'Bội thực' phố đi bộ ở Hà Nội?

0:00 / 0:00
0:00
Đồng loạt các quận huyện đề xuất mở cửa không gian đi bộ như: Phố đi bộ quanh hồ Thiền Quang (quận Hai Bà Trưng); hồ Ngọc Khánh, hồ Trúc Bạch (quận Ba Đình); Phố đi bộ thị xã Sơn Tây; Phố đi bộ Khu đô thị mới Nam đường Vành đai 3 (quận Hoàng Mai và huyện Thanh Trì)...
Phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm thu hút người dân và du khách
Phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm thu hút người dân và du khách

Quận Hoàn Kiếm là địa phương đầu tiên của Hà Nội và là một trong những nơi đi đầu cả nước về xây dựng các không gian đi bộ, tạo cơ hội cho người dân và du khách có thêm điểm vui chơi về đêm.

Chỉ sau vài năm mở cửa, không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm đã trở thành thương hiệu của du lịch Hà Nội. Những ngày cao điểm, không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm thu hút hàng vạn người dân và du khách tới tham quan.

Tới đây, vào dịp 30/4 và 1/5 không gian phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây sẽ chính thức đi vào hoạt động. Và tuyến phố đi bộ xung quanh hào Thành cổ Sơn Tây là không gian đi bộ thứ 4 của Hà Nội được hình thành, sau không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, không gian đi bộ khu Phố cổ Hà Nội (Hàng Đào - Đồng Xuân, khu bảo tồn cấp 1 Phố cổ Hà Nội, khu vực mở rộng phía Nam khu Phố cổ Hà Nội) và không gian đi bộ phố Trịnh Công Sơn.

Cùng với đó, hàng loạt khu phố đi bộ khác cũng đang được đề xuất đi vào hoạt động, như phố đi bộ quanh hồ Ngọc Khánh, hồ Trúc Bạch (quận Ba Đình); Phố đi bộ Khu đô thị mới Nam đường Vành đai 3 (quận Hoàng Mai và huyện Thanh Trì); Phố đi bộ quanh hồ Thiền Quang (quận Hai Bà Trưng)...

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú (nguyên Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội) cho rằng, Hà Nội đang có xu hướng “đi bộ hóa” các tuyến đường. Nhưng việc tạo các phố đi bộ tràn lan sẽ không phát huy hiệu quả. Điều quan trọng là phải tận dụng các giá trị văn hóa - kinh tế - không gian của đô thị hiện hữu. “Thực tế phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm đã thực sự hoàn thiện chưa, tôi cho là chưa. Do đó cần tập trung hoàn thiện những điểm xung quanh phố đi bộ Hoàn Kiếm. Có đúc rút kinh nghiệm, hoàn thiện để phát triển chứ không phải đâu đâu cũng mở phố đi bộ theo phong trào”, ông Phú nhận định.

Theo chuyên gia quy hoạch Vương Thùy Dương, ở Việt Nam có 2 mô hình thành công là phố đi bộ Hồ Gươm (Hà Nội) và phố đi bộ Nguyễn Huệ (TPHCM). “Sự thành công của không gian công cộng nằm ở việc lắng nghe nhu cầu của người dân và thiết kế phù hợp với nó. Cá nhân tôi cho rằng để phát huy tiềm năng du lịch của Thủ đô Hà Nội, điều chúng ta nên quan tâm không phải số lượng phố đi bộ hình thành, mà là chất lượng kết nối không gian và tạo ra giá trị của các tuyến phố đó”, bà Dương nhận định.