Bộ trưởng Bộ Công Thương: Phải bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại cuộc họp khẩn về tình hình cung ứng xăng dầu chiều ngày 9/2, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, vì thế cần đảm bảo nguồn cung trong mọi tình huống.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì cuộc họp về tình hình cung ứng xăng dầu chiều ngày 9/2/2022 (Ảnh: MK)
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì cuộc họp về tình hình cung ứng xăng dầu chiều ngày 9/2/2022 (Ảnh: MK)

Xuất hiện một số đơn vị kinh doanh đóng cửa, tạm ngưng hoạt động

Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh diễn biến giá xăng dầu trên thế giới có nhiều biến động, tình hình cung ứng tại thị trường trong nước có dấu hiệu bất ổn. Theo đó, ngay tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo thành lập Đoàn Thanh tra cơ động, tiến hành thanh, kiểm tra các doanh nghiệp (DN) đầu mối, phân phối, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên cả nước.

“Ở thời điểm hiện tại, toàn ngành Công Thương phải xác định, đảm bảo nguồn cung xăng dầu là nhiệm vụ hàng đầu và kiên quyết không để xảy ra thiếu hụt nguồn cung ảnh hưởng đến quá trình phục hồi nền kinh tế”, ông Nguyễn Hồng Diên yêu cầu.

Báo cáo nhanh của các địa phương tại cuộc họp cho thấy, từ ngày 28/1/2022 đến nay, lực lượng quản lý thị trường trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, tại một số địa phương (Đồng Nai, An Giang, Hậu Giang) có phát hiện một số đơn vị kinh doanh đóng cửa, tạm ngưng hoạt động do nhiều nguyên nhân (không có đủ nguồn cung xăng dầu, lượng tiêu thụ xăng dầu của người tiêu dùng tăng cao do nhu cầu đi lại, không có đủ nhân lực để kinh doanh tại các cửa hàng).

Để bảo đảm việc cung ứng xăng dầu cho thị trường được duy trì liên tục, Bộ Công Thương đã có công văn chỉ đạo các doanh nghiệp và Sở Công Thương các địa phương. Bộ cũng đã có Công điện số 517/CĐ-BCT ngày 28/01/2022 về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu, chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường các địa phương và các đơn vị liên quan triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường.

Thông tin tại cuộc họp, ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam cho hay, Hiệp hội có hơn 40 thành viên, chiếm 85% sản lượng lưu thông trong nước. Theo ông Bảo, đến thời điểm này không thiếu nguồn cung xăng dầu, tuy nhiên, mức độ không đồng đều.

“Các đầu mối đều có mạng lưới đảm bảo được nguồn cung. Trong khi đó, có một số thương nhân phân phối gặp khó khăn trong tiếp cận đầu vào. Về tổng thể cân đối đủ.”, ông Bảo thông tin.

Về nguyên nhân khan hiếm nguồn cung xăng dầu những ngày qua ở một số tỉnh, thành phố, theo Lãnh đạo Bộ Công Thương là do nguồn cung xăng dầu thế giới khan hiếm và giá tăng; nhu cầu xăng dầu cho phục phục hồi kinh tế tăng khiến tổng cầu tăng…

Ở Việt Nam, nguồn cung, giá cả cũng không nằm ngoài biến động thế giới. Tuy nhiên, còn bị ảnh hưởng bởi tình trạng đứt gãy nguồn cung do Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đang trong tình trạng khó khăn về tài chính. Bên cạnh đó, có hiện tượng lợi dụng tình hình trên nên găm hàng, chờ nâng giá, trục lợi, gây khủng hoảng.

Một cửa hàng tại An Giang treo bảng hết xăng trong sáng 8/2. Ảnh Internet

Một cửa hàng tại An Giang treo bảng hết xăng trong sáng 8/2. Ảnh Internet

Kế hoạch đảm bảo nguồn cung ra sao?

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước thuộc Bộ Công Thương cho biết, với nhu cầu khoảng 1,8 - 2 triệu m3 xăng dầu các loại/tháng, nguồn cung như trên cơ bản đáp ứng nhu cầu thị trường trong tháng 2/2022. Từ tháng 3, nguồn cung có thể giảm, lượng tồn kho thấp so với các tháng thông thường. Tuy nhiên, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã có kế hoạch sẽ chạy đủ 100% công suất từ 15/3/2022. Hiện, các thương nhân đầu mối cũng đã có kế hoạch nhập khẩu xăng dầu để bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ sản xuất trong nước (nếu Nhà máy lọc dầu Nghị Sơn không bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất như kế hoạch).

Theo lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước, hiện Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) đã có kế hoạch nhập khẩu tăng thêm và dự kiến lượng xăng dầu về cảng Việt Nam ngày 20/2/2022 là 26.000 m3 xăng và 42.000 m3 dầu; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng đã ký kết các hợp đồng nhập khẩu để bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường theo đúng kế hoạch đã đăng ký. Lượng bán xăng dầu ra thị trường của Petrolimex trong tháng vừa qua tăng khoảng 30% so với các tháng thông thường. Ngoài ra, các thương nhân đầu mối xăng dầu khác cũng đang tích cực triển khai việc ký kết, nhập khẩu xăng dầu.

Ông Lê Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) cho biết, tháng 1 vừa qua, nguồn xăng dầu cung cấp từ nhà máy lọc dầu Dung Quất so với cam kết hợp đồng là 18%, cung cấp từ chi nhánh phân phối Nghi Sơn của Tập đoàn vượt 12% so với cam kết...

Ông Hùng nhấn mạnh, trên cơ sở sản xuất kinh doanh, điều hành sản xuất của từng nhà máy, PVN báo cáo, thông tin kịp thời tới Bộ Công Thương và các đối tác, đầu mối lớn như Petrolimex, Saigon Petro để điều phối nguồn cung. Trong đó, PVN chỉ đạo Nhà máy Lọc hóa dầu Bình Sơn duy trì hoạt động vận hành an toàn, ổn định, liên tục, đồng thời tăng công suất lên 103%, ngày 7/2 là 105% và dự kiến nâng công suất tối đa là 108%.

Tập đoàn chỉ đạo PVOil tăng công suất tối đa pha chế từ nguồn; xây dựng kế hoạch nhập 70.000 m3 xăng dầu. Dự kiến, ngày 22/2 tới đây, lượng xăng dầu này sẽ về đến Việt Nam.

Đối với Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Tập đoàn chỉ đạo và yêu cầu đơn vị tìm mọi giải pháp khắc phục khó khăn, duy trì, sản xuất kinh doanh. Mặt khác, thời gian tới, Tập đoàn tiếp tục chỉ đạo Nhà máy Lọc hoá dầu Dung Quất vận hành công suất tối đa có thể.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các đơn vị tập trung thực hiện hàng loạt giải pháp đảm bảo nguồn cung xăng dầu.

Trước hết, các địa phương, cơ quan quản lý nhà nước, DN kinh doanh xăng dầu tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và tinh thần chỉ đạo của Bộ Công Thương tại Công điện 517 ngày 28/1/2022 yêu cầu các DN, cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn cam kết chấp hành nghiêm chính sách điều hành; niêm yết, bán đúng giá; công khai nguồn cung.

Đối với các DN đầu mối, thương nhân phân phối, Bộ trưởng yêu cầu phải lên kế hoạch nhập khẩu bảo đảm nguồn cung trong mọi tình huống.

Cục Công Thương địa phương chủ trì, phối hợp với Quản lý thị trường các tỉnh tiến hành tổng kiểm tra rà soát các DN, cơ sở bán lẻ trên địa bàn và yêu cầu cam kết chấp hành nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng.

Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường các địa phương chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan chức năng cùng cấp tiến hành kiểm tra thường xuyên, đột suất với tần suất 1 - 2 ngày/lần để kịp thời phát hiện xử lý sai phạm.

Cùng với đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN chỉ đạo PVN tiến hành đàm phán với các bên liên quan trong liên doanh Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn để đảm bảo nguồn cung như đã cam kết; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền thông tin thị trường...

Tin cùng chuyên mục