Bloomberg: Foxconn sẽ chuyển một phần sản xuất iPad, MacBook sang Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00

Theo Bloomberg, Foxconn sẽ chuyển một phần hoạt động sản xuất iPad và MacBook từ Trung Quốc sang Việt Nam...

Trong một nhà máy của Foxconn - Ảnh: Bloomberg.
Trong một nhà máy của Foxconn - Ảnh: Bloomberg.

Foxconn Technology Group sẽ chuyển một phần hoạt động sản xuất iPad và MacBook từ Trung Quốc sang Việt Nam - nguồn thạo tin tiết lộ với hãng tin Bloomberg.

Nguồn tin đề nghị không nêu danh tính nói rằng động thái này nhằm mục đích giảm thiểu rủi ro từ khả năng thương chiến Mỹ-Trung có thể tiếp diễn sau khi Tổng thống Donald Trump rời Nhà Trắng.

Foxconn - còn có tên gọi khác là Hon Hai Precision Industry và là hãng gia công hàng điện tử lớn nhất thế giới - đang xây dựng dây chuyền sản xuất máy tính bảng và máy tính xách tay cho Apple tại nhà máy của hãng ở tỉnh Bắc Giang. Các dây chuyền này có thể đi vào hoạt động trong nửa đầu năm 2021, nguồn tin cho hay.

Trước đó, ngày 26/11, tờ báo Nhật Bản Nikkei đưa tin Foxconn đang có kế hoạch mở rộng sản xuất tại Việt Nam với khoản đầu tư khoảng 270 triệu USD. Nikkei cho rằng động thái của công ty Đài Loan là nhằm tận dụng Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vừa được ký kết.

Trong 4 năm cầm quyền vừa qua của ông Trump, nhiều nhà sản xuất đã chuyển hoạt động từ Trung Quốc sang các quốc gia khác như Việt Nam, Mexico và Ấn Độ nhằm tránh bị áp thuế quan lên hàng hóa và cũng để phòng ngừa rủi ro địa chính trị.

Các nhà thầu của Apple đã tăng công suất sản xuất điện thoại iPhone ở Ấn Độ. Nhà sản xuất tai nghe AirPod cho "táo khuyết" cũng đã bổ sung một số dây chuyền lắp ráp ở Việt Nam.

RCEP được Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và 5 đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand ký kết hôm 15/11 nhằm giảm thuế quan và thúc đẩy giao thương thông suốt tại khu vực châu Á.

Dù Trung Quốc tham gia RCEP, những bất ổn xung quanh quan hệ Mỹ-Trung đã khiến nhiều công ty, trong đó có Foxconn, tìm cách đa đạng hóa địa bàn sản xuất. Theo các nhà phân tích, cũng tham gia RCEP, Việt Nam có vị trí địa lý gần với Trung Quốc nên thuận tiện cho hoạt động vận chuyển và có chi phí nhân công rẻ.

Tin cùng chuyên mục