Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Tổ chức thực hiện ở địa phương rất quan trọng để đẩy giải ngân đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Vốn ngân sách nhà nước chủ yếu do địa phương quản lý, vấn đề tổ chức thực hiện ở địa phương là rất quan trọng để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Thực tế, trong cùng một thể chế, nhiều địa phương có cách làm hay, giải ngân tốt, nhiều địa phương giải ngân thấp, cho thấy vai trò của tổ chức thực hiện.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thông tin thêm về một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội 2022, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2023 chiều ngày 28/10/2022.

Trong 2 ngày thảo luận (27 - 28/10/2022), nhiều đại biểu Quốc hội thể hiện sự quan tâm rất lớn đến tiến độ giải ngân đầu tư công, cho rằng đây là vấn đề đã được nói đến nhiều lần tại nhiều kỳ họp Quốc hội, Chính phủ cũng đã có nhiều chỉ đạo, giải pháp… nhưng vẫn chậm.

Theo Bộ trưởng, giải ngân đầu tư công luôn luôn là nội dung quan trọng then chốt thúc đẩy phục hồi, tăng trưởng kinh tế. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, văn bản, tổ chức nhiều đoàn công tác… quyết liệt đôn đốc triển khai. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng tuy có thấp hơn gần 1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, nhưng về giá trị tuyệt đối cao hơn khoảng 40.000 tỷ đồng.

Bộ trưởng chia sẻ, năm 2022 có 3 đặc thù ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân. Đó là năm đầu thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 nên mất nhiều thời gian thực hiện thủ tục các dự án mới; giá xăng dầu, vật liệu xây dựng tăng cao; tổng nguồn vốn kế hoạch đầu tư công 2022 lớn hơn.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt để thúc đẩy giải ngân nguồn vốn này trong thời gian tới. Cùng với hoàn thiện thể chế, sửa đổi Luật Đất đai, Luật Đấu thầu…, Bộ trưởng kỳ vọng sự vào cuộc của địa phương để tổ chức thực hiện hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, mong muốn các đại biểu Quốc hội tăng cường giám sát tại địa phương từ khâu lựa chọn dự án, chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng, lựa chọn nhà thầu, thực hiện dự án…

Về nguồn vốn từ Chương trình phục hồi, Bộ trưởng cho biết có quy mô lớn, lần đầu tiên thực hiện, nên thời gian qua tập trung ban hành nhiều văn bản, chính sách quản lý để sử dụng hiệu quả nguồn vốn, đồng thời thực hiện các công tác chuẩn bị thủ tục đầu tư. Đến nay, cơ bản hoàn thành các chính sách, thủ tục đối với dự án, thời gian tới tiếp tục đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn từ Chương trình.

Không phải trả giá đắt để phục hồi kinh tế

Thông tin thêm về tình hình kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ, kế hoạch năm 2022 xây dựng trong bối cảnh nhiều vấn đề mà cả thế giới cũng như Việt Nam chưa lường hết được. "Năm nay có nhiều điểm đặc biệt, đó là tình hình thế giới biến động rất nhanh, rất khó lường vượt xa các dự báo, nhiều vấn đề chưa có tiền lệ đặc biệt là lãi suất và lạm phát tăng rất cao, dẫn đến khả năng suy thoái kinh tế... Nội tại nền kinh tế cũng còn nhiều điểm hạn chế, tuy có cải thiện nhưng chưa đáp ứng yêu cầu đề ra", Bộ trưởng cho biết.

Mặc dù vậy, kết quả phát triển kinh tế - xã hội đạt được theo đánh giá của các đại biểu Quốc hội là rất phấn khởi. Kết quả đạt được do sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, hiệu quả của các cấp, các ngành đã duy trì được sản xuất, không bị đứt gãy chuỗi cung ứng… giúp nền kinh tế sớm chuyển sang trạng thái phục hồi, phát triển kinh tế với chi phí hợp lý. Quan trọng hơn, Việt Nam không phải trả giá đắt, mất nhiều thời gian để khôi phục lại nền kinh tế sau đại dịch, sau đó mới phục hồi, tăng trưởng.

Bộ trưởng cũng thẳng thắn nhận định còn tồn tại, hạn chế cần tập trung giải quyết như chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, chính sách điều hành xăng dầu, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, giải ngân vốn đầu tư công, liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước,… Những vấn đề trung hạn như tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, hoàn thiện thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh, chính sách đất đai để huy động nguồn lực cho phát triển… cũng cần có chuyển biến.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao các ý kiến của đại biểu Quốc hội đóng góp cho Chính phủ để làm sao vượt qua khó khăn trong năm 2023 giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng… Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục phối hợp theo dõi sát tình hình thực tiễn, nghiên cứu, đề xuất, tham mưu kịp thời giải pháp điều hành.

Đối với chỉ tiêu tăng năng suất lao động - chỉ tiêu duy nhất không đạt mục tiêu đề ra của năm 2022, Bộ trưởng cho biết, do nhiều nguyên nhân và Bộ đang xây dựng Chương trình quốc gia về tăng năng suất để tiếp tục có giải pháp cải thiện tốt hơn vấn đề này.