Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
UBND tỉnh Định Định cho biết, việc đấu giá 45 mỏ nhằm phát huy tiềm năng khoáng sản, thu hút đầu tư khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản tại địa phương, tăng nguồn thu ngân sách cho nhà nước; cung ứng kịp thời nhu cầu xây dựng cơ bản, phục vụ thi công các công trình đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và nhu cầu dân sinh trên địa bàn Tỉnh.
Thời gian thực hiện kế hoạch đấu giá trong năm 2023; trường hợp chưa thực hiện đấu giá thành công thì tiếp tục thực hiện việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản trong năm 2024. Dự kiến số tiền thu được khoảng hơn 46 tỷ đồng.
6 mỏ đã có kết quả thăm dò có giá khởi điểm hơn 29 tỷ đồng.
Trong đó, huyện Tuy Phước có mỏ đá làm vật liệu xây dựng thông thường (trữ lượng 7.058.219 m3, giá khởi điểm hơn 26,7 tỷ đồng) và đất san lấp (trữ lượng 746.588 m3, giá khởi điểm 667 triệu đồng) tại xã Phước An rộng 27 ha.
TP. Quy Nhơn có 2 mỏ đất làm vật liệu san lấp tại xã Phước Mỹ có diện tích 6,26 ha (giá khởi điểm hơn 476 triệu đồng) và 16,79 ha (giá khởi điểm hơn 899 triệu đồng), trữ lượng lần lượt 573.757 m3 và 1.018.025 m3.
Ngoài ra, huyện Phù Cát có 2 mỏ đất làm vật liệu san lấp tại xã Cát Hiệp có trữ lượng 146.870 m3 và xã Cát Hanh trữ lượng 113.593 m3; huyện Tây Sơn có 1 mỏ đất làm vật liệu san lấp tại xã Bình Thuận với trữ lượng 162.291 m3.
39 điểm mỏ chưa thăm dò trữ lượng có tổng giá khởi điểm ước tính khoảng hơn 12,8 tỷ đồng. Bao gồm, huyện Tây Sơn có 13 mỏ; huyện Vân Canh 9 mỏ; huyện Phù Cát 4 mỏ; huyện Vĩnh Thạnh 3 mỏ; TP. Quy Nhơn, thị xã An Nhơn, huyện Hoài Ân, An Lão có 2 mỏ; thị xã Hoài Nhơn, huyện Tuy Phước và Phù Mỹ có 1 mỏ.
Một số mỏ đất san lấp chưa thăm dò trữ lượng có diện tích lớn như 2 mỏ đất tại xã Canh Hiển, huyện Vân Canh có diện tích 14,1 ha và 13,58 ha; mỏ đất tại thị trấn Vĩnh Thạnh rộng 9,346 ha; mỏ đất tại xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn rộng 9 ha…