“Tôi nghĩ đây là thập kỷ mất mát nếu xét về giá trị vốn chủ sở hữu”, ông James cho biết khi nhắc đến thuật ngữ thường được dùng để mô tả những năm 1990 khi kinh tế Nhật Bản trì trệ.
Ông James cho rằng, lãi suất - vốn đang thấp - có thể không giảm hơn nữa, thậm chí là tăng dần trong những năm tiếp theo. Lãi suất tăng thường có tác động tiêu cực đến lợi nhuận doanh nghiệp và giá cổ phiếu.
“Ngoài ra, các công ty sẽ phải đối mặt với nhiều sóng gió gây áp lực lên lợi nhuận. Bao gồm thuế cao hơn, chi phí hoạt động tăng, chuỗi cung ứng kém hiệu quả hơn và phi toàn cầu hóa sẽ ảnh hưởng đến năng suất. Do đó, tôi nghĩ tăng trưởng lợi nhuận có thể đáng thất vọng trong dài hạn và lợi nhuận từ cổ phiếu là mờ nhạt trong 5 - 10 năm tới” ông James nhận xét.
Bất chấp ảnh hưởng kinh tế nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19, thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng cao hơn sau khi lao dốc hồi tháng 3.
Ông James lý giải, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đưa lãi suất về gần mức 0 khiến nhà đầu tư không còn nhiều lựa chọn để phân bổ tiền ngoài tài sản rủi ro. “Lãi suất bằng 0 chính là động lực chính của thị trường”, ông James đánh giá.
“Có một sự khao khát về lợi nhuận của nhà đầu tư và giai đoạn hiện tại dòng tiền đứng ngoài thị trường vẫn còn rất nhiều. Họ đang tìm kiếm các khoản đầu tư để thu về lợi nhuận”, ông nói.
Mặc dù điều đó dẫn đến việc các thị trường chứng khoán được “định giá đầy đủ” và “đi trước một chút”, nhưng Fed đã làm điều đúng đắn để ngăn chặn "một cuộc khủng hoảng lớn".