Bộ trưởng Tài chính Mỹ xác nhận không áp thuế ôtô nhập khẩu của EU

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin ngày 26/7 đã xác nhận rằng Mỹ sẽ không đánh thuế nhằm vào ôtô của Liên minh châu Âu trong các cuộc đàm phán giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trả lời câu hỏi của hãng tin CNBC về việc liệu Mỹ có ngừng đe dọa áp thuế đối với ôtô nhập khẩu từ EU, ông Mnuchin cho biết điều này là đúng.

Ông Mnuchin đưa ra tuyên bố trên sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đã đạt được “bước đột phá” quan trọng trong việc "tháo ngòi nổ" cho cuộc chiến thương mại giữa hai bờ Đại Tây Dương, bùng phát từ vệc Tổng thống Trump áp thuế đối với nhôm, thép nhập khẩu.

Theo tuyên bố được đưa ra sau cuộc gặp ngày 25/7, hai bên nhất trí phối hợp để tăng cường thương mại trong các lĩnh vực dịch vụ, hóa chất, dược phẩm, sản phẩm y tế và đậu tương.

Theo đó, EU sẽ bắt đầu mua đậu tương từ Mỹ.

Ngoài ra, Tổng thống Mỹ khẳng định hai bên sẽ giải quyết vấn đề liên quan đến thuế nhôm, thép và các biện pháp trả đũa song phương hiện nay.

Chủ tịch EC cũng thông báo hai bên đã xác định một số lĩnh vực hợp tác hướng tới không áp thuế đối với hàng hóa công nghiệp.

Hai bên cũng nhất trí củng cố hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, trong đó EU sẽ nhập khẩu thêm khí đốt hóa lỏng từ Mỹ.

Ngoài ra, Mỹ và EU cũng nhất trí đối thoại về các tiêu chuẩn.

Cùng ngày, Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi cho biết cuộc đàm phán giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch EC Juncker nhằm giảm bớt căng thẳng thương mại là "tín hiệu tốt" mặc dù vẫn còn quá sớm để có thể đánh giá kết quả của cuộc gặp này.

Phát biểu với phóng viên tại Frankfurt, Đức, ông Draghi cho rằng vẫn còn quá sớm để có thể đánh giá kết quả thực sự của cuộc đàm phán, đồng thời cảnh báo rằng mối đe dọa của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch vẫn là nguy cơ hiện hữu ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Ông Draghi đã nhiều lần cảnh báo rằng chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch gia tăng trên thế giới có thể ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu của khu vực đồng euro, cũng như gây phương hại cho nền kinh tế khu vực này vào thời điểm ECB đang chuẩn bị chấm dứt một chương trình kích thích kinh tế thời khủng hoảng./.

Tin cùng chuyên mục