Bloomberg: Áp lực lạm phát toàn cầu gia tăng từ Nga và Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo Bloomberg, việc Nga cắt giảm nguồn cung trong khi nhu cầu tại Trung Quốc hồi phục sẽ khiến thị trường dầu bị bóp nghẹt, gây nguy cơ tạo ra áp lực gia tăng đối với lạm phát.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Hôm 10/2, Điện Kremlin thông báo sẽ giảm sản lượng dầu thêm 5% do các lệnh trừng phạt của phương Tây. Trong khi đó, các đối tác của Nga trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) không có dấu hiệu muốn lấp đầy khoảng trống này.

Cùng lúc đó, tiêu thụ nhiên liệu của Trung Quốc đang tăng lên sau khi nước này xoay trục chính sách Zero Covid. Trung Quốc hiện là nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới. Unipec - công ty kinh doanh dầu mỏ lớn nhất Trung Quốc - đã mua hàng triệu thùng dầu từ Trung Đông, khiến giá mặt hàng này trong khu vực tăng vọt.

"Việc Nga cắt giảm sản lượng và Trung Quốc mở cửa lại đều có thể kéo giá lên cao. Nguồn cung sẽ thắt chặt trong nửa cuối năm. Chúng ta sẽ chứng kiến tồn kho ở mức rất thấp", Gary Ross - Chuyên gia tư vấn dầu mỏ tại Black Gold Investors nhận xét.

Nguồn cung ngày càng hẹp và nhu cầu tăng cao đang hỗ trợ thị trường dầu. Đầu năm nay, tồn kho dầu tăng vọt từng khiến giới phân tích tranh cãi liệu giá có thể sớm trở lại mức 3 con số hay không.

Theo Bloomberg, giá dầu tăng có thể kéo lạm phát lên cao, làm phức tạp thêm nỗ lực của các ngân hàng trung ương trong việc vừa phải kích thích tăng trưởng, vừa kiềm chế cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đang ảnh hưởng đến hàng triệu người trên thế giới.

Lạm phát tại Mỹ năm ngoái là 8%. Các nhà kinh tế học dự báo con số này tăng lên trong quý I/2023. Còn tại Liên minh châu Âu (EU), lạm phát năm 2022 là 8,9%, chủ yếu do khủng hoảng năng lượng sau xung đột Nga - Ukraine.

Nếu các nhà hoạch định chính sách kỳ vọng OPEC+ bù đắp lại khoảng trống sản xuất từ Nga, họ sẽ phải thất vọng. Saudi Arabia và các thành viên OPEC khác không có ý định tăng sản xuất. Họ sẽ giữ sản lượng ổn định trong năm nay, "do nhu cầu còn quá mong manh".

Trong khi đó, nhu cầu của Trung Quốc đang có dấu hiệu tăng tốc nhanh. Các chuyến bay trong nước tăng 80% dịp Tết Nguyên đán sau quyết định bỏ phần lớn chính sách phòng dịch. Lưu lượng xe cộ tại các thành phố lớn nước này tăng gấp 3 kể từ sau nghỉ lễ.

Tất cả yếu tố trên khiến ngân hàng UBS cho rằng, "triển vọng giá dầu rất tích cực". "Nga giảm sản xuất và Trung Quốc mở cửa lại sẽ thắt chặt thị trường dầu thêm nữa trong vài quý tới", Giovanni Staunovo - nhà phân tích tại UBS nhận định.

Tuy nhiên, động thái trên chưa khiến các tổ chức đồng loạt nâng dự báo giá dầu.

Tin cùng chuyên mục