Bộ Giao thông nói gì về chuyển quản lý bằng lái xe sang công an?

0:00 / 0:00
0:00
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa hoàn thiện Dự thảo Luật Giao thông đường bộ gửi các bộ ngành, địa phương lấy ý kiến. Dự thảo mới tiếp tục xây dựng theo hướng tách luật này thành 2 luật độc lập, đồng thời chuyển chức năng quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe sang Bộ Công an.
Hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe được dự kiến chuyển từ Bộ GTVT sang Bộ Công an quản lý.
Hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe được dự kiến chuyển từ Bộ GTVT sang Bộ Công an quản lý.

Theo Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) sửa đổi do Bộ GTVT xây dựng, luật chỉ điều chỉnh các nội dung liên quan tới kết cấu hạ tầng, phương tiện, kinh doanh vận tải và quản lý nhà nước về giao thông đường bộ.

Trong khi đó, các nội dung liên quan tới người điều kiển phương tiện, tổ chức giao thông trên đường, về an toàn giao thông, quy tắc giao thông, quản lý đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe, cấp và thu hồi đăng ký xe... được tách khỏi Luật GTĐB để chuyển thành luật mới là Luật Bảo đảm trật tự an toàn GTĐB, do Bộ Công an xây dựng.

Tại kỳ họp Quốc hội tháng 10/2020, đa số đại biểu không đồng ý tách thành 2 luật, do không đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật về giao thông.

Giải trình về việc tách luật, Bộ GTVT cho rằng, việc xây dựng Luật GTĐB kế thừa và hoàn thiện luật hiện hành, thống nhất quản lý và tránh chồng chéo quản lý giữa hạ tầng và trật tự an toàn giao thông.

Do Luật GTĐB sửa đổi không còn nội dung về quy tắc giao thông và người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, dẫn tới không đồng bộ, chưa hợp lý, Bộ GTVT cho rằng: Sẽ bổ sung các nội dung này vào Dự thảo Luật GTĐB sửa đổi trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền quyết định không tách luật.

Tương tự, nội dung chuyển cơ quan quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe từ Bộ GTVT sang Bộ Công an quản lý. Về nội dung này, tại kỳ họp Quốc hội tháng 10 năm trước, đa số Đại biểu Quốc hội cũng không đồng ý, cần bổ sung đánh giá tác động toàn diện, khách quan, khoa học, tránh cục bộ...

Bộ GTVT cho rằng, việc đánh giá tác động của chuyển quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe sang Bộ Công an quản lý đã được thực hiện tại hồ sơ dự án Luật Bảo đảm trật tự an toàn GTĐB.

Bộ này cũng nêu định hướng, việc xây dựng luật cần kế thừa, phát triển, hoàn thiện những chế định về quản lý, đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe của Luật GTĐB năm 2008; tiếp tục thực hiện phân cấp, phân quyền; xây dựng được cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ, công khai, minh bạch; đảm bảo sự ổn định, kiện toàn về bộ máy và công tác quản lý nhà đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe; tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa công tác đào tạo, sát hạch trên cả nước, cắt giảm điều kiện kinh doanh phù hợp với cơ chế thị trường; đảm bảo tính quốc tế...

Tuy nhiên, góp ý cho Dự luật, một số chuyên gia cho rằng không nên tách luật, vì giao thông đường bộ là tổng thể từ hạ tầng tới tổ chức khai thác, để đảm bảo mục tiêu giao thương an toàn toàn. Nếu tách thành 2 luật, sẽ vừa thiếu quy định trong mỗi luật, lại vừa thừa luật.

“Không nước nào tách luật ra như vậy, luật phải đủ các thành tố, quy định, còn phân cấp, phân quyền thực hiện cho bộ ngành nào do Quốc hội quyết, không cần thiết phải chia tách luật để trao quyền cho mỗi bộ ngành một luật riêng”, chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh (nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam) nêu quan điểm.

Ông Thanh cũng không đồng tình với đề xuất chuyển quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ GTVT sang Bộ Công an. Nếu chuyển quản lý nội dung này cần đánh giá, làm rõ việc Bộ GTVT triển khai đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ năm 1995 tới nay (trước đó do Bộ Công an quản lý) có gì bất cập gì, việc gì chưa được, vi phạm ra sao... Từ đó phải chuyển cơ quan quản lý để hiệu lực, hiệu quả hơn ra sao, tác động thế nào tới người dân, doanh nghiệp, bộ máy...?