“Bóng ma” chiến tranh thương mại kéo chứng khoán Mỹ giảm mạnh

Nguy cơ bùng nổ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung một lần nữa khiến giới đầu tư ở Phố Wall “đứng ngồi không yên”...
Một nhà giao dịch chứng khoán trên sàn NYSE ở New York, Mỹ ngày 6/4 - Ảnh: Reuters.
Một nhà giao dịch chứng khoán trên sàn NYSE ở New York, Mỹ ngày 6/4 - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trên 2% trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, với chỉ số Dow Jones mất hơn 570 điểm, khi lời đe dọa mới nhất của Tổng thống Donald Trump về áp thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc làm dấy lên những lo ngại về nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Theo tin từ Reuters, các chỉ số chứng khoán ở Phố Wall đã mở cửa ngày giao dịch trong trạng thái giảm, và đến buổi chiều, thị trường càng chìm sâu hơn trong sắc đỏ sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell nói rằng FED có thể phải duy trì việc nâng lãi suất để giữ lạm phát trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, ông Powell nói còn quá sớm để biết liệu căng thẳng thương mại gia tăng với Trung Quốc có tác động xấu đến kinh tế Mỹ hay không.

Kể từ khi ông Trump dựng hàng rào thuế quan đối với nhôm và thép nhập khẩu cách đây hơn 1 tháng, nỗi lo về một cuộc chiến tranh thương mại đã khiến đầu tư chứng khoán ở Mỹ nói riêng và trên toàn cầu nói chung "đứng ngồi không yên". Thị trường lo ngại những biện pháp bảo hộ như vậy sẽ kéo tụt tăng trưởng kinh tế thế giới.

"Thị trường đang phản ứng với nỗi lo về chính sách thương mại của chính quyền Trump. Các nhà đầu tư đang hoang mang, không biết mọi chuyện rồi sẽ lắng xuống hay trở thành một vấn đề nghiêm trọng hơn", ông Rick Meckler, Chủ tịch công ty đầu tư Liberty View Capital Management, đánh giá.

Ông Meckler và một số chuyên gia khác cho rằng các nhà đầu tư có vẻ như đã bán cổ phiếu để giảm mức độ rủi ro trước khi bước vào kỳ nghỉ cuối tuần.

"Nếu thị trường giảm điểm, thì sự giảm điểm thường mạnh hơn vào ngày thứ Sáu. Các nhà đầu tư không muốn ôm rủi ro đến ngày thứ Hai, bởi có thể sẽ có chuyện gì đó xảy ra vào cuối tuần", ông Meckler phát biểu.

Hôm thứ Năm, sau khi thị trường đã đóng cửa, Tổng thống Trump dọa sẽ áp thuế thêm 100 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Bắc Kinh tuyên bố sẵn sàng đáp trả động thái này của Mỹ bằng "một đòn mạnh mẽ".

Giảm mạnh nhất trong phiên ngày thứ Sáu chính là cổ phiếu những công ty Mỹ có khả năng chịu ảnh hưởng lớn từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung. Trong đó, cổ phiếu hãng sản xuất máy bay Boeing giảm 3,1%, dẫn đầu sự giảm điểm của Dow Jones. Nhóm cổ phiếu công nghiệp thuộc chỉ số S&P 500 giảm 2,7%, mạnh nhất trong số các nhóm cổ phiếu ngành thuộc chỉ số này.

Cổ phiếu các nhà sản xuất thiết bị bán dẫn, vốn là những công ty phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc khoảng 1/4 doanh thu, cũng giảm mạnh. Trong đó, chỉ số giá cổ phiếu thiết bị bán dẫn Philadelphia giảm 3,1%.

Lúc đóng cửa, Dow Jones giảm 2,34%, còn 23.932,76 điểm. S&P 500 giảm 2,19%, còn 2.604,47 điểm. Chỉ số Nasdaq sụt 2,28%, còn 6.915,11 điểm.

"Bóng ma" chiến tranh thương mại tiếp tục gây áp lực giảm lên thị trường, dù các quan chức chính quyền Trump tìm cách xoa dịu nỗi lo. Ông Larry Kudlow, cố vấn kinh tế cấp cao nhất của ông Trump, nói trong nhiều cuộc trả lời phỏng vấn rằng các cuộc thảo luận về thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang diễn ra.

Trao đổi với kênh CNBC, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói ông lạc quan thận trọng về việc Mỹ sẽ đạt một thỏa thuận với Trung Quốc về thương mại.

Trong phiên, S&P 500 có lúc giảm dưới ngưỡng trung bình của 200 ngày, một ngưỡng hỗ trợ then chốt. Mức điểm đóng cửa của chỉ số này chỉ nhỉnh hơn chút ít so với trung bình 200 ngày.

Trong một bài phát biểu về triển vọng kinh tế Mỹ tại Chicago, Chủ tịch FED Powell cũng nói thị trường lao động Mỹ có vẻ sắp đạt tới mức việc làm cao nhất. Đây là bài phát biểu đầu tiên của ông Powell về triển vọng kinh tế Mỹ kể từ khi ông trở thành người đứng đầu FED vào hôm 5/2.

Trước khi thị trường mở cửa, Bộ Lao động Mỹ công bố thống kê cho thấy trong tháng 3, số việc làm mới được tạo ra trong khu vực phi nông nghiệp của Mỹ đạt 103.000 công việc, mức thấp hơn dự báo. Mức lương theo giờ của người lao động tăng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng vẫn thấp hơn mức 3% mà giới phân tích cho là cần thiết để nâng tốc độ lạm phát của Mỹ đạt mục tiêu 2% mà FED đề ra.

Tính chung cả tuần, S&P 500 giảm 1,4%, Dow Jones mất 0,7%, và Nasdaq giảm 2,1%. Ngoài hai phiên giảm mạnh vào ngày thứ Hai và thứ Sáu, chứng khoán Mỹ đã có 3 phiên tăng liên tiếp vào giữa tuần.

Cổ phiếu Facebook giảm giá 1,3% phiên này. Quốc hội Mỹ hiện đang cân nhắc một dự luật yêu cầu các mạng xã hội phải công bố danh tính của cá nhân, tổ chức mua quảng cáo chính trị, đồng thời siết chặt quy trình thẩm định đối với khách hàng mua các quảng cáo có nội dung "vấn đề".

Trên sàn NYSE, cứ 1 cổ phiếu tăng giá thì có gần 3,8 cổ phiếu giảm giá trong phiên ngày thứ Sáu. Trên sàn Nasdaq, số cổ phiếu giảm giá nhiều gấp gần 3,6 lần số cổ phiếu giảm.

Giới giao dịch ở Phố Wall chuyển nhượng tổng cộng khoảng 7,2 tỷ cổ phiếu trong phiên này, so với mức bình quân 7,3 tỷ cổ phiếu của 20 ngày giao dịch gần nhất - theo dữ liệu của Reuters.

Tin cùng chuyên mục