Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Đã triệt để phân cấp, phân quyền về đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - "Thủ tục đầu tư công đến nay đã phân cấp phân quyền triệt để, giao hết quyền cho bộ, ngành, địa phương từ lựa chọn, lập dự án, chuẩn bị dự án, giải ngân, giải phóng mặt bằng, đấu thầu,…", Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định lại, khi giải trình trước Quốc hội tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội ngày 1/6/2023.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: quochoi.vn

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ tổng hợp, giám sát

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và cơ quan trung ương chỉ làm công tác tổng hợp, giám sát. Vốn kế hoạch được giao số tổng về cho địa phương, địa phương phân chia chi tiết cho từng dự án.

"Quan điểm của Chính phủ là phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo hướng Trung ương tập trung quản lý những vấn đề lớn, chiến lược, quy hoạch, cơ chế... còn địa phương thực hiện và chịu trách nhiệm", Bộ trưởng cho biết.

Về một số thủ tục đại biểu Quốc hội đề xuất phân cấp như chuyển đổi đất lúa, đất rừng, đánh giá tác động môi trường, tách giải phóng mặt bằng, giao vốn chương trình mục tiêu quốc gia, giao địa phương làm cơ quan chủ quản đầu tư, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Chính phủ sẽ chỉ đạo nghiên cứu theo 2 hướng là những gì thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì sẽ phân cấp ngay cho địa phương, những vấn đề gì thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì sẽ nghiên cứu và báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội xem xét…

Tiếp tục có chính sách mạnh hơn, kịp thời hơn hỗ trợ doanh nghiệp

Về tình hình kinh tế - xã hội, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong bối cảnh khó khăn, kết quả đạt được là tích cực, được cộng đồng quốc tế ghi nhận đánh giá cao, nhân dân ủng hộ, đồng tình. Từ cuối năm 2022 và các tháng đầu năm 2023, tình hình khó khăn nhiều hơn, đã nhận diện được và có nhiều phản ứng chính sách ứng phó. Tuy nhiên, năng lực chống chịu, ứng phó với biến động bên ngoài còn hạn chế khi độ mở nền kinh tế rất cao. Tác động của Covid-19 để lại khiến năng lực của doanh nghiệp bị bào mòn đáng kể, chịu tác động bởi nhiều yếu tố mới, khó khăn càng khó khăn hơn... Cùng với đó, tình trạng một bộ phận cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám quyết định gây trì trệ giải quyết công việc cũng tạo ra khó khăn cho phát triển kinh tế.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ rõ, khó khăn trong thời gian tới rất lớn, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp. Chi phí đầu vào, các chi phí tuân thủ pháp luật, chi phí gia nhập thị trường hiện vẫn còn cao. Các khó khăn của doanh nghiệp đều ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề lao động, việc làm, thu nhập, đời sống của người lao động.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đây là những vấn đề mà Chính phủ đặc biệt quan tâm, trong thời gian qua cũng đã có rất nhiều chính sách để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân như giảm lãi suất cho vay, điều kiện vay, giảm thuế, phí, lệ phí, xúc tiến mở rộng thị trường. Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu để chỉ đạo, có những biện pháp, chính sách mạnh hơn, kịp thời hơn và hiệu quả hơn hỗ trợ ngay cho doanh nghiệp và người lao động để hỗ trợ cho nền kinh tế.

Về vấn đề quy hoạch, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, các vấn đề vướng mắc trong công tác quy hoạch cơ bản được giải quyết và đến nay không còn những ách tắc về thể chế. "Vấn đề bây giờ là tập trung vào để lập, thẩm định và phê duyệt. Trong tổng số 111 quy hoạch, hiện nay đã hoàn thành thẩm định được 65 quy hoạch và đang triển khai là 30 quy hoạch nữa. Phấn đấu và theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là trong năm 2023 sẽ hoàn thành 5 quy hoạch vùng còn lại và tất cả các quy hoạch của địa phương sẽ được lập, thẩm định và phê duyệt", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Cùng với đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Chính phủ cũng đang tiếp tục thực hiện những vấn đề dài hạn như rà soát các quy định pháp luật, đẩy nhanh việc cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; cải thiện, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả, có sức cạnh tranh; các công trình hạ tầng chiến lược quy mô lớn, chương trình phục hồi, 3 chương trình mục tiêu quốc gia; phát triển thị trường trong nước, thu hút đầu tư nước ngoài; chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn; nâng cao các dịch vụ giáo dục và y tế...

Tin cùng chuyên mục