trái phiếu mà công ty phát hành bằng đồng đôla Mỹ - theo một báo cáo của ngân hàng JPMorgan Chase.

“Một vụ vỡ nợ sẽ gây thêm tổn thất về niềm tin và gia tăng rào cản đối với bất kỳ kế hoạch tái cơ cấu nợ nào của Country Garden trong tương lai”, chiến lược gia cấp cao Ting Meng của ngân hàng ANZ nhận định về việc Country Garden không thanh toán được số tiền lãi đã hết thời gian ân hạn.

Cuộc khủng hoảng bất động sản của Trung Quốc đang bước sang năm thứ tư, và các nhà quản lý quỹ nước ngoài nói rằng tình trạng thiếu công bố thông tin và giao tiếp thiếu rõ ràng của doanh nghiệp địa ốc nước này sẽ khiến họ ngại đầu tư vào trái phiếu của các nhà phát hành từ Trung Quốc đại lục trong dài hạn hơn.

Một ví dụ rõ ràng cho mối lo này của các quỹ đầu tư là thời điểm chính thức kết thúc kỳ ân hạn cho khoản tiền lãi 15,4 triệu USD mà Country Garden phải trả thậm chí cũng không rõ ràng là vào ngày 17 hay 18/10. Country Garden hoàn toàn không làm rõ về vấn đề này. Không ai dám chắc thời kỳ ân hạn bắt đầu vào ngày đáo hạn 17/9 - rơi vào ngày Chủ nhật - hay bắt đầu từ ngày 18/9, là ngày làm việc kế tiếp.

Country Garden từng là công ty phát triển nhà có doanh số lớn nhất ở Trung Quốc trong suốt nhiều năm trước khi rớt xuống vị trí thứ 7 trong năm nay. Người đứng đầu công ty này là bà Dương Huệ Nghiên, một trong những nữ tỷ phú giàu nhất Trung Quốc và là con gái của nhà sáng lập công ty, ông Dương Quốc Cường. Quy mô khổng lồ của Country Garden, công ty có hơn 3.000 dự án nhà ở nằm chủ yếu tại các đô thị nhỏ và gần 60.000 nhân viên chính thức, khiến doanh nghiệp này có tầm quan trọng đối với nền kinh tế Trung Quốc, nhất là vào thời điểm các nhà hoạch định chính sách đang nỗ lực vực dậy tăng trưởng.

Số liệu thống kê công bố ngày 18/10 cho thấy kinh tế Trung Quốc đạt mức tăng trưởng tốt hơn dự báo trong quý 2, nhưng thị trường bất động sản vẫn là một mảng tối rõ rệt trong bức tranh chung, với đầu tư bất động sản giảm 9,1% trong 9 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái. Một chỉ số của Bloomberg đo giá cổ phiếu của các doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc giảm 2,5% trong phiên ngày 18/10, xuống mức thấp nhất 14 năm.

TÁI CƠ CẤU NỢ HOẶC GIẢI THỂ

Trung Quốc đã có hàng thập kỷ dựa vào bất động sản như một đầu tàu tăng trưởng. Sau đó, khi bất động sản phát triển quá nóng, kéo theo tình trạng vay nợ thái quá của doanh nghiệp địa ốc và nạn đầu cơ nhà ở, nước này bắt đầu siết chặt kiểm soát vào năm 2020. Đây được xem là một sự điều chỉnh cần thiết để nền kinh tế dịch chuyển theo hướng lấy tiêu dùng làm trọng tâm. Nhưng giờ đây, cuộc khủng hoảng bất động sản - một tác dụng phụ của sự dịch chuyển kinh tế - đang đe doạ nỗ lực phục hồi tăng trưởng kinh tế, khiến Bắc Kinh phải nới bớt các hạn chế, như giảm mức đặt cọc mua nhà và khuyến khích các ngân hàng giảm lãi suất vay thế chấp nhà.

Một số chuyên gia lo ngại rằng một vụ vỡ nợ ở Country Garden có thể dẫn tới ảnh hưởng tồi tệ hơn so với vụ vỡ nợ của Evergrande hồi năm 2021, bởi Country Garden có số lượng dự án lớn hơn nhiều so với Evergrande.

Cả hai “gã khổng lồ” này đều đang đi theo hướng tiến hành những vụ cơ cấu nợ hoặc thanh lý tài sản và giải thể doanh nghiệp lớn nhất từ trước đến nay ở Trung Quốc, buộc nhà chức trách phải tính đến các biện pháp ngăn rủi ro lây lan. Evergrande đang đối mặt một khả năng từng không ai dám nghĩ tới là buộc phải đóng cửa, và phiên toà xét xử vụ kiện này của chủ nợ nhằm vào công ty sẽ khởi động vào ngày 30/10 tới.

Trái phiếu USD của Country Garden đã giảm giá xuống mức khoảng 0,05 USD/1 USD mệnh giá, cho thấy nhà đầu tư kỳ vọng lấy lại được rất ít tiền. Hồi tháng 6, giá trái phiếu của côn gyt này còn ở mức khoảng 0,8 USD/1 USD mệnh giá. Cổ phiếu của Country Garden cũng đã rớt giá 72% trong năm nay.

Tuần trước, Country Garden đã phát tín hiệu không thể trả đầy đủ các khoản nợ đúng hạn. Trong một động thái cho thấy ý định tái cơ cấu nợ trên diện rộng, công ty đã thuê tư vấn để tiến hành rà soát cấu trúc vốn. Hồi tháng 9, Country Garden đã nhận được trái chủ cho gia hạn 9 lô trái phiếu phát hành nội địa với tổng tiền gốc là 14,7 tỷ nhân dân tệ.

Cũng trong tuần trước, truyền thông Trung Quốc nói rằng gia đình sáng lập Country Garden mới đây đã cung cấp cho công ty một khoản vay 300 triệu USD không lãi suất.

“Thật tệ khi Country Garden đối xử với chủ nợ trong nước và ngoài nước khác nhau. Công ty được gia hạn 9 lô trái phiếu nội địa thêm 3 năm để tránh vỡ nợ. Nhưng sau khi vay được 300 triệu USD, công ty chọn cách không trả hơn 15 triệu USD tiền lãi trái phiếu quốc tế và chấp nhận vỡ nợ”, chuyên gia Meng của ANZ nhận định.

Tin cùng chuyên mục