Bộ KH&ĐT sẽ tăng cường giám sát, kiểm tra để đảm bảo nguồn vốn đầu tư của Nhà nước được sử dụng hiệu quả. Ảnh: Lê Tiên |
Tinh thần xây dựng luật của Bộ là đẩy mạnh phân cấp, luật sau phân cấp mạnh mẽ, cởi mở hơn luật trước, dù nhiều thủ tục cắt bỏ là tự “lấy đá ghè chân mình”.
Xây dựng luật sau phân cấp mạnh hơn luật trước
Tại cuộc họp báo thường kỳ quý II năm 2019 của Bộ KH&ĐT diễn ra sáng 27/6, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng cho biết, Luật Đầu tư công sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua tiếp tục phân cấp, phân quyền mạnh để giảm bớt quy trình, thủ tục, thời gian, đồng thời tăng tính trách nhiệm, chủ động của bộ, ngành, địa phương. Đáng chú ý nhất là phân cấp triệt để quy trình thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, đưa vấn đề này thành một nội dung của thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, và do các bộ, ngành, địa phương thẩm định trên cơ sở tổng số vốn kế hoạch trung hạn của đơn vị mình được cấp có thẩm quyền phân bổ, trừ chương trình, dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ. Việc điều chỉnh kế hoạch vốn giữa các dự án trong nội bộ bộ, ngành, địa phương cũng do người đứng đầu bộ, ngành, địa phương quyết định trong thẩm quyền và số vốn được giao.
Không riêng Luật Đầu tư công sửa đổi, lãnh đạo Bộ lấy ví dụ về Luật Đấu thầu 2013 phân cấp mạnh hơn Luật Đấu thầu cũ rất nhiều. Nghị định 63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) cũng bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án PPP. “Bộ KH&ĐT chủ động bãi bỏ thủ tục này và tinh thần phân cấp cởi mở sẽ tiếp tục được thể hiện trong Dự thảo Luật PPP đang được Bộ KH&ĐT xây dựng”, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết.
Nhắc lại tinh thần tiến bộ, cải cách của Luật Quy hoạch, lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho biết thêm, hiện Bộ đang xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, cũng bám vào tinh thần cởi mở, hiện đại của Luật Quy hoạch để điều chỉnh nhiều quy định. Tiếp tục phân cấp mạnh, nhiều thủ tục được cắt bỏ, nhiều ngành, lĩnh vực sẽ được bỏ ra ngoài danh mục 243 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. “Bộ KH&ĐT gần như làm việc riêng với từng bộ, ngành để đánh giá từng ngành nghề còn cần thiết nằm trong danh mục này hay không. Quan điểm của Bộ là cố gắng đưa ra ngoài nhiều nhất có thể, tạo môi trường thuận lợi nhất cho nhà đầu tư”, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng chia sẻ.
Thông tin thêm, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương thuộc Bộ KH&ĐT cho biết, ngoài rà soát, đơn giản hóa ở khâu gia nhập thị trường, mục tiêu lớn hơn rất nhiều trong lần sửa đổi Luật Doanh nghiệp này là làm sao doanh nghiệp đã gia nhập thị trường hoạt động ổn định, dài hạn. Trọng tâm là thúc đẩy quản trị doanh nghiệp tốt, bảo vệ nhà đầu tư khi đầu tư tiền vào doanh nghiệp; tạo ra hệ thống pháp luật thể chế nhằm bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, đặc biệt là cổ đông nhỏ, thông qua đó tạo ra thị trường vốn mới thay cho thị trường truyền thống là vay từ ngân hàng và các định chế khác.
Nâng cao vai trò giám sát
Còn nhớ tại cuộc làm việc với Bộ KH&ĐT đầu năm nay, nói về đề xuất bỏ thủ tục thẩm định nguồn vốn, đẩy mạnh phân cấp, giao quyền chủ động nhiều hơn cho bộ, ngành, địa phương khi sửa đổi Luật Đầu tư công, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã đánh giá đây là hành động dũng cảm, dám “lấy đá ghè chân mình”, từ bỏ quyền lợi của Bộ vì lợi ích chung.
Trong bối cảnh phân cấp mạnh, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết, công việc của Bộ KH&ĐT sẽ không kém phần nặng nề. Bộ sẽ tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát, kiểm tra để đảm bảo nguồn vốn đầu tư của Nhà nước được sử dụng hiệu quả.
Thực tế trên nhiều diễn đàn lấy ý kiến cho Luật Đầu tư công sửa đổi thời gian qua, đánh giá cao tinh thần phân cấp mạnh, nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia quốc tế cũng đặt rất cao vai trò của giám sát, đánh giá sau đầu tư. Ngân hàng Thế giới khuyến nghị, vẫn phải chú trọng vai trò “gác cổng”, tổng hợp, quản lý chung, tăng cường hậu kiểm của Bộ KH&ĐT để bảo đảm hiệu quả đầu tư công, tránh đầu tư dàn trải, manh mún. Nhiều ý kiến nhấn mạnh vai trò tham mưu tổng hợp trong quản lý đầu tư công cho Chính phủ của Bộ KH&ĐT cần được phát huy. Nguồn lực của trung ương phải làm sao tập trung đầu tư được cho những công trình lớn, quan trọng, có tính liên kết vùng, tác động lan tỏa.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng nhiều lần nhấn mạnh vai trò của Bộ KH&ĐT không phải là Bộ chia vốn, mà nhiệm vụ quan trọng hơn là tham mưu tổng hợp về kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng thể chế, các mô hình kinh tế mới. Nhiệm vụ này hết sức nặng nề, bởi theo Bộ trưởng, cải cách thể chế không chỉ để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực tế mà phải kiến tạo cơ hội mới, động lực mới cho phát triển.